221
1601
Bình luận quốc tế
binhluan
/thegioi/binhluan/
762852
Lời giải nào cho cuộc khủng hoảng hạt nhân?
1
Article
445
Quốc tế
thegioi
/thegioi/
Lời giải nào cho cuộc khủng hoảng hạt nhân?
,

(VietNamNet) - Diễn tiến mới của cuộc khủng hoảng hạt nhân Iran đã khiến nhiều chuyên gia chính trị thế giới dự đoán về một kịch bản tồi tệ nhất: đối đầu quân sự có thể xảy ra. Vậy giải pháp ngoại giao liệu có còn chỗ đứng? Đâu là lời giải khả dĩ cho bài toán hóc búa này. Phân tích của GS Trần Thanh Minh.

Soạn: AM 698647 gửi đến 996 để nhận ảnh này

Một nước cờ chiếu tướng

Suốt tuần qua, cuộc đối đầu về vấn đề hạt nhân Iran đã thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận thế giới.

Đầu tuần, các nước hùng mạnh nhất, gồm 5 thành viên thường trực của Hội Đồng Bảo An (Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung quốc) với Đức đã thông qua một bản tuyên bố đề nghị Tổ chức Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) đưa vấn đề hạt nhân của Iran ra trước Hội Đồng Bảo An (HĐBA) của Liên hiệp quốc (LHQ).

Cuối tuần, Ban điều hành IAEA thuộc LHQ gồm 35 nước, cũng thông qua một bản dự thảo của EU3 (Anh, Pháp, Đức) trình vấn đề hạt nhân Iran lên cơ quan cao nhất của LHQ là HĐBA. Điều này có nghĩa con đường đi đến trừng phạt quốc tế, chí ít là một lệnh cấm vận kinh tế, về sự cứng đầu của Iran đã hé mở.

Vậy là, sau hơn hai năm lẩn tránh khôn khéo, khi cương lúc nhu, giờ đây Iran phải đối diện với những quyết định cứng rắn và mạnh mẽ nhất từ trước tới giờ về chương trình phát triển hạt nhân, cụ thể là hoạt động làm giàu Uran của mình. Nói một cách hình ảnh, trên bàn cờ địa chính trị Trung Đông, Cộng hoà Hồi giáo Iran đang đứng trước một thế cờ bị chiếu tướng.

Nhưng điều này chưa có nghĩa là cuộc xung đột về Iran đã đi đến hồi kết, một trong những bài toán hóc búa nhất, đau đầu nhất trên bàn cờ chính trị năm 2005 đã có lời giải với kết cục kẻ thắng người thua cách biệt. Vì vẫn còn đó khoảng cách quá lớn về vị thế của mỗi phía trong bàn cờ, còn đó những toan tính phức tạp, có khi đối chọi nhau giữa các thành viên trong cuộc chơi.

Người nhạc trưởng và những tham vọng lớn

Thế giới, đặc biệt là Iran, biết rất rõ ai đứng đằng sau, ai thúc đẩy bản tuyên bố của hội nghị 5+1 ở London và bản dự thảo nghị quyết của EU-3 (Anh, Pháp Đức) tại Vienna, trong tuần qua. Không ai khác, chính người nhạc trưởng tận bên kia đại dương đã khua chiếc đũa dài vạn dặm đưa bản hợp xướng chống Iran lên cao trào hiện nay.

Tehran cũng không mơ hồ về những ham muốn của Washington. Chi phối được nguồn dầu hoả đứng hàng thứ 4 thế giới hay áp đặt thành công một thể chế chính trị như họ muốn ở giữa lòng Trung Đông Hồi giáo? Có lẽ cả hai. Màu vàng óng ánh dầu hoả và màu da cam “dân chủ” lấp lánh hoà quyện nhau càng làm tăng thêm độ hấp dẫn với Washington, nhưng cũng tăng thêm sự dị ứng và sức đề kháng của Tehran. Đã 25 năm nay, kể từ cuộc Cách mạng Hồi giáo 1979 lật đổ chế độ quân chủ thân Mỹ, Tehran trở thành chiếc gai nhọn trước mắt Washington. Không hề úp mở, người cầm đầu Nhà Trắng công khai liệt Iran vào trục ma quỷ.

Sự kiện làm giàu Uran nhằm tới sở hữu vũ khí nguyên tử của Iran làm nhiều quốc gia lo ngại sâu sắc, Mỹ và đồng minh đặc biệt Israen phản ứng quyết liệt. Đó là giọt nước tràn ly. Nói cho cùng, không có lý do đó, những toan tính sâu xa của Mỹ đối với nước Iran cũng không thay đổi. Bài học Iraq vẫn còn nóng hổi. “Vũ khí giết người hàng loạt” chỉ là cái cớ. Khi nguyên cớ đó không còn đứng vững, bom đạn và binh lính vẫn đổ xuống đất nước Iraq khốn khổ.

Chính phủ Mỹ thủ sẵn những kiểu đòn, những nước cờ với Iran, từ dằn mặt, răn đe đến sẵn sàng chơi sát ván bằng sắt thép. Từ lâu nay, những bước đi đầu tiên đã lần lượt tung ra: cắt đứt quan hệ ngoại giao và đơn phương thực hiện cấm vận Iran, cấm các công ty trong nước hợp tác và giúp đỡ Iran trong ngành công nghiệp dầu khí. Lúc này chắc hẳn Washington đang tính đến những nước cờ quyết định nhất.

Vỏ quýt dày có móng tay nhọn

Trước thế cờ bị chiếu tướng, các nhà lãnh đạo Iran liên tiếp đưa ra những tuyên bố cứng rắn: ngừng thực thi Hiệp ước NPT (không phổ biến vũ khí hạt nhân) bổ sung, có nghĩa là các hoạt động của các thanh tra viên của IAEA ở Iran sẽ bị cấm và phục hồi tất cả các hoạt động hạt nhân mà họ “tự nguyện” dừng lại trước đây, sẵn sàng triển khai làm giàu nguyên liệu Uran có khả năng dùng chế tạo bom nguyên tử trên quy mô lớn.

Tất nhiên, họ cũng đủ già giặn, vẫn tiếp tục đưa ra những lời tuyên bố, lặp đi lặp lại tựa như “tua” một cuộn băng ghi âm. Rằng chương trình năng lượng nguyên tử của Iran chỉ nhằm mục đích hoà bình, là quyền hợp pháp của một nước giàu trữ lượng Uran. Rằng việc phát triển công nghệ làm giàu Uran cũng chỉ để chủ động trong khâu nguyên liệu của nhà máy điện nguyên tử nước nhẹ mà họ đã và sẽ xây.

Nhưng vấn đề là ở chỗ nhạy cảm của công nghệ làm giàu Uran. Như đã biết, trong quặng Uran tự nhiên có hai thành phần đồng vị. U-238 chiếm hàm lượng áp đảo với 99,7%. Còn đồng vị U-235 quá ư nghèo, chỉ chiếm 0,3% (tức 3 phần ngàn). Điều oái oăm là U-235 hiếm nhưng quý, và chỉ các hạt nhân này mới là nhiên liệu tạo nên phản ứng hạt nhân được dùng để phát nhiệt trong nhà máy điện nguyên tử (NMĐNT), đồng thời cũng có thể dùng làm “thuốc nổ” của bom nguyên tử. Làm giàu Uran được hiểu là chế tạo (nhờ máy quay ly tâm) loại nhiên liệu có hàm lượng U-235 cao. Nhiên liệu U-235 được dùng trong hai mục đích trên chỉ khác nhau ở độ giàu: độ giàu thấp trên dưới 10% trong NMĐNT, và độ giàu cao trên 90% trong bom nguyên tử.

Có trong tay công nghệ, tức máy ly tâm, việc chế tạo nhiên liệu hàm lượng bao nhiêu chỉ còn là ý định của chủ nhân các máy đó. Như vậy, giữa sử dụng dân sự hay quân sự, giữa mục đích hoà bình hay chiến tranh của chương trình làm giàu Uran, là một ranh giới mong manh.

Độ nhạy cảm đó tăng lên trong trường hợp cụ thể của Iran. Về mặt pháp lý quốc tế thông thường, chẳng ai phủ nhận quyền hạn ấy của họ, không ai ngăn cấm việc sử dụng năng lượng nguyên tử như là một giải pháp tiết kiệm nguồn dự trữ nhiên liệu truyền thống ngày càng cạn kiệt trên trái đất.

