Bất chấp những dấu hiệu leo thang căng thẳng, tất cả các bên đều mong muốn một giải pháp ngoại giao. Nhưng, đó thực sự là một thách thức lớn.
Bộ trưởng Nội vụ Iran Mostafa Pour-Mohammadi phát biểu trong cuộc mít tinh ủng hộ chương trình hạt nhân của đất nước. |
Trước tiên, tình trạng bế tắc về chương trình hạt nhân Iran có vẻ như một cuộc khủng hoảng đang trong giai đoạn hình thành: Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế IAEA đã có cuộc họp tại Vienna hôm qua để bàn thảo đưa vấn đề Iran lên Hội đồng Bảo an LHQ; Mỹ lên kế hoạch chia sẻ với các đồng mình về cái gọi là bằng chứng mới chứng minh Iran có ý định thực sự chế tạo vũ khí hạt nhân chứ không đơn thuần là vì mục đích dân sự; và Iran cứng rắn cảnh báo rằng, nếu vấn đề bị đưa lên HĐBA, nước này sẽ tái khởi động hoạt động làm giàu uranium quy mô lớn - cái điều mà phương Tây lo ngại nhất, như vậy Tehran có thể sử dụng uranium cho cả mục đích dân sự và quân sự.
Trung Quốc hôm 7/3 yêu cầu Iran hợp tác toàn diện với IAEA về vấn đề hạt nhân của nước này và nhằm tránh sự trừng phạt của HĐBA.
|
Tuy nhiên, vẫn còn quá sớm để kết luận cuộc khủng hoảng đã leo lên đỉnh. Bởi lẽ, tất cả các bên đều không muốn làm trầm trọng thêm tình hình. IAEA đã đồng ý trên nguyên tắc cho Iran thêm 30 ngày nữa. Trong khi đó, Nga và Trung Quốc - 2 nước có quyền phủ quyết trong HĐBA - vẫn bảo lưu quan điểm phản đối lệnh trừng phạt vốn ảnh hưởng trực tiếp tới những lợi ích kinh tế quốc gia của mình. Và, hiện vẫn chưa biết chính xác những gì Mỹ - nước hiện giữ chức chủ tịch luân phiên HĐBA - mong muốn từ cuộc thảo luận về vấn đề Iran tại hội đồng này. Trong khi Đại sứ Mỹ tại LHQ John Bolton cảnh báo, Iran sẽ phải gánh chịu ''những hậu quả đau đớn và rõ ràng'' thì bà Ngoại trưởng Condoleezza Rice nhấn mạnh, trừng phạt hiện vẫn không phải là một sự lựa chọn.
Do đó, ngay cả khi vấn đề được đưa ra HĐBA trong vài tuần tới, Iran có thể sẽ vẫn được trao thêm ''hạn chót mới'' để tuân thủ những yêu cầu của cộng đồng quốc tế ngày càng mạnh mẽ hơn.
Bản thân việc đưa ra bằng chứng để thuyết phục các đồng minh tin Iran đang thực hiện chương trình bí mật chế tạo bom cũng mang nhiều nguy hiểm. Bằng chứng hầu như đều mang tính gián tiếp, chủ yếu nằm trong nội dung chiếc máy laptop bị đánh cắp của Iran. Và, nếu xét lại những gì đã xảy ra khi Mỹ đưa vấn đề Vũ khí huỷ diệt hàng loạt của Iraq lên HĐBA trước khi tấn công nước này thì mức độ tin cậy của Washington trong vấn đề Iran lần này chắc chắn rất thấp. Hơn nữa, sẽ chẳng có gì ''thiêu rụi'' sự ủng hộ ngoại giao dành cho chính quyền ông Bush về vấn đề Iran hơn là gắn chúng với ''khẩu vị'' thay đổi thế chế ở quốc gia Hồi giáo này.
Nếu Mỹ và các đồng minh đang phải đối mặt với những khó khăn trong việc tập hợp sự ủng hộ để trừng phạt Iran thì thái độ cứng rắn của Iran có thể hiểu như một ''giải pháp hoài nghi''. Dù Tehran cương quyết dùng quyền làm giàu vì mục đích hoà bình, tờ New York Times bình luận Iran còn phải mất 10 năm nữa mới có thể thực hiện làm giàu uranium ở quy mô công nghiệp như nước này đe doạ nếu vấn đề bị đưa lên HĐBA.
Và khi vấn đề hạt nhân đang chi phối không nhỏ tới chính trị trong nước, thì ngay cả chế tạo được một quả bom cũng không thể giải quyết được vấn đề cơ bản về thể chế: Làm sao tạo được công ăn việc làm cho hàng triệu thanh niên đang sống dưới mức nghèo khổ? Đầu tư nước ngoài và ngoại thương vẫn là chìa khoá mở ra triển vọng kinh tế cho Iran, nhưng sẽ rất khó khăn nếu vẫn giữ thế đối đầu hiện nay với phương Tây.
Do vậy, dù các bên vẫn ''quăng cáo buộc vào nhau'', cuộc tìm kiếm một công thức thoả hiệp về vấn đề hạt nhân Iran vẫn chưa phải đã kết thúc. Việc Nga đề xuất làm giàu nhiên liệu cho các lò phản ứng của Iran ngay trên đất mình hiện vẫn để ngỏ. Dù vẫn chưa đạt được thoả thuận vì Iran cương quyết duy trì quyền được tiếp tục làm giàu uranium với quy mô nhỏ vì mục đích nghiên cứu trong nước và phương Tây phản đối. Tuy nhiên, các bên liên quan vẫn tiếp tục thương lượng, dù khó khăn, nhưng tất cả có thể sẽ thành công thoát khỏi thế bế tắc hiện nay.
-
Trần Kiên (tổng hợp)