221
1601
Bình luận quốc tế
binhluan
/thegioi/binhluan/
922286
Mỹ vẫn còn có thể rút khỏi bãi lầy Iraq
1
Article
445
Quốc tế
thegioi
/thegioi/
Mỹ vẫn còn có thể rút khỏi bãi lầy Iraq
,

(VietNamNet) - Sau 4 năm tiến hành cuộc chiến tại Iraq, vẫn còn một quân bài mạnh và cũng là duy nhất cho Mỹ rút khỏi "vũng lầy" này.

Sau hàng loạt những chỉ trích cũng như thừa nhận về các sai lầm đã phạm phải trong năm 2006, đầu năm 2007 này các chỉ trích lại một lần nữa nhắm vào chính quyền ông Bush trong việc giải quyết hồ sơ Iraq nhất là sau quyết định tăng thêm quân nhằm đảm bảo an ninh cho Bagdad trái với những gì bản báo cáo Hamilton-Baker khuyến cáo.

00.jpg
Con đường thoát khỏi vũng lầy: giải pháp để con số binh lính Mỹ hy sinh không tiếp tục gia tăng.
Tuy nhiên, chuyên gia phân tích chiến lược người Pháp Alexandre Adler đã chỉ ra rằng Mỹ vẫn có thể thành công ở Iraq và thành công này chỉ có thể với một số điều kiện nhất định.

Theo Adler, trước tiên cần phải chỉ rõ hai sai lầm trong cách hiểu vấn đề Iraq, một từ phía Mỹ và một từ phía cộng đồng quốc tế.

Thứ nhất, cho dù thế nào đi chăng nữa, tham vọng của Mỹ chuyển hóa Iraq thành một nền dân chủ theo kiểu phương Tây và trở thành một tủ kính trưng bày cho thế giới Arập và Hồi giáo ở Trung Đông hoàn toàn là không thể và cũng không có ý nghĩa gì đối với bối cảnh chính trị trong khu vực.

Thứ hai, việc xảy ra xung đột giữa hai cộng đồng tôn giáo Sunni và Shia ở Iraq không thể đổ hoàn toàn lên vai người Mỹ và đó cũng không phải là một thất bại của Mỹ hoặc của chính bản thân Tổng thống Bush. Cuộc nội chiến mang màu sắc tôn giáo này đã chẳng hề được ai hoặc công trình nào dự báo trước đó và cũng chẳng một tác nhân nào trong khu vực, cả Iran lẫn Syria, mong muốn điều đó xảy ra. Đó đúng hơn là một tiến trình suy thoái của tình hình chứ không hề là một âm mưu của ai hoặc thế lực nào đó. Đó chẳng phải là vấn đề của riêng ai, cho dù là những kẻ cực đoan hay những người ôn hòa, cho dù là Iran hay là Arab Saudi.

Câu chuyện cần bàn đến giờ đây làm thế nào Mỹ sẽ thoát ra khỏi bãi lầy ở Iraq, nơi đang chôn vùi từng ngày, từng giờ chính sách của Mỹ đối với khu vực Trung Đông. Rõ ràng là vào thời điểm này, Mỹ chỉ còn duy nhất một quân bài và đó là quân bài rất mạnh. Đó chính là chính quyền đa số Shia ở Bagdad do Mỹ bảo trợ.

Trên thực tế, việc duy trì sự tồn tại của chính quyền này phụ thuộc hoàn toàn vào sự hiện diện của quân đội Mỹ ở Iraq và nhất là ở Bagdad. Một kịch bản "nồi da nấu thịt" sẽ diễn ra ở Iraq nếu quân Mỹ rút hết vào thời điểm này và chắc chắn không một ai trong số những người tỉnh táo có đủ dũng khí để đưa ra một đề xuất tương tự.

Người Sunni từ trước đến nay luôn chiếm đa số tuyệt đối trong giới tinh hoa về chính trị và quân sự cũng như cảnh sát ở Iraq. Cho dù chiếm đa số trong dân chúng nhưng người Shia sẽ dễ dàng bị đánh bại một khi mất đi sự bảo trợ của Mỹ và khi đó cảnh giết chóc vì phục thù sẽ là những màn diễn chính cho sân khấu nội chiến ở Iraq. Trong kịch bản đó, chẳng một nước láng giềng nào của Iraq có thể trục lợi, cả Iran lẫn Syria hay các nước có đa số Sunni khác.

Khi đó Iran với đa số là người Shia chắc chắn sẽ phải can thiệp hỗ trợ cho phe Shia đa số ở Iraq. Điều này sẽ làm mất đi mọi thiện cảm vốn ít ỏi của các nước Arab dành cho Iran cho dù nước này đã có rất nhiều cố gắng ve vãn, đặc biệt là đối với các lực lượng bài Mỹ. Tệ hơn thế, việc quân đội Iran can thiệp vào Iraq cũng đẩy quân đội này vào tình thế bị sa lầy thậm chí còn hơn cả tình thế của quân Mỹ hiện nay và điều này sẽ làm trầm trọng thêm thế bị cô lập của Iran trên trường quốc tế và khu vực và hệ quả là sẽ làm suy yếu nghiêm trọng chính quyền ở Teheran.

Người Thổ Nhĩ Kỳ đang bận tâm với việc làm hài lòng các nước EU sẽ chỉ có thể can thiệp hết sức hạn chế cả về thời gian và không gian với lực lượng chính là cảnh sát chứ khó có thể sử dụng đến quân đội. Nếu Syria đang ủng hộ tích cực cho các phe phái thánh chiến Sunni là bởi vì Damacus đang muốn ve vãn các nước đa số Sunni láng giềng để đảm bảo an ninh của chính quyền đối mặt với các nhóm chống đối Sunni ở trong nước. Trong tình cảnh đó, việc tồn tại một nhà nước Sunni toàn thống ở sườn phía đông của Syria sẽ là một điều không hề dễ chịu đối với Damacus. Còn Arab Saudi, tính ôn hòa về mặt tôn giáo hiện nay của giới lãnh đạo sẽ biến mất hoàn toàn nếu như phải can thiệp vào Iraq nhằm ủng hộ các lực lượng Sunni và điều đó sẽ làm cực đoan hóa công luận trong đất nước vốn đã hết sức mong manh này.

Trong các điều kiện mà ai cũng có thể nhận thấy như vậy, không một quốc gia có liên quan nào trong khu vực đã lên tiếng phản đối việc Washington gửi thêm 20.000 quân sang Iraq. Những phản đối thành thực và mạnh mẽ nhất vào thời điểm đó chỉ hạn chế chủ yếu ở dư luận công chúng Mỹ bởi không muốn có thêm những thiệt hại về nhân mạng. Trong bối cảnh đó, ông Bush sẽ phải làm gì? Liệu ông có thể cứu vãn được sự thống nhất của Iraq và khi đó sẽ có được sự thừa nhận của cả hai lực lượng rõ ràng là ủng hộ một nước Iraq thống nhất?

Lực lượng thứ nhất đó chính là khối Sunni ôn hòa với người lãnh đạo là quốc vương Arab Saudi và bao gồm cả Jordania, đảng của cựu Thủ tướng Libanon Hariri, phe Fatah ở Palestine và nhất là thiểu số người Arab Sunni ở Iraq, những người không hề muốn chỉ là di sản của quá khứ Saddam Hussein hoặc là đại diện trong tương lai của giáo phái cực đoan của Bin Laden. Trong số họ, bộ tộc Shammar hùng mạnh đang thiết lập được vị trí ở cả ba quốc gia lớn ở khu vực là Iraq, Syria và Arab Saudi. Cả quốc vương Abdallah cũng thuộc về bộ tộc này theo họ ngoại và Tổng thống lâm thời đầu tiên của Iraq cũng là người của bộ tộc. Họ có thế chấp nhận một ưu thế của người Kurd và Shia ở Bagdad với một đảm bảo rằng những băng đảng cực đoan của giáo sĩ Moqtada Sadr và những kẻ đối nghịch thuộc Quân đội Mahdi không được tham chính. Những người Shia ôn hòa ở Iran chắc cũng chẳng lấy làm quá bận lòng nếu các lực lượng của giáo sĩ Sadr, vốn có quan hệ mật thiết với các lực lượng cực hữu ở Iran, bị giải tán hoặc đàn áp.

Nếu vào đúng lúc này, theo Alexandre Adler bằng việc sử dụng một hình thức bạo lực đúng đắn, người Mỹ hành động không phải vì một lý tưởng truyền bá một thứ dân chủ không hề tồn tại trong khu vực mà phối hợp lợi ích dài hạn với những người ôn hòa ở Trung Đông, cả ở Syria, Iran, Iraq hay Arab Saudi, cho dù họ thuộc hệ phái Sunni hay Shia thì Mỹ vẫn còn có thể thoát ra khỏi bãi lầy Iraq mà không phải hổ thẹn.

  • Hồng Hà
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,