221
478
Hồ sơ
hoso
/thegioi/hoso/
493990
John Kerry - Chuyện về người lính đơn độc
1
Article
445
Quốc tế
thegioi
/thegioi/
John Kerry - Chuyện về người lính đơn độc
,

Một người đi lên từ tiền nhưng thực tế lại có ít tiền hơn các bạn cùng lớp. Một người thông minh, gan dạ song cũng có thể thận trọng và dè chừng. Từ những năm tháng tuổi thơ cho tới khi tranh cử Thượng viện, John Kerry luôn là người bí ẩn.

 

Không bao giờ thực sự hoà hợp

TNS bang Massachusetts John Kerry.

John Kerry chưa bao giờ dễ dàng hoà đồng trong bất cứ môi trường nào. Nếu hỏi 30 trong số 90 người cùng học với Kerry tại trường Thánh Paul về những người bạn của Kerry, họ sẽ cười trừ. Đa phần thú nhận rằng họ không biết chắc ông giao thiệp với những ai. Tại Đại học Yale, Kerry luôn là một chàng trai năng động. Anh tham dự các buổi hội họp, thay đổi trang phục song không bao giờ nán lại nơi nào quá lâu để bộc lộc bản thân.

Trong môi trường chính trị Massachusetts, Kerry luôn bị coi là một người "cứng nhắc". Còn tại Thượng viện, Kerry là một mục tiêu dễ bị "tấn công". Một tối thứ sáu năm 2002, khi các thượng nghị sĩ bắt đầu rời khỏi phòng họp để nghỉ cuối tuần, một số đồng nghiệp của Kerry bắt đầu túm lại để "chế nhạo" bộ quần áo kiểu "nông thôn" của ông: quần nhung sọc và chiếc áo khoác bằng vải tuýt. Lúc này Thượng nghị sĩ Joe Biden bang Delaware cũng mặc một bộ quần áo tương tự. Thấy vậy, Kerry phản ứng: "Tại sao lại là tôi? Hãy nhìn Biden, ông ấy mặc giống hệt tôi". "Đúng rồi, nhưng bộ đồ của ông đắt gấp 4 lần của ông ấy", một trong những người có mặt lên tiếng.

Trong một cuộc phỏng vấn gần đây, Thượng nghị sĩ bang Massachusetts bác bỏ quan niệm cho rằng ông là người lạnh lùng và xa cách. "Không một ai cùng đi trên xe buýt với tôi, hoặc cùng tham gia chiến dịch tranh cử này nghĩ như vậy". Nhưng sau đó, với một thái độ nghiêm chỉnh, ông bắt đầu giải thích tại sao ông từ bỏ phong cách "tự nhiên" của mình. Ngay cả lúc đó, đôi mắt sâu, thẫm màu của ông vẫn ánh lên như muốn hỏi: tại sao sau bằng ấy năm cống hiến cho đất nước, ông còn phải giải thích về nguyên nhân mình không được bạn bè cùng trường trung học yêu thích hay tại sao mình lại trở thành mục tiêu của những trò chế nhạo.

Thực tế, tài năng xuất chúng tiềm tàng không phải lúc nào cũng làm người ta yêu thích. Sự lãnh đạm không phải là điều kiện tiên quyết để có thể trở thành nhà lãnh đạo. Trong một số trường hợp, người ta muốn một vị lãnh đạo với phong cách tự nhiên thực sự. Có những lúc Kerry tỏ ra hơi "quá tự tin" về bản thân. Ông "miệt mài" tìm cách tạo ra một cá tính chính trị riêng: cười nhiều hơn (nhưng không quá nhiều); không nói dông dài. Cũng có những khi ông trông giống như một diễn viên sắp sửa lên sân khấu, một vẻ ngoài lịch thiệp. Thậm chí một số người bạn thân thiết nhất của ông còn nói họ không biết ông thực sự đang nghĩ gì. Thái độ lãnh đạm và khó hiểu của ông có thể khiến cử tri do dự trước khi quyết định bỏ phiếu.

Kerry cùng hai con gái.

So sánh với đương kim Tổng thống Bush có thể thấy sự tương phản khá rõ rệt Trong khi ông Bush truyền đạt lý lẽ của mình một cách đơn giản thì Thượng nghị sĩ bang Massachusetts dường như có cách giải thích dài dòng, đôi khi khiến người nghe "mệt mỏi".

