Tại trường Thể thao Thập Sát Hải ở Bắc Kinh, những em nhỏ mới khoảng sáu tuổi đã được đào tạo chuyên sâu và tập luyện tích cực, vất vả để trở thành những ngôi sao Olympic ngày mai.
Học sinh nhí ở trường Thể thao Thập Sát Hải
Cùng với vài nghìn học sinh khác, ngôi trường này là một phần ‘’cỗ máy thể thao’’ của Trung Quốc với mục đích mang vinh quang về cho đại lục bằng những thành công trong thi đấu thể thao.
Và không thành công nào sánh được Olympic sẽ được tổ chức tại Bắc Kinh năm tới. Trung Quốc hy vọng sẽ giành được càng nhiều huy chương vàng càng tốt.
Thập Sát Hải, một trong những trường thể thao hàng đầu của Trung Quốc đã góp phần tìm kiếm và phát triển các tài năng thể thao cho đại lục. Trường có chín môn học chính bao gồm các môn thể dục, bóng bàn, bóng chuyền và cầu lông.
Trong những phòng tập rộng lớn, trang bị hiện đại, trẻ em có nhiều giờ để mài giũa, trau dồi tài năng với sự giúp đỡ của các huấn luyện viên chuyên nghiệp. Các em do mạng lưới người chiêu mộ hoặc cha mẹ tin tưởng và khát khao vào tương lai con mình đưa đến trường học.
Học sinh thành công khi ra trường sẽ trở thành vận động viên được hưởng lương theo cấp tỉnh sau đó ra nhập đội thi đấu quốc gia. Toàn bộ thời gian của học sinh là ở trường và đối mặt với những nhiệm vụ khó khăn để đảm bảo cân bằng giữa thể thao và các môn học thông thường.
"Em cảm thấy khá mệt mỏi’’, Lưu Tử Yên, 14 tuổi, một trong những ngôi sao bóng bàn triển vọng nhất của trường nói nhanh trong giờ nghỉ. "Chúng em phải tập luyện cả sáng và chiều, đôi khi cảm thấy chưa đủ, em sẽ tập thêm cả buổi tối’’.
Nhiều người phê bình rằng, các học viện kiểu như Thập Sát Hải bắt học sinh tập luyện quá nhiều. Tuy nhiên, Phó Hiệu trưởng của trường Lưu Quân đã phủ nhận việc này. "Chúng tôi giao phó các học sinh nhỏ tuổi cho những ‘’giáo viên đời sống’’. Họ sẽ tổ chức các sự kiện giải trí và chăm sóc các em nên các em không cảm thấy cô độc hay buồn bã’’. Ông Lưu nhấn mạnh, chiến thắng không phải là mục tiêu duy nhất. ‘’Chúng tôi còn phục vụ xã hội và cộng đồng bằng cách đào tạo những con người kiệt xuất, không chỉ trong thể thao’’.
Vũ Bình, từng là phóng viên một tờ báo thể thao danh tiếng của Trung Quốc cho rằng, các quan chức ngành thể thao luôn rất thận trọng khi đưa ra mục tiêu, tham vọng của mình. "Nói một cách đơn giản, mục tiêu chính của Trung Quốc là trở thành nhà quán quân về số huy chương vàng đạt được tại Olympic Bắc Kinh’’, Vũ nói.
Tô Khuông Di, một nhân vật chủ chốt trong Hội nghị Cố vấn chính trị Nhân dân Trung Quốc tin rằng, thành công tại Olympic không phải là điều quan trọng nhất. "Tôi nghĩ sẽ là kết quả tốt nếu nước tôi có thể lọt vào top 3 tổng sắp huy chương vàng tại Olympic Bắc Kinh 2008’’.
Tại Olympic Athens 2004, Trung Quốc đứng thứ hai về số lượng huy chương vàng với 32 chiếc, đoàn Mỹ giành được 35 huy chương vàng. Ngay sau sự kiện này, một vị phó chủ tịch Uỷ ban tổ chức Olympic Bắc Kinh nói, nhiệm vụ của Trung Quốc là ‘’thách thức vị thế vượt trội của Mỹ’’.
Những ngày giờ tập luyện tích cực ở Thập Sát Hải cho thấy, chiến thắng là rất quan trọng với những người điều hành ngôi trường từng đào tạo nhiều nhà quán quân Olympic. Trong hầu hết các phòng tập, học sinh được huấn luyện viên thúc giục hướng tới vinh quang Olympic. Những tấm hình các nhà vô địch Olympic trước đây được dán quanh phòng.
Một số học sinh tuổi từ 6-10 khi được hỏi có ước mơ gì lúc trưởng thành, các em đều nhất trí rằng: ‘’Muốn thành những nhà vô địch’’, lời nói không chút ngập ngừng. Và có lẽ, trong những kỳ Olympic tương lai, các em sẽ đạt được hy vọng ấy.
Kỳ Thư (Theo BBC)