Sau chiến tranh Afghanistan và Iraq, một số nhân vật cực hữu trong chính giới Mỹ bắt đầu nói đến nhu cầu “thay đổi chế độ” ở Iran.
Nhưng những khó khăn ở Afghanistan và Iraq đang làm hạn chế những khả năng quân sự của Mỹ. Bắt thóp những khó khăn của Mỹ, lãnh đạo Iran không ngại phải đối đầu với Mỹ, quốc gia siêu cường duy nhất trên hành tinh. Trong mấy tháng qua, Iran tích cực thử các loại vũ khí, đẩy mạnh kế hoạch phát triển hạt nhân (theo Iran là vì mục tiêu hòa bình), trong đó có bắn thử tên lửa tầm xa. Gần đây nhất là việc bắt giữ 15 lính hải quân Anh trên vùng biển biên giới giữa Iran vàIraq. Thái độ cứng rắn của hai bên đang đẩy cuộc đối đầu lên những tầm cao mới.
Liệu Mỹ có tấn công quân sự Iran như họ đã làm ở Nam Tư, Afghanistan và Iraq để khẳng định vai trò lãnh đạo thế giới có được sau Chiến tranh Lạnh, trừng trị những quốc gia mà họ cho là cứng đầu cứng cổ và đe dọa lợi ích của họ?
Với những khó khăn về đối nội và đối ngoại Mỹ đang phải đối đầu hiện nay, ít có ai tin là người Mỹ lại tính tới một cuộc phiêu lưu mới ở Trung Đông. Tuy nhiên, sự đối địch giữa Mỹ và Iran đã có một lịch sử lâu đời và những kinh nghiệm của người Mỹ với Iran thực sự là không chút ngọt ngào, nếu không nói thẳng ra là cay đắng.
Điều gai góc là những người Mỹ đang nắm quyền lực hiện nay tin rằng, chính Iran đang đứng đằng sau những khó khăn của họ ở cả hai mặt trận Afghanistan và Iraq. Iran cũng gây khó cho người Mỹ trong vấn đề Israel-Palestine và tình hình ở Lebanon. Và người Mỹ, nhất là trong giới tân bản thủ, coi Iran hiện nay là chướng ngại cho toàn bộ chiến lược kiểm soát Trung Đông và tiến đến toàn bộ lục địa Á-Âu của Mỹ. Một chiến lược chống Iran hiển nhiên là cần thiết cho nước Mỹ.
Mỹ và chiến lược chống Iran
Các cuộc tấn công của quân đội Israel vào lực lượng Hezbollah ở miền Nam Lebanon màu Hè năm ngoái đã thúc đẩy Chính quyền Mỹ xây dựng một chiến lược nhằm ngăn chặn ảnh hưởng của Cộng hòa Hồi giáo Iran ở khu vực Trung Đông.
Chiến lược này xác định Iran là “kẻ thù số 1” của Mỹ và có mục tiêu xây dựng một liên minh ba bên bao gồm Mỹ, các nước Ả-rập theo phái hệ Đạo Hồi Sunni và đồng minh Israel.
Chiến tranh diễn ra ở Lebanon, lãnh thổ Palestine và Iraq thực sự là nhằm để đẩy lùi ảnh hưởng của Iran với nguyên tắc đối đầu và ngăn chặn ảnh hưởng của lực lượng Hồi giáo Shi’ite. Chiến lược này ra đời do sự thay đổi về cán cân quyền lực trong khu vực xuất phát chính từ việc Mỹ loại trừ lực lượng Taliban và Sadam Hussein ở hai nước láng giềng của Iran, làm cho ảnh hưởng của Iran đột nhiên tăng vọt trái ngược hoàn toàn với mong đợi của Mỹ.
Những thất bại của Chiến lược “dân chủ hóa” Trung Đông mà chính quyền Mỹ phát động từ đầu Thế kỷ và việc quân đội Mỹ bị sa lầy ở Iraq cũng đã tăng cường sức mạnh cho các lực lượng Hồi giáo chống phương Tây.
Liên minh ba bên chống Iran đã hình thành sau xung đột mùa Hè vừa qua tại miền Nam Lebanon. Về phía Mỹ, Nhà Trắng về cơ bản đã từ bỏ chiến dịch “dân chủ hóa” Trung Đông, tăng cường sức mạnh hải quân trong Vùng Vịnh và cung cấp tên lửa Patriot cho các nước Ả-rập Vùng Vịnh để ve vãn họ đối đầu với Iran mạnh mẽ hơn, gia tăng hỗ trợ cho Chính quyền của Thủ tướng Siniora ở Lebanon và hứa hẹn sẽ cố gắng hơn trong việc thúc đẩy giải pháp cho cuộc xung đột Palestine-Israel.
