Có một vụ khủng bố 11/9 bị lãng quên
17:22' 22/09/2003 (GMT+7)

Henry Kissinger.

(VietNamNet - USA) - "Ba mươi năm trước, đúng ngày 11/9, Augusto Pinochet tiến hành một cuộc đảo chính ở Chile, lật đổ chính phủ dân chủ do dân bầu, dựng nên một chính thể độc tài đã giết hại hàng nghìn người và tra tấn dã man hàng nghìn người khác. Những người đứng sau, cung cấp tiền bạc, vũ khí và trợ giúp tinh thần cho kẻ đảo chính là Henry Kissinger và CIA,  dưới sự chỉ đạo của tổng thống Richard Nixon.

Lúc này, khi cả nước Mỹ đang nhớ lại nỗi kinh hoàng 11/9/2001 gây nên bởi bọn khủng bố nước ngoài, chúng ta cũng phải nhớ nỗi kinh hoàng ngày 11/9/1973 gây nên bởi chủ nghĩa khủng bố của chính quyền Mỹ"

Đó là những dòng đầu tiên của Matt Hindman trong bài báo dài trọn hai trang, đăng trên trang nhất tờ Indy, số 10 tháng Chín, với nhan đề "The Forgotten 9/11: The Coup 1973 in Chile and US Terrorism" - Một ngày 11 tháng Chín bị lãng quên: Vụ đảo chính ở Chile và Chủ nghĩa khủng bố Hoa Kỳ. Đó là một bài báo súc tích, với ảnh chụp những chỉ thị mật của CIA được tiết lộ từ Kho lưu trữ cơ quan An ninh Quốc gia (National Security Archive), trong đó tác giả đưa ra những ánh sáng, những khía cạnh lịch sử của vấn đề. Tôi xin lược dịch dưới đây. (Những đoạn lược bớt là các đoạn mô tả chi tiết). 

"Nhiều người không nhận thấy rằng vụ 11/9 có nguyên nhân sâu xa hơn những gì xảy ra trong hai năm trở lại đây. Cái ngày bi thảm ấy trong lịch sử Mỹ không phải là một sự kiện đơn độc, mà chỉ là một phần của một hình mẫu ứng xử có quy mô lớn hơn nhiều. Rất tiếc là nhiều người Mỹ không muốn hiểu điều đó. Rất ít người Mỹ nắm vững lịch sử, đặc biệt là một mảng rất lớn không được giảng dạy trong trường tiểu học hoặc trung học. Chúng ta được dạy rằng Hoa Kỳ là thành trì của hoà bình và dân chủ. Nhưng trong khi phần lớn người dân Mỹ gắn bó với tinh thần dân chủ và sống theo những nguyên tắc dân chủ, thì lịch sử chính sách đối ngoại Hoa Kỳ lại cho thấy những điều khác hẳn. Xin hãy nhớ lại những sự kiện khủng khiếp ngày 11/9/1973".

"Chile, trong nhiều năm trước thập kỷ 1970, đã có một nền dân chủ phát triển và hiệu quả nhất Nam Mỹ. Bầu không khí chính trị của đất nước rất đa dạng, trong đó các phái bảo thủ, cánh tả và ôn hoà đều tham gia rộng rãi và hòa bình vào chính phủ. Trong thập kỷ 1960, tinh thần xã hội chủ nghĩa dâng lên, nhiều chính sách chuyển đổi được thực thi nhằm nâng cao phúc lợi của người dân. Mặc dù không phải là nhất trí hoàn toàn, nhưng phần đông người dân Chile tin tưởng vào "Đường lối Chile" mới của Salvador Allende, người sau đó trở thành tổng thống".

"...Theo Henry Kissinger, người sau đó trở thành Bộ trưởng ngoại giao, Hoa Kỳ không thể cho phép một đất nước "đi theo đường lối Marxist" chỉ vì "sự vô trách nhiệm của dân chúng". Do vậy, Hoa Kỳ bí mật chi khoảng 425.000 đô la cho chiến dịch tuyên truyền chống Allende trước cuộc bầu cử".

