Với đoạn phim "nóng" có cảnh trùm phát xít Hitler quan hệ tình dục, Đức đang tiến hành một chiến dịch giáo dục thể chất gây tranh cãi.
Cuộc vận động của Đức tập trung vào chủ đề ngăn ngừa HIV/AIDS với những hình ảnh Adolf Hitler đang quan hệ tình dục. Dù bị nhiều nước chỉ trích là vô vị và không thích hợp nhưng những người thực hiện vẫn thấy không có vấn đề gì đáng ngại.
Đoạn quảng cáo mở đầu bằng một khung cảnh lờ mờ, người xem không thể nhìn thấy rõ mặt nhưng rõ ràng là một đôi nam nữ đang quan hệ tình dục. Cuối cùng, khuôn mặt của người nam hiện rõ. Không ai khác ngoài Adolf Hitler. Một dòng khẩu hiệu hiện ra: "AIDS là kẻ giết người hàng loạt".
Chiến dịch trên là ý tưởng của tổ chức từ thiện Regenbogen (Cầu vồng - Đức) - muốn dùng những nhân vật nổi tiếng giết người hàng loạt trong lịch sử như Hitler để nêu bật những vấn đề lớn quanh HIV/AIDS và hướng dẫn công chúng những biện pháp phòng ngừa căn bệnh thế kỷ.
Cùng với công ty quảng cáo Das Comitee đóng tại Hamburg, Regenbogen đã đưa ra nhiều áp phích, video. Thậm chí là trước khi chính thức khởi động chiến dịch, các áp phích, video đã xuất hiện trên mạng, hứng chịu những lời chỉ trích và lôi kéo được nhiều người xem.
Tại Anh và Mỹ, quảng cáo trên đã bị nhiều người cho là rất khiếm nhã.
"Dĩ nhiên, có nhiều tổ chức chống HIV có thể phát động chiến dịch của riêng họ", một phát ngôn viên của National AIDS Trust - một tổ chức từ thiện của Anh chịu trách nhiệm điều phối Ngày thế giới chống AIDS tại Anh, nói với tờ Daily Telegraph. "Tuy vậy, tôi nghĩ rằng quảng cáo đó bôi xấu những người sống chung với HIV/AIDS, những người vốn đã phải chịu sự sỉ nhục và phân biệt đối xử do thiếu hiểu biết về virus này".
Tổ chức từ thiện trên của Anh lo ngại, kiểu vận động trên sẽ cản bước những người có ý định đi xét nghiệm xem có mắc HIV/AIDS hay không vì họ có thể cảm thấy mình là kẻ giết người hàng loạt. Ngoài ra, đoạn phim trên cũng bị chỉ trích vì không đưa ra thông tin thực tế nào về cách ngăn chặn bệnh.
Virus HIV/AIDS cũng phải có một gương mặt
Mặc dù vậy, những người triển khai chiến dịch trên không hiểu tại sao mọi việc lại trở nên om sòm. Họ thấy rằng thực tế là chiến dịch đã thu hút được sự chú ý và các đoạn phim đã được xem đi xem lại hàng nghìn lần trên You Tube, điều này cũng có nghĩa là kế hoạch của họ đang diễn ra tốt đẹp.
Trên trang web quảng cáo chiến dịch ngăn chặn HIV/AIDS, những người thực hiện cũng nêu lý do: "Tới nay, 28 triệu người thiệt mạng vì HIV/AIDS. Mỗi ngày có 5.000 trường hợp nhiễm HIV/AIDS mới. Đó là lý do tại sao AIDS là một trong những kẻ giết người hàng loạt kinh khủng nhất trong lịch sử".
"Chúng tôi muốn dựng cho virus HIV/AIDS một gương mặt, chứ không phải các nạn nhân của nó", Dirk Silz thuộc Das Comitee giải thích.
"Chúng tôi muốn chiến dịch này có thể cường điệu vấn đề lên một mức nào đó - chúng tôi muốn thu hút sự chú ý của mọi người". Silz nói, các chiến dịch trước do cơ quan chính phủ thực hiện không tạo được hiệu ứng tương tự. Cơ quan chính phủ Đức đã đưa ra quảng cáo về rau quả với dòng chữ "Đừng cho AIDS dù chỉ một cơ hội".
Ông Silz cũng bác bỏ những cáo buộc rằng đoạn phim không thể hiện đầy đủ khi hướng dẫn mọi người các biện pháp phòng chống. "Đã có lời khuyên: Hãy tự bảo vệ mình". Ai mà không biết bao cao su có thể bảo vệ bản thân khỏi HIV/AIDS có lẽ vẫn sống trong thời đồ đá.
Silz cũng nói, chiến dịch quảng cáo với đoạn phim "nóng, gây sốc" là một bước đi quan trọng. Tuy vậy, việc dùng Hitler trong những thông tin về căn bệnh thế kỷ không phải là mới. Tổ chức Aidshilfe đóng tại Munich đã tiến hành một chiến dịch tương tự từ đầu năm với dòng chữ không thể nhầm lẫn: "Dương vật cũng giống kẻ độc tài".
Hiệu ứng sốc
Jan Schwertner, phụ trách báo chí của tổ chức Regenbogen nói, "Chúng tôi không phải là những người đầu tiên liên kết AIDS với những nhà độc tài". Nói một cách khác, cách tiếp cận không mới nhưng rõ ràng chiến dịch quảng cáo này đã được tính toán để gây sốc và đã dự trù sẽ vấp phải sự bất bình của một số người.
Với quan điểm của Regenbogen, chiến dịch trên đã thành công.
Regenbogen cho biết, họ biết những lời phản đối của các quốc gia khác có ý nghĩa như thế nào. Theo họ, các tổ chức từ thiện Anh sợ sẽ mất các khoản đóng góp vì sau chiến dịch vừa qua, tiền tài trợ sẽ đổ vào tổ chức của Đức chứ không phải tổ chức AIDS Trust của Anh.
Vậy, có phải người Anh ghen tị với chiến dịch của Đức? "AIDS là bệnh chứ không phải là chính trị", Schwertner nói.
-
Hoài Linh (Theo Spiegel)