Một quốc gia châu Phi bộn dầu mỏ, một nhà lãnh đạo từng bị cáo buộc "ăn thịt người" và một âm mưu đảo chính - tất cả đều liên quan tới Sir Mark Thatcher - Quý tử của "bà đầm thép" và "đống" tay sai do cựu sĩ quan SAS cầm đầu.
Thông tin "con trai cựu Thủ tướng Anh Margaret Thatcher bị bắt tại tư dinh ở Cape Town, Nam Phi do liên quan tới âm mưu lật đổ Tổng thống Guinea Xích đạo, ông Teodoro Obiang Nguema" đã xuất hiện trên hầu hết các tờ báo lớn của thế giới ngày hôm qua (25/8). Hẳn nhiều người quen biết với gia đình Thatcher không lấy làm ngạc nhiên trước "bảng thành tích bất hảo" của Sir Mark Thatcher bấy lâu nay, song vụ việc ngày hôm qua có lẽ là cú sốc nặng nhất đối với họ.
Làm giàu nhờ tên của mẹ
Ngày 15/8/1953, Mark và người em gái song sinh Carol đã ra đời nhờ phương pháp Xê-da (thủ thuật mổ bụng và tử cung người phụ nữ để lấy đứa bé ra) trong khi người cha, quý ngài Denis Thatcher, một doanh nhân rất thành đạt trong lĩnh vực dầu khí đang theo dõi một trận đấu crickê tại sân Oval, phía nam London.
Mặc dù chào đời cùng một giờ, song cặp song sinh lại có tính khí hoàn toàn khác nhau: Carol thì vui vẻ, hoà nhã trong khi Mark lại hướng vào nội tâm và nghiêm túc.
Được đào tạo tại trường Harrow, Mark chỉ vượt qua 3 kỳ thi kiểm tra cấp trung học. Sau khi thất bại trong 3 cuộc thi tuyển kế toán, Mark bắt đầu thử làm một số nghề trong đó có nghề đầu cơ chứng khoán tại Nam Phi, một công việc tại Hongkong và thậm chí từng bán đồ nữ trang.
Đến năm 1977, Mark đột nhiên có giấc mộng trở thành một tay đua xe và đã thành lập Câu lạc bộ đua Mark Thatcher. Câu lạc bộ của Mark nhanh chóng đi tới giải tán vì khó khăn về tài chính song quyết tâm của ngài Thatcher muốn biến đua ô tô thành môn thể thao đẳng cấp thế giới cuối cùng đã biến anh trở thành tâm điểm nhạo báng của giới báo chí Anh.
Năm 1982, Mark tham gia cuộc đua đường trường Paris-Dakar và bị lạc tại sa mạc Sahara khiến mẹ anh, Thủ tướng Margaret Thatcher bị một phen hú vía. Đó là lần duy nhất trong cả nhiệm kỳ thủ tướng, người ta thấy bà khóc trước công chúng. Mark không hề có sự chuẩn bị trước khi tham gia cuộc đua nhưng lại không thừa nhận rằng mình sai lầm. Tính cách kiêu ngạo này đã được bộc lộ rõ khi giới báo chí phát hiện ra Mark. Anh tiếp đón các phóng viên Fleet Street bằng cách bắt chước câu nói nổi tiếng của Bruce Forsyth: "Rất vui được gặp các bạn, gặp các bạn thật là vui". Người cha, Nam tước Denis Thatcher đã phải tới tận Algeria để tham gia nỗ lực tìm kiếm cậu quý tử. Song khi tìm được anh, Mark lại từ chối bắt tay ông để chụp ảnh. Còn tồi tệ hơn nữa khi Mark không chịu cảm ơn đội tìm kiếm cứu hộ Algeria theo phép lịch sự tối thiểu khiến người cha bị "bẽ mặt".
Quan hệ giữa Mark và giới báo chí luôn gặp khó khăn. Khi phóng viên Mark Hollingsworth, đồng tác giả cuốn sách "Cuộc đời và những giai đoạn của Mark Thatcher" tìm cách tiếp cận Mark, anh phúc đáp bằng một bức fax có nội dung như sau: "Như ông đã biết, tôi không có nguyện vọng được nói chuyện với ông. Tôi cũng không có gì để nói hết. Tạm biệt".
Quả thật, những "giai thoại" về sự kiêu ngạo của Mark thì vô số kể. Có lần anh nói với một nữ chiêu đãi viên hàng không muốn hỏi tên anh rằng: "Nếu cô không biết tên tôi lúc này, sẽ không bao giờ cô biết được". Những người chỉ trích Mark cho rằng anh có tính khí thất thường, hoang tưởng và thậm chí hơi "ấm đầu". Mark cũng rất thích gây gổ và thường tự giới thiệu bản thân tại các cuộc hội họp là "Mark vô duyên".
