221
1601
Bình luận quốc tế
binhluan
/thegioi/binhluan/
980506
6 năm sau thảm họa 11/9, nước Mỹ có an toàn hơn?
1
Article
445
Quốc tế
thegioi
/thegioi/
6 năm sau thảm họa 11/9, nước Mỹ có an toàn hơn?
,
Cách đây 2 năm, Ủy ban điều tra 11/9 của Mỹ đã công bố một bản đánh giá về việc chính phủ nước này thực hiện những đề xuất của họ. Cơ quan này kết luận rằng nước Mỹ vẫn chưa an toàn. Cho đến tận ngày hôm nay, quan điểm của họ vẫn không thay đổi.

Theo một đánh giá hồi tháng 7 của cơ quan tình báo quốc gia Mỹ, nước này đang đối mặt với "một hiểm họa khủng bố dai dẳng và biến hóa", đặc biệt từ Al-Qaeda. 6 năm sau các cuộc tấn công thảm khốc nhất trong lịch sử, trước hàng loạt những cải cách tham vọng do các quan chức đầy nhiệt huyết khởi xướng, tại sao nguy cơ này vẫn có thể tồn tại?

Du khách chụp những lá cờ ghi danh cách nạn nhân của thảm họa khủng bố 11/9 tại công viên Battery Park, New York
Du khách chụp những lá cờ ghi danh các nạn nhân của thảm họa khủng bố 11/9 tại công viên Battery Park, New York.

Những tiến triển trong nước - việc khám phá, ngăn chặn và đối phó với các cuộc tấn công khủng bố - đã vấp phải khó khăn, chưa đầy đủ và chậm. Bên ngoài biên giới Mỹ, nguy cơ thất bại ngày càng hiện rõ. Nước Mỹ đối mặt với đợt thủy triều đang lên của chủ nghĩa cực đoan và cơn thịnh nộ của thế giới Hồi giáo - khuynh hướng một phần được tạo nên từ chính những hành động của Mỹ. Hiểm họa lâu dài đối với nước Mỹ không chỉ là Osama bin Laden mà còn là các thanh niên Hồi giáo không việc làm, không hy vọng, những người đang trở nên phẫn nộ với chính phủ của họ và ngày càng coi Mỹ là một kẻ thù của đạo Hồi.

4 năm trước, Bộ trưởng Quốc phòng lúc bấy giờ, Donald Rumsfeld, từng có câu hỏi nổi tiếng dành cho các cố vấn của ông ta: "Có phải số các tên khủng bố mà chúng ta đang bắt giữ, tiêu diệt hay làm thối chí và ngăn chặn được hàng ngày nhiều hơn số những tên mà các giáo sĩ cực đoan đang tuyển mộ, huấn luyện và điều động chống lại chúng ta?". Câu trả lời là không.

Chính sách đối ngoại của Mỹ đã không ngăn cản được làn sóng đang lên của chủ nghĩa cực đoan trong thế giới Hồi giáo. Vào tháng 7/2004, ủy ban 11/9 từng đề xuất việc đưa chính sách đối ngoại trở thành trung tâm của những nỗ lực chống khủng bố của Mỹ. Dẫu vậy, họ đã đánh mất lập trường.

Báo cáo của ủy ban cảnh báo rằng việc loại trừ các hang ổ của khủng bố là cấp bách. Tuy nhiên, theo bản đánh giá tình báo quốc gia, bên trong Pakistan, Al-Qaeda "đã bảo vệ hoặc khôi phục các thành tố chính trong việc xây dựng tiềm lực tấn công trong nước". Nguy cơ chính đối với nền dân chủ non trẻ của Afghanistan xuất phát từ phía bên kia biên giới Pakistan, từ lực lượng nổi dậy Taliban. Pakistan được cho là nên đi đầu trong việc đóng cửa những căn cứ của Taliban và loại trừ Al-Qaeda. Nhưng nước Mỹ phải hành động nếu Pakistan không làm điều đó.

Nước Mỹ cũng đang thất bại trong cuộc chiến bảo vệ quan điểm. Họ đã không thể thuyết phục hoặc khơi gợi được sự cảm thông và quyết tâm của 1,3 tỉ người Hồi giáo trên khắp thế giới nhằm chống lại hiểm họa của chủ nghĩa cực đoan. Điều này không phải vì bản thân nước Mỹ: Các cuộc thăm dò dư luận đều cho thấy sự ủng hộ mạnh mẽ trong thế giới Hồi giáo đối với các giá trị Mỹ, kể cả hệ thống chính trị và sự tôn trọng nhân quyền, tự do và bình đẳng. Tuy nhiên, các lựa chọn về chính sách của Mỹ đã làm xói mòn sự ủng hộ này.

Không có điều gì nguy hại đối với danh tiếng của Mỹ hơn nhà tù Guantanamo. Công lý đòi hỏi một quá trình pháp lý công bằng trước khi Chính phủ Mỹ bắt giữ người trong những thời kỳ trọng yếu. Tổng thống và quốc hội đã không cung cấp một quá trình như vậy. Hiện tại, Mỹ nên đóng cửa nhà tù trên vịnh Guantanamo. Ủy ban điều tra 11/9 kiến nghị Mỹ nên viện đến liên quân khi bắt giữ và xét xử bọn khủng bố. Đây được coi là một chính sách hợp pháp và có thể đứng vững trước dư luận thế giới cũng như tốt hơn cho mức tín nhiệm của Mỹ.

Tuy nhiên, không có vấn đề nào gây bùng nổ ý kiến dư luận về thế giới Hồi giáo hơn tranh chấp giữa cộng đồng Ảrập và Israel. Để trao quyền cho những người Hồi giáo ôn hòa, nước Mỹ phải xóa bỏ được cáo buộc rằng họ không quan tâm tới người Palestine, một căn cứ cho sự bất bình của những người cực đoan. Các nỗ lực ngoại giao mạnh mẽ, với sự ủng hộ tích cực và rõ ràng của tổng thống, sẽ tăng cường uy tín và ảnh hưởng của Mỹ - và mang tới triển vọng tốt nhất cho nền an ninh lâu dài của Israel.

Và cuối cùng, không có cuộc xung đột nào tiêu tốn nhiều thời gian, công sức, xương máu và tiền của trong những nỗ lực chống khủng bố khắp thế giới của Mỹ như cuộc chiến Iraq. Nó đã trở thành công cụ tuyển mộ và huấn luyện hùng mạnh của Al-Qaeda.

Trên cả những vấn đề với thế giới Hồi giáo, nước Mỹ không được quên lãng hiểm họa lớn hơn cả. Ủy ban 11/9 kêu gọi những nỗ lực tối đa trong việc ngăn chặn viễn cảnh ác mộng: vũ khí hạt nhân rơi vào tay bọn khủng bố. Bản đánh giá tình báo quốc gia mới đây khẳng định Al-Qaeda sẽ tiếp tục tìm cách thâu tóm các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt và rằng tổ chức này sẽ không ngần ngại sử dụng chúng. Tuy nhiên, sự đối phó của Mỹ đối với chủ nghĩa khủng bố hạt nhân chỉ là những hành động ít ỏi. Ngân sách tài chính năm 2008 đòi hỏi các chương trình kiểm soát đầu đạn, nguyên liệu hạt nhân và các hoạt động giám định phải cắt giảm 15% so với 2 năm trước đây. Nước Mỹ rất cần sự lãnh đạo, các nguồn lực và những nỗ lực ngoại giao không ngừng nhằm bảo vệ nguyên liệu hạt nhân của thế giới. Tổng thống Bush cần tác động vào những bộ óc và ép chúng phải hành động.

Sức mạnh quân sự là cần thiết đối với an ninh của Mỹ. Nhưng nếu công cụ duy nhất chỉ là 1 cái búa thì rất nhanh chóng, mọi vấn đề sẽ trông giống như những cái đinh. Nước Mỹ phải tận dụng tất cả các công cụ của cường quốc - kể cả viện trợ nhân đạo, hỗ trợ giáo dục và những nỗ lực ngoại giao công khai mạnh mẽ, chú trọng vào các chương trình học bổng, thư viện và trao đổi - để hình thành một Trung Đông và một thế giới Hồi giáo ít thù địch hơn đối với những giá trị và lợi ích Mỹ. Sự an toàn lâu dài của Mỹ phụ thuộc vào việc nước này không còn bị xem đe dọa mà là nguồn cơ hội và hy vọng.

Bên trong nước Mỹ, tình hình ít nghiêm trọng hơn những tiến triển còn hạn chế.  Một số cơ cấu cần thiết đã được thiết lập. Vào năm 2004, quốc hội đã đặt ra chức giám đốc cơ quan tình báo quốc gia (DNI) để thống nhất những nỗ lực của 16 cơ quan đại diện cho cộng đồng tình báo Mỹ. Vị DNI mới, Mike McConnell, hiện phải đảm nhiệm các trọng trách và phấn đấu trở thành vị lãnh đạo năng động và dũng cảm như ủy ban 11/9 kỳ vọng hơn là một nhân vật đơn thuần trong hệ thống hành chính. Ông đã nhận ra tầm quan trọng của việc chia sẻ thông tin, thay đổi nét văn hóa "cần phải biết" thành "cần phải chia sẻ" như ủy ban 11/9 đã đề cập trong báo cáo của họ. Tuy nhiên, quan chức này sẽ phải tiếp tục đấu tranh giành quyền kiểm soát ngân sách và nhân viên. Không một vị DNI nào có thể khiến cải cách kéo dài nếu không đảm trách chức vụ này trong thời gian dài và không có sự ủng hộ mạnh mẽ từ tổng thống.

Quốc hội cũng đã thiết lập Trung tâm chống khủng bố quốc gia, nơi các chuyên gia phân tích của CIA, các điệp vụ FBI và những chuyên gia khác trong chính quyền cùng sát cánh và thường xuyên chia sẻ thông tin tình báo. Đây là sự cải thiện rõ ràng nhất so với thời kỳ trước thảm họa 11/9 nhưng những người bên trong trung tâm này vẫn phải đối mặt với những giới hạn về cái mà họ có thể chia sẻ với cơ quan chủ quản - một sự phản ánh nhiễu loạn của những việc làm thất bại. Các quan chức chính phủ và địa phương cũng phàn nàn rằng họ không nhận được thông tin mình cần.

Năm 2004, George Tenet, Giám đốc cục tình báo trung ương lúc đó, báo cáo rằng sẽ cần tới 5 năm để tái tổ chức CIA. 3 năm sau, người ta đã thấy những dấu hiệu tiến triển nhưng nó vẫn chưa được cải tổ. Dồi dào về nguồn lực, CIA đang đầu tư rất nhiều vào việc huấn luyện các chuyên gia phân tích tình báo và cải thiện khả năng thu thập thông tin về các mục tiêu khủng bố, đặc biệt thông qua các điệp viên trên thực địa. Đáng thất vọng là, bấp chấp những nỗ lực chiêu mộ, chỉ có 8% những nhân viên mới tuyển của CIA có nguồn gốc dân tộc và những kĩ năng ngôn ngữ cần thiết nhất cho cuộc chiến chống khủng bố.

Một vấn đề lớn hơn là, do những thất bại trong hoạt động tình báo (nhất là liên quan tới Iraq và vụ 11/9) và các chính sách gây tranh cãi (đặc biệt là đối với sự lạm dụng và hoạt động thẩm vấn), công chúng thiếu sự tin tưởng đối với CIA. Điều đó không tốt đối với cơ quan này và cả nước Mỹ. Giới chức Mỹ nhận ra rằng các cơ quan tình báo phải lưu giữ rất nhiều bí mật nhưng sự thẳng thắn và công khai là các cách duy nhất để giành được sự ủng hộ lâu dài của công chúng đối với những cải cách mà họ cần theo đuổi.

Cục điều tra Liên bang Mỹ (FBI), cơ quan chịu trách nhiệm thu thập thông tin tình báo trong nước, cũng có nhiều việc phải làm. Số các chuyên gia phân tích tình báo của FBI đã lên tới khoảng 2.100 người, tăng hơn gấp đôi kể từ sau vụ 11/9 nhưng họ vẫn là các "công dân hạng hai" trong văn hóa hành pháp của cơ quan này. Hệ thống thông tin hiện đại trong thế kỉ 21 vẫn chưa được áp dụng, và các vị trí hàng đầu đang bị thay đổi quá thường xuyên. 6 năm sau thảm họa 11/9, cơ quan đặc trách về các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt của FBI chỉ mới bắt đầu đi vào hoạt động. 

