Chẳng có gì ngạc nhiên khi mối quan hệ song phương quan trọng nhất thế giới rất dễ bị tổn thương trước những biến động thường kỳ và sự bất ổn định chính là triệu chứng của một vấn đề sâu hơn và rất cơ bản: thiếu một định nghĩa rõ ràng về bản chất của mối quan hệ.
Tổng thống Mỹ Bush và nguyên Chủ tịch TQ Giang Trạch Dân. |
Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Robert Zoellick hôm nay 1/8 tới Bắc Kinh tham gia đối thoại cấp cao Mỹ - Trung với người đồng nhiệm Đới Bỉnh Quốc và các quan chức cấp cao thuộc Uỷ ban nhà nước về Cải cách và Phát triển. Đây là lần đầu tiên cuộc đối thoại giữa hai nước đề cập tới hàng loạt vấn đề rộng lớn như chính trị, an ninh và kinh tế.
Cuộc gặp diễn ra trong bối cảnh cả Washington và Bắc Kinh cần phải tái đánh giá và xác định rõ bản chất của mối quan hệ Trung - Mỹ. Ngay cả khi hai nước cảm thấy cần thiết phải hợp tác với nhau trong nhiều lĩnh vực, song vẫn tỏ ra nghi ngờ ở một số vấn đề cụ thể.
Kể từ cuộc khủng bố 11/9/2001, Trung Quốc và Mỹ đã hợp tác chặt chẽ để tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, phối hợp chống khủng bố toàn cầu và tăng cường hoà bình và ổn định trong khu vực. Cựu Ngoại trưởng Mỹ Colin Powell từng miêu tả, mối quan hệ Trung - Mỹ đang ở thời điểm tốt nhất trong 30 năm qua. Và sự đánh giá này được giới lãnh đạo Trung Quốc hoàn toàn đồng ý.
Tuy nhiên, trong vòng vài tháng qua, mối quan hệ song phương giữa hai nước xuất hiện rạn nứt. Do chính sách duy trì tỷ giá đồng nhân dân tệ thấp nhằm tạo lợi thế thương mại của Trung Quốc, Mỹ đã phải gánh chịu thâm hụt thương mại khổng lồ với quốc gia đông dân nhất thế giới này, đồng thời người Mỹ cũng mất nhiều công ăn việc làm.
Các quan chức tình báo và quốc phòng Mỹ cũng đã ''rung chuông báo động'' và đặt câu hỏi trước việc chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc. Bản báo cáo về sức mạnh quân sự Trung Quốc của Lầu Năm Góc cho thấy, tham vọng của Bắc Kinh là chiếm được tầm ảnh hưởng vượt qua eo biển Đài Loan. Và, Quốc hội Mỹ coi động thái Công ty khai thác dầu khí biển của Trung Quốc mua hãng Unocal là một ''mối đe doạ tiềm năng'' đối với an ninh năng lượng Mỹ.
Về phần mình, Bắc Kinh cũng tỏ ra quan ngại với cái gọi là ''Chính sách bao vây'' của Mỹ đối với Trung Quốc. Trong khi Washington công khai cam kết tạo lập một mối quan hệ hợp tác, xây dựng và thẳng thắn với Trung Quốc, thì đồng thời nước này vẫn không ngừng tăng cường liên minh quân sự với Nhật Bản, nâng cao hợp tác quốc phòng với Đài Loan, tạo sức ép Đài Bắc phải mua vũ khí của Mỹ, đồng thời phản đối Liên minh châu Âu (EU) dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí kéo dài trong suốt 16 năm qua đối với Trung Quốc.
Những dấu hiệu đáng lo ngại trên, một số phản ánh lối suy nghĩ của các nhân vật tân bảo thủ ở Mỹ, một số bắt nguồn từ yếu tố nội tại của tình hình chính trị Mỹ, vô hình chung đã đẩy cao hơn nữa chủ nghĩa dân tộc ở Trung Quốc. Những ''mặt trái'' đó không những đặt mối quan hệ Trung - Mỹ dưới một sức ép lớn mà còn gây ra những mối đe doạ nghiêm trọng tới an ninh khu vực nói riêng và toàn cầu nói chung.
Chẳng có gì ngặc nhiên khi mối quan hệ song phương quan trọng nhất thế giới rất dễ bị tổn thương trước những biến động thường kỳ và sự bất ổn định chính là triệu chứng của một vấn đề sâu hơn và rất cơ bản: thiếu một định nghĩa rõ ràng về bản chất của mối quan hệ.
Cuộc đối thoại Trung - Mỹ lần này cần bắt đầu bằng việc giải quyết vấn đề quan trọng nói trên. Tổng thống Mỹ George W Bush gần đây xác định mối quan hệ này là phức tạp. Trung Quốc là một cường quốc đang nổi. Nền kinh tế phát triển thần kỳ, ảnh hưởng chính trị và quân sự ngày càng gia tăng. Nhiều người sợ rằng, Trung Quốc có thể đang theo đường hướng của Đức hoặc Nhật trong những năm 30 của thế kỷ trước. Như vậy, một sự thay đổi cán cân quyền lực sẽ gây bất ổn đối với hệ thống quốc tế.
Tuy nhiên, Đức trước đây muốn thay đổi vị thế bởi nước này ''oán'' những hạn chế của Hiệp ước Paris năm 1919. Trong khi đó, Nhật Bản phát động tấn công quân sự để chiếm lấy những nguồn lực mà nước này sợ có thể bị từ chối. Nhưng trái lại, trong quá trình phát triển hoà bình suốt 20 năm qua, Trung Quốc đã hội nhập thành công vào hệ thống kinh tế và chính trị quốc tế.
Không ai nghi ngờ, lịch sử bao giờ cũng hữu ích để gắn ý nghĩa cho cái hiện tại và tiên liệu về tương lai. Tuy nhiên, lịch sử không phải là số mệnh. Trung Quốc không cần phải ''copy'' sách lịch sử của các cường quốc khác trong quá khứ.
Như vậy, hiểu được định hướng cơ bản của Trung Quốc sẽ là điểm khởi đầu xác định mối quan hệ Trung - Mỹ và đó chính là cái mà cuộc đối thoại cấp cao làn này cần hoàn thành. Không ai phủ nhận, Bắc Kinh và Washington đều có mối quan tâm và ưu tiên riêng. Nhưng, mối quan hệ bình thường dựa trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau, trao đổi ý kiến thẳng thắn sẽ giúp hai bên hiểu nhau hơn, tránh được những mâu thuẫn, góp phần duy trì ổn định khu vực và quốc tế.
-
Trần Kiên - (Theo Atimes)