(VietNamNet) - Sự phát triển của ASEAN “cần đến Trung Quốc”, Bộ trưởng Thương mại Thái Lan Thanong Bidaya đã tuyên bố như vậy tại Hội nghị Doanh nghiệp châu Á hôm 11/06 tại Bangkok.
Nếu cách đây một vài năm, nhiều người sẽ cho rằng tuyên bố này hầu như chỉ mang tính ngoại giao, bởi lúc đó trong khu vực đang dấy lên quan ngại về một Trung Quốc (TQ) trỗi dậy sẽ đè bẹp những ngành sản xuất trong khu vực và Đông Nam Á sẽ tràn ngập trong dòng lũ hàng hóa giá rẻ “Made in China”. Song tại thời điểm hiện nay, tuyên bố này hoàn toàn phản ánh thực tế.
TQ đang nổi lên như một trong những đối tác thương mại lớn nhất của ASEAN. Năm 2004, tổng kim ngạch thương mại hai chiều giữa hai bên đạt 105,8 tỷ USD và nếu mức tăng trưởng này cứ tiếp tục, chả mấy chốc TQ sẽ vượt Mỹ để trở thành đối tác thương mại lớn nhất của ASEAN.
Nền kinh tế trị giá 1,65 nghìn tỷ USD với tốc độ tăng trưởng hàng năm liên tục ở mức hai chữ số tiếp tục hứa hẹn những tiềm năng khổng lồ cho các nước ASEAN, nhất là khi Khu vực mậu dịch tự do (FTA) giữa hai bên được hoàn tất vào năm 2010.
Bên cạnh trao đổi thương mại, Trung Quốc đang nổi lên như một trong những đối tác đầu tư quan trọng của khu vực, nhất là với những nước giàu tài nguyên khoáng sản. Thời gian gần đây, người ta thường thấy sự có mặt của đại diện những công ty khai khoáng lớn trong đoàn tháp tùng Lãnh đạo TQ đi thăm các nước Đông Nam Á, mang theo những hợp đồng trị giá hàng trăm triệu USD.
Đầu tư của TQ vào Đông Nam Á cũng gia tăng một phần do các doanh nghiệp TQ muốn tận dụng địa vị thương mại của một số nước ASEAN để tránh các rào cản thương mại do Mỹ và phương Tây dựng nên chống lại hàng hóa xuất xứ từ TQ.
Từ góc độ chính trị-an ninh, nói gì thì nói, riêng việc đất nước hơn 1 tỷ dân này ổn định, phát triển thịnh vượng và chủ trương chung sống hòa bình với các nước khác đã là một đóng góp to lớn cho hòa bình, ổn định trong khu vực. Bên cạnh đó, việc ASEAN lôi kéo được TQ tham gia tích cực vào các cơ chế hợp tác khu vực đã giúp nâng cao uy tín của Hiệp hội, tạo thuận lợi cho Hiệp hội trong hợp tác với các đối tác khác.
Có thể coi TQ, với đề xuất lập FTA giữa ASEAN và TQ đưa ra năm 2001, là một trong những đối tác khởi xướng “phong trào” lập FTA ở khu vực, trong đó ASEAN ở vị trí trung tâm.
Trong một mối quan hệ ngày càng trở nên gắn kết và tùy thuộc lẫn nhau, sự phát triển của ASEAN cần đến TQ và sự phát triển của TQ cũng khó có thể suôn sẻ nếu thiếu sự hợp tác của ASEAN.
Với dân số trên 500 triệu, kinh tế phát triển năng động, cùng với sự gần gũi về truyền thống văn hóa, địa lý, ASEAN luôn là một thị trường tiềm năng cho hàng hóa TQ. Đông Nam Á cũng đang trở thành một trong những nguồn chủ yếu cung cấp nhiều loại nguyên liệu thô cho TQ.
Ngoài ra, việc tìm kiếm các tuyến đường thông thương ra biển ngắn nhất cho các địa phương sâu trong nội địa qua các nước ASEAN sẽ tạo thuận lợi cho Bắc Kinh trong công cuộc phát triển vùng đất hiện vẫn còn đứng ngoài sự tăng trưởng của đất nước.
Về mặt chính trị, Bắc Kinh khó có thể tìm được dẫn chứng nào cho thuyết “trỗi dậy hòa bình” tốt hơn là sự phát triển của ASEAN với đóng góp của TQ. Ngoài ra, nếu tạo dựng một môi trường xung quanh hòa bình, ổn định luôn có tầm quan trọng chiến lược với sự phát triển của TQ, thì việc xác lập và duy trì những khuôn khổ hợp tác ổn định, lâu dài với các nước Đông Nam Á có ý nghĩa to lớn.
Nhìn từ một góc độ khác, trong khi Washington đang ngày càng lo ngại về “mối đe dọa TQ”, việc tạo lập được quan hệ hợp tác tốt, tin cậy với các nước ASEAN sẽ giúp ngăn ngừa những toan tính thiết lập vành đai ngăn chặn TQ từ phía Nam.
Đồng thời, thông qua sự tham gia và đóng góp tích cực vào các cơ chế hợp tác khu vực, TQ sẽ có điều kiện xây dựng những khuôn khổ hợp tác riêng, với những quy tắc ứng xử riêng phù hợp với đặc điểm văn hóa-xã hội khu vực, qua đó phần nào hạn chế sự can thiệp của bên ngoài.
Bên cạnh những cơ hội to lớn, sự phát triển của TQ cũng đặt ASEAN trước những thách thức không nhỏ. TQ vẫn là một đối thủ cạnh tranh hùng mạnh của ASEAN trong xuất khẩu và thu hút FDI. Nhiều ngành sản xuất của ASEAN đang gặp nhiều khó khăn trước làn sóng hàng hóa giá rẻ Trung Quốc. Đó đây trong khu vực vẫn có những nghi ngại về khả năng trong một tương lai không xa, TQ sẽ chiếm vị trí siêu cường độc tôn trong khu vực, trong khi những tranh chấp biên giới, lãnh thổ giữa nước này và một số nước ASEAN vẫn chưa được giải quyết.
Trên thực tế, sự trỗi dậy của TQ tất yếu sẽ tạo ra cơ hội kèm theo thách thức cho các nước. Sẽ là phiến diện nếu chỉ nhìn thấy cơ hội hoặc thách thức trong quan hệ giữa hai bên. ASEAN cần TQ và TQ cũng cần ASEAN. Vấn đề ở đây là làm sao tận dụng được cơ hội và vượt qua thách thức, cạnh tranh để cùng phát triển chứ không phải để triệt tiêu lẫn nhau.
Với ý nghĩa đó, việc hai bên cùng tạo dựng và duy trì một mối quan hệ chính trị gắn kết, sự tin cậy lẫn nhau hoàn toàn và đầy đủ sẽ góp phần quan trọng vào củng cố nền tảng cho sự hợp tác lâu dài, cùng có lợi giữa hai bên.
-
T.H