Phái viên Mỹ, CHDCND Triều Tiên thảo luận song phương
13:29' 13/05/2004 (GMT+7)

Hôm nay (13/5), phái viên của Mỹ Joseph DeTrani sẽ có cuộc thảo luận trực tiếp với người đồng nhiệm CHDCND Triều Tiên Ri Gun bên lề hội nghị nhóm làm việc 6 bên, đang diễn ra tại Bắc Kinh.

Canh gác bên ngoài Điếu Ngư đài, nơi diễn ra hội nghị của nhóm làm việc 6 bên.

Theo các nguồn tin từ hội nghị, đại diện hai nước sẽ thảo luận yêu cầu của Washington đối với Bình Nhưỡng về việc quốc gia phía bắc Bán đảo Triều Tiên phải ngừng hoàn toàn chương trình hạt nhân, gồm cả kế hoạch làm giàu uranium để phát triển một kho vũ khí hạt nhân.

Ông DeTrani là đặc phái viên của Mỹ trong cuộc thương thuyết với CHDCND Triều Tiên. Trong khi đó, ông Ri Gun là phó giám đốc cơ quan các vấn đề Mỹ thuộc Bộ Ngoại giao CHDCND Triều Tiên.

Hiện, các nhóm làm việc từ 6 nước Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Nga, Mỹ và CHDCND Triều Tiên đang họp bàn tại Bắc Kinh, Trung Quốc nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên. Đây là hội nghị nhóm làm việc 6 bên đầu tiên. Các nước đang nỗ lực thu hẹp bất đồng giữa CHDCND Triều Tiên và Mỹ nhằm đặt nền tảng cho một hội nghị 6 bên toàn diện lần thứ 3 dự kiến tiến hành vào cuối tháng 6 tới.

Hôm nay (13/5), hội nghị nhóm làm việc 6 bên bước vào ngày thứ hai. Kết thúc ngày họp ngày đầu tiên, cả phía Bình Nhưỡng và Washington đều giữ nguyên lập trường bất chấp lời kêu gọi cần mềm dẻo hơn của đại diện Hàn Quốc, đại diện Nga cho biết.

Hội nghị nhóm làm việc sẽ kéo dài trong vài ngày. Các nhà phân tích dự đoán sẽ không có bước đột phá nào trong cuộc họp này. Hiện, đại biểu các đoàn từ chối tiết lộ thông tin chi tiết về cuộc gặp theo đề nghị của Trưởng đoàn Trung Quốc Ning Fukui.

Trưởng phái đoàn Nhật Akitaka Saiki đang tìm cách gặp riêng với người đứng đầu phái đoàn CHDCND Triều Ri Gun nhằm tạo ra một đột phá trong vấn đề hai nước. Ông Saiki và ông Ri đã có các cuộc trao đổi ngắn trong hai ngày thứ ba và thứ tư (11-12/5).

(Hoài Linh - Theo Kyodo, Reuters)

Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi