Khi hai người khổng lồ của thương mại toàn cầu Mỹ và Trung Quốc tranh chấp về vấn đề thuế đối với lốp xe, thì tức là đã đến lúc chúng ta đánh giá lại hiệu quả của Tổ chức Thương mại Thế giới nhiều quyền lực nhưng cũng nhiều khiếm khuyết này.
Có ngăn chặn được cuộc chiến thương mại có thể đang đến gần? (Ảnh: FP) |
Cuộc chiến thương mại có thể đã bắt đầu với những sự việc liên quan tới hai người khổng lồ của nền kinh tế thế giới ở thời điểm hiện tại. Việc Mỹ đánh thuế đối với lốp xe Trung Quốc trong vòng 3 năm có thể sẽ vấp phải sự trả đũa mạnh mẽ của phía bên kia, khi Bắc Kinh tuyên bố xem xét tăng thuế đối với các phụ tùng ô tô và sản phẩm gà của Mỹ.
Nhiều thị trường trên thế giới có thể sẽ co hẹp lại khi các nhà đầu tư lo ngại vụ tranh chấp này có thể leo thang thành một cuộc chiến tranh thương mại thực sự.
Nhưng cũng may mắn khi trong tình hình hiện tại, chúng ta có một tổ chức có thể làm được điều gì đó, đó là Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Trước những đối đầu về thương mại đang có nguy cơ xảy ra trên khắp thế giới, lời cảm ơn nên được dành cho WTO, tổ chức đã giúp duy trì sự ổn định và "yên bình" tương đối trong thương mại toàn cầu với hệ thống giải quyết tranh chấp của mình.
Tuy nhiên, tổ chức có trụ sở tại Geneva này lại đang cần sự cải cách lớn, nếu không, nó sẽ không còn phù hợp, và làm tăng nguy cơ tranh chấp thương mại biến thành những cuộc chiến.
Trong cuộc "đối đầu" hiện tại giữa Mỹ và Trung Quốc, cả hai bên đều có thừa cơ sở về sự lo ngại của mình. Mỹ cho rằng các nhà sản xuất Trung Quốc đã tham gia thị trường thế giới với những lợi thế nhiều hơn nhờ chính sách của Bắc Kinh trong việc giữ đồng nội tệ thấp.
Thị trường lốp xe Mỹ chỉ là một phần trong số những thị trường mà hàng hóa Trung Quốc ùn ùn xâm nhập vào. Để đáp lại, tổng thống Barack Obama đã áp dụng một đạo luật cho phép áp thuế tạm thời đối với những hàng hóa làm "rối nhiễu" các ngành sản xuất này tại nước Mỹ.
Phía bên kia, Trung Quốc, lại tỏ ra không hài lòng khi bị trừng phạt như thế. Họ coi động thái của Nhà Trắng như một sự nối giáo cho những thể chế vốn đã đầy quyền lực ở Mỹ - trong trường hợp này là Nghiệp đoàn ngành Thép (United Steelworkers).
Quan trọng hơn, họ lo ngại rằng những loại thuế quan như thế mới chỉ là bắt đầu. Các quốc gia khác có thể theo đó mà tăng thuế trong nước với lốp xe Trung Quốc. Và những ngành truyền thống khác của Mỹ có thể cũng tìm kiếm những sự bảo hộ tương tự để chống lại sự cạnh tranh từ hàng hóa Trung Quốc.
Trong những tình huống như thế, chính sự tồn tại của WTO là một giải pháp giúp kiềm chế các bên. Khi các chính trị gia và công dân của một nước đứng lên chống lại những hành động thương mại mà họ cho là không đúng mực của nước khác, thì việc đem vụ việc này ra WTO có thể làm giảm nhiệt căng thẳng chính trị.
Thay vì tỏ ra bất bình và đơn phương đưa ra sự trừng phạt đối với bên kia, điều có thể kích động bên kia sử dụng trả đũa, thì bộ trưởng thương mại nước đó có thể công khai tuyên bố rằng mình đang theo đuổi vụ kiện này ở Geneva.
