221
1601
Bình luận quốc tế
binhluan
/thegioi/binhluan/
1232347
Nhật Bản: Sai lầm của LDP và sự nhập nhằng của DPJ
0
Article
445
Quốc tế
thegioi
/thegioi/
Nhật Bản: Sai lầm của LDP và sự nhập nhằng của DPJ
,

Nhật Bản sẽ tổ chức bầu cử Hạ viện vào ngày 30/8. Đây là cơ hội tốt để phe đối lập, Đảng Dân chủ Nhật Bản (DPJ) do Yukio Hatoyama dẫn đầu, đánh bại Đảng Dân chủ Tự do (LDP), phe cầm quyền liên tục kể từ năm 1955.
Nếu "cơn động đất bầu cử" này xảy ra, một phần nguyên nhân của nó là bởi vì Nhật Bản không thích nghi với toàn cầu hóa. Và các dư chấn của nó sẽ vượt ra ngoài quốc đảo này.

Một chính phủ mới ở Nhật Bản sẽ cần phải khởi động sức tiêu dùng nội địa. (Ảnh: YaleGlobal)
Một chính phủ mới ở Nhật Bản sẽ cần phải kích thích sức tiêu dùng nội địa. (Ảnh: YaleGlobal)

Đằng sau sự phát triển chính trị này ẩn chứa sự thay đổi trong nhận thức của người dân Nhật Bản về vị thế của đất nước họ trong nền kinh tế toàn cầu. Những người quan sát trên toàn thế giới liên tục cảnh báo rằng, Nhật Bản - rơi vào tình trạng trì trệ trong hơn hai thập niên qua - sẽ trượt dốc dài nếu như nước này không tiến hành cải cách kinh tế một cách cơ bản.

Thế nhưng, dư luận Nhật Bản nói chung chẳng để ý đến lời khuyên đó. Nó vượt ra ngoài sự tưởng tượng của họ rằng, chiến lược kinh tế của LDP, vốn mang lại thịnh vượng trong nhiều năm, có thể bị đánh bại. Hơn nữa, họ đã có đủ tích lũy tài chính cần thiết để chịu đựng trì trệ trong một khoảng thời gian.

Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, rốt cục, đã khiến Nhật Bản bừng tỉnh. Nhiều người dân quốc đảo này bắt đầu tin rằng nền kinh tế nước họ cần phải được cải tổ để thoát ra tình cảnh hiện tại. Thực tế này là cơ sở cho khả năng kết thúc sự thống trị của LDP.

Sự ủng hộ sâu rộng của dân chúng toàn quốc đối với chiến lược của LDP ngay từ lúc khởi đầu đã cho phép đảng này liên tục thắng cử trong một thời gian dài. Chiến lược đó gồm hai yếu tố: một là thúc đẩy sản xuất bằng "chính sách công nghiệp" với trọng tâm xuất khẩu là chủ đạo. Hai là phân bổ đồng đều tiền của do ngành sản xuất mang lại cho khắp cả nước. Thực tế, điều đó có nghĩa là dịch chuyển nhiều khoản tiền lớn từ các khu đô thị, nơi có các công ty sản xuất lớn, tới các vùng nông thôn hẻo lánh.

Trong những ngày đầu, chiến lược này đã mang lại những kết quả kinh ngạc, nhanh chóng biến Nhật Bản thành nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới. Tuy nhiên, vào đầu những năm 1990, nó bắt đầu không trụ nổi trước sự mở rộng của thương mại và sản xuất toàn cầu.

Các nỗ lực xuất khẩu của Nhật Bản gây ra nhiều bất cân bằng thương mại và vấp phải sự phản đối gay gắt từ Mỹ cũng như châu Âu. Tiền lương và giá trị đồng Yên tăng buộc các công ty Nhật Bản phải di chuyển nhà máy của mình ra nước ngoài.  

Thế nhưng, tầm quan trọng của các cử tri nông thôn trong các cuộc bầu cử không thay đổi, khiến LDP không thể từ bỏ cam kết hỗ trợ cho các vùng quê nghèo. Kết quả là ngân sách bị thâm hụt, đẩy nước Nhật vào tình trạng suy giảm tài chính tồi tệ nhất trong thế giới công nghiệp.

Sự thật là, một số lãnh đạo LDP đã nhận ra cuộc khủng hoảng chiến lược của đảng mình và thực thi nhiều chương trình cải cách nhằm khắc phục tình hình. Tuy nhiên, những chương trình đó không nhằm làm thay đổi nền tảng cơ bản của chiến lược và chỉ mang lại một vài thành quả hạn chế. Điển hình nhất là chương trình được Thủ tướng Junichiro Koizumi thực thi trong khoảng thời gian 2001-2006. Ông Koizumi cam kết sẽ thay đổi hoàn toàn một LDP cũ. Thế nhưng, kế hoạch của ông đơn giản chỉ là điều chỉnh lại sự cân bằng giữa hai yếu tố của chiến lược truyền thống: Tạo cho ngành sản xuất một cú hích mới trong khi thu nhỏ sự giúp đỡ tài chính cho các vùng nông thôn.

Ban đầu, chương trình cải cách của Koizumi có vẻ thành công. Từ năm 2002 tới 2006, tỷ lệ tăng trưởng GDP hàng năm đạt trên 2% - một con số được nhiều nhà phân tích ca ngợi. Tuy nhiên, không lâu sau đó, những tác động tiêu cực của nó bắt đầu bộc lộ, khiến cho dư luận Nhật Bản rất thất vọng.

Chương trình đó đã "thổi phồng" sự bất bình đẳng kinh tế và làm xói mòn nghiêm trọng chủ nghĩa bình quân truyền thống của Nhật Bản. Chẳng hạn, chính sách thu nhỏ sự dịch chuyển tài chính đã làm thất nghiệp và nghèo đói gia tăng ở các vùng nông thôn. Giảm bớt các khoản ngân sách dành cho phúc lợi đã tạo ra nhiều lỗ thủng trong mạng lưới an sinh xã hội. Việc bãi bỏ các quy định lao động làm nảy nở vô số công việc lương thấp bấp bênh.

Rốt cục, sự bùng nổ của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu là một đòn giáng chí tử vào chương trình cải tổ của Koizumi. Nhật Bản là một trong những nước chịu tác động nặng nề nhất. IMF dự đoán GDP của nước này năm nay sẽ giảm 6% do tình trạng xuất khẩu sang Mỹ giảm mạnh.

Điều quan trọng nhất là, sự kiện này đã cho thấy sự hồi phục kinh tế mới đây của Nhật Bản không phải xuất phát từ công cuộc cải cách của Koizumi mà từ bong bóng tiêu dùng Mỹ. Rõ ràng, Koizumi vẫn chỉ hành động trong các giới hạn chiến lược truyền thống của LDP và chưa từng mang lại một sự phục hồi nào cho đất nước.

Với thất bại trong cải cách của Koizumi, ngày càng nhiều người Nhật bắt đầu tin rằng chiến lược kinh tế của LDP chỉ là con số 0 tròn trĩnh. Sự thay đổi này trong nhận thức của dân chúng nằm ẩn sau cuộc chiến tay đôi giữa DPJ và LDP trong cuộc bầu cử tới. Tuy nhiên, sự thay đổi của các đảng nắm quyền sẽ chỉ là một trong nhiều bước đi đưa Nhật Bản tới sự phục hồi. Về cơ bản, người Nhật vẫn cần phải nhất trí về một chiến lược kinh tế mới. 
 

Ở thời điểm này, DPJ mà chiến thắng thì có nghĩa LDP bị cự tuyệt chứ không phải là dân Nhật ủng hộ cho chính sách của DPJ (vốn rất mơ hồ bởi vì nó là một mớ hỗn hợp đủ loại cương lĩnh).  

Theo cách đó, một khi lên nắm quyền, DPJ sẽ phải khuyến khích toàn xã hội thảo luận sâu rộng nhằm đạt được sự đồng tâm nhất trí toàn dân về chiến lược kinh tế.

Cuộc thảo luận đó sẽ phải trả lời hai câu hỏi then chốt. 
 

Thứ nhất, Nhật Bản có thể tìm được các biên giới tăng trưởng mới ở đâu? Giờ đây, khi mà sức tăng trưởng dựa vào xuất khẩu là một lựa chọn tồi, Nhật Bản sẽ phải quay về các thị trường nội địa như là một nguồn tăng trưởng chủ chốt.

Thứ hai, làm thế nào Nhật Bản có thể giải quyết được tình trạng già hóa dân số. Câu hỏi này sẽ bao trùm các vấn đề cải cách tiền lương, việc làm và nhập cư. Hơn nữa, nó đòi hỏi Nhật Bản phải tìm ra nhiều biện pháp sáng tạo để sử dụng các thị trường mới nổi cho người già - từ du lịch tới các dịch vụ chăm sóc y tế, sức khỏe - như một động cơ tăng trưởng.

Vậy làm thế nào khả năng LDP rời khỏi vị trí lãnh đạo có thể ảnh hưởng tới nền kinh tế toàn cầu? Công bằng mà nói, trong ngắn hạn, sẽ chỉ có một tác động nhỏ có thể cảm thấy được ở mức độ toàn cầu. 
 

Ngay sau cuộc bầu cử, định hướng nhập nhằng của DPJ có thể khiến các thị trường lo ngại. Tuy nhiên, không lâu sau đó, mọi sự sẽ trở nên rõ ràng rằng, do thiếu các ý tưởng cụ thể về đổi mới và bí quyết kiểm soát bộ máy quan liêu, đảng này sẽ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc tiếp tục một chính sách kinh tế quốc tế giống của LDP trong một khoảng thời gian. Thật không may, điều này đồng nghĩa với việc Nhật Bản sẽ vẫn đóng vai trò thứ yếu trong các nỗ lực quốc tế nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng toàn cầu.

Mặc dầu vậy, một khi Nhật Bản trở lại được con đường hồi phục, nước này sẽ gây ảnh hưởng lớn và tích cực tới kinh tế thế giới. Trước hết, một Nhật Bản hồi sinh sẽ đóng góp cho sự mở rộng kinh tế toàn cầu thông qua sức tiêu dùng cũng như đầu tư và thương mại gia tăng. Tiếp theo, nước này có thể sẽ đóng góp vai trò lãnh đạo nhiều hơn nữa trong các nỗ lực toàn cầu nhằm xây dựng các định chế cho hội nhập quốc tế.

Trọng tâm hướng vào sản xuất của LDP đã dẫn họ tới một phương pháp hám lợi. Sự quan tâm hơn nữa tới các lợi ích của người tiêu dùng và nhà đầu tư chắc chắn sẽ khiến Nhật Bản phải tận tâm hơn với trật tự kinh tế toàn cầu.

Thứ ba, là với một xã hội già hóa với chỉ 2,3 lao động/một người về hưu vào năm 2015, Nhật Bản sẽ tạo ra một tiền lệ quan trọng cho nhiều nước khác. Nếu quốc đảo này có thể chứng tỏ sự hài hòa giữa tình trạng già hóa dân số và sự thịnh vượng, thế giới chắc chắn sẽ học hỏi được rất nhiều điều.

  • Thanh Hảo (Theo YaleGlobal)
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,