221
1601
Bình luận quốc tế
binhluan
/thegioi/binhluan/
929540
Chiến thắng thuyết phục của tân Tổng thống Pháp
1
Article
445
Quốc tế
thegioi
/thegioi/
Chiến thắng thuyết phục của tân Tổng thống Pháp
,

(VietNamNet) - Cuộc chiến đã kết thúc. Với tỷ lệ người đi bầu kỷ lục gần 85% cũng như một khoảng cách rõ rệt hơn 2 triệu cử tri so với ứng viên cánh Tả Ségolène Royal, Nicolas Sarkozy đã được người Pháp lựa chọn để trở thành vị tân Tổng thống kế nhiệm Jacques Chirac.

Tân Tổng thống Pháp - Nicolas Sarkozy
Tân Tổng thống Pháp - Nicolas Sarkozy
Đúng 20h (1h giờ Hà Nội), Nicolas Sarkozy đă chính thức trở thành Tổng thống thứ 23 của Cộng hòa Pháp. Theo kết quả thống kê tạm thời : Nicolas Sarkozy đạt 53, 2% số phiếu bầu và Ségolène Royal nhận được 46, 8%.

20h05. Nụ cười tươi đầy tự tin của ’’người thua cuộc’’ Ségolène Royal được truyền hình trực tiếp trên khắp nước Pháp. Người dân lại được nghe câu nói quen thuộc của bà : ’’Hãy giữ lấy niềm hạnh phúc và đam mê’’.

’’Tôi đã chiến thắng trong công cuộc đổi mới đời sống chính trị nước này’’, bà khẳng định. Ségolène Royal vẫn hướng tới tương lai : ’’Chúng ta sẽ tiếp tục cùng nhau chiến đấu’’. Những hình ảnh trên cho thấy, bà không phải kẻ bại trận Jospin của năm 2002. Tuy nhiên, trong khi bà vẫn đang ’’an ủi’’ những người ủng hộ mình, đài truyền hình TF1 lại truyền đi hình ảnh ’’người đồng hành’’ François Hollande của bà với bộ mặt buồn khổ và đau đớn tới cùng cực.

20h40. Nicolas Sarkozy đến khán phòng Gaveau. Bài phát biểu đầu tiên với cương vị Tổng thống của ông thật cụ thể, rõ ràng và tràn đầy cảm xúc : ’’Tôi yêu nước Pháp bằng cả trái tim’’’’Tôn trọng bà Royal có nghĩa là tôn trọng hàng triệu người Pháp đã bỏ phiếu cho bà’’. Sau đó, ông trở lại với các chủ đề lớn : Lao động, ’’ Đoạn tuyệt’’, Bản sắc dân tộc…Các đảng viên UMP trong khán phòng Gaveau cùng hát vang bài quốc ca ’’la Marseillaise’’ trước khi đến quảng trường Concorde để tham dự vào buổi hòa nhạc chào mừng chiến thắng của vị tân Tổng thống.

21h40. Đến phiên hình ảnh của François Bayrou, ứng viên Trung dung đứng thứ 3 trong kỳ bầu cử vòng 1, được đài truyền hình TF1 truyền trực tiếp. Ông đã phát biểu vô cùng ngắn gọn để khẳng định ông sẽ tiếp tục hành động. Ngạc nhiên ở chỗ, thay vì phát biểu tại trường quay truyền hình, ông đã thực hiện bài diễn văn từ trụ sở đảng UDF. Chắc hẳn François Bayrou đã quên rằng mình không còn là ứng viên tranh cử Tổng thống Pháp năm nay.

Chiến thắng không khoan nhượng

Chiến thắng với một khoảng cách rõ rệt, Nicolas Sarkozy từ nay đã có thể rảnh rang để tiến hành các chính sách mà ông ta đã hứa hẹn trong chiến dịch tranh cử mà không cần quan tâm đến các mong muốn của gần 47 % số cử tri đã bỏ phiếu cho Ségolène Royal.

Tại vòng 2 này, vị tân Tổng thống của nước Pháp đã nhận được khoảng 53% số phiếu bầu, chỉ đứng sau kỷ lục của người sáng lập ra nền cộng hòa thứ 5 Charles de Gaulle vào năm 1965 (55,2%) và của François Mitterrand trong kỳ bầu cử năm 1988 (54 %) (Đương nhiên là sau khi đã loại đi kết quả của hai cuộc bầu cử cá biệt của Pompidou năm 1969 và Chirac năm 2002). Kết quả này đã khẳng định rõ chiến thắng của Nicolas Sarkozy là một chiến thắng vẻ vang và không cần bàn cãi.

Đứng trên lập trường chính trị mà nói, đây là một chiến thắng không hề khoan nhượng. Không khoan nhượng ngay cả trong nội bộ đảng UMP (Liên minh vì Phong trào Nhân dân). Ngay từ đầu chiến dịch, Nicolas Sarkozy đã nêu ra những chính sách và đường lối đi ngược lại với tư tưởng quen thuộc của gia đình chính trị của mình. Tiếp theo, ông đă chiến đấu không hề khoan nhượng để thu hút lượng phiếu bầu của các cử tri cực hữu khi đã biết đề cao ’’Bản sắc dân tộc ’’ của người Pháp và cuối cùng, ông đã không khoan nhượng trong việc mở cửa con đường chính trị cho cánh Trung khi từ chối tranh luận cùng François Bayrou trước thềm cuộc bầu cử vòng 2.

Chiến thắng của Nicolas Sarkozy thật sự đã khiến cho cánh Tả phải thất bại và cánh Trung phải khép mình.

Quả vậy, cánh Tả đã thất bại vô cùng thảm hại. Tỷ lệ phiếu bầu của Ségolène Royal là một trong những tỷ lệ thấp nhất trong lịch sử tại một vòng 2 của một kỳ bầu cử Tổng thống. Nó thậm chí còn thấp hơn kết quả mà Lionel Jospin nhận được vào năm 1995 (47,4 %). Không cần biết đây có phải là thất bại của riêng cá nhân Ségolène Royal hay không nhưng với một kết quả kém cỏi như vậy, đảng Xã hội rất cần phải cải tổ lại một cách sâu sắc.

Về phần mình, tiếng nói của François Bayrou đã không thật sự có trọng lượng trong vòng 2. Những ai đã từng nghĩ ông ta là người nắm giữ chiếc chìa khóa của cuộc chiến này sẽ nhận ra rằng, ảnh hưởng chính trị của ông giống hệt như tuyết đang tan chảy dưới ánh nắng mặt trời.

Một chiến thắng lô - gíc

Một chiến thắng được chờ đợi từ lâu và vô cùng lô – gic cho ứng viên cánh Hữu – người đã biết chuẩn bị rất kỹ càng từ nhiều năm nay cho cuộc đua vào điện Élysée lần này.

Kể từ những ngày đầu nhiệm kỳ thứ 2 của vị tổng thống sắp mãn nhiệm Jacques Chirac năm 2002, Nicolas Sarkozy đã biết cách tận dụng tối đa vị trí con thoi của mình giữa bộ Nội vụ và bộ Kinh tế - Tài chính để thể hiện cho người Pháp thấy rõ ông là một người biết hành động và có khả năng làm thay đổi mọi thứ.

Trên thực tế, đã từ lâu người Pháp không còn tin tưởng vào sự hữu dụng của bộ máy chính trị nước mình. Tuy nhiên, họ lại trao niềm tin cho Nicolas Sarkozy khi ông đã có những hành động chính trị thiết thực đối với đời sống của dân chúng : giảm lượng tội phạm và giá cả một số các mặt hàng trong các siêu thị.

Hơn nữa, với những kinh nghiệm chính trị thu được khi còn đảm nhiệm vai trò bộ trưởng, Nicolas Sarkozy đã được người dân Pháp ghi nhận là một người rất có khả năng.

Không chỉ vậy, Nicolas Sarkozy đã rất thành công trong việc củng cố hình ảnh một con người mới, một người biết ’’đoạn tuyệt ’’ với những năm tháng dưới thời tổng thống Jacques Chirac (vị tổng thống sắp mãn nhiệm này đã luôn khổ sở khi công bố các kết quả đạt được của nước Pháp với tư cách ứng viên tại các kỳ tranh cử Tổng thống).

Nhờ vậy, vào năm 2004, Nicolas Sarkozy đã chiếm được vị trí đứng đầu đảng UMP một cách vô cùng vinh quang. Và chính chiến thắng này đã khiến ông có thể giương cao tấm bảng ’’Đoạn tuyệt’’ để đối đầu với Jacques Chirac một cách đường đường chính chính.

Tất cả các lý do nêu trên đã khiến cho Nicolas Sarkozy nhanh chóng trở thành ứng viên được đông đảo các cử tri tin tưởng tại đa số các cuộc thăm dò dư luận. Tuy vậy, Nicolas Sarkozy vẫn tiếp tục hành động để biến các kết quả của các cuộc thăm dò thành sự thật bằng cách thực hiện một chiến dịch tranh cử thật tốt, với một bộ máy làm việc không thể chê tại điểm nào: ê – kíp gắn bó, hệ thống truyền thông hiệu quả và đầy sức mạnh…

Về chính trị mà nói, Nicolas Sarkozy đã lựa chọn một chiến lược hoàn hảo: ngay từ vòng một, ông đã lôi kéo các cử tri Cực hữu bằng cách nhấn mạnh các chủ đề Dân tộc chủ nghĩa và Nhập cư. Và chiến lược đó đương nhiên đã rất thành công khi ông nhận được hơn 30% số phiếu bầu tại vòng một.

Nói rõ hơn, khi Nicolas Sarkozy quyết định chọn các giá trị của Lao động làm trọng tâm của chiến dịch tranh cử lần này, ông đã chỉ rõ cho các cử tri thấy ưu tiên của ông đối với Việc làm, vấn đề luôn được người Pháp quan tâm hàng đầu. Nhờ vậy mà ông đã đương nhiên lấy được một lượng phiếu bầu lớn từ đa số người lao động chăm chỉ, từ chủ doanh nghiệp cho đến các công nhân.

Không chỉ vậy, Nicolas Sarkozy còn thể hiện là một nhà hùng biện thiên tài với khả năng thể hiện các bài diễn văn dễ hiểu đối với đa số người Pháp. Người ta có thể nhận rõ ông là con người của phương tiện truyền thông, đặc biệt là qua buổi tranh luận trên truyền hình vừa qua : Khi bị người Pháp chỉ trích quá độc tài và nguy hiểm, ông đã vô cùng khéo léo thay đổi hình ảnh của mình thành một con người nhũn nhặn và biết lắng nghe.

Ứng viên của đảng Xã hội đã thua trong kỳ bầu cử lần này vì bà đã không thể bảo vệ được các chương trình hành động của mình khi đă ’’vượt mặt ’’ đảng của mình để hành động riêng rẽ. Hiển nhiên, điều đó đã khiến cho bà không nhận được sự ủng hộ nhiệt tình từ một số các lãnh đạo đảng Xã hội khác như Dominique Strauss-Kahn hay Laurent Fabius.

Điều đó càng thể hiện bà là một người thiếu năng lực và nó khiến cho chiến dịch tranh cử của bà giảm hiệu quả một cách đáng kể.

Về hình thức, khi đối mặt với một địch thủ cực kỳ mạnh trên chiến trường truyền thông như Nicolas Sarkozy, Ségolène Royal đã luôn tỏ ra là một người đãng trí và không biết suy nghĩ. Việc đó thể hiện rất rõ ràng qua cái tông giọng kém thuyết phục và ít gây thiện cảm của bà.

’’ Lựa chọn một vị Tổng thống chính là lựa chọn một xã hội ’’

Sébastien Hervieu, sinh viên xuất sắc nhất của trường đại học báo chí Lille đã theo dõi toàn bộ diễn biến cuộc bầu cử ngày hôm nay qua sóng truyền hình. Theo anh, những hình ảnh đang được truyền trực tiếp qua đài truyền hình France 2 thật quả đúng là một ’’màn xiếc ’’. ’’ 40 chiếc môtô chạy theo chiếc xe Vel Satis của ngài tổng thống mới quả là một màn quảng cáo tuyệt vời cho hãng xe Renault ’’, anh mỉa mai.

’’Đứng trên quan điểm cá nhân, chiến thắng của Sarkozy làm tôi rất khó chịu. Tôi đã bầu cho Ségolène Royal’’, Sébastien khẳng định bằng một giọng đanh thép qua điện thoại. ’’Tuy nhiên, về mặt chính trị mà nói, tôi buộc phải công nhận rằng Nicolas Sarkozy đă chiến thắng một cách xứng đáng’’, anh hơi hạ thấp giọng xuống. ’’Đối với tôi, Nicolas Sarkozy là một chính trị gia giống hệt như François Mitterrand hay Jacques Chirac. Ông ta có thể làm tất cả, không kể đó là việc xấu hay tốt, để đạt được quyền lực’’, anh phân tích.

