(VietNamNet) - Với chất kết dính là dầu lửa, chất xúc tác là viện trợ không điều kiện và lợi ích kinh tế, quân sự, quan hệ Trung Quốc - châu Phi có bước khởi sắc với chuyến công du 12 nước châu Phi của Chủ tịch Trung Quốc, Hồ Cẩm Đào.
Dầu lửa: chất kết dính
Tuần trước, Chủ tịch Trung Quốc, Hồ Cẩm Đào, đã bắt đầu chuyến công du 12 nước châu Phi. Đây là chuyến thăm thứ 3 của ông kể từ khi nắm chức vụ cao nhất của Trung Quốc năm 2003.
Trong số các chặng dừng chân của ông Hồ Cẩm Đào có Camerun, Liberia, Sudan, Namibia, Nam Phi, Mozambique và Seychells. Ngay trước chuyến đi của ông Hồ Cẩm Đào, Trung Quốc đã thông báo chương trình viện trợ 3 tỷ USD cho châu Phi.
Sự năng động của Trung Quốc ở châu Phi hoàn toàn không phải là một điều mới mẻ đối với nhiều nhà quan sát. Từ đầu những năm 90 của thế kỷ trước, khi mà kinh tế Trung Quốc đang gặt hái được thành công và Trung Quốc đang ở trong thế bị cô lập sau sự kiện Thiên An Môn, ngoại giao Trung Quốc đã lựa chọn châu Phi như là một đột phá khẩu.
Chìm đắm trong xung đột, nghèo đói, bệnh tật, sự cạnh tranh của Trung Quốc đối với sự hiện diện của Đài Bắc ở châu Phi đã là một tín hiệu khả quan đối với nhiều nước châu Phi sau nhiều năm vẫn phụ thuộc về mặt kinh tế và tài chính vào các cường quốc thực dân cũ.
Nhiều nhà phân tích đã không lỡ dịp chỉ ra những khía cạnh thương mại trong việc phát triển quan hệ giữa một nước Trung Hoa đang trỗi dậy và một châu Phi đầy rẫy tài nguyên và khan hiếm hàng hóa. Đặc biệt, dầu lửa và nguyên liệu thô sẽ là nội dung chính của những trao đổi mà người ta kỳ vọng sẽ diễn ra giữa Trung Quốc và các nước châu Phi.
Hiện nay Trung Quốc đang phải nhập khẩu tới 70% lượng dầu lửa cần thiết cho phát triển kinh tế và phần lớn trong số này đến từ khu vực Trung Đông bất ổn và đang nằm dưới sự kiềm tỏa của Mỹ. Năm 2003, Trung Quốc đã trở thành nước tiêu thụ các sản phẩm dầu mỏ lớn thứ 2 thế giới sau Mỹ, vượt qua Nhật Bản với 5,56 triệu thùng/ngày.
Theo các tính toán của chuyên gia Mỹ, đến năm 2025, mức tiêu thụ của Trung Quốc sẽ là 12,8 triệu thùng/ngày trong đó hơn 9 triệu thùng sẽ phải nhập khẩu. Trung Quốc chiếm 2/5 lượng tiêu thụ dầu lửa gia tăng trong 2 năm qua trên toàn thế giới và chính sự gia tăng này đã là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến việc giá dầu tăng cao.
Trong khi đó, châu Phi hứa hẹn sẽ là một nguồn cung cấp dầu lửa ổn định và chưa bị các cường quốc khác độc chiếm. Hiện nay các công ty khai thác dầu lửa Trung Quốc đang dần chiếm lĩnh những vị trí then chốt trong mạng lưới ngành công nghiệp vàng đen ở châu Phi. Trên thực tế, các công ty của Trung Quốc đang đứng vững ở Sudan. Năm 2003 CNPC (Công ty dầu lửa quốc gia Trung Quốc) đã hoàn thành việc xây dựng công trường khai thác dầu lửa Muglad có sản lượng 500000 thùng/ngày kể từ năm 2005.
Đồng thời, một nhà máy lọc dầu với sản lượng đạt 2,5 triệu tấn/năm và một đường ống dẫn kéo dài tới hải cảng trên Biển Hồng hải cũng đã được xây dựng. Theo các báo cáo từ phía Trung Quốc, đây là dự án đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực dầu lửa quan trọng nhất của Trung Quốc với số vốn lên đến 3 tỷ USD. Dầu lửa từ Sudan chiếm 7% trong tổng lượng nhập khẩu của Trung Quốc.