John Kerry thích cá tính và sự khéo léo, có thể vì câu chuyện đời ông cần những phẩm chất đó. Trên thực tế, ông lại là người không có sắc thái riêng và cũng không tinh vi, khéo léo nhưng điều này không có nghĩa là những cơn bốc đồng của ông không thể hoà hợp với nhau. Đồng thời, Kerry cũng chứng tỏ bản thân là một người liêm chính ngay cả khi không ai để mắt tới ông. Ông có thể là một người theo chủ nghĩa lý tưởng và cũng là một người thực tế.

Có một câu chuyện về người thuỷ thủ xứ New England rất thích gió, đá và thuỷ triều không chỉ vì sau chuyến đi biển, anh ta sẽ được thưởng thức ly rượu Mac-tin. Kerry chính là người thuỷ thủ luôn thích thời tiết xấu, người coi thường mọi nhân tố và tìm ra đường đi riêng của mình. Cách tốt nhất để hiểu Kerry chính là theo sát ông khi ông điều khiển con tàu trong sương mù và bóng tối.

"Không thể hiểu được cha"

Hãy bắt đầu tìm hiểu tính cách Kerry từ chính sự do dự của ông (hay chính xác hơn là của cha ông) trong việc khám phá nguồn gốc đích thực của gia đình.

Một nửa gia đình Kerry là một quyển sách mạ vàng, bọc da và luôn mở. Mẹ ông, bà Rosemary là hậu duệ trực tiếp của John Winthrop, Thống đốc đầu tiên bang Massachusetts, người soạn ra bài diễn văn chính trị có quy mô đầu tiên của Mỹ, "Thành phố trên một ngọn đồi" năm 1630. Tên thời con gái của bà là Forbes (cũng chính là tên đệm của Kerry), đặt theo họ gia đình chủ tàu lớn từ thế kỷ 19 hiện vẫn sở hữu một hòn đảo ngoài khơi Massachusetts có diện tích bằng 1/2 diện tích đảo Nantucket gần đó. Bất kì đứa trẻ nào trưởng thành với những cái tên này trong thập niên 1950 đều nhận thức một cách nghiêm túc về tầm quan trọng và địa vị của họ.

Kerry lúc nhỏ (phải)

Kerry luôn nói rằng ông hầu như không biết gì về gốc gác gia đình bên nội. Cho đến tận năm 2003, từ một phóng viên tờ Boston Globe, TNS bang Massachusetts mới phát hiện rằng ông nội của ông là một người gốc Do Thái được sinh tại Đế chế Áo-Hung. Ông nội đã đổi tên từ Kohn thành Kerry, chuyển tôn giáo từ Do Thái sang Thiên chúa giáo La mã và kiếm được rất nhiều tiền ở Mỹ. Tuy nhiên, ông đã tự bắn vào đầu mình trong một phòng khách sạn Boston năm 1921. Nhiều người tỏ ra không tin việc Kerry không biết, thậm chí sốc trước thông tin này. Cái tên Kerry nghe giống tên Ai Len, và trên thực tế ông nội của Kerry đã chọn tên này từ một bản đồ của Ai Len.

Có người thắc mắc rằng: Giả sử Massachusetts là một bang có đông cộng đồng người Ai Len theo đạo Thiên chúa, chẳng lẽ Thượng nghị sĩ Kerry - với tư cách là một nhà chính trị đang tìm kiếm lá phiếu lại không hề "tò mò" về gốc gác của mình? Lúc đầu, ông Kerry trả lời "Không. Tôi chưa bao giờ thực sự chú ý nhiều về điều này". Rồi sau đó lại nói: "Tôi nghĩ tôi đã biết điều gì đó từ khi tôi 16-17 tuổi rằng ông nội đến từ Vienna. Nhưng sự thực là tôi không rõ liệu họ là người Anh hay người thuộc gốc gác nào. Tôi luôn nghĩ có thể họ giống người Anh hơn người Ai Len".....Vậy điều gì là thật trong những lời nói của Kerry? Người Anh hay người Ai Len hay "đến từ Vienna"?

