Yukio Hatoyama (trái) sẽ lên nhậm chức Thủ tướng Nhật Bản vào chiều 16/9. (Ảnh: Reuters)
Lên án toàn cầu hóa do Mỹ dẫn đầu, Hatoyama nói rằng nhiều quốc gia châu Á muốn chứng kiến "sự vượt quá giới hạn về chính trị và kinh tế" của Mỹ bị kiềm chế.
Sức mạnh quân sự của Mỹ đóng vai trò then chốt trong bình ổn khu vực, theo Hatoyama, nhưng các mối quan hệ gắn bó hơn với các quốc gia láng giềng cũng vô cùng cần thiết để bảo vệ các lợi ích của Nhật Bản.
Báo chí Nhật Bản đưa tin, ấn bản bài báo bằng tiếng Anh này là một bài dịch lộn xộn; ông Hatoyama nói giọng điệu chống Mỹ của nó là sản phẩm của sự cắt xén không tiếc tay. Và kể từ khi đó, Hatoyama đã phải nỗ lực hết sức đảm bảo với các lãnh đạo Mỹ rằng mối quan hệ song phương vẫn là một ưu tiên hàng đầu của ông.
Tuy nhiên, dư luận vẫn đặt ra nhiều câu hỏi về sự thay đổi chính phủ mang tính lịch sử ở Nhật Bản có ý nghĩa như thế nào đối với các mối quan hệ toàn cầu của nước này.
Chiến thắng của Hatoyama đã chấm dứt 50 năm cầm quyền gần như liên tục của Đảng Dân chủ Tự do (LDP), và sau khi ông đã chính thức được Quốc hội phê chuẩn vào chức vụ Thủ tướng hôm nay (16/9), cộng đồng quốc tế sẽ nóng lòng theo dõi các động thái tiếp theo của vị tân Thủ tướng Nhật Bản.
"Các mối quan hệ bình đẳng"
Liên minh Mỹ - Nhật Bản đã bảo đảm cho sự bình ổn ở Đông Bắc Á suốt hơn nửa thế kỷ qua.
Nhật Bản - bị cấm duy trì "năng lực chiến tranh" theo hiến pháp hòa bình của quốc gia này - đồng ý cho quân đội Mỹ hiện diện tại đất nước mặt trời mọc; đổi lại, Mỹ phải có trách nhiệm đảm bảo an ninh cho Nhật Bản. Đa số dân chúng Nhật ủng hộ điều này mặc dầu có một số căng thẳng ở địa phương liên quan tới các căn cứ Mỹ.
Tuy nhiên, một số người lo lắng rằng sự nương tựa vào Mỹ đang khiến cho Nhật Bản bị cuốn vào - dù ở mức độ rất nhỏ - các cuộc xung đột do Mỹ cầm đầu, không những thế còn tác động quá lớn tới những người đóng thuế.
Khi vận động tranh cử, Hatoyama đã nhắm tới những lo lắng này, cam kết thực hiện một chiến lược "tự trị" nhiều hơn dựa trên các mối quan hệ "bình đẳng" với Mỹ.
Ông và Đảng Dân chủ Nhật Bản (DPJ) hứa sẽ chấm dứt nhiệm vụ tiếp nhiên liệu vốn gây nhiều tranh cãi cho các hoạt động quân sự do Mỹ dẫn đầu tại Afghanistan. Chính trị gia này cũng cam kết sẽ kiểm tra lại các điều khoản cho phép quân đội Mỹ hiện diện ở Nhật Bản và một thỏa thuận năm 2006, theo đó Nhật Bản phải chi tiền cho một căn cứ thay thế ở Okinawa và các hoạt động thuyên chuyển 8.000 lính thủy đánh bộ Mỹ tới Guam.
Mỹ đã ngay lập tức lên tiếng phản đối. Washington "không có ý định đàm phán lại" thỏa thuận, trích lời phát ngôn viên Ian Kelly của Bộ Ngoại giao Mỹ một ngày sau cuộc bầu cử. Sau đó, một phát ngôn viên của Lầu Năm Góc còn kêu gọi Nhật Bản tiếp tục sứ mệnh ở Afghansitan để hoàn thành "trách nhiệm quốc tế" của mình.
Tomohiko Taniguchi, một nhà phân tích chính sách ngoại giao và là giáo sư tại Đại học Keio, nghĩ rằng khó mà có một sự thay đổi lớn nào đó trong một sớm một chiều sau khi Nhật Bản có chính phủ mới. Tuy nhiên, theo ông, nền tảng duy trì liên minh Mỹ - Nhật nhiều khả năng sẽ rạn nứt.