Khi Mark 26 tuổi, mẹ anh - Nam tước phu nhân Thatcher trở thành Thủ tướng Anh. Song Mark vẫn là một nhân vật "đáng ghét" trong hàng ngũ các nhân vật chóp bu. Dù vậy, Nam tước phu nhân Thatcher vẫn "thần tượng hoá" con trai mình. Có lần bà nói: "Mark có thể bán tuyết cho người Eskimo và bán cát cho người Ảrập". Song đối với những người từng tình cờ bặp Mark, anh là người lạnh lùng và khó gần. Đối với những người muốn giữ gìn hình ảnh của Thủ tướng Thatcher trong lòng công chúng, Mark quả thật là một "của nợ". Một lần, Mark hỏi Sir Bernard Ingham, cựu trợ lý báo chí của Thủ tướng Thatcher rằng làm thế nào anh có thể giúp mẹ giành chiếc thắng trong cuộc tổng tuyển cử năm 1987. Ông Ingham đáp: "Hãy rời khỏi nước Anh".
Tuy nhiên, còn có nhiều điều tồi tệ hơn nữa xảy đến với Mark. Trước vụ scandal trên sa mạc Sahara năm 1982, Mark đã tới Oman gần như cùng thời gian Thủ tướng Thatcher tới thăm chính thức quốc gia này. Lúc đó, Mark đang điều hành một "công ty tư vấn quốc tế" có tên Monteagle Marketing.
Theo tác giả Hollingsworth: "Bản chất cá tính của Mark, cũng giống như quý tử của nhiều nhân vật thành đạt khác, là anh khao khát muốn làm hài lòng song lại không có đủ những khả năng cần thiết hoặc đạo đức nghề nghiệp để đạt được điều mình muốn. Khao khát muốn làm mẹ vui, Mark đã lựa chọn đường đi "tắt". Việc này liên quan tới những vụ trao đổi sử dụng tài sản duy nhất anh có, đó là cái tên. Đây chính là điểm khởi nguồn của mọi rắc rối".
Là một người luôn đặt niềm tin vào thị trường tự do, Mark cho rằng anh có quyền kinh doanh ở bất cứ nơi nào và với bất kì ai anh chọn. Tại Oman, Mark đã đỡ đầu một hợp đồng trị giá nhiều triệu USD của Cementation xây dựng một trường đại học tại đây. Khi câu chuyện vỡ lở năm 1984, những đồng minh thân cận nhất của bà Thatcher đã lưu ý bà nên gửi Mark đi xa ngay lập tức. Và Mark tới Texas, nơi anh gặp và cưới nữ triệu phú Diane Burgdorf. Năm 1986, có thông tin cho rằng anh đã đóng vai trò chủ yếu trong một hợp đồng giữa British Aerospace và chính phủ Ảrập Xêút, "ôm gọn" khoản hoa hồng trị giá 12 triệu bảng. Mặc dù không ai có thể đưa ra con số chính xác, số tiền thu được từ thoả thuận này đã giúp tạo nền tảng cho toàn bộ cơ đồ của Mark. Vụ mua bán là một phần nằm trong thoả thuận al-Yamamah về vũ khí quân đội do đích thân Thủ tướng Thatcher ký. Khi vụ việc bị phát giác gần 5 năm sau, khi mẹ anh đã rời khỏi phố Downing, đã có một làn sóng phản đối của công luận. Những người ủng hộ Thatcher về sau thừa nhận rằng nếu vụ việc vỡ lở trong nhiệm kỳ của bà Thatcher, có thể ba bị buộc phải từ chức.
Rắc rối dường như luôn đeo bám quý tử Thatcher dù ông đi bất cứ nơi nào. Khi đã trở thành thương nhân tầm cỡ quốc tế, một nhân vật giàu có và quan hệ rộng rãi trong giới thượng lưu, Mark vẫn tiếp tục gây ra những vụ scandal. Khi công ty báo động an ninh của Mark bị phá sản, Sở thu thuế nội địa Mỹ đã tiến hành cuộc điều tra nhằm vào những khoản thuế mà công ty Mark chưa trả. Ông còn dính líu vào vụ kiện tụng liên quan tới việc tiếp quản công ty nhiên liệu hàng không Ameristar.
