Chỉ với một chỗ dựa khiêm tốn, trùm khủng bố gốc Jordan đã dùng Internet để biến mình thành một nhân vật "tử vì đạo". Liệu y có bị tóm hoặc tiêu diệt trước ngày 2/11, đúng lúc để giúp ông Bush tái cử nhiệm kỳ 2 hay không?
Có tin đồn rằng thời kỳ "hoàng kim" của Abu Mussab al-Zarqawi sắp đến hồi kết thúc. Nhiều quan chức Mỹ và chính phủ Iraq cho biết họ đang xiết chặt vòng vây xung quanh tên trùm khủng bố gốc Jordan này. Hầu như ngày nào quân đội Mỹ cũng thông báo về các trận không kích nhằm vào nơi ẩn náu của Zarqawi và các kho chứa vũ khí của y tại thành phố Fallujah. Chính phủ do Thủ tướng Ayad Allawi lãnh đạo thì cho rằng đây là dấu hiệu của một sự "khởi đầu về chính trị".
Trong khi đó, bản thân các nhóm nổi dậy tại Iraq cũng cảm thấy "bị lu mờ" trước sự diễu võ giương oai của tên hàng thịt ngoại bang này, từ những vụ chặt đầu con tin Mỹ, Anh và một số nước khác tới các vụ tấn công liều chết sát hại thường dân Iraq. "Những nhóm nổi dậy khác đã chán ngán Zarqawi", một quan chức cao cấp trong chính phủ Iraq nói. "Y đã giành hết sự chú ý của dư luận và mục tiêu của các nhóm này bị lu mờ bởi động cơ tàn bạo của y".
Với lý do này, rất có thể trong tương lai gần, dư luận sẽ được nghe những thông tin lạc quan về ngày tàn của Zarqawi. Vấn đề ở chỗ bao giờ? Có thể nào thông tin đến trước ngày 2/11 hay không? Các quan chức tại Baghdad biết rõ rằng một khi Zarqawi bị phản bội, bị bắt hoặc giết, Tổng thống Mỹ George W. Bush sẽ giành được ưu thế nhiều hơn trong các cuộc thăm dò dư luận.
"Chúng tôi sẽ làm mọi thứ để giúp người bạn của chúng tôi bên kia đại dương được tái cử", một quan chức Iraq phát biểu với phóng viên. Tất nhiên, không hề có gì để đảm bảo điều này. Song người ta đã nghe phong phanh thông tin từ một nhân vật Hồi giáo cực đoan có liên hệ mật thiết với các nhóm ly khai chính tại Iraq rằng: "Nhiều tổ chức đang tìm cách loại bỏ Zarqawi, thậm chí sẽ dùng vũ lực nếu cần thiết". Cũng có những tin đồn cho biết các phần tử nổi dậy tại Iraq đã công khai xung đột với tay chân của Zarqawi cách đây 3 ngày.
Điều quan trọng là phải chú ý tới số lượng "khiêm tốn" những kẻ theo đuôi Zarqawi. Các nguồn tin tình báo quân đội Mỹ và những nguồn tin thân cận với nhiều nhóm nổi dậy ước tính Zarqawi có không hơn 200 kẻ ủng hộ. Ngược lại, những phần tử nổi dậy Iraq bản địa lại có tới hàng nghìn, nếu không muốn nói là chục nghìn người ủng hộ. Những người này hàng ngày tiến hành rất nhiều vụ tấn công nhằm vào binh sĩ Mỹ. "Họ chỉ muốn đẩy những kẻ đã chiếm đất nước này ra ngoài. Họ không tiến hành khai chiến với cả thế giới giống kiểu Zarqawi".
Trên thực tế, Iraq chưa bao giờ là nguyên nhân dẫn tới hành động tàn bạo của Zarqawi. Iraq chỉ đơn thuần là nơi y thực hiện những hành động ấy. Y thể hiện sự thành thạo và tàn bạo trong các chiến dịch, song trong một bức thư y gửi cho giới lãnh đạo Al-Qaeda hồi tháng 1, Zarqawi lại phàn nàn rằng những phần tử ly khai Iraq không ủng hộ tham vọng mang tính toàn cầu của y.
Là một kẻ chỉ biết chút chữ nghĩa lớn lên tại thị trấn Zarqa ở Jordan với tên thật là Ahmad Fadeel Nazzar al-Khalayleh, trong thập niên 1990, Zarqawi không hề biểu lộ nhiều dấu hiệu cho thấy y sẽ trở thành một tên khủng bố. Y tới Afghanistan, âm mưu lật đổ chế độ vương quyền Jordan song bị bắt và bị trục xuất. Y trốn sang Pakistan, Iran rồi sau đó lại về Afghanistan và chưa một lần gây sự chú ý của những "chiến binh" cả trong và ngoài thế giới Hồi giáo.