Mỹ cũng gia tăng sức ép đối với chương trình vũ khí hạt nhân của Iran tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và lên án Tehran cung cấp vũ khí cho các lực lượng du kích thân Iran ở Iraq, bắt giữ các nhà ngoại giao Iran trên lãnh thổ Iraq. Mỹ cũng cố gắng hỗ trợ các lực lượng li khai ở Iran, nhất là các nhóm dân tộc thiểu số ở gần các vùng biên giới nhằm làm cho Iran mất ổn định từ bên trong.
Để đổi lại, các nước Ả-rập theo phái hệ Hồi giáo Sunni, gồm tất cả các quốc gia trong Tổ chức Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh cùng với Ai Cập và Jordan đồng ý sẽ cung cấp ủng hộ về tài chính và chính trị cho chính phủ Lebanon, hỗ trợ các cố gắng của Mỹ chống Iran, hạ thấp giá dầu lửa.
Về phần mình, Israel sẽ cung cấp tin tình báo cho Mỹ và các lực lượng Ả-rập chống lại Hezbollah, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về mối đe dọa của vũ khí hạt nhân của Iran và xây dựng các lực lượng chống lại Iran, chuẩn bị sẵn sàng nhân nhượng trong thương lượng với Palestine và về lãnh thổ Cao nguyên Golan của Syria, lôi kéo Syria tách khỏi liên minh với Iran. Đặc biệt là thổi phồng triển vọng giải quyết hòa bình cuộc xung đột phiền toái nhất khu vực Trung Đông, đó là cuộc xung đột kéo dài trên nửa thế kỷ qua giữa Israel và Palestine.
Với người Mỹ, điều quan trọng là chiến lược này giúp thu hút chú ý của dư luận khỏi thất bại ở Iraq, duy trì được ảnh hưởng của Mỹ trong khu vực và cứu vãn được mâu thuẫn sâu sắc trong nội bộ nước Mỹ về các chính sách đối nội và đối ngoại của Chính quyền Mỹ trong thời gian qua.
Tương tự như cuộc đối đầu lịch sử giữa Mỹ và Liên Xô cũ trong Chiến tranh Lạnh, chiến lược này có điểm mạnh là xác định được một kẻ thù làm điểm tựa cho hàng loạt các chính sách về đối nội và đối ngoại của Mỹ trong bối cảnh sau chiến tranh lạnh. Sức mạnh của Mỹ trong khu vực luôn tùy thuộc vào khả năng thuyết phục được các đồng minh Ả-rập cùng với Israel xác định ra một kẻ thù chung và nhờ vậy họ có thể tạm gác mối thâm thù với nhau.
Mặc dù các nước Ả-rập chưa chắc đã coi Liên Xô cũ mà sự đe dọa đối với lợi ích của họ trong Chiến tranh Lạnh, nhiều nước trong đó có Ai-cập, Ethiopia, Yemen, ngược lại, còn nhận được viện trợ khổng lồ của Liên Xô cũ, một nước Iran sắc tộc Shi’ite, không phải người Ả-rập với ảnh hưởng rộng lớn trong khu vực, dễ dàng được coi là một kẻ thù chung đáng gờm. Chiến lựợc này rất có thể sẽ dẫn đến chiến tranh nếu Iran bị khiêu khích và không kiềm chế được bản thân.
Và nghị quyết cấm vận Iran của Hội đồng Bảo an LHQ
Ngày 24 tháng 3 vừa qua, tất cả các thành viên Hội đồng Bảo an LHQ đã nhất trí thông qua nghị quyết số SC 1747 thắt chặt thêm các biện pháp trừng phạt Cộng hòa Hồi giáo Iran nhằm buộc quốc gia này từ bỏ các kế hoạch làm giàu uranium và phát triển vũ khí hạt nhân.
Trước khi bỏ phiếu nghị quyết, nhiều người nghĩ là Trung Quốc và Nga, xét các mối quan hệ kinh tế to lớn của hai nước này đang có với Iran, sẽ phủ quyết không để Hội đồng Bảo an thông qua nghị quyết bất lợi cho Iran.
Mặc dù vậy, theo đánh giá của các chuyên gia, nội dung nghị quyết được xây dựng bảo đảm các yêu cầu của Nga và Trung Quốc trong các hợp đồng buôn bán của họ với Iran. Một nhà ngoại giao châu Á nhận xét: “Nghị quyết nổi bật không phải ở những trừng phát sẽ được áp dụng mà ở những trừng phạt không được áp dụng”.