"Bất chấp nỗ lực của Hoa Kỳ, Allende đã giành được đa số phiếu bầu (36,3%, cao hơn một chút so với đối thủ nặng ký nhất của ông là Jorge Alessandri Rodriguez). Dĩ nhiên, kết quả bầu cử khiến cánh hữu tức giận và làm cho một số tập đoàn nước ngoài ở Chile lo ngại. ITT Mining, Pepsi-Cola và Chase-Manhattan Bank cảm thấy bị đe dọa sau khi Chính phủ Allende bắt đầu các cải cách nhằm nâng cao phúc lợi cho dân chúng bằng cách tăng các khoản thuế đánh vào giới thượng lưu giàu có, như trường hợp quốc hữu hoá ngành công nghiệp đồng. Các tập đoàn này có quan hệ rất mật thiết với chính phủ Mỹ".

"Ngay sau cuộc bầu cử ở Chile, Richard Nixon cho các phụ tá thân cận hiểu rằng Allende không thể lên nắm quyền. Theo kế hoạch, một cuộc nổi dậy vũ trang sẽ được được dựng lên với vẻ ngoài là các lực lượng cánh tả gây rối loạn. Điều đó rất quan trọng để tạo vỏ bọc cho sự can thiệp của Hoa Kỳ".

"Không may cho Nixon, một cuộc đảo chính quân sự không thể tạo ra trong một đêm, nhất là ở một đất nước mà đa số dân chúng ủng hộ vị Tổng thống mới đắc cử của của họ. Quá trình thực hiện sẽ mất nhiều thời gian, đặc biệt khi Tổng tham mưu trưởng (người đứng đầu quân đội) Chile, ông René Schnieder, không tán thành một cuộc can thiệp quân sự có thể dẫn đến việc lật ngược quá trình bầu cử. Henry Kissinger, ngay sau đó, lập ra một kế hoạch bắt cóc Schnieder mà Quốc hội hoàn toàn không biết và không hề chấp thuận. Ngày 22/10/1970, tướng Schnieder bị ám sát".

"...Ngày 11 tháng Chín năm 1973, "ngày dài nhất" theo cách nhiều người Chile vẫn gọi, bắt đầu sau nửa đêm, khi tổng thống Allende được cấp báo rằng có những hoạt động quân sự đáng ngờ đang diễn ra ở căn cứ không quân Los Andes và một số đơn vị quân sự cũng được điều đến một số vị trí đáng ngờ ở Santiago. 5h45, "Chiến dịch Im lặng" được tiến hành, các đường dây liên lạc bị cắt đứt... Trong vòng một giờ sau đó, quân đội chiếm Valpaiso và các thành phố cảng then chốt. Sau 7h sáng vài phút, Allende cùng 23 người trong đảng của ông rời dinh thự chạy đến điện Moneda, tất cả đều được trang bị khí giới. 9h00, xe tăng bao vây điện Moneda. Lúc này đã rõ rằng tổng thống Allende không thể địch lại với quân đội. Ông hạ lệnh đốt hết các giấy tờ có tên những những người ủng hộ ông nhằm tránh nguy hại đến tính mệnh của họ. 9h30, Allende phát biểu lần cuối cùng trên sóng phát thanh, ông kêu gọi nhân dân ủng hộ ông, kêu gọi họ tự bảo vệ chống lại bạo quyền. 13h50', Allende đề nghị ngừng bắn để ông có thể đầu hàng. Nhưng người ta đã không ngừng, và Allende bị bắn chết. Cho đến nay vẫn không rõ ông tự sát hay bị giết".

"Trong thời gian còn lại của ngày hôm đó, trụ sở của đảng Xã hội chủ nghĩa và đảng Cộng sản bị tấn công và đốt cháy. Dưới sự lãnh đạo của tướng Augusto Pinochet, giới quân sự lên nắm quyền cùng với những cuộc tàn sát đẫm máu khi dân chúng nổi dậy trong nhà máy và khu dân sự".