Năm 1995, trước những tin đồn quan hệ vợ chồng của Mark đang gặp trục trặc, ông chuyển tới Nam Phi. Tuy nhiên, những đồn đại vẫn không dứt. Có thông tin cho rằng Mark sử dụng một bản chép tay của mẹ gửi cho người cầm quyền Abu Dhabi để bảo vệ một hợp đồng kinh doanh của mình. Tên của Mark thậm chí còn được đề cập trong vụ đập nước Pergau, trong đó viện trợ của chính phủ Anh dành cho Malaysia liên quan tới hợp đồng trị giá 1,3 tỉ bảng. Ba năm sau khi Mark tới Cape Town, rắc rối còn trầm trọng hơn. Ông bị buộc phải trả lời những câu hỏi trong một vụ điều tra chống tham nhũng được tiến hành sau khi công ty Matrix Capital của ông bị phát hiện đã cho các quan chức chính phủ nợ 900 khoản vay. Mark tuyên bố ông chỉ đơn thuần tìm cách giúp đỡ họ.
Tất cả những sai lầm của Mark chưa bao giờ được chứng minh. Kể từ năm 1995, ông dường như đã "mai danh ẩn tích". Năm ngoái, Mark thừa kế tước hiệu Nam tước của cha. Song sự nguỵ trang này cũng không thể xoá sạch những đồn đại về ông trong nhiều năm qua.
Hôm qua, một lần nữa, rắc rối lại xảy đến với Mark. Và lần này, vấn đề thật sự nghiêm trọng.
Guinea Xích đạo và vị tổng thống "khát máu"
Guinea Xích đạo là một quốc gia Tây Phi nghèo nàn nằm giữa Cameroon và Gabon. Tuy nhiên, Guinea Xích đạo bắt đầu trở thành tiêu điểm của những hoạt động trục lợi thời kỳ giữa những năm 1990 khi các mỏ dầu trữ lượng lớn được phát hiện ngoài khơi bờ biển nước này.
Hiện Guinea Xích đạo là nước sản xuất dầu lớn thứ 3 châu Phi với sản lượng 350.000 thùng/ngày. Như lời Tổng thống Teodoro Obiang Nguema, chính "chất mật ngọt ngào mới mẻ này" đã thu hút "bầy ong từ nước ngoài". Song bất chấp thực tế này, người dân thường Guinea vẫn rất nghèo vì không được "hưởng lợi" từ kho báu mà tự nhiên ban tặng cho họ. Trong khi đó, Tổng thống Obiang bị cáo buộc đã hút hết nguồn lợi từ dầu mỏ vào két riêng của mình. Khi ông lật đổ sự thống trị của người chú năm 1979, Tổng thống Obiang đã cam kết với người dân Guinea Xích đạo rằng những năm dài sống trong chế độ độc tài đã kết thúc. Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo của Obiang, Guinea Xích đạo nhanh chóng trở thành một trong những đất nước nơi người dân bị đối xử hà khắc và ngược đãi nhiều nhất thế giới.
Tổng thống Obiang có thể tự tuyên bố Guinea Xích đạo là một chế độ dân chủ lập hiến, song thực tế, đất nước này lại bị cai trị bởi một chế độ độc tài, chuyên sử dụng những cuộc bầu cử gian lận và đàn áp phe đối lập để duy trì quyền lực. Sự tăng trưởng đột ngột của nền kinh tế nước này đã tạo một động lực mới cho các phong trào ly khai và mâu thuẫn sắc tộc. Tổng thống Obiang tuyên bố trong vài năm qua, ông đã phát hiện nhiều âm mưu nhằm lật đổ ông.
Tuy nhiên, các thành viên phe đối lập cho rằng một số nỗ lực đảo chính có thể chính là "kịch bản" mà ông Obiang dàn dựng để giải thích cho hành động đàn áp các đối thủ của mình. Có rất nhiều giai thoại về sự ngược đãi và tàn sát trong chế độ của ông Obiang. Tổ chức ân xá thế giới đã công bố báo cáo về hành động ngược đãi phe đối lập trong đó nêu ra các bằng chứng về việc cầm tù mà không hề xét xử.
Hoạt động của phe đối lập cũng bị cản trở bởi quy định kiểm soát thông tin báo chí. Chính vì lẽ đó, không có gì ngạc nhiên khi cả hai cuộc bầu cử đa đảng vừa qua tại nước này, ông Obiang đều giành thắng lợi với 98% số phiếu.
