221
1601
Bình luận quốc tế
binhluan
/thegioi/binhluan/
1236469
Ấn Độ với mối lo dày vò từ Trung Quốc
1
Article
445
Quốc tế
thegioi
/thegioi/
Ấn Độ với mối lo dày vò từ Trung Quốc
,

Vài tuần trở lại đây, dư  luận ở Ấn Độ đang dâng trào giận dữ và cả lo lắng khi nhắc tới vùng biên giới phía bắc giáp với Trung Quốc.

Lính biên phòng Trung Quốc và Ấn Độ dọc biên giới hai nước. Ảnh AP.

Nỗi lo truyền kiếp: vùng biên

Ở đó, người Ấn Độ đang có những nỗi lo dai dẳng, những nỗi bất an mà giờ đây lại tăng tỷ lệ thuận với những hành động mà họ cho là “khiêu khích”, từ phía Trung Quốc láng giềng.

Những căng thẳng dọc theo biên giới hai nước ở dãy Himalaya đang tăng lên đáng kể gần đây. Báo chí Ấn Độ liên tiếp dẫn lời các quan chức quốc phòng và tình báo cáo buộc rằng đêm đêm, vẫn có những cuộc thâm nhập bất hợp pháp của quân Trung Quốc vào vùng biên giới này.

Thực tế thì không chỉ có báo giới mà ngay cả phía giới chức Ấn Độ gần đây đã không ít lần cáo buộc việc lính tuần tra Trung Quốc nhiều lần xâm nhập vào lãnh thổ Ấn Độ và thực tế là Ấn Độ đã tăng cường quân đến biên giới với Trung Quốc. 

Trung Quốc cho rằng những báo cáo của Ấn Độ về việc gần đây đã xảy ra một số vụ va chạm quân sự giữa Trung Quốc và Ấn Độ ở khu vực biên giới là không có cơ sở.

Tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc và Ấn Độ liên quan đến đường biên giới dài 3.500km trong vùng núi Himalaya đã dẫn đến một cuộc chiến năm 1962. Cho tới nay, hai nước vẫn chưa phân định được đường biên giới rõ ràng. 

Ấn Độ cho rằng Trung Quốc đã kiểm soát bất hợp pháp 38.000km2 lãnh thổ Kashmir trong khi Bắc Kinh lại tuyên bố chủ quyền đối với 90.000km2 diện tích bang Arunachal Pradesh của Ấn Độ, đặc biệt là khu vực Tawang. 

Trong thời gian gần đây, giới chức và người dân Ấn Độ vẫn thường bàn về mối đe dọa gia tăng từ phía đối trọng Trung Quốc.

Mới đây, tình báo Ấn Độ thậm chí đã đưa ra khuyến nghị đáng lưu ý về việc cấm nhập khẩu các loại thiết bị từ Trung Quốc. Các quan chức Cục Tình báo Ấn Độ đã đưa ra những lời cảnh báo về mối đe dọa từ những cuộc tấn công khủng bố và kết luận là chính phủ Ấn Độ nên có biện pháp hạn chế nhập khẩu các thiết bị viễn thông của Trung Quốc.

Theo Cục Tình báo Ấn Độ, trong các thiết bị viễn thông của Trung Quốc có thể gắn thêm những cửa sổ, trong trường hợp cần thiết, các công ty của Trung Quốc sẽ sử dụng chúng để tấn công, hoặc có thể làm hỏng những thiết bị này.

Thực tế, hiện một số công ty viễn thông hàng đầu của Ấn Độ như BSNL đã bị các cơ quan chức năng yêu cầu tạm dừng những hợp đồng về việc mua các trang thiết bị của Trung Quốc.

Báo chí Ấn Độ hiện nay không giấu giếm nỗi tức giận của mình qua những câu chữ hết sức hằn học với phía Trung Quốc.

