Đàm phán 6 bên: Thoả hiệp hay đối đầu?
11:27' 23/06/2004 (GMT+7)

Đại diện sáu nước giải quyết cuộc khủng hoảng hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên sẽ bắt đầu vòng đàm phán thứ ba vào chiều nay (23/6) giữa những dấu hiệu lẫn lộn giữa đối đầu và hoà giải. 

Dự kiến, sáu quốc gia gồm Trung Quốc, Hàn Quốc, CHDCND Triều Tiên, Nga, Nhật Bản và Mỹ sẽ dành một ngày để đàm phán song phương theo các nhóm nhỏ và bắt đầu hội đàm đa phương vào 3h chiều nay (theo giờ địa phương).

Nguồn tin từ hội nghị cho biết, đại diện 6 quốc gia đã đồng ý thảo luận về điều kiện ngừng các chương trình hạt nhân của CHDCND và các cuộc thanh sát hướng tới ''mục tiêu cuối cùng'' giải giáp hạt nhân trong các cuộc đàm phán đầy đủ cả 6 bên.

Trước đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao nước này cho biết, điểm mấu chốt quyết định kết quả của cuộc hội đàm sáu bên tới đây chính là thái độ của Mỹ đối với đề xuất Bình Nhưỡng phải được bồi thường nếu ngừng các chương trình phát triển vũ khí hạt nhân của mình.

Bộ Ngoại giao CHDCND Triều Tiên ra thông cáo khẳng định: ''Chẳng mong đợi đạt được cái gì ở hội đàm sáu bên, nếu như Mỹ cương quyết buộc CHDCND phải chấp nhận CVID, một yêu cầu chỉ áp đặt đối với nước thua cuộc. Công việc nội bộ của chúng tôi vẫn diễn ra tốt đẹp ngay cả khi cuộc đàm phán thất bại do Mỹ''. Mỹ muốn dỡ bỏ hoàn toàn, đầy đủ và có giám sát (viết tắt là CVID) năng lực hạt nhân của CHDCND Triều Tiên.

Cùng với những bất ổn trên, nguồn tin từ cuộc đàm phán cho biết ở bản báo cáo dự thảo, Trung Quốc đã bỏ qua nội dung thảo luận về chương trình làm giàu uranium của CHDCND Triều Tiên ở 2 vòng đàm phán theo nhóm trong 2 tháng qua. 

Ngoài ra, bản dự thảo báo cáo cũng không đề cập tới những yêu cầu của Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc về cái gọi là CVID. Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc đã tỏ ra không hài lòng với động thái trên của Trung Quốc và cho rằng, Trung Quốc thiên vị CHDCND Triều Tiên.

Trung Quốc đang cố gắng trích dẫn càng nhiều đề xuất về ''dỡ bỏ và bồi thường'' của CHDCND Triều Tiên càng tốt nhằm soạn thảo thành một hiệp định. Tuy nhiên, cuộc đàm phán sáu bên có thể chẳng đi đến đâu nếu như Trung Quốc quyết định đưa ra báo cáo trùng với dự thảo trên.

Cuộc khủng hoảng hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên bắt đầu kể từ 10/2002 khi các quan chức Mỹ tuyên bố CHDCND Triều Tiên đã thừa nhận đang thực hiện một chương trình bí mật làm giàu uranium. Tuy nhiên, Bình Nhưỡng đã bác bỏ tuyên bố trên của Mỹ. Đầu tháng này, Trung Quốc tuyên bố, không rõ CHDCND Triều Tiên có chương trình làm giàu uranium hay không. 

(Trần Kiên - Theo Kyodo)

Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi