221
1601
Bình luận quốc tế
binhluan
/thegioi/binhluan/
886334
Thêm quân đến Baghdad, Mỹ bứt lên hay tụt xuống?
1
Article
445
Quốc tế
thegioi
/thegioi/
Thêm quân đến Baghdad, Mỹ bứt lên hay tụt xuống?
,

(VietNamNet) - Khi bị sa xuống sình lầy hay cát lún, càng cựa quậy bạn càng bị lún sâu thêm. Thực tế là Mỹ đang bị sa lầy trong cát lún ở sa mạc Iraq và đa số người Mỹ đều nhận thấy là không thể chấp nhận thực trạng cuộc chiến hiện nay nhưng không tìm được biện pháp gì để thay đổi tình thế.

Soạn: HA 1007237 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Lính Mỹ ngày càng sa lầy ở Iraq?

Với việc dân chúng Mỹ đã mất tin tưởng vào chính sách Trung Đông của Chính quyền Bush, chính giới và báo giới nước này gần như đồng loạt yêu cầu Nhà Trắng đưa ra một kế hoạch rút quân có thời hạn từ 3 đến 6 tháng khỏi đất nước đang gây ra cho Mỹ nhiều phiền toái này. Trước khi tính đến việc rút quân trước sức ép thương vong ngày càng leo thang do các cuộc tấn công của các lực lượng kháng chiến Iraq, Nhà Trắng đang toan tính một bước đi khá mạo hiểm, gần như được ăn cả ngã về không.

Sau gần hai tháng trì hoãn, tối qua Tổng thống Bush đã trình bày với công chúng Mỹ trên truyền hình “chiến lược mới” đối với Iraq” trong đó nội dung chính là sẽ đưa thêm hơn 20 nghìn quân tới Iraq nhằm tạo ra một “cú bứt lên” khỏi tình hình hiện tại, hy vọng ổn định tình hình Baghdad và tỉnh Anbar trước mùa Hè. Để có được số quân này, nước Mỹ phải huy động 5 lữ đoàn dự bị trong lực lượng Tự vệ Quốc gia.

Quyết định của ông Bush trái ngược với kiến nghị của Nhóm cố vấn cao cấp do Ngoại trưởng Mỹ thời Bush bố, James Paker đệ trình Quốc hội tháng trước. Tuy nhiên, việc đưa thêm quân vào Iraq không làm cho dân chúng Mỹ cũng như cộng đồng quốc tế ngạc nhiên. Chính trị Mỹ luôn được chi phối bởi phái diều hâu và phái hòa bình, với những quan điểm luôn trái ngược nhau.

Phe diều hâu luôn ủng hộ các hành động vũ lực, sẵn sàng áp dụng các biện pháp quân sự, họ cũng luôn nghi ngờ giá trị của các biện pháp ngoại giao. Khi nhìn vào các đối thủ và chính trị thế giới, họ toàn nhìn thấy các chính quyền thù hằn nước Mỹ và chỉ có thể hiểu ngôn ngữ vũ lực. Ngược lại phe hòa bình thường bi quan về tác dụng của vũ lực và cổ vũ cho các giải pháp chính trị và ngoại giao. Từ khi Bush lên cầm quyền, các chính sách của Chính quyền Mỹ luôn luôn phản ánh quan điểm của phe tân bảo thủ.

Bổ sung thêm quân sang Baghdad thay vì đưa ra kế hoạch rút quân khỏi Iraq, thực tế, Tổng thống Bush đã nghe theo khuyến nghị của J. D. Crouch, Phó Trưởng Cố vấn An ninh Quốc gia, một trong những cố vấn diều hâu hạng nhất trong chính quyền Mỹ hiện nay. Ông này đã làm việc tại Lầu Năm Góc với cương vị Phó trợ lý của Bộ trưởng Quốc phòng Dick Cheney khi Bush cha làm Tổng thống và là tác giả của Chiến lược Quốc phòng năm 1992 với trụ cột là xây dựng sự khống chế quân sự tuyệt đối của Mỹ tại khu vực Á-Âu.