Nỗi lo lớn hơn: trên biển

Nhưng dường như người Ấn không chỉ lo ngại tranh chấp biên giới và nguy cơ về một cuộc chiến tranh biên giới trên bộ, như đã từng xảy ra. Họ lo ngại về một nỗi lo tưởng chừng như xa xăm nhưng lại nguy hại hơn: sự va chạm lợi ích trên đại dương trước cửa nhà Ấn Độ.

Thế giới hẳn không lạ gì khi nghe về những mối hữu hảo trong làm ăn gần đây giữa Trung Quốc với lục địa đen. Một Trung Quốc đang phát triển ồ ạt và “uống” dầu vô hạn độ đang thân thiết với một châu Phi giàu tài nguyên, trong đó có vàng đen.

Người Ấn hiểu rằng để đảm bảo cho những thùng dầu mang từ châu Phi về đại lục được an toàn, người Trung Quốc sẽ ngày càng củng cố và mở rộng con đường vận chuyển trên biển của mình. Đáng ngại thay, con đường từ châu Phi về đại lục có đi qua vùng Ấn Độ Dương trước mặt Ấn Độ.

Trên thực tế thì quả là như vậy. Trung Quốc đang gây ảnh hưởng trên biển ở khắp các nơi có thể. Họ dường như đang tranh thủ, lúc công khai, khi bí mật, xây dựng các cứ điểm trên biển, các cảng, các cầu tàu và những công trình dường như không đơn thuần chỉ là dân sự.

Nhiều trong số đó bắt đầu lân la vùng nước đâu đó ở Ấn Độ Dương.

Không đâu xa, một cảng biển đã được Trung Quốc liên doanh xây dựng ngay tại cảng Hambantota ở mũi cực nam của Sri Lanka - nước láng giềng và từng là một phần đất của Ấn Độ xưa kia. Trung Quốc đã đổ tiền và cả nhân lực tới xây cảng nước sâu này. Lưu ý, cảng nước sâu là nơi mà các con tàu quân sự, những hạm độ lớn, rất ưa thích.

Đáp lại, Ấn Độ đang kiên trì xây dựng thực lực, trọng yếu nhằm vào hải quân.

Hạm đội của Ấn Độ gần đây liên tiếp được hiện đại hoá. Tháng 7 vừa qua nước này cũng đã hạ thuỷ con tàu ngầm hạt nhân đầu tiên. Họ cũng đã mua các tàu khu trục đời mới từ cả Nga lẫn Mỹ.

Trong lúc đó, Trung Quốc vẫn tiếp tục quá trình xây dựng các “cứ điểm” như nêu trên, đi đôi với việc phát triển hải quân của mình theo hướng hiện đại hoá. Đơn cử, nước này đã có kế hoạch dài hạn phát triển hệ thống hạm đội viễn dương của mình. Họ cũng liên tục tăng nhanh số lượng tàu ngầm mà dường như mục tiêu là luôn vượt xa số lượng mà New Delhi có thể có.

Trên bình diện ngoại giao quốc phòng, Ấn Độ đã tăng cường liên minh và thắt chặt quan hệ sâu sắc với các quốc gia lân cận như Mauritius, Seychelles, MadagascarMaldives. Thậm chí nước này cũng vươn xa tới các nước Đông Á và Đông Nam Á.

Nhưng đó cũng là các nước mà Trung Quốc vẫn có mối quan hệ lâu nay. Và dường như trong các mối quan hệ đó, nếu cần thắt chặt hơn, Trung Quốc dường như có nhiều cơ hội hơn là Ấn Độ.

Chưa kể, Trung Quốc giờ còn có vẻ giàu mạnh và tăng trưởng nhanh hơn Ấn Độ. Đó là nền tảng vững chắc cho các chiến lược quốc phòng dài hơi và nhiều tham vọng.

Vậy nên đêm đêm, giới chức và người dân Ấn Độ vẫn đang lo với một cơn ác mộng thi thoảng lại về, tựa như những cuộc thâm nhập bất ngờ của Trung Quốc vào vùng biên, như giới chức tình báo vẫn đang cáo buộc.

  • Nhật Vy (Theo Times, Newsweeks)
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,