Bản báo cáo đã nêu rõ quan điểm của các quan chức hàng đầu Anh về mức độ quan trọng của mối quan hệ với Mỹ trong lĩnh vực chống khủng bố. "Sẽ là không thiết thực và không vì những lợi ích quốc gia nếu các cơ quan của Anh tiến hành hoạt động chống khủng bố độc lập với những nỗ lực của Mỹ", Sir John Scarlett, lãnh đạo MI6 (cơ quan tình báo Anh), phát biểu trước ủy ban ISC.
ISC phát hiện những khía cạnh "đáng ngạc nhiên và gây lo ngại"của mối quan hệ Anh - Mỹ.
Tuy nhiên, báo cáo của ISC hé lộ những khía cạnh "đáng ngạc nhiên và gây lo ngại" của mối quan hệ tình báo thường gắn bó chặt chẽ giữa Anh - Mỹ. Những căng thẳng này tập trung vào chính sách thuyên chuyển tù nhân của Mỹ - những người bị Mỹ bắt giữ và chuyển từ nước này tới nước khác (trong một số trường hợp để tới nơi xét xử, số khác là tới các trung tâm giam giữ của Mỹ hoặc thậm chí tới các nước thứ 3 để thẩm vấn) và các việc làm bị cáo buộc là bất hợp pháp và ngược đãi trong chính sách này.
Chính sách này có nghĩa là đối với cơ quan tình báo Anh, những vấn đề tiến thoái lưỡng nan về hành xử không còn giới hạn quanh những nước có thành tích nghèo nàn về nhân quyền. Anh hiện đang gặp phải những vấn đề khó xử đối với cả "đồng minh thân cận nhất của chúng ta" bởi "đường lối chỉ đạo pháp lý và cách tiếp cận vấn đề rất khác biệt".
"Điên cuồng"
Anh từng dính dáng chút ít tới việc thuyên chuyển các nghi phạm tới nơi xét xử ở Mỹ hoặc một nơi nào khác trước sự kiện 11/9. Tuy nhiên, sau ngày 11/9/2001, nó đã diễn ra theo một cách hoàn toàn mới và sâu rộng hơn. Đây là điều duy nhất mà cơ quan tình báo Anh dần dần mới hiểu được.
Những tháng tiếp theo thảm họa khủng bố 11/9, bầu không khí, theo lời của một quan chức MI6, thật "điên cuồng". "Chúng tôi phải đấu tranh rất vất vả. Nó giống như cuộc xung đột dưới các hào quân sự", một cựu lãnh đạo MI5 giải thích với ủy ban ISC.
Cơ quan tình báo Anh đã không nhận thức rõ ngay lập tức những thay đổi lớn lao trong chính sách Mỹ xuất phát từ sự chú trọng ngăn chặn các cuộc tấn công trong tương lai. Khi MI6 được thông báo về những quyền lực bắt giữ mới của các đồng nghiệp Mỹ, họ cảm thấy hoài nghi. Họ cho rằng đây là một phần của "những tin đồn khắc nghiệt" nảy sinh thời hậu 11/9 ở Washington hơn là một sự thay đổi trọng yếu.
Trong thực tế, sự thay đổi này là có thực đối với vấn đề bắt giữ và thuyên chuyển các nghi can khủng bố. ISC nhận thấy rằng MI6 "đáng lẽ phải nhận ra sự hệ trọng của những sự kiện này và thông báo chúng với các bộ trưởng".
Anh đã kiềm chế việc chất vấn chính sách hậu 11/9 của Mỹ.
Chỉ sau khi một loạt các trường hợp cụ thể vào năm 2002 được phanh phui, cơ quan tình báo Anh mới sáng tỏ về phương cách hoạt động của các đồng nghiệp Mỹ và rằng Mỹ đang thuyên chuyển người không chỉ tới quê hương của họ hoặc tới nước này để xét xử mà còn tới cả các quốc gia và cơ sở giam giữ khác của họ ở bên ngoài lãnh thổ.
"Những địa điểm đen"
Trường hợp của Khalid Sheikh Mohammed, người bị CIA bắt giữ vào tháng 3/2003, dường như là bước ngoặt cho sự ý thức của MI5 (cơ quan an ninh và phản gián Anh) và MI6 về những việc Mỹ đang xúc tiến cũng như làm dấy lên những câu hỏi mới.
Sau khi bị bắt giữ, Mohammed đã bị thuyên chuyển tới một trong "những địa điểm đen" của CIA. Tại đây, ông đã trở thành nạn nhân của trò tra tấn "chết đuối giả" (tù nhân bị trói, nhét giẻ vào mồm và đổ nước ngập người để họ nghĩ mình đang bị chết đuối).
Kể từ năm 2004, MI5 và MI6 nhận ra rằng những chỉ dẫn hiện có của họ không đủ chi tiết để hợp tác thực hiện các biện pháp thẩm vấn mới và chúng cần được cập nhật.
Trong một tình huống cụ thể vào đầu năm 2005, MI6 đã xúc tiến một chiến dịch có thể mang lại những thông tin tình báo có giá trị cao. Tuy nhiên, kế hoạch bị hủy bỏ vì cơ quan này không thể chắc chắn về cách đối xử với các mục tiêu bắt giữ như thế nào và việc họ sẽ bị giam cầm trong bao lâu.
Những quan ngại của Anh
Báo cáo của ISC cũng đã xem xét một loạt các trường hợp cụ thể mà Anh bị tình nghi dính dáng đến việc thuyên chuyển nghi can khủng bố. Trong một số vụ, người ta không phát hiện điều gì đáng để chỉ trích, kể cả trường hợp của Bisher Al-Rawi và Jamil El-Banna.
Các thông tin về hai nghi can khủng bố này đã được chuyển cho Mỹ kèm lời khuyến cáo không nên có hành động nào dựa trên nội dung của nó. Tuy nhiên, Rawi và Banna vẫn bị bắt giữ sau khi lên đường từ Anh sang châu Phi và cuối cùng bị chuyển tới nhà tù Mỹ ở Vịnh Guantanamo.
Anh bày tỏ nghi ngại. Dẫu vậy, báo cáo nhận định Mỹ thiếu quan tâm tới những quan ngại của Anh vì Washington phớt lờ sự phản đối của cả MI5 và Chính phủ London.
Những chuyến bay thuyên chuyển tù nhân của CIA có thể đã quá cảnh qua không phận và sân bay của Anh.
"Đây là những ẩn ý rõ ràng về việc hợp tác giữa các cơ quan an ninh và tình báo Anh - Mỹ", ủy ban khuyến cáo.
Sự chú ý dồn vào việc những chuyến bay thuyên chuyển nghi can khủng bố của CIA đã quá cảnh qua các sân bay và không phận của Anh. Ở điểm này, ISC nhận thấy dù có khá nhiều bằng chứng về sự tồn tại của các chuyến bay của CIA, kể cả một số chuyến chuyên chở tù nhân, nhưng không có bằng chứng về bất kỳ chuyến bay thuyên chuyển tù nhân thực sự nào quá cảnh qua Anh.
Bản báo cáo cũng nêu rõ chính sách của Anh về việc hợp tác với các cơ quan nước ngoài đã thay đổi. "Chúng tôi chắc chắn đã kiềm chế ... nhiều hơn những gì chúng tôi từng thể hiện", Eliza Manningham-Buller thừa nhận khi bà còn là lãnh đạo MI5. "Bây giờ chúng ta hoàn toàn có thể hỏi các ngài đang làm gì với các thông tin? Người đàn ông này ở đâu? Ông ta đang bị giam giữ ở nơi nào?".
Báo cáo khẳng định trong khi Mỹ có thể lưu tâm tới những bất bình của Anh đối với việc thuyên chuyển các tù nhân thì những quan ngại như vậy dường như không mảy may tác động tới chiến lược của Mỹ. Do vậy, cộng đồng tình báo Anh đã phải loay hoay tìm cách giải quyết các vấn đề và duy trì việc trao đổi thông tin tình báo mà mọi người đều nhất trí là "quan trọng" đối với nền an ninh của nước này.
-
Thanh Bình (Theo BBC)