Theo kết quả một cuộc thăm dò dư luận quốc tế gần đây, Nga là một trong số những quốc gia ủng hộ đương kim Tổng thống Bush tái cử. Trong khi đó, TNS Kerry lại dành được sự "mến mộ" của người Pháp và một số quốc gia Tây Âu khác. Tại sao lại vậy?
Trước hết, đó là vấn đề về phong cách bên ngoài và lối cư xử. Mặc dù cả ông Kerry và ông Bush đều thuộc cùng một tầng lớp danh giá trong xã hội Mỹ, nhưng ông Bush có vẻ bề ngoài và phong cách độc lập, mạnh mẽ trong khi TNS Kerry lại có một vẻ "đài các" giống một loài hoa phong lan. Người Nga vốn không thích sự "tinh tế" và lối ứng xử mềm dẻo, họ thích sự thẳng thắn và "đàn ông". Nhưng người Pháp thì ngược lại, họ yêu thích sự tinh tế, họ yêu sự lãng mạn và "quý tộc".
Thứ hai, đối với người Nga, Kerry tỏ ra quá "chau truốt", quá "trí thức", quá "có giáo dục". Ông giống như một nhà quý tộc, giòng dõi trâm anh và tất nhiên, điều này làm ông hơi "xa lạ", cách biệt (nhiều cử tri Mỹ cũng phàn nàn về điều này).
Trong khi đó, người Nga lại thấy Tổng thống Bush rất gần gũi và thân mật. Cũng giống Tổng thống Nga Vladimir Putin, ông Bush thường đề cao "lòng yêu nước", dành nhiều sự quan tâm tới các lực lượng vũ trang. Có một giai thoại về Tổng thống Mỹ khi ông mặc một bộ đồ phi công, đứng trên một chiếc tàu sân bay và tuyên bố rằng nhiệm vụ của Mỹ tại Iraq "đã hoàn thành". Lúc đó, nhiều người ở Mỹ và Tây Âu cảm nhận đây là một hành động mang động cơ chính trị quá "lộ liễu". Song người Nga không nghĩ như vậy, họ đã quen thuộc với hình ảnh Tổng thống Putin với thân hình mạnh mẽ đầy nam tính và những bộ quân phục vừa khít người khi thăm các đơn vị quân đội Nga. Do vậy, họ thấy thích thú và rất ấn tượng với hình ảnh Tổng thống Mỹ.
Năm ngoái, vào dịp Lễ tạ ơn, ông Bush đã có chuyến thăm bất ngờ tới Baghdad, cùng mừng lễ tạ ơn với quân đội Mỹ. Tổng thống Putin cũng vài lần hành động như vậy, và thậm chí có lần còn đón mừng năm mới với binh sĩ Nga ở Chechnya.
Thứ ba, trong khi ông Kerry tỏ ra hơi "dao động" trong các vấn đề an ninh, ông Bush lại tỏ ra quyết tâm và kiên định với mục tiêu chống khủng bố. Mặc dù nhiều người coi chiến dịch tấn công Iraq là một "sai lầm" về mặt chiến lược ngay từ đầu, song nó không làm tổn hại tới uy tín của Bush. Đối với người Nga, sau một loạt vụ tấn công thảm khốc mà các phần tử ly khai gây ra đặc biệt là vụ khủng hoảng con tin Beslan gần đây, họ có thể không thích vị chính khách nào tỏ ra "mềm dẻo" trong vấn đề chống khủng bố, thậm chí dù các chiến lược chống khủng bố mà chính khách đó đưa ra không mấy hiệu quả.
Thứ tư là nguồn gốc của Kerry. Việc một số vị tiền bối trong dòng họ TNS bang Massachusetts là người Do Thái không làm một số người Nga có nhiều cảm tình với ông. Mặc dù chính phủ Nga đã ban hành các quy định và điều luật chống chủ nghĩa bài Do Thái, song tư tưởng này vẫn rơi rớt lại trong một bộ phận người Nga. Giới truyền thông tại Moscow đề cập tới nguồn gốc Do Thái của Kerry nhiều hơn thành tích của ông trong quân ngũ hay quan điểm của ông về vấn đề Iraq.
Cuối cùng
, ông Bush và Tổng thống Putin có một mối liên hệ ở mức độ cá nhân. Nếu như tỉ lệ ủng hộ ông Putin tại Nga tăng, những người bạn của ông sẽ tự động "trở thành những người tốt" trong mắt các "fan" của Tổng thống Nga.Trong suốt 4 năm qua, Nhà Trắng và điện Kremlin đã cố duy trì mối quan hệ đối tác mặc dù Nga công khai bày tỏ sự phản đối trước cuộc chiến Iraq, việc mở rộng Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (Nato) sang Đông Âu và việc Mỹ can thiệp về mặt chính trị vào khu vực nhiều dầu ở Caucasus, Trung Á. Chính quyền Mỹ cũng một vài lần chỉ trích cách giải quyết vấn đề của Tổng thống Putin.
Một số nguồn tin thân cận với điện Kremlin cho hay bộ phận các chính khách cao cấp Nga hy vọng ông Bush sẽ giành thắng lợi trong kỳ bầu cử Tổng thống ngày 2/11. Cho tới nay, những tuyên bố mà ông Kerry đưa ra trong suốt chiến dịch tranh cử về chính sách của Mỹ với Nga khá "mờ nhạt". Song điều này không có nghĩa là Nga sẽ tiếp tục là vấn đề "ngoài lề" đối với Kerry một khi ông thắng cử.
Tin liên quan:
(Huyền Trang - Tổng hợp)