Hội nghị G20 ở Pittsburgh, Pennsylvania, diễn ra trong hai ngày 24 và 25/9. (Ảnh: Reuters) |
Hội nghị lần này được tổ chức giữa lúc có nhiều dấu hiệu cho thấy suy thoái toàn cầu đang giảm nhiệt. Kể từ cuộc họp gần đây nhất của G20 hồi tháng 4, các nước đã bắt đầu chứng kiến kết quả của các chiến lược giải cứu như cắt giảm lãi suất và bơm hàng trăm tỷ đôla vào nền kinh tế để phục hồi tăng trưởng.
Trung Quốc đang hưởng thụ sự phục hồi mạnh mẽ. Trong khi đó, có nhiều dấu hiệu cho thấy nền kinh tế Mỹ và châu Âu cũng bắt đầu lấy lại sức. Tuy nhiên, thành công này lại sinh ra một loạt các vấn đề mới.
Các khoản tiền kích thích kinh tế nhằm ngăn chặn tình trạng giảm cầu khiến cho thâm hụt ngân sách tăng cao. Chính sách tiền tệ lỏng lẻo được thực thi để làm dịu các thị trường tín dụng thì gây lo ngại về lạm phát.
Giới kinh tế gia cho rằng, giải quyết những lo ngại đó không phải là một điều dễ dàng. Ngừng hành động quá sớm có thể bóp nghẹn sự tăng trưởng còn chờ đợi quá lâu lại làm cho giá cả leo thang.
Hiện nay, nhiều người cũng lo ngại về tình trạng các quốc gia hành động đơn phương, không hợp tác với nhau vì điều này có thể đe dọa sự phục hồi toàn cầu.
Sự cân bằng phức tạp
Đến nay, các nhà lãnh đạo G20 phải hành động thận trọng, làm sao vừa cố gắng ngăn chặn nỗi lo lạm phát vừa tránh phải tăng lãi suất hoặc từ bỏ kích thích kinh tế cho đến khi nào một sự phục hồi rộng khắp ngưng lại.
Ở Pittsburgh, các lãnh đạo G20 được cho là sẽ nhắc lại lời của các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương nước mình rằng mặc dầu bàn bạc các chiến lược rút lui là rất quan trọng nhưng vẫn còn quá sớm để thực thi các chiến lược ấy.
Mỹ dự định sẽ thúc đẩy một thỏa thuận với mục đích tránh để xảy ra những bất cân bằng thương mại toàn cầu. Chính quyền Obama cho rằng một thỏa thuận như vậy là cần thiết bởi vì sức chi của người tiêu dùng Mỹ nhiều khả năng sẽ vẫn ảm đạm và các nước phụ thuộc vào xuất khẩu như Trung Quốc cần phải dựa nhiều hơn vào tiêu dùng nội địa để duy trì sức tăng trưởng toàn cầu.
"Chúng ta phải làm điều gì đó chưa từng làm trước kia", Bộ trưởng Ngân khố Mỹ F. Timothy Geithner nói. "Ngay từ giai đoạn phục hồi đầu tiên, chúng ta đã nỗ lực đưa thế giới đi theo một khuôn khổ nhằm ngăn chặn một tình trạng bong bóng nguy hiểm lần nữa".
Các quan chức G20 cho rằng, khó có khả năng các nhà lãnh đạo sẽ thực hiện thêm các cam kết tài chính trên quy mô của những cam kết hồi tháng 4, khi các lãnh đạo G20 nhất trí tăng gấp 3 lần nguồn lực của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF).
Nhiều nước đã đồng ý thực hiện các bước đi mới để tăng cường năng lực điều chỉnh của hệ thống tài chính này. Tuy nhiên, người châu Âu và Mỹ đã đưa ra những yếu tố cải cách khác nhau.
Châu Âu muốn đẩy mạnh những hạn chế về tiền thưởng của các chủ ngân hàng để loại trừ cái mà họ xem như động cơ cố hữu khuyến khích các hành động mạo hiểm thiếu trách nhiệm.
Mỹ thì nhấn mạnh hơn đến chủ trương buộc các ngân hàng phải tăng chất lượng và số lượng đồng vốn họ có trong tay để bù đắp những mất mát tiềm ẩn trong một nỗ lực nhằm bảo vệ tốt hơn những người trả thuế khỏi phải trả cho những sai lầm của ngân hàng.
Các thành viên G20 hiện nay đang làm việc dựa trên một khuôn khổ chi tiết hơn về cải cách điều chỉnh với các thời hạn chót đã định. Rốt cục, theo sát hay không là phụ thuộc vào cơ quan lập pháp các nước.
Thậm chí nếu hội nghị ở Pittsburgh có nói nhiều hơn làm thì sự thành công của các hành động chính sách phối hợp trước đó của G20 cũng đã nâng cao vị thế của nhóm này như là một cơ quan hoạch định chương trình nghị sự quốc tế hàng đầu, thay thế ở một mức độ nào đó nhóm G8 vốn không gồm Trung Quốc và một số nước mới nổi khác.
Các nền kinh tế mới nổi
Tại hội nghị, lãnh đạo các nền kinh tế mới nổi nhiều khả năng sẽ đòi hỏi có một tiếng nói lớn hơn trong các định chế đa quốc gia như IMF và Ngân hàng Thế giới (WB). Nỗ lực này đã được sự ủng hộ từ Mỹ nhưng không giành hưởng ứng từ các quốc gia nhỏ hơn ở châu Âu, những nước nhiều khả năng phải từ bỏ ghế của mình nếu có bất kỳ một sự tái cơ cấu nào.
Theo giới phân tích, ủng hộ các nước mới nổi có vai trò lớn hơn có thể tạo cho Mỹ một vị thế tốt hơn khi yêu cầu các nước này hành động nhiều hơn nữa để giúp ngăn chặn khủng hoảng tài chính tái diễn.
Các quan chức Trung Quốc đã lên tiếng ủng hộ nguyên tắc chung về tăng trưởng bền vững và cân bằng cũng như sự cần thiết phải dựa nhiều hơn vào sức tiêu dùng nội địa. Tuy nhiên, họ không mặn mà với bất cứ quan điểm nào cho rằng Trung Quốc đóng một vai trò gây ra khủng hoảng kinh tế.
"Có một sự chia rẽ rõ ràng liên quan tới mức độ quan trọng của bất cân bằng toàn cầu tại hội nghị này", trích lời Eswar Prasad, chuyên gia thương mại thuộc trường Đại học Cornell. "Người Trung Quốc đang hăng hái thúc ép Mỹ tiến tới một kế hoạch trung hạn hợp lý để giảm thâm hụt ngân sách và muốn bàn bạc riêng về việc này. Tuy nhiên, Mỹ muốn chủ đề đó được bàn thảo rộng hơn bằng cách gắn trách nhiệm cho tất cả các bên".
Zhou Wenzhong, Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ, nói với các phóng viên hồi tuần trước rằng "sự cân bằng chỉ là tương đối" và bất cứ nỗ lực nào nhằm điều chỉnh sít sao các cán cân thương mại toàn cầu đều phi hiện thực.
-
Thanh Hảo (Theo Washington Post)