Tuy nhiên, sai lầm của ông Obiang không đơn thuần dừng lại ở đó. Lãnh đạo chính phủ đối lập lưu vong ở Tây Ban Nha, Severo Moto Nsa, người đồng thời tiến hành cuộc đảo chính gần đây nhất đã miêu tả ông Obiang là một "kẻ ăn thịt người". Ông Moto kể rằng Tổng thống bị những nhà tiên tri trong nước khuyên phải giết những người thân cận với ông để duy trì quyền lực. Kể từ lúc đó, ông Obiang đã tàn sát và ăn thịt tất cả những người mà ông coi là mối đe doạ. "Ông ta đã ăn ngấu nghiến một cố vấn cảnh sát", ông Moto phát biểu trên đài phát thanh Tây Ban Nha hồi tháng 3, "Tôi dùng từ 'ăn ngấu nghiến' vì viên cố vấn này được chôn mà không có bộ não. Chúng ta đang ở trong tay một kẻ ăn thịt người".
Âm mưu đảo chính
Nhân vật chính trong âm mưu lật đổ Tổng thống Obiang là Simon Mann, một cựu sĩ quan SAS và là người thừa kế "vương quốc" bia Watney. Ông Mann cũng từng là sinh viên trường Eton trứ danh, nơi chỉ dành cho các vương tôn, công tử theo học.
Tại Anh, Mann có quan hệ với Mark và Ely Calil, một nhà kinh doanh dầu lửa London từng làm kiếm lợi nhờ các hợp đồng dầu mỏ tại Nigeria. Hồi tháng 6/2002, Calil bị cảnh sát Pháp thẩm vấn vì các khoản hoa hòng trị giá hàng triệu bảng mà một công ty dầu của Pháp, Elf Aquitaine đưa cho Sani Abacha, cựu lãnh đạo Nigeria. Ông Calil, người gốc Lebanon từng là một cố vấn tài chính cho Thượng nghị sĩ kiêm cựu phó Chủ tịch đảng Bảo thủ Jeffrey Archer. Có tin cho rằng ông Archer từng đưa cho Mann 80.000 bảng, song ông khẳng định không biết gì về âm mưu đảo chính.
Hiện nhà kinh doanh dầu lửa Calil đang sống trong một dinh thự trị giá 12 triệu bảng tại Chelsea. Ngoài ra, ông còn có một số bất động sản khác để cho thuê. Peter Mandelson khi còn là Bộ trưởng phụ trách Bắc Ai Len cũng là một khách hàng từng thuê căn hộ tại Công viên Holland trị giá 500.000 bảng của Calil. Tuy nhiên, không có bất kì dấu hiệu nào cho thấy ông Mandelson có những mối liên hệ khác với nhà kinh doanh dầu lửa này.
Trở lại với cựu sinh viên trường Eton, Simon Mann. Suốt 5 tháng nay, ông đang bị giam giữ tại nhà tù Chikurubi, ngoại ô thủ đô Harare, Zimbabwe với tội danh chủ mưu đảo chính. Mann từng kêu gọi sự giúp đỡ của Sir Mark, người được thừa hưởng tòng Nam tước từ người cha đồng thời là hàng xóm của Mann tại khu ngoại ô Capetown, Nam Phi.
Người chỉ huy nhóm lính đánh thuê này cũng yêu cầu sự giúp đỡ từ David Hart, một cựu sinh viên trường Eton khác đồng thời là nhà kinh doanh có những quan điểm cánh hữu. Ông từng là cố vấn của Thủ tướng Thatcher thời gian xảy ra vụ đình công của công nhân mỏ Anh và sau đó giúp Michael Portillo trở thành lãnh đạo đảng Bảo thủ.
Trong một lá thư gửi từ trại giam ngày 21/3 cho vợ là Amanda và đội luật sư biện hộ, ông Mann viết: "Tình hình của chúng ta không được tốt lắm, có thể nói là rất KHẨN CẤP. Họ (những luật sư) không nhận được phản hồi từ Smelly và Scatcher - hai người đã yêu cầu họ gọi điện lại sau khi cuộc đua ô tô tranh giải quán quân thế giới kết thúc. Tôi phải nhắc lại một lần nữa: điều sẽ giúp chúng ta thoát khỏi nơi này chỉ có thể là Cái đinh đầu to. Chúng ta cần những thế lực có ảnh hưởng mạnh như vậy......Smelly, Scratcher.......David Hart...Một khi chúng ta thực sự phải ra toà, chúng ta....".
Theo các bạn hữu người Nam Phi của ông Mann, tên "Scratcher" chính là Mark Thatcher và "Smelly" chính là Calil. Imran Khan, một luật sư uy tín tại London từng tham gia một vài vụ liên quan tới phân biệt chủng tộc hiện bào chữa cho ông Calil. "Chúng tôi sẽ chống lại những cáo buộc vô lý này tới cùng. Chẳng có cơ sở gì để kết luận như vậy", Khan nói.
Hiện ông Calil đang bị chính phủ Guinea Xích đạo kiện tạo Toà án dân sự tối cao London vì "âm mưu lật đổ chính phủ hợp pháp tại Guinea Xích đạo qua những hành vi bị coi là tội ác theo luật Anh..". Cùng xuất hiện trong đơn kiện của chính phủ Guinea Xích đạo là ông Mann, ông Moto - người đang ở Madrid và Grey Wales - một thương gia sống tại London.
Simon Mann là một cựu chiến binh có rất nhiều kinh nghiệm trong những hoạt động mật tại châu Phi. 11 năm trước, ông thành lập một nhóm quân sự riêng có tên Executive Outcomes cùng với một phụ tá có tên Tony Buckingham. Nhóm này thu được hàng triệu bảng từ phiến quân Unita bằng việc bảo vệ các kho dầu tại Angola. Nhóm quân sự này cũng chiến đấu chống lực lượng nổi dậy tại Sierra Leone. Chính phủ Guinea Xích đạo cho rằng nhóm đảo chính do Simon Mann cầm đầu đã tổ chức nhiều cuộc họp bí mật tại Nam Phi, Tây Ban Nha và Anh nhằm vạch kế hoạch tấn công thủ đô nước này là Malabo.
Theo nội dung biên bản hỏi cung một số thành viên của nhóm nổi loạn bị bắt giữ tại Malabo, Tổng thống Obiang có thể sẽ bị "tống cổ" sang Tây Ban Nha, hoặc bị giết. Tuy nhiên, theo ông Ronnie Kasrils, Bộ trưởng Tình báo Nam Phi, nhân viên của ông đã báo động với nhà chức trách Zimbabwe đúng lúc nhóm đảo chính bay tới thủ đô Harare, Zimbabwe để lấy vũ khí trước khi tới thủ đô Guinea Xích đạo. Ngay lập tức, ông Mann và 66 người Nam Phi, đa phần trong số này là cựu thành viên lực lượng đặc nhiệm, bị bắt giữ khi chiếc Boeing 727 hạ cánh tại Harare ngày 7/3. Ngày hôm sau, 15 người khác trong đó có Nick du Toit, cựu binh sĩ Nam Phi cũng bị bắt tại Malabo. Trong biên bản thú nhận, ông Mann khai đã gặp Calil tại London và yêu cầu Calil giới thiệu ông với lãnh đạo lưu vong Moto. Mann cũng khai ông được giới thiệu với một nhân vật lưu vong khác, người kể với Mann rằng ông ta bị buộc phải chứng kiến cảnh Tổng thống Obiang cưỡng hiếp vợ ông ta.
Tại phiên toà đầu tiên ở Harare, ông Mann và các tay chân thú nhận đã trả 100.000 bảng mua vũ khí song nhấn mạnh họ chỉ đơn giản triển khai an ninh cho một mỏ kim cương tại CHDC Congo. Trong khi đó, tại toà án Malabo, ông du Toit tuyên bố Sir Mark không liên quan gì tới âm mưu này song vẫn khai hai người đã gặp gỡ vài tháng trước đó. Theo lời du Toit, Sir Mark rất quan tâm tới việc mua vũ khí hạng nặng cho một hợp đồng khai thác mỏ tại Sudan.
Đã xuất hiện những thông tin cho rằng Sir Mark từng tìm cách trốn khỏi Nam Phi trước khi bị bắt. Cảnh sát Anh cho hay Mark đã rao bán căn hộ trị giá 2 triệu bảng tại Cape Town và đăng ký cho hai con học tại trường Mỹ. Mark cũng bị phát hiện đã đặt vé máy bay cho cô vợ Mỹ Diane Burgdorf và hai con tới Dallas. Hai vợ chồng vẫn còn một căn nhà tại khu công viên Highland ở Texas.
Hiện các nhà điều tra đang tập trung vào một nhân vật có tên James Kershaw, 24 tuổi. Kershaw là chuyên gia máy tính sở hữu một danh sách mang tên "Wonga List" trong đó chứa danh tính của những nhân vật giàu có và thế lực bị cáo buộc ủng hộ âm mưu đảo chính tại Guinea Xích đạo. Kershaw sẽ trao bằng chứng này cho chính phủ Nam Phi tại phiên toà xét xử Sir Mark.
-
Tân Huyền - (Tổng hợp)