Chính Crouch khuyến cáo Nhà trắng rút khỏi Hiệp ước Tên lửa đạn đạo (ABM) để triển khai kế hoạch phát triển các loại vũ khí hạt nhân kiểu mới trong Hệ thống Phòng thủ Tên lửa (MDS). Phát biểu gây nhiều tranh cãi nhất của Crouch có lẽ là chỉ trích chính sách nửa vời của Tổng thống Clinton đối với Cuba khi Cuba bắn rơi hai máy bay dân dụng do lực lượng phản cách mạng Cuba sử dụng bay vào không phận Cuba để phát sóng truyền thanh, truyền hình chống Nhà nước Cuba, và cho rằng Mỹ phải dùng lực lượng quân sự tấn công Cuba để trả đũa.

Ông ta cũng đã từng chỉ trích ngay gắt chính sách thương lượng với Bình Nhưỡng của Nhà Trắng thời Clinton, kêu gọi gửi thêm quân đội và triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Hàn Quốc để tấn công phá hủy các mục tiêu hạt nhân của Triều Tiên nếu họ không chịu từ bỏ các chương trình phát triển vũ khí hạt nhân.

Quyết định tăng thêm quân này nhằm mục đích gì? Tổng thống Bush đã tuyên bố, trước tiên là để giữ vững con đường đã lựa chọn. Theo như ông John McCain, Thượng nghị sĩ của Đảng Cộng hòa và hiện là một ứng cử viên Tổng thống sáng giá nhất của Đảng này thế chân cho Tổng thống Bush trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 2008, Mỹ không có con đường nào khác ngoài việc tăng cường lực lượng và tiếp tục cuộc chiến. Làm như vậy chưa chắc Mỹ đã giành được chiến thắng nhưng ít nhất là đẩy lùi được thất bại.

Nước Mỹ không thể chấp nhận lại thất bại như họ đã từng chấp nhận trong chiến tranh Việt Nam. Thực ra, Chính quyền Mỹ đang rất lúng túng trong vấn đề Iraq. Cuộc chiến Iraq đã cho họ thấy họ chưa thể từ bỏ bài học đắt giá rút ra từ cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam thế kỷ trước. Cựu Ngoại trưởng Mỹ, vị Ngoại trưởng nhiệm kỳ trước của chính quyền Bush đã kết luận, Mỹ chỉ có thể thắng khi có lực lượng áp đảo và có một kế hoạch rút khỏi cuộc chiến. Và Mỹ chỉ nên phát động chiến tranh trong điều kiện đó. Với vũ khí và khoa học quân sự hết sức tối tân của thời kỳ tin học, giới diều hâu Mỹ cho rằng có thể đã đến lúc không cần tuân thủ bài học của chiến tranh Việt Nam nữa. Có lẽ những gì đang xảy ra tại Iraq sẽ làm cho họ suy nghĩ lại.

Trong khi đó, Thượng nghị sĩ John Kerry thuộc Đảng Dân chủ cho rằng Quốc hội Mỹ cần có tiếng nói mạnh mẽ hơn để ngăn chặn chính sách của Nhà Trắng và yêu cầu việc tăng quân cho chiến trường Iraq phải được Quốc hội phê chuẩn. Với việc Quốc hội Mỹ, cả Thượng viện và Hạ viện đều do Đảng Dân chủ chiếm đa số, Đảng Dân chủ hoàn toàn có thể ngăn chặn chiến lược tăng quân sang Iraq của Chính quyền Mỹ, tuy nhiên họ lại không muốn phải cùng chịu trách nhiệm cho chính sách của Chính quyền, nhất là cuộc vận động tranh cử Tổng thống Mỹ đã được phát động và Đảng Dân chủ cũng đang khao khát giành lại chính quyền sau hai nhiệm kỳ để cho chính quyền rơi vào tay Đảng Cộng hòa.

Dự kiến các nghị sĩ Đảng Dân chủ sẽ yêu cầu Quốc hội có nghị quyết về chiến lược mới này của Người đứng đầu Nhà Trắng, không phải để dùng quyền lực lập pháp ngăn cản Nhà Trắng tăng quân cho Iraq mà chỉ để chia rẽ thêm hàng ngũ của Đảng Cộng hòa, hiện đang lục đục về thái độ đối với các chính sách về Iraq của Chính quyền. Các nghị quyết này chắc chắn sẽ làm cho phe cải cách của Tổng thống Mỹ ngày càng rệu rã hơn nữa.