"Hoa Kỳ, ngay sau đó, phủ nhận sự liên quan của họ với cuộc đảo chính lật đổ chính phủ Allende và để mặc Pinochet nắm quyền... Sau này, các tài liệu được tiết lộ cho thấy những tuyên bố đó là lừa dối. Trên thực tế, Henry Kissinger đã có một cuộc thảo luận bí mật với Pinochet và tuyên bố: "Chúng tôi hoan nghênh việc lật đổ một chính phủ thân cộng sản...Tôi mong rằng quan hệ và tình hữu nghị giữa chúng ta sẽ ngày càng tốt hơn. Chúng tôi muốn giúp đỡ ngài, chứ không muốn làm tổn hại".

"Quan hệ giữa Henry Kisinger và Pinochet sẽ khiến chúng ta bị sốc nếu xem xét những nỗi kinh hoàng do chế độ Pinochet gây ra... Những tuần tiếp sau vụ đảo chính 11/9, xác người chết ngổn ngang đường phố, những cuốn sách gây tranh cãi bị đốt trôi đầy sông, những phòng tra tấn tàn bạo chật ních người. Theo thống kê, khoảng 3.000 người bị giết, hàng chục nghìn người mất tích dưới bàn tay Pinochet. Nhưng Henry Kisinger khẳng định với Pinochet: "In the United States, as you know, we are sympathetic with what  you are trying to do here...We wish your goverment well" (Ở Hoa Kỳ, ngài biết đấy, chúng tôi đồng cảm với những gì ngài đang cố gắng làm tại đây...Chúng tôi mong chính phủ của ngài vững mạnh). Chính quyền Nixon không quan tâm đến sự tàn bạo và những tội ác chiến tranh ở Chile. Hiện nay Armando Fernandez Larios, một trong những nhân vật chủ chốt của ban lãnh đạo quân sự đã tra tấn và giết hại 72 tù nhân chính trị trong tháng sau đảo chính, đang cư trú tại Hoa Kỳ".

"Pinochet thống trị đất nước bằng bàn tay sắt, bất chấp dân chủ, trong suốt 16 năm, không hề có bầu cử, cho đến khi nhân dân Chile loại được hắn ra khỏi chính quyền. Cần phải nhớ rằng tấn thảm kịch rùng rợn này chỉ là một trong cả chuỗi những cuộc can thiệp của Hoa Kỳ vào công việc nội bộ các nước khác, đặc biệt là các nước châu Mỹ Latin".

"...Những cuộc kỷ niệm có ảnh hưởng rất lớn đối với chúng ta trong việc tạo dựng tương lai. Nhưng chúng ta không được nhìn nhận một chiều. Ngày 11 tháng Chín, tại sao chúng ta không nhìn nhận một bức tranh rộng lớn hơn. Liệu chúng ta có thể nhìn thấy một mối liên hệ giữa ngày 11 tháng Chín, 1973 với ngày 11 tháng Chín, 2001?"

Tôi đã truyền đạt xong phần chính bài báo của Matt Hindman, chỉ muốn thêm rằng ngày 10 tháng Chín, tại phòng chiếu phim Stevenson Hall, trường Illinois State University, bộ phim The Trials of Henry Kissinger cũng được chiếu rộng rãi miễn phí dưới tiêu đề: "NHỮNG TỘI ÁC CỦA HENRY KISINGER". Lời quảng cáo như sau (Tôi chép nguyên văn tiếng Anh để bạn đọc có thể cảm nhận nó một cách trực tiếp):

"Henry Kissinger's Crimes.

The Trials of Henry Kissinger (2002, 91 minutes, Eugene Jarecki). This documentary, based on the book by Christopher Hitchens, examines Henry Kissinger's association  with brutal dictators in Chile, Indonesia, and around the world. Sep. 11, 2003 marks the 30th anniversary of Pinochet revolt". 

  • Ngô Tự Lập (từ Normal, Hoa Kỳ)
Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi