Trong vòng 6 tháng qua, CIA đã chuyển hàng chục tù nhân ra khỏi Iraq để thẩm vấn. Đây là hành động vi phạm Công ước Geneva, các chuyên gia cho biết.
|
Logo của CIA |
Báo Bưu điện Washington ngày 24/10 đưa tin, Cơ quan tình báo trung ương Mỹ (CIA) đã dùng một bản ghi nhớ do Bộ Tư pháp soạn thảo như một sự ủng hộ về mặt pháp lý để chuyển tù nhân ra khỏi Iraq. Việc làm này không được CIA thông báo với Hội chữ thập đỏ quốc tế và các cơ quan khác.
Bản dự thảo ghi nhớ, đề ngày 19/3/2004 do Nhóm luật sư pháp lý thuộc Bộ Tư pháp soạn thảo cho phép CIA được đưa người Iraq khỏi lãnh thổ quốc gia này để thẩm vấn trong ''một thời gian ngắn song không phải là vô hạn định''. Ngoài ra, văn bản này còn nói CIA có thể trục xuất vĩnh viễn những đối tượng là ''người nước ngoài bất hợp pháp'' khỏi Iraq theo ''luật nhập cư địa phương''.
Các chuyên gia luật quốc tế cho rằng văn bản trên được luận ra từ một trong các điều luật cơ bản nhất của Điều 49 Công ước Geneva 4. Công ước này nghiêm cấm ''chuyển hoặc trục xuất cá nhân hay một số lượng lớn người khỏi lãnh thổ chiếm đóng vì bất cứ một mục đích nào'' trong thời gian chiến tranh hoặc chiếm đóng.
Theo dự thảo ghi nhớ của Bộ Tư pháp Mỹ, công ước năm 1949 khẳng định bất cứ một sự vi phạm điều khoản nào đều có nghĩa vi phạm công ước và điều đó cũng là phạm tội ác chiến tranh theo luật liên bang Mỹ. Văn bản này còn chú thích, ''việc di chuyển những người được bảo vệ khỏi Iraq cần tuân thủ với Điều 49.
Theo các chuyên gia luật quốc tế, những lập luận pháp lý trong bản ghi nhớ có chứa đựng một số điều bất hợp lý. Cựu chưởng lý quân sự Scott Silliman - giám đốc điều hành Trung tâm Luật, Đạo đức và An ninh quốc gia thuộc trường đại học Duke nói: ''Bản ghi nhớ tìm cách thiết lập một cơ chế pháp lý nhằm hợp lý hoá hành động mà cộng đồng quốc tế coi là vi phạm luật pháp quốc tế và Công ước Geneva''.
Hồi tháng 9, Bộ Tư pháp Mỹ từng bị chỉ trích gay gắt vì bản ghi nhớ năm 2002 trong đó cố vấn cho CIA và Nhà Trắng rằng việc tra tấn thành viên mạng lưới khủng bố Al Qaeda tại nước ngoài là có thể ''chấp nhận''. Ngoài ra, cơ quan này còn tuyên bố, các điều luật quốc tế chống lại tra tấn ''là không hợp hiến nếu áp dụng cho quá trình thẩm vấn được tiến hành trong cuộc chiến chống khủng bố''.
Vụ bê bối Abu Ghraib và các điều tra, điều trần tiếp đó đã làm lộ ra việc Lầu Năm Góc đứng đằng sau các cuộc tranh luận kín cũng như các quy định cho phép giam giữ và thẩm vấn tù nhân tại vịnh Guantanamo.
Hiện Bộ Tư pháp Mỹ, CIA và các tác giả soạn thảo ghi nhớ trên chưa có bình luận về bài báo.
(Bảo Bình - Theo Washington Post, BBC, Tân Hoa xã) |