Cuộc chiến của Mỹ ở Afghanistan có phải là sự tái diễn lại những gì Mỹ đã làm tại Việt Nam hay không?
Cuộc chiến tồi tệ của Mỹ ở Afghanistan. (Ảnh: AP)
Tổng thống Mỹ Barack Obama đã đặt cược cả nhiệm kỳ tổng thống của mình vào cuộc chiến “cần thiết” tại Afghanistan. Khi mới nhậm chức, một trong những hành động đầu tiên của ông là tăng cường 17.000 binh lính ở đất nước này, nâng tổng số quân và lính thủy đánh bộ lên khoảng 57.000 người, cùng với 74.000 lính từ các tổ chức khác, hầu hết trong số họ là nhân viên quân sự, và khoảng 33.000 lính khác từ các quốc gia NATO và Australia. Tổng cộng có 100.000 lính nước ngoài đang chiến đấu chống lại phiến quân Taliban.
Mọi thứ trở nên hết sức đáng sợ, ngay cả với các tân binh Mỹ, Tư lệnh quân đội Mỹ Admiral Mike Mullen, trong tháng này đã miêu tả tình trạng tại Afghanistan là hết sức “nghiêm trọng và tồi tệ". Chính quyền nhà nước Afghanistan về cơ bản chỉ giới hạn trong thủ phủ Kabul và một số thành phố khác. Hơn nữa, nó còn mang căn bệnh tham nhũng và không hiệu quả. Cuộc bầu cử toàn quốc hiện tại mà các lực lượng của Mỹ vẫn tìm cách “bảo vệ” bằng cách gửi quân đến tới các khu vực bầu cử, lại đang có vẻ là một thất bại bởi sự gian lận trong bầu cử và tỷ lệ người dân tham gia bỏ phiếu thấp.
Cuộc chiến của Mỹ tại Afghanistan, vẫn được rêu rao là một phần của cuộc chiến chống khủng bố do tổng thống W. Bush và phó tổng thống Dick Cheney tiến hành tháng 9 năm 2001, đã kéo dài 8 năm. Dù Taliban nắm quyền ở Afghanistan trong thời điểm đó đã bị loại bỏ khỏi Kabul, thì những cuộc nổi dậy của tổ chức này lại đang gia tăng hàng ngày về sức mạnh và sự ủng hộ của quần chúng.
Sự trợ giúp của Mỹ trong khi đó lại được coi là kẻ xâm lược và là sự ủng hộ duy nhất cho chế độ tham nhũng của những kẻ chuyên buôn bán thuốc phiện, trộm cướp, và bịp bợm.
Điều này có gợi cho ta nhớ đến điều gì đó tương tự đã xảy ra hay không. Có thể là có. Đây có phải là sự tái diễn lại những gì Mỹ đã làm tại Việt Nam hay không?
Nguồn gốc của cuộc chiến hiện tại ở Afghanistan bắt đầu từ khi Liên bang Xô viết đưa quân vào đất nước này ủng hộ chính phủ do đảng Cộng sản lãnh đạo vào những năm 1970, và Mỹ tiến hành cuộc “chiến tranh ủy thác” chống lại Xô viết, với việc CIA đào tạo và tài trợ cho cả Taliban và binh lính nước ngoài, hầu hết là người A rập, đứng đầu bởi những kẻ giống như Osama Bin Laden. Cuối cùng, Taliban với sự trợ giúp của những tổ chức giống như Al Qaeda của Bin Laden, đã giành chiến thắng.
Nhưng, theo thời gian, khi Liên bang Xô viết sụp đổ, Mỹ trở nên tập trung hơn vào Trung Đông, thì các chính quyền của Mỹ ngày càng trở nên không hài lòng với sự sắp đặt quyền lực tại Afghanistan. Trong khi đó, tiếp theo cuộc chiến tranh Vùng Vịnh năm 1990-1991, Bin Laden và những bính lính Ả rập khác tại Afghanistan và những nơi khác bắt đầu coi Mỹ là kẻ thù, và Mỹ bắt đầu chuyển từ chống Cộng sang chống Ả rập, hoặc ít nhất là chống chủ nghĩa Ả rập, hay đúng hơn là chống những người muốn lật đổ sự lãnh đạo độc tài đầy tham nhũng tại quốc gia nhiều dầu lửa này ở Trung Đông.
Khi Trung tâm Thương mại thế giới và Lầu Năm góc bị tấn công năm 2001, chính quyền Bush/Cheney, vốn trước đó đã định lật đổ chính quyền tại Iraq, đã tiến hành tấn công Afghanistan, với lý do chính quyền Taliban đang chứa chấp Al Qaeda, tổ chức bị cáo buộc đã tiến hành vụ tấn công trên. Cuộc chiến Afghanistan cứ thế tiếp diễn. Taliban nhanh chóng bị loại khỏi Kabul, và Al Qaeda gần như bị đẩy hoàn toàn vào những khu vực bộ lạc xa xôi của Pakistan, nhưng cuộc chiến vẫn chưa giành thắng lợi. Thực tế, từ khi đó, tình thế lại ngày càng trở nên tồi tệ hơn đối với Mỹ, khi Taliban đã lấy lại được lãnh thổ và khôi phục phần lớn quyền lực trước kia của mình.
Giờ đây, vị tổng thống mới – Obama – giống như người tiền nhiệm Johnson đang nói với người dân Mỹ rằng, cuộc chiến hiện tại là “cần thiết để đảm bảo an ninh cho nước Mỹ". Đây phải chăng cũng chỉ là một khẳng định “lố bịch” nữa của các tổng thống Mỹ. Nếu Afghanistan, một trong những quốc gia nghèo đói nhất thế giới và thậm chí còn khốn khổ hơn thế, là mối đe dọa đối với Mỹ thì liệu các quốc gia nhỏ bé khác như Fiji, Malawi, Burundi có phải cũng là “mối lo” của Mỹ?
Hãy suy nghĩ một cách hợp lý hơn. Taliban dù cho là những tín đồ cuồng tín cực đoan đến đâu và họ có ghét phụ nữ đến như thế nào thì họ cũng chẳng có mối quan tâm nào tới nước Mỹ, ngoài việc đánh đuổi quân đội Mỹ ra khỏi đất nước họ. Khi tổ chức này quay trở lại Kabul vào năm 2001, Taliban đã phải chiến đấu với những thủ lĩnh chiến tranh, những tên buôn bán thuốc phiện, những kẻ đã, đang và sẽ vẫn là thế lực ở nhiều nơi tại đất nước này, và nếu Taliban giành chiến thắng và đẩy lui được quân đội Mỹ và quân đồng minh NATO ra khỏi Afghanistan, thì Taliban sẽ ngay lập tức bận rộn với công việc trong nước và giữ lấy quyền lực của mình.
An ninh của Mỹ, do đó, không thể có chút mảy may nào bị đe dọa bởi Taliban
Quay trở lại năm 2001, có một nhóm Ả rập tồn tại ở Afghanistan từ năm 1990, có thể hiện thái độ thù địch với Mỹ nhưng nhóm này ít nhất cũng do CIA lập nên và đến năm 2002, nó đã gần như bị đánh bật khỏi Afghanistan và phải chạy sang Pakistan và những vùng chưa được biết đến.
Cuộc chiến Afghanistan mà tổng thống Obama vẫn phát biểu là cần thiết đối với an ninh của Mỹ mặc dù vậy không phải nhằm chống lại Al Qaeda mà là nhằm chống lại Taliban, và khi đó, cuộc chiến này sẽ lại không thể giành chiến thắng, cũng giống như cuộc chiến của Mỹ tại Việt Nam mà thôi.
Vào thời khắc này, cũng như vào thời điểm cuối những năm 1960, Lầu Năm Góc đang yêu cầu tổng thống gửi thêm quân. Đây là hành động cấp bách, nếu Mỹ không muốn thua trong cuộc chiến này. Không một tướng hay đô đốc nào muốn đảm nhận trách nhiệm khi mọi hy vọng gần như đã hết và quân đội phải được rút về như “những kẻ thất bại.” Tuy nhiên, quân đội và vũ khí vẫn sẽ được yêu cầu cử đến cho đến khi ngân sách cạn kiệt.
Obama, giống như Johnson, lại phải viện đến chính sách “gian dối” bởi chính ông cũng không muốn thua trận trước khi rời nhiệm sở.
Tuy nhiên, khả năng ông Obama sẽ vẫn tiếp tục giữ chức tổng thống cho tới năm 2016 là khá cao, vì thế, sẽ có một nguy cơ rất lớn của một cuộc chiến tranh vô ích, vô vọng lại leo thang để cố chứng minh rằng chính quyền đã không sai ngay từ bước đầu. Hãy nhớ rằng những cố vấn quân sự Mỹ lần đầu tiên được đưa tới Việt Nam vào năm 1959, cuộc leo thang lớn nhất diễn ra vào năm 1964, và mãi cho tới năm 1974 quân đội Mỹ mới rút quân. Như thế, đã có tổng cộng 15 năm chiến tranh và 10 leo thang.
Bởi vì chính quyền Bush/Cheney quan tâm đến tiến quân vào Iraq hơn là vào Afghanistan, và đã rút ra rất nhiều từ Afghanistan, rồi chuyển sang Iraq, cuộc chiến Afghanistan leo thang chậm hơn cuộc chiến tranh Việt Nam. Chúng ta hãy chờ xem đây có phải là thời điểm của năm 1965 hay không. Liệu người Mỹ có một lần nữa chấp nhận lời nói dối hay không hay chiến tranh sẽ lại leo thang? Mười năm nữa có phải là thời gian của một cuộc chiến đẫm máu để rồi cuối cùng Mỹ lại chấp nhận là kẻ thua cuộc hay không?
-
Đình Ngân (theo Counterpunch)