221
1601
Bình luận quốc tế
binhluan
/thegioi/binhluan/
1234741
11/9/2001 và vòng xoáy bạo lực phi Nhà nước
1
Article
445
Quốc tế
thegioi
/thegioi/
11/9/2001 và vòng xoáy bạo lực phi Nhà nước
,

- Tám năm sau ngày 11 tháng 9 năm 2001, ký ức của người Mỹ và thế giới về ngày định mệnh này chắc chắn chưa thể bị xoá nhoà.  

Tháp đôi bị tấn công ngày 11/9/2001. Ảnh Wikipedia.

Nhưng, dường người Mỹ cũng như thế giới không còn nhiều thời gian dành cho những hồi tưởng về thảm hoạ của ngày hôm đó nữa. Thậm chí ngay cả Bin Laden cũng  có vẻ không còn quan tâm đến việc tận dụng cơ hội này để quảng bá cho Al Qaeda như thường lệ.

Nhưng không phải vì thế mà thế giới vắng đi tin tức về những hành vi bạo lực nhắm vào sinh mạng người vô tội. Các tin tức khủng bố, đặc biệt là liên quan đến các nhóm khủng bố Hồi giáo cực đoan vẫn xuất hiện trên các bản tin thời sự.

Tám năm sau ngày 11/9/2001, cũng ngần ấy thời gian cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu được Mỹ phát động, nhưng Bin Laden và đồng bọn vẫn nhởn nhơ nơi nào đó giữa trùng điệp núi rừng Afganistan và bạo lực của khủng bố vẫn còn đó ám ảnh thế giới.

Thực tiễn quan hệ quốc tế đã chỉ ra rằng chủ nghĩa khủng bố hiện hữu ở khắp mọi nơi và có thể xuất hiện mỗi khi những mâu thuẫn trở nên sâu sắc, khi mà các mối quan hệ xã hội, chính trị, kinh tế hay tôn giáo, sắc tộc, văn hoá bị đảo lộn, hoặc mỗi khi trật tự cũ sụp đổ. Khi đó, các mâu thuẫn vốn có trong xã hội sẽ giải phóng ra những tiềm năng xung đột, các giá trị đạo đức bị phá bỏ, tính bạo lực bùng phát.

Kể từ sau chiến tranh lạnh, các tiến trình quốc tế đi liền với toàn cầu hoá đã tạo ra những điều kiện hết sức thuận lợi cho các biến động kể trên. Toàn cầu hoá và những gì đi cùng với nó đã làm đảo lộn các ý niệm vốn có về cuộc sống, về kinh tế, xã hội, chính trị, tôn giáo… và cả về hệ thống an ninh quốc tế. Cộng với nó là sự đảo lộn trong bản đồ địa chính trị thế giới, sự tái phân bố các nguồn tài nguyên thiên nhiên vốn khan hiếm, những đòi hỏi cũ và mới về sắc tộc, tôn giáo, chủ quyền, sự mất định hướng của một dân tộc, một nhóm người trong thế giới hiện tại chưa từng biết đến, sự phổ biến các hiện tượng phi đạo đức trái với niềm tin của các xã hội truyền thống, sự hoang mang trước tương lai phát triển bất định…

Tất cả những điều này đã làm cho các hành vi bạo lực, công cụ chủ yếu của chủ nghĩa khủng bố trở nên phổ biến hơn bao giờ hết và đỉnh điểm của nó là các vụ tấn công nhằm vào nước Mỹ cách đây 8 năm.

Ngày 11/9/2001, nước Mỹ và cả thế giới đã chứng kiến các vụ tấn công liều chết nhằm vào nước Mỹ như một show truyền hình thực tế quen thuộc trên các kênh truyền hình của Mỹ. Các sự kiện ngày 11/9/2001 thoáng chừng chỉ là “một sự báo thù” của chủ nghĩa cực đoan tôn giáo nhằm vào nước Mỹ và phương Tây. Nhìn từ góc độ vận động của quan hệ quốc tế kể từ sau khi trật tự hai cực sụp đổ, các cuộc tấn công của Al Qeada nhằm vào các biểu tượng sức mạnh của nước Mỹ lại là những dấu hiệu của ba bước ngoặt quan trọng của quan hệ quốc tế.

Thứ nhất, xu thế phi nhà nước hoá bạo lực đang trở nên phổ biến. Các tác nhân phi nhà nước hiện nay có thể gây ra cho các nhà nước những tổn thất mà trước đây chỉ các lực lượng đối xứng truyền thống mới làm được. Nếu như trước đây, chỉ các nhà nước với quân đội, vũ khí tối tân mới là mối đe doạ với an ninh của nước Mỹ (hay của bất cứ quốc gia nào) thì bây giờ các nhóm phi nhà nước như Al Qeada lại hoàn toàn có thể làm được điều đó.

Xu thế này là kết quả của hai đặc điểm mới trong quan hệ quốc tế từ sau Chiến tranh Lạnh bao gồm: (i) “dân chủ hoá” trong khả năng tiếp cận các công nghệ có tiềm năng huỷ diệt lớn và; (ii) khả năng của một số tác nhân sử dụng, cải tiến và chuyển đổi các công nghệ dân sự hiện đại nhằm phục vụ các mục tiêu bạo lực.

Đặc biệt là chính các tác nhân này cũng là một dạng sản phẩm của công nghệ và toàn cầu hoá. Al Qeada không phải là một tổ chức chính trị, một đảng phái, phong trào theo mô hình truyền thống. Al Qeada được tổ chức (hoặc không tổ chức) như là một mạng lưới, không có điểm đầu, không có điểm cuối, hoạt động xung quanh một cơ chế trung tâm nhưng bản thân cơ chế trung tâm cũng không hoàn toàn chi phối cả mạng lưới. Thậm chí đó có thể chỉ là một cá nhân, một nhóm bất kỳ, hành động hoàn toàn độc lập và chỉ cần nhân danh Al Qeada là đủ. Còn ý thức cực đoan của nó cũng một phần là sản phẩm của toàn cầu hoá, hay đúng hơn của sự thất bại của một dạng toàn cầu hoá.

Điểm mạnh của các nhóm khủng bố là tự chúng có quyền lựa chọn thời điểm, địa điểm và phương tiện của bạo lực như là hình thức đối đầu với các nhà nước truyền thống chứ không phải các nhà nước hay các xã hội.

Thứ hai, chủ nghĩa khủng bố làm sống lại nỗi ám ảnh cho rằng công nghệ mới có thể sử dụng vào các mục tiêu chết chóc thay vì các mục tiêu phát triển và hoà bình. Lịch sử loài người đã từng biết đến những phát kiến vừa làm thay đổi bước phát triển của nhân loại nhưng cũng lại là những nỗi ám ảnh cho sự tồn tại của chính nó. Bom nguyên tử trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh là một ví dụ điển hình.

Ngày nay, khả năng tiếp cận và vận dụng công nghệ mới phục vụ các mục tiêu bạo lực trở nên rộng mở hơn bao giờ hết nhờ vào công nghệ hiện đại Internet, các phương tiện truyền thông hiện đại và toàn cầu hoá. Chỉ với 500.000 USD, bằng một nửa giá bán của một nửa quả tên lửa Tomahawk, các nhóm khủng bố hoàn toàn có thể gây thiệt hại nhiều tỉ USD cho kẻ thù. Trên Internet, với Google hay bất cứ công cụ tìm kiếm nào, các nhóm khủng bố hoặc các cá nhân đơn lẻ có thể dễ dàng có được những chỉ dẫn chi tiết về chế tạo bom, các kỹ năng tấn công cảm tử hoặc cũng có thể dễ dàng liên kết lại với nhau qua email, diễn đàn ảo…

Thứ ba, một vòng luẩn quẩn mới giữa bạo lực và chống bạo lực đang hình thành. Nếu như với sự kiện 11/9/2001 cũng như các vụ đánh bom ở Madrid hay London sau đó, chủ nghĩa khủng bố đã chứng tỏ khả năng tấn công công nhằm vào những điểm yếu nhất trong hệ thống an ninh của thế giới phương Tây, thì sự phản ứng của thế giới phương Tây lại không hoàn toàn phù hợp và thường kèm theo những sai sót đáng tiếc. Đấu tranh chống chủ nghĩa khủng bố không đơn giản là việc lật đổ một chế độ không được lòng dân như ở Afganistan hay một “bạo chúa” (như cách gọi của Mỹ và phương Tây) ở Iraq. Ưu thế tuyệt đối về sức mạnh quân sự của Mỹ và đồng minh đã và sẽ không thể triệt tiêu những tư tưởng cực đoan. Bin Laden và các cộng sự Taliban vẫn đang nhởn nhơ như những tay cao bồi trên sa mạc chọc tức nước Mỹ cho dù cựu Tổng thống G.W. Bush không còn trong vai cảnh sát trưởng (Sheriff).

Hành động khủng bố nhằm vào nước Mỹ ngày 11/9/2001 đã khuếch đại nhiều lần nguy cơ bạo lực sau đó theo hai cách. Thứ nhất, nó nhằm đúng vào nước Mỹ siêu cường, ngạo mạn để rồi buộc siêu cường đáp trả bằng bạo lực. Thứ hai, nó cổ vũ cho các nhóm, các mạng lưới, các cá nhân với tư tưởng cực đoan tiếp tục hành vi bạo lực nhằm vào Mỹ, phương Tây hay bất cứ ai mà họ tin rằng đứng về phía Mỹ, theo đuôi Mỹ hoặc đơn giản hơn là thành công hơn họ trong toàn cầu hoá, hay không giống với họ. Và rồi những sai sót như ở các nhà tù Guatanamo, Abu Ghraib, những vụ ném bom nhầm ở Afganistan hay Iraq, những ngôn từ miệt thị đánh đồng Hồi giáo với chủ nghĩa khủng bố… lại là điểm khởi đầu của vòng xoáy bạo lực mới. Điều này đã lý giải tại sao các nhóm khủng bố vẫn có thể tuyển dụng thêm thành viên và tiếp tục thúc đẩy các lý tưởng cực đoan nhằm vào phương Tây.

Những hệ quả của ba thay đổi trên giờ đây còn được “khuyếch đại” bởi các yếu tố như xu hướng “siêu truyền thông hoá” trong kỷ nguyên thông tin và toàn cầu hoá nhờ vào những công nghệ truyền thông ngày càng phát triển. Nhờ vào Internet, truyền hình vệ tinh, thông điệp của các nhóm khủng bố dễ dàng thâm nhập các cộng đồng truyền thống marketing cho các hành vi jihâd và gieo rắc các lý tưởng cực đoan.

Sau sự kiện 11/9/2001, nhiều học giả lại lao vào tranh luận liệu thế giới đang chuyển mình từ đơn cực sang đa cực hay thậm chí là vô cực. Tuy nhiên, với hai cuộc chiến của Mỹ ở Afganistan và Iraq, với những gì diễn ra ở Indonesia, Tây Ban Nha, Anh, Nga… được xem là chuỗi sự kiện trong vòng xoáy bạo lực sau ngày 11/9, thì hệ quả rõ ràng nhất đối với thế giới là bạo lực phi Nhà nước hoá dường như đã trở thành một đặc điểm của quan hệ quốc tế.

  • Đ.K
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,