Phát băng giọng nói chỉ huy nhóm không tặc 11/9
15:43' 18/06/2004 (GMT+7)

Uỷ ban 11/9 hôm qua (17/6) lần đầu tiên công bố đoạn băng ghi âm giọng nói được coi là của Mohamed Atta - chỉ huy nhóm khủng bố 11/9 thu được từ trung tâm kiểm soát hàng không Boston.

Chân dung Mohamed Atta, chỉ huy nhóm không tặc 11/9.

Trong băng, giọng nói của Mohamed Atta yêu cầu hành khách trên chuyến bay số 11 của hãng hàng không American Airlines: "Ngồi im rồi các người sẽ được an toàn. Nếu cố tình động đậy, các người sẽ tự rước nguy hiểm vào mình và toàn bộ máy bay".

Sau đó 10 phút, giọng nói lại tiếp tục vang lên: "Không ai được động đậy. Chúng ta đang quay trở lại sân bay. Đừng cố gắng có hành động ngu ngốc". Lúc này, những tên không tặc khác đang điều khiển chiếc phi cơ nhằm hướng New York. Rõ ràng, tên khủng bố gốc Ai Cập Atta không hề biết rằng lời nói của y đang được truyền đi.

Đoạn băng ghi âm trên được phát khi các thành viên Uỷ ban 11/9 kiểm tra lại một bản báo cáo có nội dung: quân đội Mỹ và Cục hàng không liên bang (FAA) đã không kịp chuẩn bị "về mọi mặt" để ngăn chặn những vụ tấn công nhằm vào Trung tâm thương mại thế giới (WTC), Lầu Năm Góc và một địa điểm tại Pennsylvania khiến gần 3.000 người thiệt mạng.

Thông tin đầu tiên về vụ không tặc được truyền tới FAA khoảng nửa giờ sau khi máy bay cất cánh trong khi căn cứ Phòng không Đông Bắc tại Rome, New York nhận được thông báo đầu tiên lúc 8h37' sáng, chỉ 9 phút trước khi chiếc phi cơ đâm vào toà phía bắc của WTC. Đây là thông tin "phong phú nhất" mà quân đội Mỹ nhận được liên quan tới 4 vụ không tặc vào buổi sáng hôm 11/9/2001.

Ngay sau khi nhận thông tin, hai chiếc không lực F-15 từ một căn cứ không quân tại Massachusetts đã được phái tới khu vực New York, tuy nhiên, mãi tới 8h53', hai phi cơ này mới cất cánh được.

Trên 3 trong số 4 máy bay bị cướp, những kẻ không tặc đã tắt hệ thống tiếp sóng vốn được sử dụng để giúp các nhân viên kiểm soát không lưu lần theo dấu chiếc phi cơ.

Chiếc máy bay thứ hai đâm vào toà tháp phía nam WTC.

Trung tâm kiểm soát hàng không phụ trách chuyến bay số 11 của hãng American Airlines cũng chịu trách nhiệm với chuyến 175 của hãng United Airlines bay từ Boston tới Los Angeles. Vào lúc 8h51', trung tâm này nhận thấy có sự thay đổi trong hệ thống tiếp sóng trên chuyến bay 175 báo hiệu vụ không tặc thứ 2. Song đến 9h1', tức là 2 phút sau vụ tấn công vào toà tháp phía nam WTC, trung tâm điều khiển không lưu tại Herndon, Virginia mới nhận được tín hiệu.

Máy bay thứ 3 bị không tặc là Boeing 757 thuộc hãng American Airlines đang thực hiện chuyến bay số 77 cất cánh từ sân bay Dulles, Washington D.C. Chiếc phi cơ đã bắt đầu bay chệch lịch trình sớm hơn 10 phút. Sau 36 phút cố gắng tìm cách tách sóng, nó đã đâm vào Lầu Năm Góc.

Chiếc thứ 4 thuộc hãng United Airlines cất cánh từ Newark lúc 8h42', chỉ một phút sau khi chiếc thứ nhất đâm vào WTC. Trung tâm kiểm soát không lưu nhận tín hiệu từ máy bay lần cuối cùng là vào 9h28' sáng.

Những điểm nổi bật trong báo cáo hôm qua

  • Các quan chức quân đội và hàng không dân sự Mỹ không được chuẩn bị "về mọi phương diện" để ngăn chặn các vụ tấn công.

  • Các nhân viên trực tại thời điểm đó không yêu cầu ngăn chặn những máy bay bị không tặc.

  • Bộ tư lệnh phòng không Bắc Mỹ (NORAD) và FAA đã "tìm mọi cách để bảo vệ đất nước dù trong hoàn cảnh khó khăn".

  • Chỉ huy NORAD cho biết lực lượng không quân có thể đã ngăn chặn các máy bay nếu được thông báo kịp thời.

  • Quân đội nhận được thông tin đầu tiên về chuyến bay số 11 của hãng American Airlines chỉ 9 phút trước khi nó lao vào WTC.

  • Phó Tổng thống Dick Cheney đã tiếp lệnh Tổng thống Bush bắn hạ các máy bay bị không kích song mệnh lệnh này được đưa ra quá muộn.

  • Những vụ tấn công 11/9 tốn tới 400.000 - 500.000 USD, cộng cả chi phí huấn luyện 19 tên không tặc tại Afghanistan.

  • Al-Qaeda đã chi tới 30 triệu USD mỗi năm.

  • Khoản chi lớn nhất được rót cho Taliban, từ 10 - 20 triệu USD/năm.

  • Các khoản tài chính phần lớn đến từ mạnh thường quân, nhất là Ảrập Xêút.

  • Chưa có bằng chứng về việc một chính phủ nào đó đã cung cấp tiền cho Al-Qaeda.

  • Không có bằng chứng đáng tin cậy về việc Iraq đã hợp tác với Al-Qaeda.

(Huyền Trang - Theo CNN, AP)

Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi