TT Putin tuyên bố chuyển đổi hệ thống bầu cử đại biểu Duma và lãnh đạo các chủ thể Liên bang. Đó có phải là sự xa rời nguyên tắc dân chủ?
|
Ông A. Yakovenko. |
Sau vụ bắt cóc con tin đẫm máu tại trường học ở Beslan (Nga), Tổng thống V. Putin đã tuyên bố tiến hành một cuộc cải cách hệ thống chính trị sâu rộng, trong đó có việc chuyển đổi hệ thống bầu cử đại biểu Duma Nga và hình thức chọn lựa người đứng đầu các chủ thể Liên bang. Sự thay đổi này đã gây ra rất nhiều tranh cãi trong dư luận ở nước Nga và thế giới. Nhiều người, nhất là các chính trị gia phương Tây, ngay lập tức lên tiếng chỉ trích sự thay đổi này là xa rời nguyên tắc dân chủ. Xin giới thiệu bài trả lời phỏng vấn báo Rossixkayia Gazeta của ông A. Yakovenko, đại diện chính thức Bộ Ngoại giao Nga về vấn đề này để bạn đọc tham khảo.
Hỏi (H): Đề nghị của Tổng thống Putin thay đổi hệ thống bầu cử (các đại biểu Duma chủ yếu chỉ còn được lựa chọn theo tỷ lệ phiếu bầu theo danh sách đảng) đã gây ra nhiều cuộc tranh luận. Là người hiểu rõ thực tiễn về vấn đề này ở các quốc gia, xin ông cho biết sáng kiến của Tổng thống đáp ứng các tiêu chuẩn dân chủ chung ở mức độ nào?
|
Vòng hoa trên mộ các nạn nhân vụ bắt cóc con tin Beslan. |
Đáp (Đ): Xuất phát từ quan điểm phân tích thực tiễn nền tư pháp của các nước được xếp vào hạng có nền dân chủ và pháp quyền có thể đi đến kết luận sau: Cho đến nay vẫn chưa có một hệ thống bầu cử mẫu mực được xác lập vững chắc để có thể chọn làm "khuôn vàng thước ngọc" đánh giá mức độ dân chủ và pháp quyền của một quốc gia nào đó.
Vì vậy, không nên coi việc một quốc gia quyết định lựa chọn hệ thống bầu cử theo tỷ lệ phiếu bầu nghị viện theo danh sách đảng là sự từ bỏ các nguyên tắc danh chủ. Tôi xin lưu ý rằng, hệ thống bầu cử này hiện đang được áp dụng ở các quốc gia dân chủ như Áo, Đan Mạch, Israel, Tây Ban Nha, New Zealand, Nauy, Ba Lan, Thuỵ Điển, Phần Lan.
Bên cạnh đó có một nhóm các quốc gia khác (theo số liệu của Liên minh Nghị viện, con số này vào khoảng 40 nước), hầu hết đều được liệt vào hàng "quốc gia pháp quyền", lại bầu đại biểu một viện hoặc cả hai viện Quốc hội theo hệ thống đa số giản đơn. Trong số các nước này có Mỹ, Anh, Pháp, Canada, Nhật Bản, Australia, Ấn Độ...
Ngoài ra, tại một số quốc gia khác như Đức, Italy, Hungary, Bulgary, Litva lại áp dụng hệ thống hỗn hợp.
Hiện nay, tại Nga, một nửa số đại biểu Duma được bầu theo danh sách ứng viên của các đảng (số lượng đại biểu tương ứng với tỷ lệ phiếu bầu cho đảng), nửa kia được bầu theo khu vực theo hệ thống đa số giản đơn (ứng viên nào giành nhiều phiếu hơn sẽ thắng cử). |
H. Trong số đó, hệ thống đó nào được ưa chuộng hơn?
Đ. Trước hết cần nói rằng việc phân loại hệ thống bỏ phiếu theo các tiêu chí như trên cũng chỉ là tương đối, bởi vì mỗi hệ thống đến lượt nó lại được "phân chia" thành hàng loạt các tiểu hệ thống với những nét khác biệt rất xa nhau. Ví dụ, bên cạnh hệ thống đa số tương đối đặc trưng cho nước Anh là hệ thống đa số tuyệt đối áp dụng tại Pháp, đa số phân loại ở Chile và hệ thống phiếu bầu duy nhất không chuyển đổi ở Nhật Bản. Đối với hệ thống phiếu bầu tỷ lệ, tình hình cũng tương tự, hệ thống này cũng có những tiểu hệ thống với những nét khác nhau, nhất là về phương pháp kiểm phiếu.
Bởi thế, trong quan điểm về công quyền đã định hình những ý kiến cho rằng, nhìn chung, mỗi một hệ thống hay tiểu hệ thống đã nhắc tới ở trên đều có những ưu điểm, đồng thời cũng có những nhược điểm, được biểu hiện ở mức độ này hay mức độ khác tuỳ thuộc vào quốc gia áp dụng. Ví dụ, một trong những điểm yếu của hệ thống bầu cử theo đa số phiếu thường được nhắc tới chính là việc ứng viên thắng cuộc nhiều khi chỉ là người giành được thiểu số phiếu tuyệt đối và rất nhiều phiếu của các cử tri chống lại ứng viên đó bị "mất".
|
TT Putin giải thích quan điểm về việc thay đổi hệ thống bầu cử trước các nhà báo nước ngoài. |
H. Một trong những lý lẽ đưa ra để phản đối đề nghị của Tổng thống Putin về mô hình bầu cử người đứng đầu chủ thể liên bang cho rằng mô hình đó không có trong thực tiễn của các nhà nước Liên bang dân chủ.