Sự việc dần trở nên sáng tỏ khi Kerry thừa nhận ông đã rất do dự mỗi khi hỏi cha về tiểu sử gia đình. "Tôi luôn cảm nhận ở cha một nỗi buồn sâu sắc", John Kerry nói. "Ông không phải là kiểu người để có thể tin cậy hay thú nhận sự yếu đuối". David Thorne, người từng là anh vợ và là bạn thân nhất của Kerry nói ông quan sát thấy Kerry có một mối quan hệ khó khăn và đầy tính "ganh đua" với người cha. Là một phi công lái máy bay thử trong Thế chiến 2, Richard Kerry luôn thúc ép con trai phải đương đầu với những thách thức. Khi ở ngoài khơi thị trấn New England, Richard Kerry muốn tập luyện khả năng hoa tiêu bằng cách đội mũ trùm đầu và chèo thuyền chỉ với một tấm la bàn. Ở tuổi 65, Richard Kerry cùng vợ đã chèo thuyền qua Đại Tây Dương và "suýt tự giết mình". "Đại dương đối với ông không phải là trò đùa. Tôi nhớ những chuyến đi lạnh giá, ẩm ướt và ông ấy luôn la hét chúng tôi", Thorne kể lại.

Ngôi nhà tại Boston của Kerry.

Ông già Richard Kerry có thể rất "chua cay" với con trai của mình. Em trai của Kerry, Cameron nhớ lại cha họ đã  thẳng thừng bác bỏ những quan điểm "non nớt" của John Kerry khi họ đang thảo luận về các vấn đề đối ngoại trên bàn ăn tối. (Ông già Richard thường gửi cho con trai mình những bức fax với lời khuyên về việc nên xử lý thế nào trong vấn đề Bosnia hay Kosovo). Còn Dan Barbiero, bạn cùng phòng của Kerry tại Đại học Yale cho biết: "Cha John rất khó hài lòng với mọi thứ. Ông ấy luôn muốn vượt lên dẫn đầu.......kiểm soát mọi thứ".

Ngược lại với ông Richard, mẹ Kerry, bà Rosemary là một phụ nữ "ấm áp" theo phong cách người Anglo-Saxon. Khi bà mất năm 2002, lời cuối bà dặn Kerry là: "Chính trực". Kerry thường nói về mẹ với niềm tự hào. Ông hồ hởi nhớ lại sự vui thích của mình lúc thấy chữ viết khác biệt của mẹ trên những lá thư. Khi đó, ông mới là một cậu bé đang học trung học. Năm Kerry lên 10, cha ông còn đang đóng quân ở Berlin, bà mẹ đã gửi Kerry tới một trường nội trú ở Thuỵ Sĩ.

Một "trưởng giả" trong số những "trưởng giả"

Để chống chọi với nỗi nhớ nhà và việc bị bắt nạt, Kerry đã cố gắng chăm chỉ vượt trội mọi học sinh khác. "Kerry đã có được rất nhiều tự tin nhờ vào những thành thích trong học tập", trích lá thư Trường nội trú Montana gửi cho bà Rosemary.

5 ngôi nhà của gia đình John Kerry

1. Ngôi nhà tại đồi Beacon, Boston trị giá khoảng 6,9 triệu USD. Đây là nơi cư ngụ chính của TNS bang Massachusetts song ông đã thế chấp năm ngoái đề lấy 6 triệu USD vận động tranh cử. Nhà có 5 tầng, 12 phòng, 6 lò sưởi và một thang máy. Tại các phòng có treo những bức hoạ của Hà Lan và một bức chân dung Herman Melville.

2. Trang trại tại Fox Chapel, bang Pennsylvania trị giá khoảng 3,9 triệu USD. Đây là ngôi nhà quá khứ của Teresa, nơi bà từng nuôi nấng 3 đứa con trai. Khu nhà chính gồm 9 phòng quét sơn trắng nằm cuối con đường dành cho ô tô đi. Bên cạnh đó còn có một khu nhà hộp gồm 9 phòng.

3. Ngôi nhà tại Ketchum, bang Idaho trị giá khoảng 4,9 triệu USD. Đây là nơi gia đình Kerry dùng để nghỉ hè. Nhà được xây lại từ một ngôi nhà thô sơ của Anh thế kỷ 15.

