Năm 1994, Seoul đã có kế hoạch nắm quyền kiểm soát CHDCND Triều Tiên khi ông Kim Nhật Thành, người sáng lập quốc gia này qua đời, tờ Joong-Ang Ilbo đưa tin.
|
Hai nước Triều Tiên. |
Theo một trong hai kế hoạch bí mật vừa được tiết lộ ở phiên họp Quốc hội Hàn Quốc đầu tuần này, Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc sẽ nắm quyền lãnh đạo CHDCND Triều Tiên nếu chính phủ quốc gia phía bắc này bất ngờ sụp đổ. Kế hoạch thứ hai đề cập chi tiết đến việc Seoul chuẩn bị tiếp nhận ít nhất 200.000 người tị nạn và dự phòng tình huống một cuộc nội chiến xảy ra.
Tờ nhật báo lớn của Seoul cho biết, kế hoạch bí mật trên được vạch ra vào năm 1994 khi ông Kim Nhật Thành qua đời. Nhiều quan chức và chuyên gia Hàn Quốc dự đoán chính quyền CHDCND Triều Tiên sẽ sụp đổ vào thời điểm này. Tuy nhiên, lo ngại này đã bị đẩy lùi và cuộc chuyển giao quyền lực cho ông Kim Jong Il đã diễn ra thành công.
Mặc dù kế hoạch trên là bí mật song Bộ Thống nhất Hàn Quốc vẫn công bố một vài chi tiết nhằm thuyết phục công chúng rằng Seoul có khả năng xử lý nhanh mọi việc nếu chính quyền CHDCND Triều Tiên sụp đổ. Kế hoạch mật này được đưa ra thảo luận tại Quốc hội theo đề xuất của nghị sĩ đảng đối lập Đại Dân tộc (GNP) Chung Moon Hun.
|
Sân bay quốc tế Bình Nhưỡng. |
Theo kế hoạch 1, mã số là Chungmu 9000, Hàn Quốc sẽ thiết lập một trụ sở hành chính khẩn cấp tại CHDCND Triều Tiên sau khi chính quyền quốc gia phía bắc sụp đổ. Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc sẽ lãnh đạo cơ quan này và có quyền lực lớn hơn một tỉnh trưởng.
Theo kế hoạch 2, gọi là Chungmu 3300, Seoul sẽ chuẩn bị đối phó với một cuộc đào tẩu quy mô lớn và dự phòng nội chiến xảy ra. Nhà lập pháp Chung cho biết, quân đội nước này đã diễn tập chuẩn bị đối phó với cuộc đào tẩu từ khi kế hoạch được soạn thảo năm 1993.
Ưu tiên hàng đầu của chương trình này là sơ tán công dân Hàn Quốc khỏi CHDCND Triều Tiên trong trường hợp khẩn cấp. Các chiến dịch bao gồm sơ tán công dân Hàn Quốc làm việc tại khu công nghiệp liên Triều Gaesong và khu du lịch núi Kim Cương.
Trong kế hoach, Seoul cũng sẽ sử dụng một số địa điểm công như trường học và sân vận động trên toàn quốc để làm nơi cư trú cho hơn 200.000 người dân CHDCND Triều Tiên có thể chạy tới Hàn Quốc nếu chính quyền Bình Nhưỡng sụp đổ. Quân đội Hàn Quốc cũng lập 10 trại tị nạn ở gần biên giới cho những người CHDCND Triều Tiên rời bỏ đất nước.
Hiện, Bộ Thống nhất Hàn Quốc từ chối bình luận về bài báo này.
(Hoài Linh - Theo AFP) |