Israel muốn có một
hàng rào để bảo đảm an ninh trước những cuộc tấn công của các phần tử vũ trang Palestine. Song bức tường rào hiện đang được xây dựng dường như không hoàn toàn phục vụ cho mục đích này. Với những "đường cong" lấn dần sang vùng đất do người Palestine kiểm soát, hàng rào đã khiến cuộc sống của hàng trăm nghìn người Palestine trở nên ngột ngạt. Đồng thời, quy mô và phạm vi của những "đường cong" đã khiến người Palestine nghĩ rằng hàng rào là một "phương tiện" để hiện thực hoá những tham vọng thực dân của người Do Thái. Và người ta bắt đầu hoài nghi liệu có phải Israel đang "tự vẽ" ra "đường biên giới" chính thức giữa nước này và Nhà nước Palestine tương lai?Bất chấp những vụ đánh bom liều chết xảy ra tại một số thành phố của Israel, Chính phủ của Thủ tướng Sharon vẫn tiếp tục thúc đẩy việc xây dựng hàng rào vốn bắt đầu từ tháng 6 năm ngoái do sự vận động hành lang bền bỉ của dân Do Thái trong các khu định cư. Đặc biệt, hôm 1/10 vừa qua, Nội các Israel đã thông qua kế hoạch về chiều dài hàng rào ngăn giữa Israel và khu Bờ Tây. Những kế hoạch này phác thảo ra các đoạn hàng rào bao quanh các khu định cư Do Thái rộng lớn nằm sâu trong vùng đất của người Palestine và một đường vòng cung quanh khu vực Đông Jerusalem chia cắt người Palestine tại đây với vùng lãnh thổ bên trong khu Bờ Tây.
Quyết định của Nội các Israel đã xác nhận điều mà người Palestine từ lâu vẫn lo ngại, đó là: hàng rào được dựng sẽ không mở rộng đường biên giới được công nhận giữa hai nước từ năm 1967, đường Ranh giới Xanh, song sẽ lấn sâu vào khu Bờ Tây.
"Đường cong" - nỗi thống khổ của người Palestine
Giai đoạn đầu của "công trình" được hoàn thành hồi tháng 7, với phần hàng rào dài 127km từ Salem, một ngôi làng phía Bắc tới khu định cư Elqana tại phía Nam Qalqiliya, và một đoạn dài 5km trong khu Bờ Tây. Phần đầu tiên của đoạn hàng rào này gần như "song song" với đường Ranh giới Xanh, nhưng lại được dựng trên phần đất của Palestine.
Bản đồ chi tiết bức tường rào đang được xây dựng. (đường kẻ đỏ: hàng rào; đường vạch xanh: ranh giới Thung lũng Jordan). (Xin click chuột để xem chi tiết) |
Mọi việc không chỉ đơn giản như vậy. Càng xuống phía Nam, hàng rào bắt đầu "uốn khúc" và lấn sâu sang phía đông, bao lấy 10 khu định cư Do Thái được xây dựng trên vùng đất bị chiếm đóng. Khúc lượn trong đoạn tường rào đầu tiên theo kế hoạch đã đặt 15 ngôi làng với 13.600 cư dân Palestine vào thế bị kẹt giữa Ranh giới Xanh và hàng rào. Những cư dân "không may mắn" này bị cấm vào lãnh thổ Israel ở phía tây, và tự nhiên bị cấm đi lại tại các cơ sở kinh doanh, lui tới nhà họ hàng của họ nằm sâu trong khu Bờ Tây ở phía đông. Trong khi đó, hơn 30.000 nông dân Palestine sống tại phía đông hàng rào tự nhiên bị cách ly khỏi các khu vườn, rừng cây và trang trại của họ tại khu vực phía tây.
Hàng rào an ninh thực chất là gì? |
Dự án xây dựng hàng rào an ninh dài 245 km được khởi công vào tháng 6/2002, bắt đầu với đoạn giữa thành phố Qalqilya và Jenin của Palestine. Cho tới nay đã dựng được 150km. Hàng rào này trên thực tế là một công trình gồm tường và rào với móng được làm bằng bê tông, bên trên là phần tường rào làm bằng lưới sắt cao 5m. Một bên của tường rào được quấn dây thép gai, phía dưới là một đường hào sâu 4m. Các máy cảm ứng được lắp đặt trên hàng rào và dưới đất là một "đường nhận dấu vết" để có thể phát hiện vết chân của người nào muốn vượt rào. Cứ cách khoảng 8,5km thì lại có một đoạn tường bê tông cao 8m với hàng loạt trạm gác xung quanh. Đoạn hàng rào xung quanh thành phố Qalqilya của Palestine được coi là chắc chắn nhất nhằm ngăn chặn những vụ bắn tỉa của người Palestine vào người Israel đi lại trên đường cao tốc xuyên Israel gần đó. |
Hàng nghìn người Palestine khác bị "tước" quyền tới trường học, bệnh viện, các cơ sở chính phủ nằm tại những khu trung tâm chính như thành phố Jenin, Tulkarm, Qalqiliya và Nablus. Theo nhóm vận động nhân quyền B'tselem của Israel, 210.000 người Palestine sinh sống tại 67 thị trấn, làng mạc và trại tị nạn đang "chịu ảnh hưởng trực tiếp" từ việc xây dựng hàng rào này.
Cuộc sống của cư dân thành thị Palestine cũng chịu tình trạng tương tự. Hãy lấy thành phố Qalqiliya làm ví dụ. Đây là nơi có 42.000 người Palestine sinh sống đồng thời là trung tâm kinh doanh, y tế của 90.000 người khác từ 32 làng lân cận. Song thành phố này giờ đây bị phong toả về 3 phía bởi 13km hàng rào, trong đó có một đoạn tường rào bằng bê tông cao 7,6m phía trên là các đài gác của quân đội Israel. Có duy nhất một cổng dành cho người dân và hàng hoá qua lại, và hai đường vượt qua khu trồng trọt. Tại thành phố này, tỷ lệ thất nghiệp hiện ở mức 63% so với 20% thời kỳ đầu của phong trào Intifada, với 80% cư dân thành phố sống dựa vào viện trợ hoặc của quốc tế, hoặc của các nhóm Hồi giáo.
Đã có những cuộc di cư khỏi thành phố, trong đó nhiều thanh niên có kiến thức chuyển tới trung tâm khu Bờ Tây, hoặc sang nước láng giềng Jordan và các nước vùng Vịnh. Thị trưởng Qalqiliya, Mahrouf Zahran cho biết trong 3 vừa qua, khoảng 8.000 người Palestine đã rời khỏi thành phố. Ông nhấn mạnh đây chính là mục đích căn bản của Israel khi xây dựng bức tường rào. "Nếu người Israel muốn có an ninh, họ đã có thể dựng hàng rào ngay trên đường Ranh giới Xanh. Song, mục đích của họ là kìm hãm chúng tôi về kinh tế, buộc chúng tôi phải ra đi".
Những người bảo vệ việc xây dựng hàng rào lại cho rằng toàn bộ "sự lộn xộn" này chỉ là tạm thời. "Chúng tôi đang áp dụng một đạo luật để thu đất vì lý do an ninh và đạo luật này rất rõ ràng. Khi vấn đề an ninh không còn tồn tại nữa, thì đất đai sẽ được trao trả lại chính chủ".
Nhưng người Palestine không tin đó là sự thật. Họ chỉ đơn giản đề cập tới phạm vi của hàng rào. Tại đoạn rào đã được hoàn thành rộng 60-100m, đã có những bức tường bê tông, hàng rào điện và dây thép gai, các đường hào cộng với 3 con đường: một là để theo dấu những kẻ xâm nhập, một để quân đội đi tuần và đường rộng thứ 3 giành cho xe tăng. Thực tế này chứng tỏ, để xây dựng bức tường rào, người ta đã phải đầu tư một số vốn rất lớn. Theo tính toán, giai đoan 1 đã tiêu tốn của Chính phủ Israel tới 200 triệu USD, trong đó, một kilômét rào cần 1,6 triệu USD. Với kế hoạch "mơ hồ" như hiện nay, thì không thể tính toán được chi phí cuối cùng. Một nhà phân tích Israel đã ước tính tổng chi phí là 1 tỷ USD. Đây chính là lý do khiến người Palestine cho rằng hàng rào "khó có thể" chỉ là một sự sắp xếp tạm thời.
Người Palestine cũng lo ngại về cơ sở pháp lý mà Israel đã áp dụng để dựng hàng rào. Theo quân đội Israel, hầu hết phần đất giành cho hàng rào đã được "trưng dụng vì mục đích quân sự". Những mệnh lệnh này sẽ còn có hiệu lực cho tới năm 2005, và sau đó có thể được sửa đổi cho mới. Các chủ đất Palestine có thể gây khó khăn bằng việc gửi yêu cầu tới cố vấn pháp luật của Israel tại khu Bờ Tây, và Toà án Tối cao của Israel. Song nhóm vận động nhân quyền B'tselem lưu ý rằng tất cả các đơn kiến nghị đều đã bị bác bỏ.
Một chức sắc tên Muhammad Maraabi tại làng Ras Atiya, phía Nam Qalqiliya phát biểu: "Có thể chắc chắn 2 điều rằng, Israel sẽ không bao giờ trả lại đất và sẽ không bao giờ dỡ bỏ tường rào mà họ đã dựng lên". Sau cuộc chiến Ảrập - Israel năm 1948, làng Ras Atiya đã mất khoảng 100 ha đất cho nhà nước Do Thái mới thành lập và ông Maraabi tin rằng tình trạng hiện nay cũng sẽ "một đi không trở lại" giống như hồi đó.
Quân đội Israel nói rằng vấn đề này sẽ được giải quyết khi lắp đặt 5 cổng chính và 26 đường vượt qua khu trồng trọt dọc theo hàng rào. Song cho tới nay, chỉ một số ít được dựng lên, và trong ngân sách năm 2003 của Israel không thấy có khoản nào được quy định dành cho việc dựng cổng. Vậy là, người Palestine mỗi buổi sáng lại tập trung ven các làng và thị trấn với hy vọng lính Israel sẽ cho phép họ "vượt rào". Những người khác thì vất vả vượt qua những con đường đầy bụi và đường qua núi. Một số lại ngủ ngay trong các túp lều dựng trên đất của họ, thậm chí có những người đã bỏ mùa màng, nhà trồng rau của họ vì không đảm đương nổi chi phí bảo dưỡng.
Thực tế này tạo ra một tình trạng "hoang hoá" nguy hiểm. Tại khu Bờ Tây, người Israel bắt đầu áp dụng một đạo luật Ottoman cổ, theo đó, đất đai thuộc sở hữu tư nhân để hoang trong 3 năm có thể bị nhà nước trưng dụng. Kể từ năm 1967, Israel đã dùng đạo luật này để biến 60% đất đai khu Bờ Tây thành sở hữu của nhà nước và xây dựng 135 khu định cư, đưa 400.000 công dân Do Thái vào vùng lãnh thổ chiếm đóng này, bao gồm cả các vùng đất tại Đông Jerusalem. Người Palestine lo ngại rằng tình trạng tương tự sẽ xảy ra đối với những vùng đất vừa mới được trưng dụng để dựng hàng rào.
Giai đoạn 1 đã quá tồi tệ, nhưng người Palestine còn lo ngại những điều tồi tệ hơn sẽ xảy ra. Trước mắt, giai đoạn tiếp theo có thể sẽ không bao gồm khu định cư Ariel và các khu định cư khác nằm sâu trong khu Bờ Tây song chắc chắn sẽ bao gồm khu định cư ở phía Nam như Gush Ezion và các khu gần thành phố Hebron.
Xoá bỏ khu vực Đông Jerusalem?
Tại khu vực Đông Jerusalem thuộc kiểm soát của người Palestine, toàn bộ đoạn tường rào dài 45km sẽ được dựng lên vào đầu năm tới nếu việc thi công tiếp tục diễn ra với tiến độ như hiện nay. Nói chung, hàng rào sẽ bám sát đường ranh giới riêng của thành phố Jerusalem. Song ở đây lại phát sinh vấn đề. Ngay sau cuộc chiến tranh năm 1967, Israel đã "vội vã phác ra" một đường ranh giới và tuyên bố toàn bộ khu vực nằm trong đường biên giới "tuỳ hứng" này là thủ đô vĩnh viễn và không thể chia cắt của Israel. Việc làm này đã khiến hàng chục nghìn người Palestine cảm thấy mình là cư dân của một thành phố Israel "tồn tại trên danh nghĩa" (hầu hết đều từ chối lời đề nghị quyền công dân đôi chút miễn cưỡng của chính quyền Israel).
