Các cựu đồng minh cảnh giác lẫn nhau, đấy là chưa nói đến chuyện ra mặt nghi ngờ nhau. Các nước ''cứng đầu'' tận dụng thời điểm để gây bất ổn. Hai cuộc chiến tranh đã nổ ra, và vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc. Hàng loạt vụ khủng bố đẫm máu xảy ra...Thế giới giờ đây khác xa với thế giới trước buổi sáng định mệnh 11/9/2001.
>>Thảm hoạ khủng bố 11/9: năm năm nhìn lại
Thảm kịch 11/9/2001. |
Thế giới đã thay đổi sâu sắc trong khoảng thời gian 5 năm. Ngoài những ảnh hưởng trực tiếp, tác động dội lại của vụ 11/9 dẫn đến sự hình thành một nguyên tắc tổ chức mới cho các vấn đề quốc tế.
Bị tổn thương nặng nề sau thảm kịch 11/9, Mỹ phát động cuộc chiến chống khủng bố, nhưng giờ đây, nó trở thành một cuộc chiến toàn cầu vì địa vị thống trị và nguy hiểm hơn, trở thành ''cuộc thập tự chinh'' nhằm vào thế giới Hồi giáo. Cuộc chiến đã làm sống lại chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan, biến những tay súng Hồi giáo trở thành khủng bố.
Các đồng minh thân cận nhất của Mỹ đều bị tấn công. Nước Anh phải hứng chịu vụ khủng bố xe buýt và tàu điện ngầm khiến 56 người chết và 700 người khác bị thương. Tây Ban Nha đã phải kinh hoàng trước vụ đánh bom đường sắt năm 2004 khiến 191 người chết. Ngay cả Pháp - quốc gia phản đối cuộc chiến chống khủng bố, cũng phải ban bố tình trạng khẩn cấp khi thanh niên Hồi giáo nổi loạn, giận dữ trước tình trạng bất công xã hội.
Thế giới nếu có an toàn hơn sau thảm kịch 11/9 thì cũng không phải bởi cuộc chiến chống khủng bố. Một cuộc chiến toàn cầu chống khủng bố dựa trên một đánh giá sai lầm rằng, cội nguồn của khủng bố bắt rễ sâu từ mảng đất Trung Đông và Iraq là một đất nước ''có vấn đề nhất'', ''gây lo ngại nhất'' đối với phương Tây.
Bằng cái đánh giá đó, chính quyền Bush đã kêu gọi ''tái định dạng'' lại Trung Đông, thay thế các chế độ hiện thời bằng những chế độ ''dân chủ hơn''. Ưu tiên hàng đầu là lật đổ chế độ Saddam Hussain để cấy vào Iraq một chế độ ổn định và đặc biệt phải thân phương Tây. Giờ đây, kế hoạch đó của Washington không những không thành công mà còn tạo ra nhiều ''phản ứng phụ tai hại''.
Hậu quả nhãn tiền chính là binh sĩ và tiền bạc chuyển hướng từ Afghanistan sang các ''mặt trận chống khủng bố khác''. Cần lưu ý rằng, ngay cả Afghanistan giờ đây vẫn còn là một điểm nóng xung đột của thế giới.
Sai lầm thứ hai là việc sử dụng từ ''chiến tranh'' với nghĩa là một chiến lược thực sự: điều quân chiếm đóng các lãnh thổ. Tất nhiên, chiến lược đó đã thất bại. Osama Bin Laden vẫn sống khoẻ, có nhiều khả năng đang ở Pakistan - một đồng minh thân cận trên mặt trận chống khủng bố của Mỹ. Các chiến dịch quân sự không triệt tiêu được khủng bố. Lý do thật đơn giản, Al Qaeda không phải là một tổ chức khu vực và cũng không chỉ dựa vào sự hậu thuẫn của nhà nước.
Thế giới nguyện cầu cho các nạn nhân 11/9 và hy vọng, thảm hoạ này sẽ không bao giờ lặp lại. |
Cuộc chiến chống khủng bố đã đẩy hầu hết quân đội của các nước phương Tây sa vào vũng lầy xung đột địa phương, nơi các vấn đề nội tại của họ như chủ nghĩa dân tộc, lãnh thổ, nội chiến mới mang ý nghĩa quan trọng đối với họ chứ không phải là cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu.
Giờ đây, rõ ràng quân đội phương Tây đang bị kéo căng và không thể giải quyết được những mối đe doạ và thách thức mới. Ngược lại, cuộc chiến chống khủng bố còn tạo căng thẳng cho Trung Đông và thế giới, kích động chủ nghĩa cực đoan và chủ nghĩa dân tộc Ảrập, đưa Iran trở thành quốc gia lãnh đạo khu vực khi ''đối thủ không đội trời chung'' là chế độ Saddam Hussain và Taliban bị lật đổ, các đồng minh dòng Shi'ite của Iran lên nắm quyền ở Iraq.
Ngoài ra, quân đội Israel không thể giải giáp được Hezbollah, lực lượng LHQ không thể và cũng không sẵn sàng làm điều đó. Nguy cơ nội chiến ngày càng gia tăng ở Iraq. Quân đồng minh sa lầy ở Afghanistan và Iran được rảnh tay hơn trong khu vực. Trong khi đó, Washington không thực sự cố gắng để đưa ra những giải pháp thực tế và tham gia cùng các ''vai chính địa phương'' với một chương trình chính trị rõ ràng.