4- Ngôi nhà tại Nantucket, bang Massachusetts trị giá khoảng 9,1 triệu USD. Gia đình Kerry thường dùng nơi đây để nghỉ hè và phục vụ đội ngũ tranh cử. Kerry và Teresa đã tổ chức lễ cưới tại đây.

5. Ngôi nhà tại Washington, D.C trị giá khoảng 4,7 triệu USD. Đây là nơi Kerry ở khi Thượng viện làm việc. Ngôi nhà gồm 23 phòng với một sân rộng. Tường các phòng được trang trí bằng đồ cổ, các tác phẩm nghệ thuật của danh hoạ Hà Lan và chân dung gia đình.

Và sự tự tin "hơi thái quá" tới mức "kiêu ngạo" của Kerry chính là vũ khí để ông bảo vệ bản thân tại trường Thánh Paul, trường nội trú thứ 3 mà ông được gửi tới năm 13 tuổi (đồng thời là trường thứ 7 ông theo học trong thời gian cha mẹ chuyển nơi ở). Ở đây, Kerry phát hiện ra một phong cách hài hước mới, một thứ "tôn ti xã hội" khác thường nơi kẻ trên hiếp đáp kẻ dưới và lúc đầu ông "không biết làm thế nào để thích ứng". Nhìn bề ngoài, trường Thánh Paul dường như tuân thủ theo một quy tắc đồng bộ, nơi quyền lợi được đảm bảo một cách tự nhiên, bình đẳng. Song thực tế, cũng giống như các trường trung học khác, trường Thánh Paul có đầy rẫy những khoảng cách, bè phái và tầng lớp. Hàng ngũ cao nhất được gọi là "Regs" (những người chính qui) đến từ những trường tư New York và là nguyên nhân tạo ra sự phẫn nộ trong các hàng ngũ còn lại.

Kerry gần như ở trong hàng ngũ này (tất nhiên không hoàn toàn như vậy). Một người bạn cùng trường tên là Richard de Revere nhớ về Kerry như một "kẻ hợm hĩnh trong số những kẻ hợm hĩnh". Kerry ăn mặc rất chải chuốt và là một nhà điền kinh giỏi. Đạo Thiên chúa dường không làm cho ông bị xa lánh và nguồn gốc trí thức của người mẹ đã bù đắp cho sự thiếu thốn về tài chính mà ông phải chịu (một người cô tại Winthrop trả tiền học phí cho Kerry). Tuy nhiên, Kerry đã phạm phải một sai lầm khá nghiêm trọng khi bày tỏ "tham vọng" của mình. "Anh ấy muốn được yêu quý nhưng tỏ ra quá nhiệt tình. John hơi vụng về trong cách tiếp cận mọi người, một chút hiếu chiến khi cố gắng kết bạn. Đó là lý do tại sao người ta nghĩ anh ấy là người tính toán", John Rousmaniere, một người học chung lớp với Kerry nói.

Tất cả những khó khăn này Kerry không thể chia sẻ với cha mẹ, song ông may mắn tìm được một người thầy thông thái có tên là John Walker, giáo viên da đen đầu tiên của trường (về sau Walker trở thành Giám mục nhà thờ Washington). Walker giúp đỡ Kerry và khuyến khích ông đọc sách của Ralph Waldo Emerson - tác giả bài viết nổi tiếng "Tự tin". Lúc này, Kerry đặc biệt tỏ ra thích thú với chính trị và các sự kiện thế giới. Ông bắt đầu tham gia các cuộc tranh luận và viết tham luận về "Cảnh khổ của người da đen". Ông "mê mệt" John F. Kennedy và thường xuyên đưa Kennedy vào các cuộc tranh luận.

Kerry khi là thanh niên.

Đại học Yale, nơi Kerry nhập học vào tháng 9/1962 dường như phù hợp với ông hơn. Kerry yêu thích Yale từ buổi đầu khi ông giới thiệu với người bạn ở chung phòng những miếu thờ trong trường, khu lăng mộ tối tăm trong thế giới bí mật của Yale - Đầu lâu và Xương xẩu. Kerry tỏ ra là một người thích hoà nhập và rất được chú ý ở Yale. Ông đánh bật một số đối thủ của mình bằng những hành động "phô diễn" nho nhỏ như viết thư miêu tả về đồ dùng văn phòng của cha tại Bộ Ngoại giao. Bạn tranh luận của Kerry, William Stanberry có lần nói: "John, đừng nên lúc nào cũng nói "Tôi muốn làm Tổng thống Mỹ".