Bản đồ chi tiết đoạn tường rào đi qua khu vực Đông Jerusalem. (đường kẻ đỏ: hàng rào; đường vạch xanh: ranh giới riêng khu vực Jerusalem) |
Trên thực tế, đường ranh giới bao quanh Jerusalem là vô hình. Hàng rào đang được dựng sẽ cắt xuyên qua một số khu ngoại ô, ngăn cách trẻ em với trường học, không cho các chủ hàng tới cửa tiệm để kinh doanh và chia cắt những người thân trong gia đình. Việc xếp hàng nhiều giờ liền tại các trạm kiểm soát đã trở thành "lối sống" của nhiều người Palestine tại Jerusalem.
Daniel Seidemann, một luật sư đồng thời là nhà hoạt động tại Jerusalem cho rằng tuyến hàng rào sẽ xoá mờ ký ức về đề xuất của cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton tại cuộc gặp Trại David năm 2000 với Thủ tướng Israel lúc đó là Ehud Barak. Theo đề xuất này, các vùng đất ngoại vi Jerusalem thuộc kiểm soát của người Do Thái nên thuộc về Israel và những vùng thuộc kiểm soát của người Palestine nên thuộc về nhà nước Palestine. Ông Seideman lo ngại rằng, ngoài việc thắt chặt an ninh tại Jerusalem, bức tường rào sẽ gây ra tình trạng mất ổn định tại thành phố và dẫn tới sự quá khích của cư dân Palestine.
Liệu Israel có dựng tiếp một hàng rào về phía đông của khu Bờ Tây giống như hàng rào đang dựng tại phía tây khu vực này? Hồi tháng 3, Thủ tướng Sharon đã tuyên bố rằng việc xây dựng đoạn tường rào phía đông sẽ đuợc tiến hành với điểm mốc là thành phố Salem sau đó sẽ "trườn sâu" xuống phía Nam. Tuy nhiên, Israel chưa đạt được nhiều tiến triển trong kế hoạch này, có thể do thiếu "ý chí chính trị" hoặc bị "hạn chế về ngân sách". Trên thực tế thì cũng không cần xây dựng một hàng rào "quy mô" ở phía đông khu Bờ Tây. Không giống như các vùng đồi tại phía tây, thung lũng Jordan rất thưa thớt cư dân. Người Palestine tại đây có thể dễ dàng bị chia cắt khỏi vùng lãnh thổ phía đông bên trong bởi những hàng rào rất "đơn sơ", các khu quân sự đóng hoặc những đỉnh núi tự nhiên.
Hiện vẫn còn nhiều điều mơ hồ xung quanh kế hoạch này. Song những người đứng đầu các khu định cư tại trung tâm Maale Adumim và các khu định cư nằm dọc thung lũng Jordan cho biết họ đã nhận được lời đảm bảo từ Thủ tướng Sharon rằng các khu định cư của họ sẽ được nằm "phía bên phải" hàng rào. David Levy, trưởng khu định cư Do Thái tại thung lũng Jordan nói: "Thủ tướng Sharon đã trải các bản đồ trước mắt tôi và chỉ cho tôi thấy toàn bộ khu vực thung lũng Jordan và sa mạc Judean sẽ nằm dưới sự kiểm soát của Israel". Nếu đó là sự thật, thì Israel sẽ kiểm soát một dải đất rộng 20-30km ở phía tây sông Jordan, nơi vốn là cửa ngõ chính thông ra thế giới Ảrập của người Palestine.
Mặc dù việc dựng một hàng rào tại phía đông khu Bờ Tây dường như khó trở thành hiện thực, song nó lại nhất quán với "tầm nhìn chiến lược" của ông Sharon. Đã từ lâu ông cho rằng việc giành quyền kiểm soát một dải đất rộng 6-10km ở phía đông đường Ranh giới Xanh, một dải 20km phía tây biên giới Jordan và một thành phố Jerusalem "thống nhất" nằm trong lợi ích sống còn của Israel. Ông đã dành phần lớn thời gian 30 năm vừa qua tạo lập và hỗ trợ các khu định cư Do Thái để thực hiện "giấc mộng" này. Phát biểu tại một cuộc họp tháng 12 năm ngoái, ông Sharon đưa ra một phác thảo rõ ràng nhất về một nhà nước Palestine trong tương lai. Ông cho rằng nhà nước này nên nằm chính tại khu vực Bờ Tây nơi Chính quyền Palestine hiện đang có quyền dân sự và an ninh trên danh nghĩa, "trừ những khu vực có tầm quan trọng chính yếu đối với an ninh của Israel".
Lập trường của LHQ |
Cuối tháng trước, LHQ đã đưa ra một báo cáo trong đó coi hàng rào an ninh của Israel là "bất hợp pháp" và tương tự như "một hành động thôn tính". Báo cáo cũng nêu rõ khoảng 14.400ha, tương đương với 2% diện tích khu Bờ Tây, giờ đây nằm ở bên kia hàng rào thuộc phía Israel, bao gồm một số vùng đất màu mỡ nhất của Palestine, và các nguồn nước sạch thuộc khu Bờ Tây. Khoảng hơn 8.00ha đất do tư nhân Palestine sở hữu bị tịch thu hoặc bị san phẳng để dọn đường cho việc dựng hàng rào. Gần 80.000 cây ôliu và cam quýt của nông dân Palestine bị nhổ và 37km đường ống nước bị phá vỡ. |
Hãy dựng hàng rào trên chính lãnh thổ của Israel!
Xét trên một mức độ nào đó, việc hàng rào này có được xây dựng đúng theo kế hoạch hiện nay hay không phụ thuộc vào lập trường của Mỹ. Tổng thống George W. Bush đã công khai cảnh báo rằng bức tường rào này "là một vấn đề nan giải" xuất phát từ lo ngại lộ trình hoà bình Trung Đông do Mỹ hậu thuẫn sẽ bị "phá sản". Còn ông Sharon, không muốn làm Mỹ "bực mình" đã đưa ra một giải pháp "tạm hoãn" dựng hàng rào xung quanh hai khu định cư Ariel và Emmanuel.
Tuy nhiên, Ngoại trưởng Colin Powell vẫn cho rằng việc làm của ông Sharon không thoả đáng và rằng các quan chức Mỹ đang "tiến hành những cuộc tranh cãi căng thẳng" về biện pháp nên áp dụng đối với Israel. Vấn đề không phải nằm ở bản thân hàng rào, mà nằm "đoạn nhô ra của hàng rào". "Nếu người Israel muốn dựng một hàng rào trên đường biên giới được công nhận, đường Ranh giới Xanh, thì hãy dựng hàng rào trên phần lãnh thổ của họ. Israel càng lấn sâu vào các vùng đất của người Palestine, thì càng khiến cho người ta đưa ra những suy đoán vội vàng về các cuộc thương lượng xung quanh "hình dáng" một nhà nước Palestine trong tương lai. Đó chính là vấn đề".
Tờ Washington Post cách đây không lâu đã đưa ra nhận định rằng: "Các nước đã không có biện pháp cương quyết để ngăn chặn những hành động đơn phương của Israel tại vùng lãnh thổ bị chiếm đóng". Trong khi đó, các quan chức Mỹ hiện đang xem xét liệu có nên khấu trừ khoản chi phí dự liệu 1 tỷ USD để xây dựng hàng rào vào khoản cho vay bảo đảm 9 tỷ USD mà chính quyền Bush giành cho Israel. Song nếu chỉ riêng biện pháp "trừng phạt" này thì có khó thể "cản bước" ông Sharon và nội các Israel. Chính việc Mỹ trừ kinh phí xây dựng các khu định cư vào khoản cho vay bảo đảm dành cho Israel mới "có tác dụng" ngăn cản chính quyền của Thủ tướng Sharon thúc đẩy kế hoạch này. Giờ đây, ông Sharon có lẽ chỉ còn dựa vào sự ủng hộ mạnh mẽ từ trong nội bộ để tiếp tục theo đuổi những tham vọng lãnh thổ lâu dài của cá nhân.
-
Huyền Trang - (Tổng hợp)