Khi nói tới vấn đề an toàn giao thông - thất bại cơ bản dẫn tới vụ 11/9 - nước Mỹ đã thu được một số thành công. Ví dụ, trung tâm giám sát khủng bố - một căn phòng có diện tích rộng bằng một sân bóng đá với một bảng điện tử khổng lồ và vài chục chuyên gia, có trách nhiệm theo dõi bản kê khai của 2.500 chuyến bay quốc tế tới Mỹ mỗi ngày. Tuy nhiên, việc kiểm tra các hành khách vẫn là nhiệm vụ của các hãng hàng không, vốn không được tiếp cận đầy đủ với các danh sách truy nã nghi can khủng bố. Quốc hội đã thông qua các tiêu chuẩn quốc gia cho việc quản lý các giấy phép lái xe của tài xế nhưng không trao tiền cho các bang để biến nó thành hiện thực. Hơn thế nữa, những cải tiến về công nghệ còn quá chậm. Một chương trình thử nghiệm các thiết bị phát hiện chất nổ công nghệ cao tại các sân bay đã bị nghi ngờ về tính hiệu quả và bị trì hoãn hoạt động vô thời hạn. Các hệ thống soi kiểm tra hành lý tiên tiến cũng sẽ không được triển khai cho tới tận năm 2024. Thời gian biểu này dường như không có ích đối với thế hệ người Mỹ ngày nay mà chỉ có thể tốt với các thế hệ cháu chắt của họ.

Điều này cũng đúng với tốc độ thực thi những nỗ lực đưa đất nước sẵn sàng đối phó với những cuộc tấn công trong tương lai. Quốc hội Mỹ đã thông qua một phương thức tốt hơn cho việc phân phối các khoản trợ cấp an ninh liên bang tới các bang dựa trên tiêu chí về nguy cơ và khả năng chống chịu, hơn là tiền bạc và chính trị. Tuy nhiên, luật mới cũng cho phép ngành công nghiệp truyền thông trì hoãn tới tận tháng 2/2009 mới phải chuyển giao giờ vàng phát sóng cho cảnh sát và lính cứu hỏa để các lực lượng này phát đi những thông điệp cứng rắn. Thảm họa có thể xảy ra trước thời điểm này.

Nước Mỹ cũng thiếu một khung luật pháp cho việc chống khủng bố mà không cần hy sinh các quyền tự do của công dân. Ủy ban giám sát tự do công dân và quyền cá nhân, vốn được thành lập để đáp ứng những đề xuất của ủy ban 11/9, cũng thiếu hành động. Cơ quan này đã không lên tiếng phản đối hoạt động ghi âm trộm điện thoại mà không có lệnh của tòa án cũng như các biện pháp bắt giữ và thẩm vấn. Ủy ban thậm chí cũng để Nhà Trắng chỉnh sửa báo cáo hàng năm. Hiện tại, khi được củng cố theo luật mới, ủy ban phải trở thành tiếng nói mạnh mẽ đại diện cho công chúng trong việc ủng hộ các quyền tự do công dân.

Cuối cùng có một vấn đề về Quốc hội. 3 năm trước đây, ủy ban 11/9 cho rằng việc tăng cường giám sát của Quốc hội đối với cuộc chiến chống khủng bố là một trong những phần quan trọng nhất và khó khăn nhất trong các đề xuất của họ. Nhưng hiện nay điều này không còn đúng nữa. Cách đây 3 năm, ủy ban 11/9 nhấn mạnh rằng Bộ An ninh nội địa phải báo cáo cho 88 ủy ban và tiểu ban của Quốc hội - một phiền toái chủ yếu đối với công tác quản lý cấp cao và là căn nguyên của những chỉ dẫn mâu thuẫn. Sau những cải cách miễn cưỡng và tiếp nối là những bước đi thụt lùi, số cơ quan cần báo cáo hiện rút xuống con số 86.

Tất cả những điều trên là những quan ngại chính của Thomas H. Kean và Lee H. Hamilton, các cựu chủ tịch và phó chủ tịch của ủy ban 11/9. 6 năm sau, nước Mỹ đã an toàn hơn theo nghĩa hẹp: nước Mỹ chưa bị tấn công và nền quốc phòng đã tốt hơn. Tuy nhiên, nước Mỹ đã trở nên rối trí và tự mãn. Các cựu quan chức kêu gọi các ứng viên tổng thống giải thích rõ ràng cách họ sẽ tổ chức chính quyền của riêng mình cũng như những hành động cấp thiết để đối phó với hiểm họa. Họ cũng kêu gọi người dân thường đưa ra nhiều yêu cầu hơn về khả năng lãnh đạo đối với các dân biểu đã được bầu. Những tổn thất to lớn mà nước Mỹ phải hứng chịu trong vụ 11/9 sẽ là chất xúc tác cho những nỗ lực kiến tạo một nước Mỹ an toàn hơn, hùng mạnh hơn và sáng suốt hơn. Nước Mỹ vẫn còn một chặng đường dài phía trước.

  • Thanh Bình (Theo Salt Lake Tribune)
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,