Cũng giống như người Mỹ đối với cuộc bầu cử tổng thống cuối năm 2008, cái mà người Nhật Bản mong muốn ở cuộc tổng tuyển cử này là: sự thay đổi. Chính bởi vậy mà đảng Dân chủ Tự do (LDP) đã thất bại trước đảng Dân chủ (DPJ) sau nửa thế kỷ nắm quyền. Có phải đã đến lúc nền chính trị "trì trệ" của Nhật có bước đột phá.
Tân thủ tướng Yukio Hatoyama (Ảnh: AP) |
Chiến thắng của DJP là điều mà ai cũng có thể đoán trước.Người dân Nhật Bản đã quá mệt mỏi với sự "ổn định" mà nước này vốn ưa thích, nhưng thực chất lại là sự ì ạch cả về kinh tế lẫn chính trị.. Các chỉ số cơ bản của Nhật Bản từ tỷ lệ nợ so với GDP, tỷ lệ thất nghiệp, sự già hóa dân số... đều cho thấy một bức tranh cũ mòn và thiếu sự vận động.
Chính bởi vậy, người dân Nhật muốn có một đảng lãnh đạo khác thay thế LDP cho dù DPJ là một đảng hoàn toàn thiếu kinh nghiệm cầm quyền và cũng khó có thể mang lại một sự thay đổi lớn nào ở đây.
DPJ đã dưa ra cam kết sẽ giải qyết tình trạng bất ổn của kinh tế Nhật bằng các biện pháp trợ cấp của trẻ em, cắt giảm thuế giao thông và thuế đối với doanh nghiệp nhỏ, nâng cao trợ cấp thất nghiệp, hỗ trợ thu nhập của nông dân và cải cách hệ thống lương hưu vốn không theo kịp với tốc độ lão hóa dân số rất nhanh ở nước này.
Để làm được những điều này sẽ cần tới 3,5% GDP của Nhật và DJP cho rằng họ lấy được 95 tỷ USD từ việc tiết kiệm các công trình xây dựng công cộng và các khoản chi tiêu lãng phí khác.
Tuy nhiên, điều cơ bản để DPJ có thể thực sự là một "cơn động đất" thay đổi hoàn toàn đất nước này lại nằm ở việc cải cách hành chính. Nghe thì đơn giản nhưng đây thực sự là một cuộc cách mạng với đất nước này bởi bộ máy công quyền của Nhật rất quan liêu và kồng kềnh.
Không giống như những nước phát triển khác, quyền lực ở Nhật Bản không tập trung vào chính phủ. Thay vào đó, những quan chức có ảnh hưởng lại làm việc trực tiếp với những nhóm các chính trị gia để bảo vệ lợi ích của những nhà thầu làm đường, những công ty xây dựng, những nông dân và những nhóm vận động hành lang khác.
Đây chính là nguyên do gây nên bất bình đẳng xã hội, sự lo lắng về lợi tức và cả việc Nhật không thể đóng một vai trò lớn hơn trên sân khấu chính trị thế giới do quá phụ thuộc vào Mỹ.
Thêm vào đó, các bộ quản lý nguồn quỹ riêng của mình, vì vậy việc nội các quản lý được một chuỗi những ví tiền thuộc các bộ khác nhau là rất khó khăn. Hơn nữa, sự có mặt của cơ quan hoạch định chính sách của chính đảng cầm quyền (LDP) lại càng làm suy yếu quyền lực của thủ tướng.
Cam kết nổi trội nhất của DPJ chính là giảm bớt quyền lực của các dịch vụ dân sự, bằng cách cắt giảm nguồn chi quá "hào phóng" cho bộ máy công quyền. Họ cũng muốn trao thêm quyền cho thủ tướng trong vấn đề quyết định ngân sách nhà nước, đưa thêm quy định sẽ thảo luận các chính sách lớn tại các cuộc họp nội cáccchứ không phải các cuộc họp cấp thứ trưởng sẽ đưa ra quyết định rồi thông báo cho mọi người như trước đây.
Nói một cách ngắn gọn, Nội các sẽ chịu trách nhiệm hoạch định và thực thi chính sách. Các quan chức sẽ làm việc dưới quyền của bộ trưởng của họ và sẽ gia tăng quyền hành pháp trong các bộ để tăng cường tính kỷ luật. Nhưng để làm được điều này, với kinh nghiệm chính trường ít ỏi của mình, tân thủ tướng sẽ cần có sự ủng hộ của chính các quan chức quyền lực để có thể thực thi cải cách.
Làm thế nào mà DPJ có thể lôi kéo các quan chức quyền lực vào quá trình làm suy giảm sức mạnh của họ trên chính trường?
Một vấn đề khác mà cơn động đất này không thể thay đổi là nền "chính trị gia đình" ở Nhật. Cả 4 thủ tướng gần đây đều là những chính trị gia kiểu "cha truyền con nối". Taro Aso, Yasuo, rồi Shinzo Abe đều là con trai hoặc cháu của những cựu thủ tướng.
Đến giờ, tân thủ tướng Yukio Hatoyama, lãnh đạo DPJ, cũng sinh ra trong một gia đình được mệnh danh là "Kenedy" của Nhật Bản. Cụ nội của ông từng là chủ tịch hạ viện Nhật, ông nội ông từng 3 lần giữ chức thủ tướng. Bố của ông từng là thứ trưởng tài chính và bộ trưởng ngoại giao.
Với tính chất truyền thống gia đình còn khá nặng nề ở Nhật, liệu một người con, một người cháu đã chịu ảnh hưởng nhiều năm từ gia đình, khi lên nắm quyền, có sẵn sàng lật đổ tất cả những gì mà bố họ hay ông họ đã tạo ra?
Rõ ràng, bản thân việc DPJ thắng cử đã là một cơn động đất đối với nền chính Nhật Bản sau hơn 50 năm được chế ngự bởi LDP. Song, cơn động đất này có đủ mạnh để cuốn sạch được những vấn đề tồn tại đã ăn sâu vào xã hội Nhật và xây dựng nhưng cái mới hoàn toàn hay không vẫn còn là một câu hỏi. Mà câu hỏi này DPJ chỉ có một năm để trả lời bởi một năm nữa là sẽ đến kỳ bầu cử thượng viện.
Sự hài lòng hay bất bình của cử tri với chính phủ mới sẽ được thể hiện qua lá phiếu. Nếu là không hài lòng thì kết cục cũng sẽ rất dễ đoán bởi chuyện thay đổi thủ tướng đột xuất vốn đã diễn ra như "cơm bữa" ở Nhật Bản.
-
Hạnh Khuê