Nhưng phương Tây không chấp nhận quyền hạn ấy của Iran với lý do nước này đã giấu kín chương trình hạt nhân “mờ ám” suốt 18 năm qua, ám chỉ cuộc gặp gỡ bí mật năm 1987 giữa các quan chức Iran và một số trợ lý của cha đẻ bom nguyên tử Pakistan, Abdul Qadeer Khan, với việc Tehran nhận được toàn bộ kỹ thuật chế tạo bom nguyên tử của Khan.

Phương Tây còn đưa ra không ít bằng chứng phụ hoạ cho sự nghi ngờ về tham vọng hạt nhân, tham vọng có trong tay bom nguyên tử của Iran. Họ chứng minh: Những bức ảnh vệ tinh cho thấy Iran mở rộng nhanh các nhà máy làm giàu Uran ở Natanz. Hoặc “các hình ảnh chụp chứng tỏ Iran lặp lại mỗi mỗi bước đi mà Pakistan đã làm trong chương trình chế tạo bom nguyên tử của mình”. Ngay công nghệ sản xuất tên lửa mang đầu đạn hạt nhân giữa hai quốc gia này cũng được cho là rất giống nhau. Thậm chí, người ta còn e ngại, biết đâu, Iran đã và đang tận dụng triệt đễ cơ hội vàng “vừa đánh vừa đàm”, đến một ngày nào đó, bất ngờ tung ra một vài quả bom nguyên tử đầu tiên mang nhãn mác Ả rập. Lúc đó quốc tế sẽ bị đặt trước một sự đã rồi, một hệ luỵ đầy phức tạp.

Điều e ngại đó là hiểu được nếu nhìn vào tình thế của Iran hiện nay. Thực vậy, đường lối cứng rắn của Washington và mối đe doạ bởi tiềm lực hạt nhân “bí ẩn” của Tel-Aviv khiến tham vọng hạt nhân của Tehran, giờ đây sôi sục hơn bao giờ hết. Đối với Tehran đó là phương sách “vỏ quýt dày” và “ngón tay nhọn”. Theo lô gích đó, hy vọng Iran tự nguyện từ bỏ tham vọng về vũ khí nguyên tử chỉ là trong mơ. Thậm chí những áp lực cứng rắn nhất hiện nay chắc gì khuất phục được họ, chúng chỉ có thể làm họ trì hoãn, nhưng khó có thể ngăn chặn họ trong lâu dài, một khi bầu không khí chính trị đầy thù nghịch trên thế giới không đổi thay.

Dĩ nhiên, Iran không thể nhắm mắt làm ngơ trước mọi hậu quả của trừng phạt quốc tế. Không có biện pháp trừng phạt nào đối với họ là nhẹ nhàng cả. Riêng việc bao vây kinh tế cũng đủ gây hậu quả nặng nề nhất, Iran sẽ không xuất được dầu, ngành kinh tế chiếm 80% tổng kim ngạch xuất khẩu bị lao đao, nạn thất nghiệp đang ở con số 14% sẽ tăng vụt và hậu quả là sự rối rắm xảy ra ngay trong nội bộ đất nước Iran.

Rõ ràng, Iran phải tính hết các nước cờ tiến và thoái, trước mắt là làm sao thoát ra khỏi nước cờ bị chiếu tướng hiện nay.

Đồng sàng dị mộng

Có thể nói vậy về mối quan hệ trong nhóm cường quốc 5+1 đang tạo sức ép lên chính sách hạt nhân của Iran.

Trong đó, các chính phủ Anh, Pháp, Đức là đồng minh gần gũi nhất với chính phủ Mỹ trong sự kiện Iran. Nhưng họ khác Mỹ về sự mềm dẽo trong phương cách tiếp cận và giải quyết vấn đề tranh chấp. Họ đã tốn nhiều công sức, trong hai năm nay, thương thuyết để Iran ngừng chương trình làm giàu Uran và để các thanh sát viên của IAEA tiếp cận những cơ sở hạt nhân nhạy cảm của Iran. Nói một cách công bằng, họ đã thu được những thành công, đã có những đóng góp nhất định cho việc làm chùng bớt sự căng thẳng tình hình.

Dĩ nhiên, các hoạt động này của nhóm nước EU-3 xuất phát từ quyền lợi thiết thân của mình. Hơn ai hết, họ thuộc những nước ngốn nhiều dầu hoả nhất của Trung Đông, trong đó có Iran. Họ cần hơn ai hết một nền hoà bình, ổn định ở vùng rốn dầu hoả của thế giới. Họ thiên về sử dụng con đường ngoại giao để giải quyết cơn khủng hoảng. Do vậy, giữa nhóm EU-3 và Mỹ vừa có sự đồng nhất, vừa có sự khác biệt trong quyền lợi và cách giải quyết khủng hoảng Iran.

Sự khác biệt ấy còn đậm hơn đối với hai thành viên thường trực khác của HĐBA, Nga và Trung quốc. Dù các đại diện ngoại giao của hai nước này giải thích cách này cách khác, các nhà quan sát cũng nhìn thấy sự thay đổi bất ngờ vào phút chót trong lập trường của họ và sự miễn cưỡng, trong tuần trước, khi đặt bút ký vào tuyên bố 5+1 ở London và giơ tay tán thành một nghị quyết của IAEA ở Viên trình vấn đề hạt nhân của Iran lên HĐBA.

Bắc Kinh có quan hệ chặt chẽ với Iran về nguồn cung cấp nhiên liệu. Theo hợp đồng hàng tỉ đôla ký ba năm trước, Iran cung cấp đến 13% lượng dầu tiêu thụ của Trung quốc và con số đó sẽ còn tăng. Vì vậy, thật dễ hiểu tại sao Trung quốc luôn chủ trương con đường đối thoại về vấn đề Iran, muốn tránh việc áp đặt những biện pháp mạnh cho quốc gia đối tác gần gũi của mình. Nhưng là nước lớn, là uỷ viên thường trực HĐBA, họ cũng muốn chứng tỏ vai trò, trách nhiệm và tính khả tín trên vũ đài quốc tế. Chính vì muốn vẹn cả đôi đường, họ đã và đang lâm vào tình trạng khó xử.

Moscow cũng ở trong tình trạng gần tương tự, dù ở một cấp độ khác. Giữa Nga và Iran có những thoả thuận giá trị hàng chục tỉ đôla để xây dựng cho Iran một số NMĐNT. Nga là nước đề xuất sáng kiến nổi tiếng cho cuộc khủng hoảng - làm giàu Uran “hộ” Iran ở trong nước Nga. Đề xuất đó được Mỹ, Trung quốc và nhiều nước khác hoan nghênh.

Rõ ràng, trong hàng ngũ các cường quốc có vai trò quyết định đến số phận của Iran, đến chương trình phát triển hạt nhân của nước này, chứa đựng những nhân tố thống nhất và mâu thuẫn hoà quyện và đan xen nhau, trong tham vọng và quyền lợi, trong phương cách giải quyết. Chính vì lẽ đó, sự phát triển tình hình sẽ có những tình huống bất ngờ, bài toán khủng hoảng hạt nhân Iran còn chứa nhiều thông số bất định và không có lời giải nào cho cuộc khủng hoảng là duy nhất.

Đâu là lời giải khả dĩ?

Trong trường hợp tất cả các phương sách giải quyết ngoại giao vấn đề hạt nhân Iran thất bại, một nghị quyết trừng phạt của HĐBA, tiếp đó thực hiện cấm vận kinh tế Iran một cách toàn diện xem ra là phương sách cần phải được tính đến. Những nước chấp nhận cách giải quyết nó muốn tránh cho thế giới một cuộc chiến tàn khốc với nhiều hệ luỵ, đồng thời có thể ngăn chặn được ý đồ hạt nhân nhiều tham vọng của Iran.

Nhưng biện pháp đó chắc gì đủ làm cho Iran tức thời sụp đổ và từ bỏ tham vọng. Hơn nữa, theo các nhà phân tích, sự trừng phạt đó đồng thời cũng cắt đứt nguồn cung cấp nhiên liệu từ cường quốc dầu hoả thứ tư thế giới này, dẫn đến giá dầu trên thị trường thế giới có thể nhảy lên mức kỷ lục 100 USD/thùng. Và chính những nước “ngốn dầu” như Mỹ, đặc biệt là Anh, Pháp, Đức, Trung quốc sẽ là nạn nhân đầu tiên.

Vậy phương án cứng rắn nhất - quân sự? Đã có những dự đoán về khả năng đó, thậm chí có người còn phỏng đoán cả thời điểm xảy ra vào cuối tháng 3 sắp tới! Người cầm đầu Lầu Năm Góc cũng vừa lên tiếng: “Tất cả các chọn lọc, bao gồm cả biện pháp quân sự, đang đặt lên bàn”.

Dĩ nhiên, trong một cuộc chiến như vậy, tương quan sức mạnh quân sự sẽ rất chênh lệch về phía bất lợi cho Tehran. Nhưng một quyết định đem quân tấn công Iran lúc này chắc sẽ khó hội tụ cao sự đồng tình của các thành viên của HĐBA vì nhiều lý do khác nhau.

Quyền lợi của nhiều nước bị ảnh hưởng nặng nề. Tình hình Irac hiện nay đang là một nỗi ám ảnh cho bất kỳ một đoàn quân chiếm đóng nào. Một mặt trận mở ra vào thời điểm này có thể làm “rối tung” thêm một Trung Đông, một Tây Nam á đang rất rối rắm và như đổ thêm dầu vào một thế giới Hồi giáo đang sôi sục hận thù, đồng thời là đòn thách đố sự chịu đựng của người dân Mỹ và các nước đồng minh của họ để chấp nhận một lò lửa Iraq và Afghanistan mới.

Xem ra con đường ngoại giao, hay phương án hoà giải và hợp tác để giải quyết cuộc khủng hoảng Iran, và, nói chung, các cuộc xung đột khác trên thế giới, là phù hợp hơn cả với nguyện vọng của mọi dân tộc.

Hầu hết đại diện chính thức của các nước liên quan hoặc đóng vai trò tích cực giải quyết sự kiện hạt nhân của Irac đều còn tin vào giải pháp ngoại giao. Các nhân vật có trách nhiệm của hai quốc gia đối đầu quyết liệt nhất, Mỹ và Iran, đều cho rằng: cánh cửa ngoại giao vẫn còn để mở.

Cả Nga và Iran đều sẵn sàng cho cuộc họp lần thứ hai về sáng kiền làm giàu Uran cho Iran trên đất Nga, vào ngày 16/2/2006 sắp tới. Các phía liên quan và đối địch còn hơn một tháng nữa để điều chỉnh và thương thảo, trước khi IAEA hoàn thành sự đánh giá tình hình và triển vọng vấn đề hạt nhân của Iran để xem xét khả năng trình lên Liên Hiệp Quốc.

Điều mấu chốt là hai phía cùng nhân nhượng, cùng tôn trọng nhau và tôn trọng các luật lệ quốc tế, cùng tỏ rõ thiện chí. Lẽ nào nền an ninh của nước Cộng hoà Hồi giáo Iran không thể không được bảo đảm bằng văn bản bởi quốc tế, trước hết là Mỹ? Lẽ nào mối lo ngại đối với ý đồ của Iran trong cộng đồng thế giới không thể không được giải toả bằng sự chấp nhận của Iran đối với đề xuất của Nga về địa điểm làm giàu Uran?

Con đường ngoại giao có lẽ là hợp thời và khả dĩ được chọn lựa nhất, ít nhất là trong thời điểm hiện nay. Người xưa đã nói: trong ba mươi sáu chước, chước hoà là hơn.

  • GS. Trần Thanh Minh

TIN LIÊN QUAN:
Putin: "Iran không có ý định sản xuất vũ khí hạt nhân"
Mỹ có thể tấn công Iran vì vấn đề hạt nhân
Mỹ tin chắc Iran theo đuổi chương trình vũ khí hạt nhân
LHQ điều tra quan hệ hạt nhân Iran - Pakistan
Iran khởi động lại chương trình hạt nhân
Iran sẽ trả đũa nếu bị tấn công
Iran không từ bỏ công nghệ hạt nhân
G8 dùng chính sách ''gậy và cà rốt'' với Iran
Iran khởi động chương trình làm giàu uranium
Iran ngăn cản IAEA thanh sát cơ sở hạt nhân
Iran xây thêm lò phản ứng hạt nhân

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,