(VietNamNet) - Khủng hoảng, căng thẳng, leo thang rồi trừng phạt là cách mà thế giới đang ứng xử với Bình Nhưỡng. Nhưng bản thân “trừng phạt” đã là biểu hiện của bất lực, của thất bại.
>>Toàn cảnh vụ CHDCND Triều Tiên thử hạt nhân lần đầu tiên
Nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong il. |
Không phải vô cớ mà CHDCND Triều Tiên tiến hành thử hạt nhân vào thời điểm này. Đúng vào dịp kỷ niệm sinh nhật của Kim Jong Il và cũng đúng 1 năm sau vòng đàm phán sáu bên lần thứ 5 thất bại, hành động này của chính quyền Bình Nhưỡng còn có thể xem xét dưới góc độ là phản ứng của họ với những gì đang diễn ra trong khu vực và thế giới.
Tân Thủ tướng Nhật Bản ông Shinzo Abe, người được mệnh danh là “diều hâu của phái diều hâu” Nhật trong vấn đề hạt nhân Triều Tiên đang tiến hành chuyến công du hai nước cựu thù là Trung Quốc và Hàn Quốc nhằm hàn gắn những rạn nứt trong những năm cầm quyền của người tiền nhiệm Koizumi.
Trung Quốc đang bận rộn chuẩn bị cho Đại hội Đảng Cộng sản lần thứ 16 với những tranh luận nội bộ đôi khi được biểu hiện công khai dưới những hình thức khác. Mỹ, nước mà CHDCND Triều Tiên coi là kẻ thù số một và đối tượng đàm phán trực tiếp song phương, đang đau đầu với những khó khăn ngày càng chồng chất ở bãi lầy Iraq, sự bùng nổ xung đột trở lại ở Afghanistan và đặc biệt là với hồ sơ hạt nhân của Iran, một gương mặt khác trong cái gọi là trục ma quỷ. Trong khi đó, việc Hội đồng Bảo an LHQ bỏ phiếu ủng hộ ông Ban Ki-moon, Ngoại trưởng Hàn Quốc và là cựu sinh của trường Havard danh tiếng, giữ “vị trí ngoại giao quan trọng nhất hành tinh” càng làm cho sự tự ái của Bình Nhưỡng lên cao.
Sẽ là quá thừa nếu phải nhắc lại những phân tích của báo chí, giới quan sát về quy mô thực sự của vụ thử, những hệ quả có thể có nếu CHDCND Triều Tiên thực sự thành công trong việc trang bị cho mình thứ vũ khí ít được sử dụng nhất thế giới này. Những ngày qua các nước liên quan, cộng đồng quốc tế đã có thái độ bày tỏ đối với sự việc đáng tiếc này. Và dường như chưa bao giờ các nước, cộng đồng quốc tế lại đạt đến một sự đồng thuận, cho dù ở mức tối thiểu, lên án hành vi thiếu trách nhiệm của CHDCND Triều Tiên và kêu gọi áp đặt một lệnh trừng phạt, cho dù là ở một “mức độ thích hợp”.
Thất bại. Tuy nhiên, nếu nhìn nhận vụ việc dưới một góc độ khác thì có lẽ từ thất bại sẽ là từ chính xác nhất có thể được dùng để chỉ ra bản chất của sự kiện.
Thất bại đầu tiên là thất bại của CHDCND Triều Tiên, của chính quyền Bình Nhưỡng. Đã gần một tuần trôi qua và gần như đã đủ cơ sở để có thể khẳng định rằng vụ thử đã thất bại, một thất bại cụ thể nhưng lại là dấu chứng cho những thất bại khác. Bằng việc sử dụng đến con bài cuối cùng, con bài có giá trị đe doạ nhiều hơn là sử dụng, tức vấn đề hạt nhân, Bình Nhưỡng đã bộc lộ rõ sự bất lực của mình trong việc lôi kéo sự quan tâm, chú ý của cộng đồng quốc tế với những vấn đề khó khăn mà họ đang phải đối phó.
Khác với các nước XHCN khác còn lại trên thế giới như Trung Quốc, Việt Nam, CHDCND Triều Tiên đã thất bại hoàn toàn trong việc mở cửa, hội nhập với thế giới toàn cầu hoá để phát triển. Từ mức phát triển vượt trên Hàn Quốc trong những năm 60 của thế kỷ trước, ngày nay CHDCND Triều Tiên chìm đắm trong khủng hoảng, trì trệ cho dù những cố gắng nhỏ nhoi chấp nhận cuộc chơi mới của kinh tế thị trường. Vụ thử hạt nhân hôm thứ hai vừa qua có thể được coi là tiếng chuông gióng lên cảnh báo cho cộng đồng quốc tế về một sự thất bại nữa của các nước thế giới thứ ba trong việc tìm kiếm con đường phát triển, hội nhập trong thế giới đang ngày càng toàn cầu hoá cao độ. Ở góc độ đối ngoại, vụ việc cũng thể hiện sự thất bại của chính phủ Bình Nhưỡng trong việc giải quyết các vấn đề QHQT của mình thông qua con đường đối thoại chính vào lúc đối thoại đang là xung lực chính thúc đẩy các nước trong khu vực xích lại gần nhau mà chuyến thăm Bắc Kinh và Seoul của tân Thủ tướng Nhật Bản là minh chứng.