Đa số giới chức trong chính quyền, Quốc hội và giới học giả Mỹ đều nhận thấy Mỹ không thể đạt được mục tiêu đưa ra khi phát động cuộc chiến, mà nay thì tiến thoái đều có hậu quả khó chấp nhận. Sa lầy ở Iraq đang hạn chế các khả năng ứng phó của Mỹ đối với các vấn đề quốc tế khác, điều đó buộc người Mỹ phải tính đến quyết định rút quân khỏi Iraq càng sớm càng tốt. Sau gần 2 năm thực hiện con bài Iraq hóa chiến tranh chẳng kết quả, mục tiêu hiện nay của người Mỹ là cố gắng củng cố được chừng nào hay chừng đó chính quyền Iraq hiện nay rối sẽ tính tới việc rút quân. Nếu rút quân ồ ạt, lực lượng Shi'ite thân Iran sẽ chiếm ưu thế và Iran sẽ có vai trò lớn tại Iraq, một hậu quả có quá nhiều bất trắc và Washington hết sức muốn né tránh.

Ba năm qua, với 20 ngàn quân mới, thực ra người Mỹ chỉ nhằm tiêu diệt lực lượng du kích Shi'ite do thủ lĩnh al-Sadr chỉ huy. Đây là lá bài quá nhiều rủi ro cho người Mỹ. Người Mỹ tính, nếu họ thắng, lực lượng Shi'ite bị dẹp bỏ, các lực lượng Shi'ite không thân Iran sẽ trở thành lực lượng có tiếng nói quyết định trong chính trường Iraq và sẽ làm cho Iran mất đi khả năng kiểm soát tình hình Iraq.

Nhưng nếu lực lượng Shi'ite thân Iran không bị tiêu diệt, việc Mỹ buộc phải chấp nhận thất bại trong cuộc chiến Iraq và rút quân theo đòi hỏi của Quốc hội do Đảng Dân chủ mới giành lại quyền kiểm soát và dân chúng Mỹ, Iran sẽ có cơ hội kiểm soát Iraq thông qua đồng minh người Shi'ite - một kết cục hết sức nặng nề với người Mỹ, điều mà họ quên không tính tới trước khi đưa quân vào lật đổ thể chế chính trị của Iraq.

Kể từ khi đưa quân vào Iraq, lật đổ chính quyền Saddam Hussein, Mỹ vẫn thường xuyên có khoảng 150 ngàn quân trên lãnh thổ quốc gia vùng Vịnh này. Sau 3 năm với trên 3.000 lính Mỹ thiệt mạng và tiêu tốn hàng trăm tỉ đô la, người Mỹ đã ngộ ra là không thể dùng vũ lực, nhất là vũ lực quân sự, để biến đổi một nước Hồi giáo thành một nền dân chủ kiểu Mỹ. Sự thật không phải lúc nào cũng dễ chịu, kể cả với Mỹ, quốc gia siêu cường duy nhất trên hành tinh hiện nay.

Thượng Nghị sĩ của Đảng Dân chủ, Edward Kenedy nhận xét: “Việc tăng quân kiểu leo thang như trong chiến tranh Việt Nam của Tổng thống Bush là một sai lầm tệ hại mới. Bộ Quốc phòng luôn trấn an dư luận rằng mỗi đợt leo thang ở Việt Nam là đợt cuối. Ngược lại, mỗi cuộc leo thang lại kéo theo cuộc tiếp theo”. Chính quyền Mỹ hiện nay có lẽ đã ở tình trạng của một con bạc đen đủi, rút về thì rõ là thua đậm, đánh thêm biết đâu lại gỡ lại được tiền đã mất. Dẫu kết cục thế nào, người Mỹ cũng khó mà rứt mình ra khỏi cuộc chiến Iraq, nơi ngày càng trở thành một cuộc nội chiến đẫm máu và đậm màu tôn giáo. Lợi ích kiểm soát Iraq và khu vực Trung Đông với nguồn dầu lửa quá cần cho nền kinh tế Mỹ làm cho người Mỹ sẽ cố bám giữ lấy chính sách hiện nay của mình. Nhưng dân chúng Mỹ và cả người Iraq ngày càng sốt ruột với sự có mặt của quân đội Mỹ ở Iraq và chính quyền Mỹ chắc chắn sẽ phải tính lại các chính sách của mình ở khu vực này.

  • Hà Linh (từ New York)
     
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,