Thế giới tưởng niệm các nạn nhân 11/9
23:12' 11/09/2004 (GMT+7)

Ba năm sau sự kiện 11/9/2001, ở nhiều nơi trên thế giới đã diễn ra các hình thức tưởng niệm các nạn nhân của vụ khủng bố này

Đoàn người tưởng niệm nạn nhân của các vụ khủng bố và lên án Chủ nghĩa khủng bố.

Tại Nhà thờ Episcopal gần Nhà trắng, Tổng thống Bush đã tổ chức tưởng niệm sự kiện 11/9. Trong bài phát biểu ngắn, ông đã tỏ lòng tôn kính đối với những người đã chết và bày tỏ lòng biết ơn đối với các chiến binh tham gia cuộc chiến chống khủng bố. Đồng thời, ông hứa sẽ xem xét một số biện pháp nhằm bảo vệ đất nước khỏi các cuộc tấn công trong tương lai. Ông John Kerry, đối thủ Đảng dân chủ của TT Bush trong cuộc đua vào Nhà Trắng, cũng tham dự lễ kỷ niệm sự kiện 11/9 tại quê hương Boston của ông.

Vào ngày kỷ niệm sự kiện 11/9 lần thứ nhất, các quan chức lãnh đạo và thân nhân của nạn nhân đứng ở sân Toà tháp đôi để đọc to tên của những nạn nhân chết trong vụ tấn công. Vào ngày kỷ niệm lần thứ hai, chính con của những nạn nhân xấu số đã đọc tên của họ. Và hôm nay, ngày kỉ niệm lần thứ ba, ông bà, cha mẹ của những nạn nhân xấu số đó đọc tên của họ sau 4 phút mặc niệm.

Tại Pakistan, nhân kỷ niệm sự kiện 11/9, một nhóm Hồi giáo đã nhóm họp phản đối các chính sách của Mỹ về vấn đề Iraq. Ông Hafiz Hussain Ahmed, phó chủ tịch hiệp hội Hồi giáo, nói với phóng viên hãng AP: "Chúng tôi sẽ tổ chức các cuộc nhóm họp như thế này để nói cho mọi người biết rằng Mỹ là kẻ thù của hoà bình."

Vào ngày kỷ niệm sự kiện 11/9, người dân Pakistan lại lo ngại về những mối đe doạ có thể xảy ra, các nhà chức trách đã huy động thêm hàng trăm cảnh sát và binh lính tới bảo vệ các đại sứ quán, các toà nhà chính phủ và các địa điểm quan trọng khác. Phát ngôn viên Bộ Nội vụ Abdur Rauf Chaudhry nói: "Lực lượng an ninh của chúng tôi đang nâng cao cảnh giác, nhưng nhân ngày kỷ niệm sự kiện 11/9 lần thứ ba, chúng tôi đã yêu cầu họ nâng cao cảnh giác hơn nữa."

Tại Thái Lan, cảnh sát Băng Cốc đã tăng cường an ninh tại các đại sứ quán và các cơ quan quốc tế khác ở thủ đô để đề phòng bất cứ vụ tấn công nào có thể xảy ra nhân ngày thứ Bảy kỷ niệm này.

Gia đình của Orasri Liangthanasan, một trong hai phụ nữ Thái Lan thiệt mạng tại Trung tâm thương mại Thế giới ở New York, đã đến một ngôi chùa ở Băng Cốc để cầu nguyện và tham dự lễ làm việc thiện truyền thống. Anh cả của Orasri, Sathaporn, cho biết, gia đình anh đã xây một ngôi chùa ở tỉnh Lampang và lập một quỹ tưởng niệm tại bệnh viện Băng Cốc để giữ lại kỷ niệm về Orasri.

Tại Nhật Bản, một phát ngôn viên hàng đầu của chính phủ đã tuyên bố tưởng niệm sự mất mát của "nhiều mạng sống quý báu trong đó có cả mạng sống của 24 người Nhật" trong vụ tấn công 11/9. Tổng thư ký Nội các Hiroyuki Hosoda nói: "Chúng ta đang bước vào thời kỳ vụ tấn công khủng bố này sẽ kéo theo vụ tấn công khủng bố khác. Mỗi quốc gia cần nỗ lực và liên kết chặt chẽ với thế giới để ngăn chặn tội ác hèn hạ của chủ nghĩa khủng bố."

Tại Australia, các đảng chính trị lớn đã tạm ngừng chiến dịch vận động cho Tổng tuyển cử vào 9/10 tới và tạm ngừng công bố các chính sách mới. Theo hãng truyền hình Australia, một nhà thờ Hồi giáo ở Melbourne đã mở cửa để tưởng nhớ đến nạn nhân của các vụ khủng bố. Australia, một đồng minh đắc lực của Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố, tạm ngừng lại các hoạt động để tưởng niệm không chỉ các nạn nhân của vụ tấn công 11/9 mà còn tưởng niệm các nạn nhân trong vụ đánh bom tại đại sứ quán Australia ở Jakarta làm 9 người Inddonesia thiệt mạng.

Tại Indonesia, đất nước Hồi giáo lớn nhất thế giới, cả nước đang lo lắng về hậu quả của vụ đánh bom vừa qua nên các phương tiện truyền thông không nói đến ngày kỷ niệm sự kiện 11/9. Người dân ở đó đang phẫn nộ về cuộc chiến tranh của Mỹ tại Iraq.

(Việt Hằng - Theo AP)

 

Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi