221
1601
Bình luận quốc tế
binhluan
/thegioi/binhluan/
769921
Gió đổi chiều
1
Article
445
Quốc tế
thegioi
/thegioi/
Gió đổi chiều
,

Hôm nay, Tổng thống Mỹ George Bush sẽ thăm chính thức Ấn Độ. Với người Ấn, chuyến thăm này là dấu hiệu cho thấy họ được công nhận là một cường quốc đang nổi trên toàn cầu. Còn với Mỹ, chuyến thăm có thể khởi đầu mối quan hệ liên minh chiến lược, mở cánh cửa tiếp cận với một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới.

Soạn: AM 716949 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Ông Bush và phu nhân bắt đầu chuyến thăm Ấn Độ.

Trọng tâm của chuyến thăm lần này dự kiến sẽ là thoả thuận chia sẻ công nghệ hạt nhân dân sự của Mỹ với Ấn Độ, chỉ 8 năm sau khi Mỹ kêu gọi áp dụng lệnh trừng phạt quốc tế vì Ấn Độ thử quả bom hạt nhân đầu tiên.

Ngoài cuộc gặp thượng đỉnh với Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh, Tổng thống Bush sẽ gặp các lãnh đạo doanh nghiệp Ấn Độ. Đây là một dấu hiệu cho thấy sự biến chuyển trong thái độ của Mỹ - coi Ấn Độ là một nền kinh tế mà họ không thể bỏ qua. Nó hoàn toàn trái ngược với thái độ bàng quan của Washington trước đây khi liên tục trong 20 năm liền, không một nhà lãnh đạo Mỹ nào tới thăm Ấn Độ.

Giờ đây tất cả đã thay đổi không hoàn toàn do Ấn Độ thử quả bom hạt nhân đầu tiên năm 1998, mà bởi sự bùng nổ của nền kinh tế Ấn. Ngày nay, tốc độ tăng trưởng hàng năm của Ấn đang ở mức 8% và chính phủ Ấn đang muốn tăng con số ấy lên 10%. Một số chuyên gia kinh tế dự báo rằng đến năm 2032, Ấn Độ có thể trở thành nền kinh tế lớn thứ 3 trên thế giới.

Song tất cả những dẫn chứng trên chưa đủ để giải thích sự "quan tâm đột xuất" của ông Bush với Ấn Độ. Còn có một nguyên nhân nữa - đó là nhân tố Trung Quốc.

Nằm về phía bắc Ấn Độ, Trung Quốc đang phát triển với tốc độ chóng mặt, thậm chí còn nhanh hơn cả quốc gia láng giềng. Điều này làm tăng mối quan ngại của Washington rằng trong vòng vài thập kỷ tới, Trung Quốc có thể trở thành đối thủ toàn cầu của Mỹ. Đồng thời, Washington cũng cho rằng New Delhi sẽ trở thành một đối trọng của Trung Quốc ở phía nam, một "công cụ hữu hiệu" giúp Mỹ phát huy trò chơi cân bằng trong khu vực. 

Ngoài ra, xét theo một khía cạnh nào đó, sự "hấp dẫn" của Ấn Độ đối với Mỹ còn mang tính ý thức hệ nhất là khi đây là một nền dân chủ đông dân nhất thế giới. Ấn Độ cũng là nước phi Hồi giáo nằm giữa vòng cung Hồi giáo trải dài từ Trung Đông sang Nam Á.

"Hãy xem những quốc gia trọng yếu này, đâu là nước cùng chung những lợi ích quốc gia sống còn với Mỹ? Có lẽ Ấn Độ sẽ dẫn đầu danh sách", đó là nhận định của cựu Đại sứ Mỹ tại Ấn Độ Robert Blackwill.

Song nhiều khả năng, Ấn Độ sẽ không "hoan nghênh" sự chuyển hướng chính sách của Mỹ nhiệt tình như Nhà Trắng mong đợi, ít nhất là dựa vào những dấu hiệu cho tới thời điểm này.

Các phương tiện thông tin đại chúng đưa tin đồng minh thuộc liên minh cánh tả của Thủ tướng Singh đang có kế hoạch biểu tình phản đối chuyến thăm của ông chủ Nhà Trắng. Bài phát biểu dự kiến của ông Bush thay vì được đọc tại Nghị viện Ấn Độ, nơi Tổng thống Clinton từng phát biểu trong chuyến thăm hồi năm 2000, đã phải chuyển địa điểm sang một trong những pháo đài lịch sử tại New Delhi sau khi các nghị sĩ đe doạ sẽ chất vấn ông.

Không chỉ trong hàng ngũ quan chức, mà ngay cả người dân Ấn Độ cũng không mấy hoan nghênh chuyến thăm của người lãnh đạo Nhà Trắng vì họ không thích chính sách đối ngoại của ông. Theo một cuộc thăm dò do tuần san Outlook của Ấn Độ tiến hành, 72% số người Ấn được hỏi tin rằng Mỹ là một nước hay uy hiếp.

Đặc biệt, thoả thuận chia sẻ công nghệ hạt nhân dự kiến là trọng tâm của chuyến thăm lần này vẫn chưa có dấu hiệu được hoàn tất. Và cho tới tận ngày hôm qua, người ta vẫn còn hoài nghi không biết bất đồng có được giải quyết kịp lúc hay không.

Theo những điều kiện để ký thoả thuận, người Mỹ yêu cầu Ấn độ phải tách biệt rõ ràng hơn giữa các chương trình hạt nhân quân sự và dân sự. Nhưng người Ấn thì đang phản đối một vài điểm liên quan tới chi tiết này vì nó đụng chạm tới vấn đề chủ quyền quốc gia. Thậm chí mới đây, Giám đốc chương trình hạt nhân của Ấn Độ còn công khai phản đối thoả thuận với Mỹ trong bài phỏng vấn đăng trên trang nhất một tờ báo Ấn Độ khiến Thủ tướng Singh rất không hài lòng.

Vậy là mặc dù về mặt lợi ích chiến lược, Mỹ và Ấn Độ cần nhau, nhưng xem ra, để đạt được tiếng nói chung trong mọi vấn đề, nhất là công nghệ hạt nhân, hai bên vẫn cần thời gian để cân nhắc. Ít nhất, nếu không giải quyết được vấn đề trọng tâm, thì chuyến thăm lần này của ông Bush cũng mang ý nghĩa ngoại giao tích cực, khẳng định bước chuyển chính sách rõ rệt đối với người "khổng lồ" Nam Á, qua đó phát đi thông điệp cảnh báo với người láng giềng của Ấn Độ ở phương Bắc về sự hiện diện và vai trò "không thể loại bỏ" của Mỹ tại khu vực này.

  • Đức Minh - (Tổng hợp)

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,