’’Tuy nhiên, tôi không thể chấp nhận được cách nhìn của ông ta về xă hội Pháp với những người lao động chăm chỉ chung sống với những kẻ lười biếng’’. ’’Chúng ta sẽ xếp những người không tìm được việc làm ở nhóm người nào ?’’, anh đặt câu hỏi.

’’Tôi sợ cách nhìn của ông ta về việc những người nhập cư đang đe dọa bản sắc dân tộc của người Pháp. Tôi thấy nên để cầu thủ bóng đá Lilian Thuram hoạt động thể thao chứ không phải đấu tranh chống nạn phân biệt chủng tộc’’, anh đanh thép bảo vệ lý lẽ của mình.

’’Tôi không phải là người theo chủ trương chống lại Sarkozy. Các chương trình hành động của ông có những điểm rất tốt. Tuy nhiên, đứng sau sự lựa chọn một vị Tổng thống chính là sự lựa chọn một Xã hội’’, anh tiếp tục nói.

’’Nước Pháp năm năm dưới quyền của Nicolas Sarkozy khiến tôi không an lòng. Tôi đã cầu mong các cử tri dành cho Ségolène Royal một cơ hội. Đó có thể là một trò may rủi nhưng điều đó đã ít nhất đã có thể loại trừ cho nước Pháp cái nguy cơ ’’sống chung’’ đã luôn được Nicolas Sarkozy bảo vệ’’, Sébastien chốt lại. Bây giờ, anh muốn đi ngủ để bớt phải lo lắng cho tương lai của xã hội Pháp trong năm năm tới.

Kẻ khóc, người cười

Sau khi tự tay khóa cửa địa điểm bỏ phiếu do mình làm chủ tịch, ông phó Thị trưởng thành phố Bourg – La – Reine Philippe Chaplain đi đến quảng trường Concorde để chào mừng tân tổng thống Nicolas Sarkozy. Theo ông Chaplain, chiến thắng của Nicolas Sarkozy dường như là hiển nhiên. Quả vậy, ông đã theo và ủng hộ ngài tân Tổng thống từ đầu chiến dịch tranh cử.

’’Kết quả cuối cùng đã khẳng định rõ ai thật sự xứng đáng trở thành người đứng đầu nước Pháp’’, ông nói. ’’Việc Ségolène Royal là một phụ nữ quả thật không đủ để đưa bà đến với chiến thắng’’, ông Chaplain tiếp tục. ’’Chúng tôi vô cùng hạnh phúc vì nước Pháp đã có một vị Tổng thống xứng đáng’’, ông hét to để át đi những tiếng hò reo đầy phấn khích của các bạn ông, những người đã theo Nicolas Sarkozy trong suốt một hành trình.

Còn với Antoine Combe, sinh viên ngành môi trường tại Lille, Xã hội Pháp đang đi đến ’’bờ vực thẳm’’. ’’Tôi cảm thấy lo sợ cho đất nước của tôi về tất cả mọi mặt : an ninh, xã hội… ’’, anh nói. ’’Nicolas Sarkozy là một con người nguy hiểm. Ông làm tổng thống, điều đó có nghĩa là người dân nước tôi sẽ căm ghét nhau, các cộng đồng sẽ bị chia rẽ và người nhập cư sẽ bị phân biệt đối xử’’, anh chùng giọng xuống, tràn đầy thất vọng.

Antoine và hai cô bạn gái quyết định lên xe đi cắm trại tại một nơi hẻo lánh, không có cả ti – vi lẫn Internet. Họ muốn tránh xa cái xã hội mà họ vẫn chưa biết tương lai sẽ đi về đâu. ’’Có thể năm năm nữa, tôi sẽ không còn là người Pháp’’, Antoine nói nhỏ. Anh sẽ uống rượu cho hết đêm nay.

Một trang mới của nước Pháp đang được mở ra trước mặt vị tân Tổng thống Nicolas Sarkozy. Không hiểu trong năm năm tới, ông sẽ viết những gì lên đó? 

  • Hồ Đức Hạnh (từ Pháp)
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,