Quyết định bất ngờ trở lại bàn đàm phán sáu bên của Bình Nhưỡng chính là tín hiệu tích cực đầu tiên phát ra từ bán đảo Triều Tiên trong năm nay. Tuy nhiên, ăn mừng dường như vẫn còn quá sớm.
Vòng đàm phán 6 bên sẽ được tổ chức trong năm nay. |
Từ trước đến nay, biết bao nhiêu vòng đàm phán mang lại hy vọng rồi cuối cùng đều thất vọng. Vậy lần này thì sao? Tại sao CHDCND Triều Tiên phải đợi đến bây giờ mới quyết định đồng ý quay lại bạn đàm phán sáu bên?
Bình Nhưỡng từng cương quyết rằng, Mỹ phải dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt tài chính trước khi nước này trở lại bàn đàm phán. Tuy nhiên, lần này, trưởng đàm phán Mỹ Christopher Hill cho biết, Bình Nhưỡng không ra điều kiện gì khi quyết định tham gia đàm phán.
Người ta dự đoán, sau cuộc thử hạt nhân, tình hình sẽ thay đổi đột ngột. Cộng đồng quyết tế lên án mạnh mẽ và ủng hộ áp đặt các biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn. Như vậy, CHDCND Triều Tiên sẽ phải xuống nước trở lại bàn đàm phán để tránh những tác động tồi tệ nhất của các biện pháp trừng phạt. Và với quyết định hôm qua, Bình Nhưỡng đã giúp chứng minh dự đoán đó hoàn toàn có cơ sở.
Bình Nhưỡng nhất trí trở lại bàn đàm phán sáu bên | ||
CHDCND Triều Tiên đã nhất trí trở lại các cuộc đàm phán sáu bên về chương trình hạt nhân của nước này, Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố hôm 31/10. |
CHDCND Triều Tiên đã đánh lá bài chủ cuối cùng bằng việc thử vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, với lá bài đó, lợi bất cập hại. Khi cộng đồng quốc tế không thể dung thứ cho chính sách bên miệng hố chiến tranh của Bình Nhưỡng, nước này đã thay đổi thái độ để cứu vãn tình hình.
Cũng có thể, CHDCND Triều Tiên nhận rõ thái độ cương quyết của Mỹ trong vấn đề này và quyết định nếu cứ chơi trò sấp ngửa mãi sẽ rơi vào vị thế hết sức bất lợi. Rõ ràng, CHDCND Triều Tiên đã trở thành một cường quốc hạt nhân và tận dụng lợi thế này để yêu cầu đàm phán về giải trừ hạt nhân chung.
Không ít người lại cho rằng, Bình Nhưỡng lo ngại chính sách hoà hợp với Hàn Quốc bị dồn vào chân tường sau cuộc thử hạt nhân, do đó quay trở lại bàn đàm phán là giải pháp khả thi để cứu vớt.
Chắc chắn, khi CHDCND Triều Tiên trở lại bàn đàm phán, có nhiều khả năng ''khối liên minh vững chắc'' được hình thành sau vụ thử hạt nhân bị phân cực. Trung Quốc và Hàn Quốc có thể sẽ nới lỏng áp lực đối với Bình Nhưỡng, trong khi Mỹ và Nhật Bản vẫn duy trì thái độ cứng rắn.
Bài toán thực sự sẽ là lúc cả 6 bên tỏ thái độ trên bàn đàm phán. Đại sứ Mỹ tại Nhật Bản Thomas Schieffer từng tuyên bố, CHDCND Triều Tiên đơn giản trở lại bàn đàm phán vẫn chưa đủ để Mỹ nới lỏng các lệnh trừng phạt.
Tuy nhiên, làm sao Trung Quốc và Hàn Quốc có thể không hạ bớt áp lực khi có sự xuất hiện của phát đoàn đàm phán CHDCND Triều Tiên? Cuối cùng, tái khởi động đàm phán đa phương vẫn là một tín hiệu tốt cho giờ đây CHDCND Triều Tiên đã sở hữu vũ khí hạt nhân và điều đó có nghĩa cái giá nước này đặt lên bàn đàm phán có thể sẽ cao hơn.
-
Trần Kiên (tổng hợp)