Một sự pha tạp giữa ''kiêu ngạo'' và ''bất lực'' đã đẩy các cuộc xung đột mang tính địa phương cụ thể như Palestine, Lebanon, Iraq đã trở thành một phong trào Jihad toàn cầu.
Có thể thế giới an toàn hơn, không phải nhờ cái cách chống khủng bố như Mỹ bây giờ, mà là nhờ một cuộc chiến chống khủng bố thực sự: một cuộc chiến không quân đội, không chiến đấu cơ, không diễn văn đao to búa lớn, một cuộc chiến phát huy tối đa năng lực cảnh sát, tình báo và toà án để truy quét những mạng lưới khủng bố cụ thể - hầu hết đóng ở phương Tây lấy danh nghĩa Al-Qaeda, nâng cao hình ảnh Al-Qaeda. Vô số âm mưu khủng bố đã bị phát hiện ở phương Tây nhờ nỗ lực của cảnh sát và sự hợp tác quốc tế.
Và, vấn đề cốt lõi là làm sao ngăn được thế hệ trẻ Hồi giáo giận dữ không tiếp cận với những tư tưởng cực đoan. Muốn làm vậy cần giải quyết riêng từng vấn đề cụ thể: cuộc xung đột Israel - Palestine, vấn đề dân chủ hoá Trung Đông và vấn đề Hồi giáo ở phương Tây...
Năm năm đã trôi qua kể từ thảm hoạ 11/9. Người dân trên thế giới vẫn còn đó cảm giác kinh hoàng pha lẫn giận dữ trước cảnh hàng nghìn người Mỹ mất mạng vì vụ tấn công khủng bố toà tháp đôi WTC. Nhưng, dù không quên cuộc chiến bá chủ và ''cuộc khủng bố chính trị'' mà giới cầm quyền Mỹ đang tiến hành tại thế giới thứ ba, người dân thế giới vẫn không thể không cảm thông và buồn cho những mất mát mà dân Mỹ phải chịu. Thế giới nguyện cầu cho những thảm kịch tương tự không bao giờ lặp lại.
Các vụ khủng bố lớn trên thế giới kể từ 11/9/2001 |
8/5/2002: Khủng bố xe buýt tại Karachi - Pakistan khiến 11 công dân Pháp và 2 người Pakistan thiệt mạng.
12/10/2002: Đánh bom khủng bố trên đảo Bali - Indonesia khiến 202 người chết, chủ yếu là du khách phương Tây. 23/10/2002: Cuộc khủng hoảng con tin tại nhà hát ở Moscow - Nga xảy ra, 120 con tin và 40 kẻ khủng bố bị giết trong cuộc giải cứu kéo dài suốt 3 ngày. 19/8/2003: Một kẻ đánh bom liều chết đã tấn công vào một xe buýt đông người ở Jerusalem giết chết 23 người và làm hơn 130 người khác bị thương, phần lớn là trẻ em và dân Do Thái. 15/10 - 20/10/2003: Đánh bom xe tải đã xảy ra tại 2 thánh đường Do Thái gần Lãnh sự quán Anh và trụ sở ngân hàng HSBC tại Istanbul - Thổ Nhĩ Kỳ khiến 57 người chết và 700 người khác bị thương. 1-3/2004: Thảm hoạ bắt cóc con tin tại trường số 1 Beslan - Bắc Ossetia, thuộc Nga khiến 344 người chết. 11/3/2004: Hàng loạt vụ đánh bom đường sắt diễn ra tại Madrid - Tây Ban Nha khiến 191 người thiệt mạng và hơn 1.500 người khác bị thương. 14/2/2005: Một vụ đánh bom xe đã giết cựu Thủ tướng Lebanon Rafiq Hariri và 20 người khác ở Beirut. 7/7/2005: Hàng loạt vụ đánh bom xe buýt và tàu điện ngầm xảy ra tại London khiến 56 người chết và hơn 700 người khác bị thương. Vụ tấn công xảy ra vào đúng ngày khai mạc Hội nghị thượng đỉnh G8 tại Scotland. 23/7/2005: Đánh bom xe hơi đã xảy ra tại khu nghỉ mát Sharm al -Sheikh, Ai Cập khiến ít nhất 88 người thiệt mạng và hơn 100 người khác bị thương. 17/8/2005: Khoảng một 100 quả bom tự tạo đã phát nổ tại 58 địa điểm khác nhau ở Bangladesh khiến 2 người chết và 100 người khác bị thương. 29/10/2005: Hàng loạt vụ đánh bom đã xảy ra tại các chợ ở New Delhi - Ấn Độ khiến ít nhất 61 người chết và hơn 200 người khác bị thương. 7/3/2006: Đánh bom tại Varanasi - thành phố linh thiêng của người Hindu ở Ấn Độ - khiến 28 người chết và hơn 100 người bị thương. 11/7/2006: Hàng loạt đánh bom đường sắt tại Mumbai - Ấn Độ khiến ít nhất 200 người chết và 700 người khác bị thương. |
-
Trần Kiên (tổng hợp)