Taniguchi cho rằng, mục đích giảm chi phí cho sự hiện diện của lính Mỹ mà phe Dân chủ đặt ra sẽ là một vấn đề bởi vì nó mâu thuẫn với nhu cầu hiện nay của Nhật Bản là phải thúc đẩy sự hiện diện đó.
Và ông đặt ra câu hỏi, liệu nói về "sự bình đẳng" với Washington có thực tế hay không - đặc biệt là vào thời điểm có nhiều lo lắng trước khả năng hạt nhân của CHDCND Triều Tiên và sự tăng cường lực lượng quân sự của Trung Quốc.
"Nhật Bản không phải là một quốc gia hạt nhân và sự bảo vệ hạt nhân chỉ có thể nhờ cậy vào Mỹ, vì vậy Nhật Bản không thể nói đến vị thế bình đẳng", Giáo sư Tomohiko Taniguchi nhận xét.
Nicholas Szechenyi, thuộc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược ở Washington, cho rằng Hatoyama cần phải giải thích rõ ràng ý định của mình khi nói đến một mối quan hệ cân bằng.
"Nếu nó có nghĩa là chia sẻ quan điểm với Washington về cách thức phát triển các mối quan hệ thì rất hoan nghênh. Nhưng đơn thuần chỉ nêu ra những nỗi bất bình thì không đủ để tiếp sức mạnh cho mối quan hệ này trong tương lai".
Ông Hatoyama cũng kêu gọi xây dựng các mối quan hệ tốt hơn với các quốc gia láng giềng Đông Á.
Trong quá khứ, những hành động lịch sử - nhất là các chuyến viếng thăm đền tử sĩ Yasukuni liên quan tới Thế chiến II - đã làm tổn hại quan hệ. Những tranh chấp về lãnh thổ, cạnh tranh nguồn lực và lo lắng của Nhật về sự an toàn toàn thực phẩm Trung Quốc cũng gây trở ngại cho hợp tác.
Ông Hatoyama tuyên bố sẽ không tới thăm đền Yasukuni. Katsuya Okada, người vừa được ông Hatoyama chọn làm Ngoại trưởng, thậm chí còn đi xa hơn, nói rằng Nhật Bản cần phải chôn chặt trong mình "cuộc chiến ngớ ngẩn, thảm hại" đó.
Thay vào đó, DPJ cam kết xây dựng "các mối quan hệ tin cậy lẫn nhau" - cải thiện sự đoàn kết khu vực về vấn đề Triều Tiên - và mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực thương mại, năng lượng và môi trường.
Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo đã lên tiếng hoan nghênh cái mà ông gọi là "quan điểm tích cực" của DPJ, và chính phủ Hàn Quốc cũng có lời nhận xét tương tự.
Tiến sĩ Sarah Hyde, tác giả cuốn The Transformation of the Japanese Left (Sự chuyển đổi của cánh tả ở Nhật), cho biết bà trông đợi được chứng kiến các mối quan hệ ngoại giao trôi chảy hơn, êm đềm hơn giữa Nhật với các nước láng giềng.
"Họ sẽ nỗ lực củng cố các mối quan hệ với Trung Quốc, nhưng liệu như thế có nghĩa là họ sẽ rời xa Mỹ? Không, không phải vậy".
Quan ngại trong nước
Hatoyama sẽ có cơ hội bàn bạc các kế hoạch của mình ở cấp cao nhất vào cuối tháng này, khi ông gặp gỡ các nhà lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc tại hội nghị G20 ở Pittsburgh, Mỹ.
Tuy nhiên, ông cũng phải đối mặt với vô số thách thức từ trong nước và những thách thức này sẽ đẩy các vấn đề ngoại giao xuống hàng thứ yếu trong chương trình nghị sự.
Trong bản tuyên ngôn của DPJ, hơn 40 trang kế hoạch về giải quyết các vấn đề kinh tế, tỷ lệ sinh thấp và mạng lưới an sinh xã hội vốn đã quá tải được đặt trước 3 trang về chính sách ngoại giao.
"DPJ còn rất nhiều việc phải làm - họ cần phải lập ra một chính phủ và công bố rõ ràng chương trình nghị sự của mình. Tôi nghĩ chính sách ngoại giao là ưu tiên thứ 3", Szechenyi nhận định.
Tiến sĩ Hyde thì cho rằng, chính sách ngoại giao của DPJ sẽ kết thúc như một sự thỏa hiệp.
"DPJ phát triển từ nhiều đảng khác nhau và những người họ kết nạp có các quan điểm không giống nhau. Người thì muốn nhiều hơn, người lại muốn ít hơn - vì vậy, họ sẽ kết thúc một cách trung dung.
- Thanh Hảo (Theo BBC)