- Nếu như không khí ở G20 tại London hồi đầu năm là sự đoàn kết để cùng vượt qua khủng hoảng thì G20 tại Pittsburgh, Mỹ lần này sẽ là sự căng thẳng của xung đột quyền lợi.
Quan hệ Mỹ-Trung có suôn sẻ?
(Ảnh: americanprogress)
G20 ở London là thời điểm thế giới vẫn chìm sâu trong khủng hoảng và lúc đó mối quan tâm duy nhất của các nhà lãnh đạo thế giới là làm sao để đưa thế giới thoát khỏi cuộc đại khủng hoảng trầm trọng này. Bởi vậy mà lúc đó, khi các nền kinh tế phương Tây còn đang lao đao, Trung Quốc, một nước lớn ít bị tác động của khủng hoảng đã được coi là điểm sáng, một đầu tàu vững mạnh để vực dậy nền kinh tế thế giới. Không những thế, Trung Quốc còn cam kết rót cho Quỹ tiền tệ Quốc tế một khoản tiền 40 tỷ USD để cứu giúp nền kinh tế thế giới và cũng là để chứng tỏ sức mạnh nước lớn của mình.
Chính bởi vậy mà tâm điểm của G20 London lại hóa ra là cuộc gặp giữa nhà lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc, được báo chí gọi là G2. Lúc đó, nhiều nhà quan sát đã cho rằng hai cường quốc lớn nhất thế giới đã cùng ngồi lại để quyết định những vấn đề lớn của thế giới và rằng “cuộc hôn nhân” Mỹ-Trung đang đi vào một quỹ đạo thuận lợi.
Tuy nhiên, chỉ hơn 5 tháng sau, vấn đề đã đổi khác. Các nước phương Tây đã bắt đầu bước ra khỏi khủng hoảng và cần bảo vệ quyền lợi để củng cố nền kinh tế vừa mới ốm dậy của mình.
Không phải ngẫu nhiên mà Tổng thống Obama cho rằng, để ngăn chặn một cuộc khủng hoảng trong tương lai, cần phải tạo ra một nền thương mại cân bằng hơn.
Thương mại thế giới mất cân bằng bởi vì Trung Quốc là nước xuất khẩu ồ ạt vào phương Tây còn chiều ngược lại thì kém hơn rất nhiều. Mất cân bằng còn bởi người tiêu dùng Mỹ và phương Tây cứ tiêu dùng thoải mái, đẻ ra những khoản nợ còn người tiêu dùng châu Á như Trung Quốc, Ấn Độ lại thích tiết kiệm hơn là mua bán. Một thương mại cân bằng hơn có nghĩa là Trung Quốc phải bớt xuất khẩu và tăng nhập khẩu.
Tuy không nói ra, nhưng để có sự cân bằng thì ai cũng hiểu rằng Trung Quốc phải thả nổi đồng nhân dân tệ theo quy luật thị trường. Bởi chính sách kiềm giá đồng nhân dân tệ so với đồng đô la Mỹ của Trung Quốc đã giúp cho hàng hóa Trung Quốc có một lợi thế cạnh tranh giá rẻ khi xuất khẩu. Mà Trung Quốc là nhà xuất khẩu lớn nhất thế giới và nền kinh tế thứ 3 thế giới. Hơn nữa, khi kinh tế yếu kém, người Mỹ buộc phải thắt lưng buộc bụng còn nhiệm vụ của Trung Quốc là phải kích thích tiêu dùng trong nước. Đó là chưa kể, các nước giầu còn yêu cầu các nước phát triển như Trung Quốc phải đảm bảo một sự phát triển sạch, bền vững để ngăn chặn tình trạng biến đổi khí hậu toàn cầu.
Còn cuộc gặp G2 lần này giữa Tổng thống Obama và Chủ tịch Hồ Cẩm Đào cũng bị bao trùm bởi vấn đề “tranh chấp” thương mại gần đây giữa Washington và Bắc Kinh. Để bảo vệ quyền lợi của Mỹ, Tổng thống Obama đã áp đặt một biện pháp mang tính “bảo hộ” là tăng thuế đối với mặt hàng lốp xe nhập khẩu của Trung Quốc.
Đáp lại tất cả những "yêu cầu" này, Trung Quốc vẫn giữ một thái độ mềm mỏng. Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố: "Chúng tôi ủng hộ việc các nước tăng cường hợp tác chính sách kinh tế vĩ mô, cùng nhau thúc đẩy sự phát triển ổn định và cân bằng của kinh tế thế giới". Điều này cũng dễ hiểu bởi Trung Quốc đang thực thi chính sách "trỗi dậy hòa bình", không để cho các nước khác lo lắng về sự trỗi dậy của họ và để mua thêm thời gian cho sự phát triển kinh tế và củng cố lực lượng quân sự.
Tuy nhiên, lời nói không nhất thiết phải đi đôi với việc làm. Làm sao Trung Quốc có thể giảm bớt xuất khẩu khi đó là động lực lớn nhất cho sự phát triển ồ ạt của họ và một khi họ đã đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế tới hai con số thì những vấn đề về môi trường hay phát triển xanh sẽ chỉ là thứ yếu. Ngoài ra, lịch sử đã cho thấy một Trung Quốc mạnh mẽ, đủ tiềm lực sẽ không bao giờ chấp nhận để cho những nước khác cưỡi lên cổ mình.
Những căng thẳng ở Pittsburgh lần này có thể chỉ là gợn sóng lao xao để chờ đợi những cơn sóng mạnh hơn trong tương lai, đẩy Washington và Bắc Kinh trở về đúng vị trí thích hợp nhất với họ: lưỡng hổ tranh hùng.
-
Hạnh Khuê