Cũng tại Yale, Kerry bắt đầu bộc lộ mặt táo bạo trong cá tính của mình. Ông tham gia lớp học lái máy bay, lái xe tốc độ cao quanh châu Âu vào kỳ nghỉ hè. Người bạn cùng phòng Bundy từng từ chối ngồi chung máy bay với Kerry: "John luôn là một người ưa mạo hiểm". Tuy nhiên, trong cuộc phỏng vấn gần đây, Kerry phản đối cái "mác liều lĩnh" mà người ta "dán vào lưng ông". "Tôi không muốn leo núi đá. Tôi không muốn nhảy ra khỏi máy bay và cũng không ao ước làm chuyện này. Tôi làm những việc mà tôi nghĩ rằng nó có thể thực hiện được với nguyên tắc: nếu bạn có kỷ luật, bạn có thể làm chủ tình thế", Kerry nói.

Con đường tới Thượng viện

Trong thời gian tham gia cuộc chiến tranh tại Việt Nam, Kerry chỉ huy đội tàu tuần tra trên lưu vực sông Mekong. Tại đây, Kerry nhiều lần làm những người khác trong đội tuần tra hú vía vì sự liều lĩnh của ông. Cho tới tận bây giờ, nhiều người cùng tham gia chiến tranh với ông năm xưa dường như vẫn nể trọng ông.

Những gì Kerry đã làm trong cuộc chiến Việt Nam là một chủ đề thường xuyên được nhắc tới và bản thân Thượng nghị sĩ bang Massachusetts dường như không bỏ lỡ bất kì cơ hội nào để đề cập tới "những kinh nghiệm" của mình. Có nhiều người chỉ trích Kerry vì đã tỏ ra quá thích thú với việc giành được Huân chương Purple Heart chỉ vì một số vết thương ngoài da khi trở về từ Việt Nam và chỉ trích ông vì đã "phóng đại những tội ác chiến tranh mà Mỹ gây ra" sau khi trở thành nhà lãnh đạo chống chiến tranh.

Kerry chào các cựu đồng đội tại sân bay.

Nỗ lực đầu tiên của Kerry để tham gia vào chính trường nước Mỹ đã thất bại. Cả hai cuộc tranh cử quốc hội năm 1970, 1972 của ông đều không đi tới kết quả nào và ông đổ lỗi cho "thứ chủ nghĩa lý tưởng mù quáng và ngây thơ" của mình. Ông nói rằng "giá như có một người cha giống như Joe Kennedy" hay ông nội của cố Tổng thống Kennedy "Ngài Fitzgerald" thì có lẽ ông đã thành công. Ông coi Thượng nghị sĩ Edward Kennedy, một người bạn của ông tại Thượng viện trong suốt 20 năm qua, là "người thầy vĩ đại". "Tôi quan sát ông ấy xử lý các mối quan hệ tại Thượng viện. Khi tôi lần đầu tiên tham gia vào chính trường, tôi nghĩ đó là những vấn đề cần quan tâm. Tuy nhiên, không phải như vậy, chính con người mới là đối tượng cần chú ý và tôi đã hiểu ra điều đó", Kerry thừa nhận.

Kerry tỏ ra nghiêm túc học hỏi Kennedy khi hai người cùng tranh cử trong năm qua, song nếu so sánh giữa hai người, ông vẫn tỏ ra hơi mờ nhạt. Một nguyên nhân khiến Kerry không thể hoàn toàn gắn kết với các đồng nghiệp tại Thượng viện chính là do cuộc sống gia đình khá phức tạp. "John dành rất nhiều thời gian trở về Massachusetts vào dịp cuối tuần để gần các con gái", Jonathan Winer, người từng là cố vấn chính của Kerry nói, "Vì ông ấy không tỏ ra cởi mở, ông ấy không thể xây dựng được bất kì mối quan hệ thân thiết nào tại đây". Vợ trước của Kerry, Julia Thorne vì bất mãn đã yêu cầu ly thân năm 1982. Muốn chăm sóc hai con gái, Alexandra và Vanessa, Kerry phải bay về Boston hai lần một tuần.

Trong những năm khó khăn này, ông già Richard Kerry thỉnh thoảng mời người David Thorne - anh vợ của Kerry đi ăn trưa để nói chuyện về John. Thực tế là người cha tỏ ra thoải mái khi nói chuyện với bạn của con trai hơn là với chính con trai mình. Năm 1988, khi John Kerry và Julia chính thức ly dị, Thượng nghị sĩ bang Massachusetts từng nói tâm sự với người anh vợ rằng ông thực sự cô độc và khốn khổ. Ông không thể hò hẹn với bất kỳ người đàn bà xinh đẹp nào.

Một gia đình mới và "vẫn bí ẩn"

Trong những năm 1980, Kerry thường xuyên phải ngủ trên trường kỷ hoặc "qua đêm" ở nhà bạn bè. Ông đã khánh kiệt, song tất nhiên không nghèo khổ đến mức không thể mua được chiếc xuồng máy tốc độ cao trị giá 20.000 USD và một chiếc mô tô đua Italia trị giá 8.000 USD. "Ông ấy thích tiền. Ông ấy muốn sống trong những ngôi nhà đẹp, đi du lịch khắp nơi", Thorne kể lại. Tuy nhiên, Kerry không bao giờ cố gắng làm thoả mãn những người giàu có. Ông đã nhiều lần khước từ cơ hội làm giàu bằng việc tham gia khối tư nhân. Bà Teresa Heinz, người Kerry kết hôn năm 1995 đã gọi cuộc sống của ông trong thập niên 80 và đầu thập niên 90 là "những năm tháng Gypsy".

Những đứa con của Kerry.

Với tài sản trị giá hơn 1 tỉ USD thừa hưởng từ ông chồng quá cố, Teresa đã tặng cho người chồng mới của mình 5 ngôi nhà và mọi thứ tiện nghi. Không chỉ giúp đỡ về mặt tài chính, Teresa cũng là người ủng hộ về tinh thần cho Kerry. Bà trao cho ông sự ấm áp mà ông thiếu vắng trong suốt quãng thời gian quá khứ. Điều này khiến Kerry thực sự quan tâm tới gia đình mới và đông đúc của mình: 2 con gái riêng và 3 người con riêng của vợ là Chris, John IV và Andre. Tuy nhiên, bà Teresa thường xuyên nói về người chồng đầu tiên của mình, Thượng nghị sĩ John Heinz, người tử nạn trong tai nạn máy bay năm 1991, với tình yêu thương và niềm tự hào đặc biệt.

Trong công việc, Kerry sẵn sàng tạo lập ra những liên minh bất bình thường miễn là liên minh ấy phục vụ những mục đích lớn hơn. Ông từng làm việc với Thượng nghị sĩ phe cánh hữu Jesse Helms về vụ scandal Iran-contra. Ông cũng săn sàng đảm nhiệm những vấn đề không hề được công chúng chú ý chỉ bởi vì ông nghĩ những vấn đề đó đưa đến sự cải cách.

Kerry và vợ tại buổi vận động tranh cử.

Hầu hết các ứng viên tổng thống đều thích đi cùng một người bạn thân, thường là một chính trị gia ngang hàng với mình có thể pha trò và nhắc nhở khi họ có sai lầm. Nhưng Kerry thì khác, ông thích những cuộc tìm kiếm đơn độc, thích đánh ghi ta hay xem một bộ phim cũ. Một đêm 4/7, Kerry vẫn nán lại trên chiếc máy bay vận động tranh cử dù nó đã hạ cánh trước đó 15 phút. Người ta nói đó là vì lý do thời tiết, nhưng thật sự ông ngồi lại chỉ vì muốn xem hết bộ phim "Field of Dreams", và đó không phải là lần đầu ông xem phim này. Bộ phim là câu chuyện của một người đàn ông với ước mơ đã trở thành hiện thực tại Iowa. Nhân vật chính luôn có khoảng cách với người cha và muốn đi trên con đường dài để tự tìm thấy chính mình. Có thể đó là hình ảnh của Kerry - một Kerry không mệt mỏi, vẫn đang mải mê tìm kiếm chính mình.

  • Tân Huyền - (Tổng hợp)

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,