Thất bại thứ hai phải kể đến là thất bại của Hàn Quốc, người anh em sinh đôi – của CHDCND Triều Tiên. Cựu Tổng thống Kim Dae Jung, người đã được nhận giải Nobel hoà bình nhờ vào chính sách “Ánh Dương” hướng về những người anh phương Bắc của mình chắc phải là người Hàn Quốc buồn nhất. Vụ thử hạt nhân của CHDCND Triều Tiên là dấu chấm hết cho những nỗ lực hoà bình của cựu Tổng thống, những nỗ lực không được tiếp tục, hay không tìm được cách thức tiếp tục một cách hiệu quả nhất bởi những người kế nhiệm và cũng là những nỗ lực không được chào đón, ủng hộ từ phía Mỹ, đồng minh thân cận và là nước bảo trợ cho Hàn Quốc về mặt an ninh trong hơn 50 năm qua. Thất bại này cũng sẽ đẩy lùi xa hơn nữa của viễn cảnh một bán đảo Triều Tiên thống nhất.
Thất bại tiếp theo phải kể đến là thất bại của Trung Quốc, láng giềng và nhà bảo trợ cho CHDCND Triều Tiên kể từ sau cuộc chiến năm 1950. Về mặt lý thuyết, Trung Quốc hoàn toàn có thể tác động đến thái độ của Bình nhưỡng khi mà gần một nữa trợ giúp lương thực cho CHDCND Triều Tiên đến từ Trung Quốc chưa kể đến những trợ giúp về nguyên liệu, năng lượng để duy trì nền kinh tế gần như đóng cửa hoàn toàn này. Nhìn lại toàn bộ tiến trình đàm phán sáu bên, người ta có thể dễ dàng nhận thấy ngoại giao Trung Quốc đã hết sức khéo léo khi đưa Trung Quốc trở thành bên đối tác không thể thiếu cho một giải pháp ở bán đảo Triều Tiên. Bắc Kinh là kênh duy nhất tiếp xúc với Bình Nhưỡng và dường như là tiếng nói duy nhất có trọng lượng đối với chính phủ này. Tuy nhiên, vụ thử hôm thứ hai, một tháng sau chuyến thăm bí mật của Kim Jong Il tại Trung Quốc, đã chứng tỏ kênh tiếp xúc đó dường như không còn suôn sẻ nữa và tiếng nói quyết định đối với việc CHDCND Triều Tiên có tiếp tục đối thoại với thế giới hay không sẽ chỉ đến từ Bình Nhưỡng chứ không phải từ nơi nào khác. Ngoài ra, việc CHDCND Triều Tiên tiến hành vụ thử ngay sau chuyến thăm Bắc Kinh của tân Thủ tướng Nhật mà bản thông cáo chung có ám chỉ đến tình hình bán đảo Triều Tiên dường như đã là một lời đáp trả ở một “mức độ thích hợp” của chủ nghĩa dân tộc Triều Tiên đối với những toan tính từ bên ngoài. Vụ việc này cũng cho thấy rằng luận điệu về một “khu vực hài hoà” dường như vẫn chỉ là những mỹ từ hùng biện hơn là một viễn cảnh hiện thực.
Cho dù Mỹ đang tập trung chú ý vào những nhiều khó khăn ở Trung Đông, Iraq, Iran và Afghanistan thì cũng không thể không nói đến thất bại của Mỹ trong vụ việc này. Cùng với việc tư tưởng bảo thủ trở nên nổi trội trong cách tiếp cận vấn đề Triều Tiên của chính quyền Tổng thống Bush trong những năm vừa qua, các cuộc đàm phán sáu bên đã đi vào bế tắc hoàn toàn.
Việc Mỹ chấm dứt chương trình KEDO trợ giúp CHDCND Triều Tiên xây dựng những lò phản ứng hạt nhân hoà bình, đưa Bình Nhưỡng và cái gọi là Trục Ma quỷ và kiên định từ chối mọi tiếp xúc trực tiếp với chính phủ của ông Kim Jong Il đã làm cho mọi nỗ lực của Hàn Quốc nhằm tiếp tục triển khai chính sách “Ánh Dương” trở nên vô nghĩa. Nhưng chừng đó đã không đủ làm cho Bình Nhưỡng sụp đổ hay phải khuất phục, từ bỏ các chương trình tên lửa đạn đạo và hạt nhân và ngồi vào bàn đàm phán đa phương. Ngược lại, giờ đây kéo CHDCND Triều Tiên trở lại bàn đàm phán càng trở nên khó hơn bao giờ. Rõ ràng cách tiếp cận bảo thủ đã không mang lại kết quả như mong đợi.
Nhưng thất bại lớn hơn hết là thất bại cho cộng đồng quốc tế. CHDCND Triều Tiên vẫn đắm chìm trong khó khăn kinh tế, cô lập với thế giới bên ngoài cho dù các nỗ lực nhằm đưa đất nước này vào quỹ đạo chung của thế giới. Hiệp ước NTP sẽ ra sao nếu (chỉ là nếu) sau CHDCND Triều Tiên sẽ là các tác nhân khác: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và xa hơn nữa là Iran sẽ gia nhập danh sách các nước và vùng lãnh thổ sở hữu vũ khí hạt nhân? Chưa kể đến Ấn Độ, Pakistan và Israel đã là các cường quốc quân sự hạt nhân mà không hề tham gia vào NTP.
Trước những thất bại này, sẽ quá dễ để nói “trừng phạt” vì bản thân “trừng phạt” đã là biểu hiện của bất lực, của thất bại. Con đường sắp tới sẽ phải vượt lên khỏi những thất bại của quá khứ, của cả hiện tại và không thể chỉ dừng ở “trừng phạt” dù là một “mức độ phù hợp''.
-
Hồng Hà
Ý kiến của bạn?