Nghị quyết không ngăn cản Iran bán dầu lửa, một nguồn thu chiếm tới 70% tổng nguồn thu ngoại tệ của nước này. Nga và Trung Quốc cũng gạt khỏi nghị quyết được yêu cầu của Mỹ đòi cấm quan chức Iran đi công cán nước ngoài. Nghị quyết này cũng không cấm vận vũ khí Iran như nghị quyết đã làm với Iraq vào tháng 8 năm 1990 khi Iraq xâm lược Kuwait mà chỉ kêu gọi các nước thành viên LHQ “cảnh giác và kiềm chế” không bán cho Iran các loại vũ khí hạng nặng như máy bay chiến đấu, máy bay lên thẳng, tàu chiến, tên lửa và xe tăng.
Tuy nhiên, điểm phức tạp là việc nghị quyết tiếp tục đe dọa khả năng vận dụng điều 41 chương VII của Hiến chương LHQ, hàm ý sử dụng biện pháp cưỡng chế bằng vũ lực nếu Iran tiếp tục không chịu hợp tác thực hiện các yêu cầu của nghị quyết trong vòng hai tháng tới.
Theo Cơ quan Nghiên cứu Quốc Hội tại Washington (CRS) các hợp đồng bán vũ khí của Nga cho Iran cho các năm 2002-2005 đạt khoảng 2 tỷ USD. Đại sứ Nga tại LHQ, Vitaly Churkin, nói những biện pháp trừng phạt mới không ảnh hưởng gì tới lợi ích của Nga.
Ông này nói: “các hạn chế mới không liên quan tới những hợp đồng ký từ trước với Iran và không giới hạn về tài chính, kể cả nếu thực hiện hợp đồng thông qua các công ty có tên trong danh sách trừng phạt”. Chắc chắn Nga sẽ dùng quyền phủ quyết nếu nội dung áp đặt cấm vận vũ khí với Iran. Để tránh việc này, bốn cường quốc phương Tây (Mỹ, Anh, Pháp và Đức) đã rút yêu cầu về cấm vận vũ khí.
Nghị quyết kêu gọi các nước thành viên LHQ và các thể chế tài chính quốc tế không ký kết những thỏa thuận mới về tài trợ và tín dụng với Iran, trừ các thỏa thuận liên quan đến mục tiêu nhân đạo và phát triển. Nghị quyết cấm không cho Iran xuất khẩu vũ khí và ngưng các tài khoản của 28 tổ chức và cá nhân, trong đó có cả cán bộ cấp cao trong Quân đội Iran.
Nam Phi, một nước không liên kết và hiện là thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an, đề nghị kéo dài thời gian thực hiện nghị quyết từ 2 tháng lên 3 tháng và chỉ áp dụng những biện pháp trừng phạt đối với các họat động liên quan đến chương trình hạt nhân của Iran.
Những đề nghị này không được các cường quốc ủng hộ. Indonesia và Qatar cũng đề nghị bổ sung đoạn yêu cầu xây dựng một khu vực Trung Đông phi hạt nhân, hàm ý đến các chương trình phát triển vũ khí hạt nhân của Israel. Đề nghị này cũng bị Mỹ bác bỏ thẳng cánh.
Khi các phóng viên chấp vấn Đại sứ Nam Phi tại LHQ, Dumisan Kumalo, có phải nước ông ta định làm loãng nội dung nghị quyết này, ông Komulo nói: “Chúng tôi đã làm cho nghị quyết hay hơn chứ không phải dở hơn”. Ông Đại sứ cũng nói Nam Phi luôn luôn kiên định trong các kêu gọi đòi Iran tuân thủ các quyết định của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) và chấm dứt chương trình làm giàu uranium của họ.
Tiến sỹ Natalie Goldring tại Trung tâm Nghiên cứu vì Hòa bình và An ninh thuộc Trường Đại học Georgetown, Washington D.C., Mỹ, nói Iran không xuất khẩu nhiều vũ khí mà chủ yếu là nước nhập nhiều vũ khí. Theo Viện Nghiên cứu Hòa Bình Quốc tế có trụ sở tại Stokholm, Thụy Điển, trong các năm 2001-2005, Iran là nước nhập khẩu vũ khí đứng thứ 10 trên thế giới và về xuất khẩu vũ khí chỉ đứng thức 62.
Vậy nên, việc cấm Iran bán vũ khí sẽ ít có tác động đến nước này. Cũng theo chuyên gia này, Trung Quốc là nước cung cấp nhiều kỹ thuật quân sự cho ngành công nghiệp quốc phòng của Iran, nhất là kỹ thuật chế tạo tên lửa. Loại tên lửa dùng cho hải quân mới của Iran với tên gọi Raad là dựa vào kỹ thuật tên lửa HY2 của Trung Quốc, chủ yếu dùng để bảo vệ bờ biển. Theo Trung tâm Dự báo Tình báo Mỹ, Iran đã sản xuất được các loại máy bay chiến đấu, trực thăng, tàu chiến, và cả tàu ngầm nhỏ kiểu của Nga và Trung Quốc.
