(VietNamNet) - Có lẽ khi nhất trí kết nạp Myanmar vào năm 1997, các nhà Lãnh đạo Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), dù đã lường trước phần nào những trục trặc sẽ xảy đến trong quan hệ với các nước đối thoại, nhất là Mỹ và phương Tây, cũng không nghĩ rằng có lúc Hiệp hội sẽ rơi vào tình cảnh khó xử như hiện nay.
Số là theo thứ tự trong ASEAN, Myanmar sẽ đảm nhiệm cương vị Chủ tịch ASEAN giai đoạn 2006-2007, đồng nghĩa với việc nước này sẽ chủ trì các Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN, giữa ASEAN với các bên đối tác và Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) vào giữa năm 2007.
Ngoại trưởng các nước ASEAN và 3 nước Nhật, Trung Quốc, Hàn Quốc họp tại Kyoto hôm 6/5. |
Với Mỹ và phương Tây, những nước luôn đi đầu trong chỉ trích Myanmar về dân chủ, nhân quyền, việc cử Ngoại trưởng đến Yangon trong hoàn cảnh hiện tại là khó có thể tưởng tượng được, chứ chưa nói đến dự họp dưới sự chủ tọa của Myanmar.
Cho nên từ rất sớm, các nước này đã nói bóng gió về khả năng tẩy chay Hội nghị nếu được tổ chức tại Yangon, hoặc nếu có đi thì chỉ ở cấp rất thấp. Nếu thực sự điều này xảy ra, kết quả đạt được tại các Hội nghị sẽ rất hạn chế, thậm chí có nguy cơ đổ vỡ, hợp tác giữa ASEAN và các nước này sẽ bị ảnh hưởng. Hình ảnh, uy tín của ASEAN trong khu vực sẽ sút giảm. Lo ngại trước viễn cảnh này, trong nội bộ ASEAN cũng xuất hiện một số ý kiến khác nhau về việc Myanmar có nên đảm nhiệm cương vị Chủ tịch ASEAN hay không.
Song ASEAN cũng hiểu rõ rằng nếu Myanmar phải từ bỏ cương vị Chủ tịch do sức ép của Mỹ và Phương Tây, điều này sẽ tạo tiền lệ xấu cho ASEAN. Hợp tác giữa ASEAN và các bên đối thoại có nguy cơ bị lợi dụng, trở thành con bài để bên ngoài gây sức ép, can thiệp vào công việc nội bộ của Hiệp hội.
Tuy nhiên, xét những diễn biến gần đây thì dường như vấn đề thực sự lại không nằm ở phía Myanmar. Để xoa dịu các quan ngại trong ASEAN, Ngoại trưởng Myanmar đã nói rõ sẽ không để vấn đề nước mình làm Chủ tịch ảnh hưởng đến lợi ích chung của Hiệp hội. Trên thực tế, đảm nhiệm chức Chủ tịch ASEAN đồng nghĩa với việc nhận lấy một khối lượng công việc đồ sộ, cùng gánh nặng lớn về tài chính, vật lực và cơ sở vật chất. Đây là yếu tố cần suy xét kỹ với một nước kinh tế có khó khăn như Myanmar.
Ngoài ra, Myanmar cũng hiểu rõ khó có thể đảm bảo sự tham gia đầy đủ và ở cấp cao của các nước tại các Hội nghị được tổ chức tại Yangon nếu như không có những nhân nhượng lớn về dân chủ, nhân quyền. Điều này sẽ mang lại những tác động không tốt đến lộ trình hòa giải dân tộc mà Myanmar đang triển khai. Xem ra Myanmar đã có câu trả lời, chỉ còn chờ dịp thích hợp để công bố.
Nhìn từ một góc độ khác, còn rất nhiều việc ASEAN cần phải làm, chừng nào uy tín chính trị của Hiệp hội còn đứng trước nguy cơ trở thành “con tin” trong bất đồng giữa bên ngoài với một nước thành viên của Hiệp hội, và các bên đối thoại còn tiếp tục đặt điều kiện cho hợp tác giữa họ với ASEAN, dùng đó làm công cụ gây sức ép và can thiệp vào nội bộ khu vực.
ASEAN cần tăng cường hơn nữa đoàn kết, gắn kết chính trị giữa các nước, nâng cao vị thế của Hiệp hội với một tiếng nói chung mạnh mẽ, có trọng lượng trong các vấn đề khu vực, tiến tới các vấn đề trong khu vực do khu vực tự giải quyết.
ASEAN cũng cần nỗ lực hơn nữa nhằm gia tăng sự sống động và tính hiệu quả của các cơ chế đối thoại và hợp tác với bên ngoài, tạo ra những mối lợi ích ràng buộc, đan xen lẫn nhau, làm cho các bên đối thoại thấy được lợi ích thực chất khi tham gia các cơ chế, đồng thời hiểu rõ những bất lợi nếu phải đứng ngoài những chuyển động của khu vực, từ đó có cách cư xử đúng mực hơn với Hiệp hội.
Đó mới thực sự là bài toán ASEAN cần giải quyết.
-
T.H