Đ. Cơ chế bầu hoặc bổ nhiệm những người lãnh đạo các chủ thể liên bang ở các nước cũng không giống nhau, được xác lập bởi những đặc điểm truyền thống lịch sử của các liên bang cũng như mô hình tổ chức chính quyền của nhà nước liên bang đó được quy định trong hiến pháp.
Ví dụ, tại đa số các quốc gia liên bang với thể chế cộng hoà tổng thống (Mỹ, Mexico, Brazin), người đứng đầu cơ quan hành pháp các chủ thể liên bang (thống đốc bang) được bầu ra bằng lá phiếu trực tiếp của người dân. Tuy nhiên mô hình này không phải là phổ quát. Tại các quốc gia liên bang theo thể chế cộng hoà nghị viện (Đức, Canada, Áo, Thuỵ Sĩ), người đứng đầu chính quyền các vùng lại do cơ quan lập pháp địa phương bầu ra hoặc phê chuẩn. Tại một số nước (Ấn Độ), thủ hiến bang lại do Tổng thống bổ nhiệm theo đề nghị của chính phủ trung ương. Tương tự, các tỉnh trưởng ở Canada và thống đốc bang ở Australia cũng được bổ nhiệm theo cách đó.
Cần thấy rằng, mặc dù có những điểm khác biệt như vậy, giữa các cơ chế vẫn có những điểm thống nhất. Ví dụ, những nguyên tắc chung làm cơ sở cho cơ chế bổ nhiệm người đứng đầu cơ quan hành pháp của các chủ thể liên bang thường cũng tương tự như những nguyên tắc bổ nhiệm người đứng đầu cơ quan hành pháp của chính phủ liên bang. Theo quan điểm đó, Tổng thống Putin cho rằng, việc người đứng đầu cơ quan hành pháp của các chủ thể của Liên bang Nga do cơ quan lập pháp địa phương bầu ra là không phù hợp với thực tiễn thế giới vì trên thực tế, Hiến pháp của Nga quy định, Chủ tịch Chính phủ là do Tổng thống và Quốc hội Liên bang hợp tác bổ nhiệm.
H. Một câu hỏi đặt ra: một hệ thống được xác lập, hệ thống đó hoạt động cũng tạm ổn, vì sao lại phải thay đổi?
Đ. Nguyên do là hệ thống bầu cử ở các quốc gia dân chủ không nhất thiết cứ phải giữ nguyên mà phải thay đổi phù hợp với thực tế đổi thay về chính trị, kinh tế xã hội ở từng quốc gia cụ thể (điều này không những không phải là biểu hiện của việc các quốc gia đó xa rời nguyên tắc dân chủ, mà ngược lại còn cho thấy hiệu quả và sức sống của các thiết chế dân chủ). Trong một khoảng thời gian lịch sử tương đối ngắn ngủi, các hệ thống bầu cử này có thể phải trải qua nhiều thay đổi do sự sắp xếp tương quan giữa các lực lượng chính trị trong nước, và phải thay đổi để phù hợp với nhu cầu cấp bách phát triển chính trị kinh tế, xã hội, bảo vệ chủ quyền. toàn vẹn lãnh thổ và độc lập chính trị đất nước. Ví dụ, mới đây, tại một số nước đã xảy ra sự chuyển đổi phương thức bầu nghị viện của mình. Italy đã chuyển từ hệ thống bầu cử tỷ lệ phiếu bầu theo danh sách đảng sang phương thức hỗn hợp, New Zealand lại chuyển từ hệ thống đa số giản đơn sang hệ thống tỷ lệ phiếu bầu theo danh sách đảng.
H. Vậy có hay không có cảm giác rằng nước Nga đang có ý định xa rời những thành quả dân chủ đạt được trong thập kỷ vừa qua?
|
Người dân Nga chăm chú theo dõi bài phát biểu của TT Putin về vấn đề thay đổi hệ thống bầu cử. |
Đ. Tôi nghĩ, từ câu hỏi trên toát lên vấn đề chính: tiêu chí có ý nghĩa quyết định để xem xét việc thay đổi hệ thống bầu cử có trung thành với các nguyên tắc dân chủ hay không chính là ở chỗ, trong điều kiện cụ thể của một quốc gia, việc thay đổi đó có tạo ra khả năng bảo đảm thực hiện đầy đủ nguyên tắc theo đó nhân dân có thể thực hiện đựoc quyền lực nhà nước của mình hay không chứ không phải là những thay đổi về hình thức của hệ thống bầu cử. Sự thay đổi hệ thống bầu cử phải phù hợp hiến pháp của quốc gia và không được dẫn đến sự hạn chế quyền và tự do cơ bản của con người.
Một điều cũng có ý nghiã quan trọng nữa là trình tự thủ tục thực hiện cải cách hệ thống bầu cử quốc gia. Thông thường, tại các quốc gia dân chủ vấn đề chuyển đổi như vậy được đưa ra trưng cầu dân ý hoặc thảo luận rộng rãi trong toàn dân.
Vì thế từ giác độ thực tiễn quốc tế, tôi thấy, không có căn cứ khách quan nào trong những lời cáo buộc đề nghị chuyển đổi hệ thống bầu cử của tổng thống Putin là bất dân chủ.
(Hà Khoa - Theo Rossiskayia Gazeta) |