Song từ khi Mỹ tấn công Afghanistan khiến những kẻ khủng bố phải tháo chạy ra nhiều nước trên thế giới giống như những tế bào ung thư lan ra khắp cơ thể do bàn tay của một bác sĩ phẫu thuật tồi, Zarqawi bắt đầu hình thành một tham vọng. Y tới những vùng núi hẻo lánh phía bắc Iraq nơi nhóm người Kurd chính thống có tên Ansar al-Islam sinh sống. Các thông tin tình báo tại Italia, Đức, Pháp và Tây Ban Nha cho thấy có khả năng y hợp tác với nhóm Ansar và các phe phái cực đoan khác tại châu Âu nhằm thiết lập những mạng lưới mới, tuyển mộ tân binh, gửi những tên này trở lại Iraq cả trước và sau khi Mỹ tấn công.
Zarqawi chỉ bắt đầu trở nên "nổi tiếng" khi Ngoại trưởng Mỹ Colin Powell tìm cách miêu tả y là "sợi dây liên hệ bị bỏ sót" giữa Saddam Hussein và Osama bin Laden nhằm chứng minh sự cần thiết phải tiến hành cuộc chiến Iraq. Thực ra, bằng chứng về mối liên hệ trực tiếp giữa Saddam và Al-Qaeda rất mong manh, giống như ông Powell từng tuyên bố trước LHQ. Song giờ đây, khi tên của Zarqawi đã được "sử sách biết đến". Chân dung y xuất hiện khắp mọi nơi. Sau khi Mỹ tấn công Iraq và thiết lập sự kiểm soát tại đây từ tháng 8 năm ngoái, một lần nữa chân dung của Zarqawi lại được vẽ ra nhằm trả lời cho câu hỏi: ai là kẻ đứng sau làn sóng đánh bom tự sát lan tràn.
Nhưng thật lạ lùng, trong suốt một thời gian dài, Zarqawi không hề lên tiếng. Paul Eedle, một trong những chuyên gia hàng đầu của Anh nghiên cứu về vấn đề truyền bá đạo Hồi mới cho rằng Zarqawi chỉ bắt đầu sử dụng mạng từ tháng 4 vừa qua, khi nhóm của y tuyên bố nhận trách nhiệm cho vụ tấn công một mỏ dầu ngoài khơi bờ biển Iraq. Kể từ lúc đó, y tiến hành một chiến dịch tàn bạo, "xây dựng thương hiệu", tô vẽ cho chính bản thân trở thành một nhân vật "thánh chiến Hồi giáo".
Vụ sát hại nhà thầu Mỹ Nick Berg hồi tháng 5 đánh dấu một "giai đoạn mới" trong chiến lược của Zarqawi nhằm thu hút sự chú ý của thế giới. "Hành vi ngông cuồng trên phương tiện truyền thông" gần đây nhất của y chính là chiến dịch tuyên truyền dai dẳng trước vụ sát hại con tin Anh Kenneth Bigley cách đây 2 tuần. Trong thế giới mạng Hồi giáo cực đoan, các trang web hâm mộ Zarqawi đã mọc lên như nấm. "Không thể xác định được nhân vật này đã trở nên hoang tưởng như thế nào. Y đã đi từ chỗ chỉ muốn tìm cho mình một tên gọi đến chỗ muốn trở thành một "chiến sĩ tử vì đạo" số 1 tại Iraq", Eedle nói.
Và dường như để "tô vẽ thêm" cho bản thân, cách đây 2 ngày, Zarqawi đã đưa ra một động thái mới lạ. Y cam kết sẽ trung thành với Osama bin Laden, coi mình là viên chỉ huy hàng đầu của Bin Laden tại một trong những chiến trường trọng yếu của cuộc thánh chiến toàn cầu.
Đối với chính quyền Bush, việc bắt hoặc giết tên sát nhân này trước kỳ bầu cử Mỹ được coi là điều tốt đẹp nhất, đứng sau việc bắt và giết bin Laden. Song chưa chắc mọi việc đều xuôn xẻ. Làn sóng nổi dậy tại Iraq vẫn tiếp diễn, thậm chí có thể phát triển mạnh hơn nếu không còn bóng dáng "tên hàng thịt" này. Và điều quan trọng khác là: bin Laden vẫn còn sống.
-
Huyền Trang - (Tổng hợp)