Bà Goldring nói một số cố gắng về ngăn chặn phổ biến vũ khí hạt nhân thành công nhờ các biện pháp ngoại giao, sức ép kinh tế, và kiên trì. Cách tốt nhất để thuyết phục Iran từ bỏ chương trình hạt nhân là theo đuổi những biện pháp đã buộc được Li-bi từ bỏ chương trình phát triển vũ khí hạt nhân của họ.
Các chính quyền Mỹ, cả Dân chủ lẫn Cộng hòa, đã kiên trì chiến lược cô lập chính quyền Li-bi về chính trị và kinh tế trong một thời gian dài. Bà này nói: “Các chính quyền Mỹ đã kiên trì chiến lược này và cuối cùng Lãnh tụ Li-bi, Qadafi đã quyết định từ bỏ chương trình hạt nhân”.
Còn ông John Bolton, cựu Đại sứ Mỹ tại LHQ, phát biểu trên Truyền hình CNN ngày 25/3, lại quả quyết rằng chỉ có thay đổi chính thể ở Iran thì mới có thể chấm dứt được chương trình phát triển hạt nhân của nước này. Ôn Bolton nói không loại trừ phải dùng các biện pháp quân sự nhưng tốt nhất là dựa vào cộng đồng người Iran hải ngoại tác động vào dân chúng Iran, mà theo ông ta đã rất bất mãn với chính quyền Iran hiện nay, để nổi lên lật đổ nhà nước Hồi giáo này.
Mỹ sẽ lựa chọn con đường nào?
Trở lại câu hỏi lúc đầu về khả năng Mỹ tấn công quân sự Iran, đổ bộ hay không kích kiểu “oanh tạc giải phẫu” nhằm vào một số mục tiêu lựa chọn như cơ sở hạt nhân và quốc phòng, chúng ta có thể thấy nước Mỹ, nhất là dân chúng và Quốc Hội Mỹ hiện đang hết sức thất vọng đối với chính sách phiêu lưu của chính quyền Mỹ dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Bush đối với cuộc chiến tranh ở Iraq, chắc chắn sẽ không muốn chính quyền thực hiện một cuộc chiến tranh mới ở khu vực đang gây nhiều phiền toái cho nước Mỹ này. Chỉ số tín nhiệm đối với Tổng thống Bush đã tụt xuống gần đạt mức kỷ lục trong lịch sử nước Mỹ, chỉ còn cao hơn Tổng thống thời Chiến tranh Lạnh Truman và Tổng thống thời Chiến tranh xâm lược Việt Nam Giôn Xơn chút ít.
Tuy vậy, Tổng thống Bush lại rất tin tưởng vào sứ mệnh của ông ta về việc phát động cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố sau vụ tấn công vào Tòa tháp Đôi ở New York ngày 11 tháng 9 năm 2001, tương tự như sứ mệnh Tổng thống Truman đã thực thi chống Chủ nghĩa Cộng sản nửa thế kỷ trước.
Hơn nữa, ông Bush cũng chỉ còn non hai năm làm tổng thống nữa và giống mọi người bình thường khác, ông ta chẵc cũng đang suy nghĩ về đánh giá của hậu thế đối với công lao của mình đối với nước Mỹ. Cho đén nay, nước Mỹ dưới thời ông đã tiến hành hai cuộc chiến tranh lớn, một chống Taliban ở Afghanistan và một chống chính quyền Saddam Hussein ở Iraq. Cả hai cuộc chiến vẫn còn đang dai dẳng và từng ngày tiêu tốn của nước Mỹ hàng tỷ đô la cùng một số sinh mạng binh sỹ Mỹ. Có thêm một cuộc chiến nữa hẳn không phải là một ý tưởng hay đối với ông Bush.
Mọi dự báo đều phải dựa vào các thực tiễn lịch sử đã diễn ra. Tuy nhiên, quá khứ chỉ giúp con người phần nào trong cố gắng tiên đoán những diễn biến sắp đến. Có một vài điều buộc chúng ta phải nghĩ là cuộc đối đầu giữa một siêu cường với một quốc gia có truyền thống văn hóa lâu đời và lòng tự tôn dân tộc cao ngất như Iran sẽ khó giải quyết bằng nhân nhượng ngoại giao.
Trước khi tấn công Nam Tư, Afghanistan và cả Iraq, người Mỹ cũng thông quan Hội đồng Bảo an đẻ có nhiều nghị quyết trừng phạt các nước này, làm cho họ gần như kiệt quệ và không còn chút sức lực phản kháng. Rất có thể đường mòn này cũng đang đưa đến kết cục tương tự, cái khó nói trước phải chăng chỉ là khi nào sẽ đến kết cục đó mà thôi.
-
Hà Linh