Các bên bị đưa đơn kiện có thể an tâm rằng vụ kiện của họ sẽ được xét xử bởi một tòa án công tâm. WTO có những phương tiện đủ khả năng bắt các bên phải thi hành luật, bằng cách cho phép áp dụng trừng phạt đối với quốc gia không tuân theo những quy định của thẩm phán.
Hệ thống này có thể có hiệu quả, nhưng quá trình xét xử lại quá chậm và khó có thể hoàn hảo được. Nhiều vụ việc phải mất 2 năm hoặc nhiều hơn thế WTO mới xét xử xong.
Thêm vào đó, nếu Trung Quốc khiếu nại về thuế lốp xe với WTO (thực tế Trung Quốc cũng dự định làm điều này) thì Mỹ cũng có thể vẫn giữ những mức thuế này được trong vài năm. Nếu Trung Quốc thắng, Mỹ cũng chỉ đơn giản bỏ đi những thứ thuế vào thời điểm chúng cũng sắp hết hiệu lực. Các nhà phân tích Trung Quốc vẫn tự nhủ rằng, Bắc Kinh cũng sẽ chẳng mấy được thỏa mãn với những kết quả như thế.
Một điều khác nữa cần quan tâm là những lo ngại ảnh hưởng về lâu dài của vòng đàm phán Doha đối với khả năng bắt các nước thi hành quyết định của WTO. Vòng đàm phán này diễn ra ngay sau sự kiện 11/9, tập trung vào việc giúp cho những nước nghèo trên thế giới được hưởng lợi nhiều hơn bằng cách giảm bớt các rào cản đối với hàng hóa của các nước đang phát triển và hạn chế các chương trình trợ cấp nông nghiệp của các nước giàu.
Nhưng, vòng đàm phán này vẫn còn trong bế tắc nhiều năm qua. Gần đây, trong cuộc họp lớn nhất của WTO hồi tháng 7 năm 2008, các cuộc đàm phán cũng đổ vỡ trước những tranh luận gay gắt giữa các nước Mỹ, Ấn Độ, và Trung Quốc về việc các nước đang phát triển sẽ mở rộng thị trường đến mức nào để đổi lấy những hành động từ phía các nước giàu.
Nếu WTO không thể đàm phán đưa ra những thỏa thuận mới về một số vấn đề chính trên phạm vi quốc tế, thì việc tôn trọng các quy định của nó cũng sẽ giảm đi - có lẽ đến mức, 153 nước thành viên sẽ không còn quan tâm những cam kết của mình và bỏ qua những quyết định của tòa án. Thêm vào đó, các hiệp định thương mại tự do song phương và khu vực vẫn liên tục được các nước ký trong những năm gần đây chỉ làm tăng thêm nguy cơ WTO không theo kịp nhịp phát triển của hoạt động thương mại hiện đại.
Ngay cả khi những cái đầu lạnh hơn chiếm ưu thế tại Washington và Bắc Kinh thì cộng đồng quốc tế cũng nên để ý tới hồi chuông cảnh tỉnh và bắt tay vào những giải pháp cần thiết nhằm củng cố khả năng và vai trò lâu dài của WTO. Việc hoàn thành vòng đàm phán Doha đầy tham vọng sẽ là một sự bắt đầu tốt, nhưng vẫn chỉ là sự khởi đầu. Thay vì theo đuổi những thỏa thuận song phương hay khu vực, các chính phủ trên thế giới nên tiến hành những cuộc đàm phán mới nhiều tham vọng hơn dưới sự bảo trợ của WTO.
Những cuộc thảo luận về các vấn đề tiền tệ, khủng hoảng lương thực, và trợ cấp bảo hộ nên được đưa ra tại Geneva. Và các thành viên WTO nên phát triển hơn nữa tổ chức này bằng việc làm cho các quyết định của tòa án trở nên có hiệu lực trở về trước. Nếu không làm được như thế, thì nhiều điều tồi tệ hơn còn có thể xảy ra, không chỉ riêng gì với với những chiếc lốp xe!
-
Đình Ngân (Theo Foreign Policy)