Tháng 10 năm 2004, Trung Quốc cũng đã thành công trong việc có được giấy phép góp 50% vốn trong lô số 18 trên ngoài khơi Angola do tập đoàn Shell đứng tên khai thác. Sự việc được công chúng biết đến chỉ khi công ty dầu lửa nhà nước của Ấn Độ ONGC-Videsh tuyên bố thất bại trong cuộc cạnh tranh vì phía Trung Quốc đã đồng ý cung cấp một ngân khoản 2 tỷ USD với lãi suất thấp cho phía Angola nhằm đầu tư vào các công trình cơ sở hạ tầng công cộng.
Theo một số nguồn tin, khoản tiền này sẽ được hoàn trả thông qua việc Angola xuất cho Trung Quốc 10000 thùng dầu mỗi ngày trong vòng 17 năm. Tổng kim ngạch xuất khẩu dầu lửa của Angola sang Trung Quốc hiện nay chiếm 1/3 sản lượng dầu của nước này.
Nằm trong danh sách các nguồn cung cấp tiềm năng của Trung Quốc sẽ còn Nigeria, Guinea Xích đạo, Sao Tome & Principe, Congo Brazaville và Gabon. Tại Mali và Mauritania các công ty Trung Quốc cũng đang tiến hành khoan thăm dò cũng như thăm dò khả năng đầu tư mạnh mẽ hơn vào thị trường các nước này. Tại Gabon, công ty Total-Gabon và tập đoàn Sinopec của Trung Quốc đã ký kết một hợp đồng xuất khẩu dầu sang Trung Quốc năm 2004 đưa Trung Quốc trở thành bạn hàng dầu lửa lớn thứ 3 của nước này sau Mỹ và Pháp.
Viện trợ không điều kiện: chất xúc tác
Trong hành trang của các nhà ngoại giao Trung Quốc công du ở châu Phi lần này còn có rất nhiều những hợp đồng thương mại trên nhiều lĩnh vực khác, đặc biệt là trong lĩnh vực khai thác các tài nguyên quý hiếm vốn rất dồi dào ở châu Phi. Với tốc độ phát triển hàng năm ở mức 2 con số, nền kinh tế Trung Quốc đang có nhu cầu rất lớn về khoáng sản như đồng, các nguyên liệu phóng xạ cho công nghiệp hạt nhân... Trong khi đó, ở một số nước châu Phi như Zambia, ngành khai thác đồng đang lâm vào khủng hoảng do các công ty địa phương và các công ty phương Tây đang làm ăn thua lỗ.
Cùng với dầu lửa, nguyên liệu phóng xạ, than đá cũng là ưu tiên của ngoại giao năng lượng Trung Quốc ở châu Phi đặc biệt là Nam Phi. Hiện Nam Phi đang chiếm đến 25% GDP của toàn châu Phi nam Sahara đồng thời cũng là đối tác thương mại châu Phi hàng đầu của Trung Quốc, chiếm 20% tổng kim ngạch thương mại giữa châu Phi và Trung Quốc.
Theo thống kê của phía Trung Quốc, tổng kim ngạch thương mại giữa Trung Quốc và châu Phi nam Sahara ở mức 817 triệu USD năm 1977 đã tăng lên hơn 10 tỷ USD năm 2000 và đạt mức 18,5 tỷ USD năm 2003. Giới chức Trung Quốc luôn khẳng định rằng châu Phi đang là một thị trường hết sức tiềm năng của Trung Quốc trên nhiều lĩnh vực. Đặc biệt khi mà mối quan hệ giữa hai phía đã dần được đưa vào những khuôn khổ chính thức như Diễn đàn Hợp tác Trung Quốc – châu Phi tại Bắc Kinh năm 2000, tại Addis Abeba năm 2003 và mới đây, năm 2006 một Hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc – châu Phi đã được tổ chức tại Trung Quốc.
Quan hệ thương mại giữa hai bên còn càng được thúc đẩy khi mà giữa Trung Quốc và châu Phi không có sự ám ảnh của bóng ma quá khứ. Viện trợ của Trung Quốc cho châu Phi thường không kèm theo các điều kiện mà các nước phương Tây thường áp đặt. Chính vì vậy, chương trình tài trợ 3 tỷ USD với lãi suất 0% vừa mới được loan báo, nằm trong khoản tài chính 5 tỷ USD mà Trung Quốc đã cam kết trong Hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc – châu Phi đầu tiên năm 2006 đã được các nước châu Phi nhiệt tình chào đón.
Và những lợi ích quân sự và chính trị
Tuy nhiên cũng phải nhận thấy rằng quan hệ giữa Trung Quốc và châu Phi không hoàn toàn chỉ ở trên các khía cạnh thương mại và phát triển. Các hồ sơ về hợp tác quân sự và trao đổi chính trị cũng nằm trong những lợi ích mà các nhà ngoại giao Trung Quốc đang tìm kiếm.
Trong lĩnh vực quân sự, Trung Quốc đang có những quan hệ mật thiết với Zimbabwe. Chính quyền của Tổng thống R. Mugabe đang có chương trình trang bị một thế hệ máy bay chiến đấu của Trung Quốc. Quan hệ quân sự giữa Trung Quốc và châu Phi thực sự được phát triển vào những năm 90. Những hiệp định hợp tác quân sự song phương đã được ký kết giữa Trung Quốc với Congo Brazaville trong khi đó nhiều chuyên gia quân sự Trung Quốc đang làm việc tại các trại huấn luyện ở Angola.
Trong số các khách hàng của các công ty quân sự Trung Quốc con có các nước như Trung Phi, Burkina Farso, Tchad, Liberia, Senegal. Người ta vẫn còn nhớ là Tổng thống mới thắng cử ở Cộng hoà Dân chủ Congo, J. Kabila đã được triệu về nước làm Tổng thống tạm quyền thay người cha, L. D. Kabila bị ám sát, khi ông đang theo học sĩ quan quân đội tại Trung Quốc.
Trong những năm 60 và 70 của thế kỷ trước, Trung Quốc cũng tích cực ủng hộ các phong trào nổi dậy ở châu Phi cả về chính trị, kinh tế và quân sự. Giờ đây những nội dung hợp tác kinh tế và thương mại đang dần trở thành chủ đạo trong quan hệ giữa hai bên nhưng không vì thế mà các lợi ích quân sự và chính trị bị xem nhẹ.
Trên các diễn đàn đa phương, các nước châu Phi bị phương Tây chỉ trích về thành tích yếu kém trên nhiều lĩnh vực thường tìm thấy một đồng minh có sức mạnh là Trung Quốc với vị thế là thành viên thường trực Hội đồng bảo an LHQ. Và ngược lại, viện trợ, thương mại không điều kiện của Trung Quốc cũng đảm bảo cho nước này một sự ủng hộ của thế giới các nước châu Phi trong những vấn đề liên quan đến Trung Quốc.
Ngoài ra cũng cần phải nhắc đến một lợi ích khác mà các nhà ngoại giao Trung Quốc đôi lúc không ngần ngại thừa nhận công khai là việc Trung Quốc tìm cách ngăn chặn Đài Bắc mở rộng ảnh hưởng ở châu Phi. Ngoại giao Trung Quốc trong những năm gần đây có mục tiêu cao nhất là ngăn chặn việc chính quyền ở Đài Bắc tuyên bố và trở thành độc lập.
Việc Trung Quốc mở rộng quan hệ sang châu Phi trong những năm 90 cũng là nhằm mục tiêu này vì khi đó có hơn 10 nước châu Phi có quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Bắc. Đối tác châu Phi lớn nhất của Trung Quốc là Nam Phi cũng chỉ chính thức hy sinh quan hệ với bạn cũ Đài Bắc để thiết lập quan hệ với Trung Quốc năm 1997.
Nhìn trên tổng thể, sự phát triển mạnh mẽ mối quan hệ giữa Trung Quốc và các nước châu Phi chính là nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển tự nhiên của mỗi bên và trên cơ sở những lợi ích mà mỗi bên kỳ vọng trong cuộc đua phát triển kinh tế. Nhưng không vì thế mà đã có nhiều tiếng nói, từ phương Tây và từ chính các nước châu Phi, lo ngại Trung Quốc một ngày kia sẽ đóng vai trò của phương Tây ở châu Phi, tức những người đang tận sức khai thác tài nguyên nơi đây hơn là làm cho nó phát triển.
Cả hai cách nhìn đều có lý lẽ riêng nhưng cũng phải thừa nhận rằng các quốc gia từng là cường quốc thực dân cũ ở châu Phi sẽ không dễ dàng chấp nhận sự xuất hiện trên “sân sau” của mình một đối thủ cạnh tranh mới, đặc biệt khi đó lại là Trung Quốc.
-
Hồng Hà