Ngày 1/12 vừa qua là tròn 3 tháng kể từ khi vụ bắt cóc con tin kinh hoàng tại Beslan xảy ra khiến 330 người thiệt mạng và hơn 600 người bị thương. Vậy mà đến tận bây giờ, thị trấn này dường như vẫn chưa hết bàng hoàng.
Tại Beslan, người ta chỉ tiếp tục sống bởi một lẽ đơn giản: sống để mà sống. Họ đi trên đường phố, cười rồi ngay sau đó họ có thể tuyệt vọng và khóc. Một cụ già đang đi dọc đường ray, ôm hai bọc ngũ cốc và lê tươi trước ngực bỗng nhiên oà khóc. Cách chỗ ông đi qua không xa, người ta vẫn tiếp tục tiến hành cứu trợ nhân đạo cho những gia đình mất người thân. Cụ già nhìn lại đống đổ nát, ngừng một lát và sau đó ngồi thụp xuống, ôm đầu. Lê từ trong chiếc bọc trước ngực ông tràn ra ngoài, lăn lóc trên nền đất. Nhưng ông dường như không màng đến sự thể đang diễn ra, bởi vì còn ai để ông cho lê nữa đâu, trong gia đình lũ trẻ đã ra đi hết rồi.
Những người đi ngược chiều với ông không buồn xúm lại để an ủi, chỉ hững hờ đi qua và cúi đầu. Họ chỉ có thể tự kiềm chế cảm xúc của chính bản thân họ, và không có đủ khả năng để an ủi bất kì ai...
Thuốc cũng vô hiệu
Những chuyên gia tâm lý được phái tới Beslan trong hơn 2 tháng nay đều đã đi khỏi nơi này. Vị bác sĩ tâm lý cuối cùng Olga đến từ thủ đô Moscow cũng sắp ra đi.
"Không còn hy vọng gì để ở lại. Chúng tôi đã làm tất cả những gì có thể, chủ yếu cho lũ trẻ. Còn đối với người lớn, Beslan là một trường hợp quá đặc biệt. Những người này sợ hồi kết vì lúc đó họ sẽ không bao giờ biết được sự thật và không được chứng kiến công lý được thực thi. Nhiều người thậm chí không tới điều trị nữa", bà Olga nói.
Gia đình Marina Tsgoeva có 5 đứa trẻ thiệt mạng trong vụ bắt cóc. Người phụ nữ này chỉ ngồi ở nhà giữ nguyên một tư thế trong nhiều giờ. Ngày này sang ngày khác. Bà cố gắng để ngủ, nhưng không thể. "Không, đây chính là cách họ khiến chúng tôi phát điên. Họ đang làm một việc không đem lại kết quả gì. Họ chỉ nói dối, dỗ dành, an ủi và sau đó lại nói dối. Tôi từng có 1 gia đình nhưng giờ đây tôi chẳng còn ai. Ai là kẻ phải chịu trách nhiệm?", Marina cay đắng nói.
Các bác sĩ tâm lý không thể trả lời những câu hỏi ấy.
Trở lại với ngôi trường số 1 Beslan, tương lai vẫn còn mờ mịt. Hoa, đồ chơi, các chai nước, tất và những quyển tập vương đầy bụi đang được rút ra từ đống đổ nát. Một đêm nọ, toàn bộ bàn viết bỗng nhiên biến khỏi ngôi trường. Trước sự kinh hoàng của những con tin may mắn sống sót, người ta giải thích rằng chúng đã được chuyển tới một trường dạy nghề địa phương. Họ được thông báo rằng hiệu trưởng của trường dạy nghề bị một cơn đau tim khi nhận số bàn ghế này song bắt buộc phải nhận. Và rồi, họ xếp số bàn trong một phòng học, cái này chồng lên cái kia vì không ai dám ngồi vào những chiếc bàn đó.
Đã nhiều tuần nay, cha của Elona và Timur Kozyrev ngủ lại trường. Ban ngày ông tha thẩn ngoài nghĩa trang, coi sóc ngôi mộ của vợ và các con đều chết trong vụ bắt cóc. Buổi tối ông tới ngôi trường Beslan để bảo vệ phòng tập thể dục. Nhiều người từng bị bắt làm con tin và họ hàng cũng đảm nhiệm việc canh gác cùng với Kozyrev. Họ nói rằng họ sẵn sàng nằm chặn dưới chiếc xe ủi chứ không từ bỏ ngôi trường.
Quyết định xây một nhà tưởng niệm ngay tại nơi từng là trường phổ thông số 1 Beslan được đưa ra chỉ trong vòng vài ngày sau thảm hoạ. Nhà chức trách đã thông báo về một cuộc thi mang quy mô quốc tế và giờ đây các nghệ nhân từ khắp mọi nơi đang cố gắng đăng ký. Mặc dù chưa có thời hạn nào được đặt ra song một số người tỏ ý muốn nó kết thúc càng sớm càng tốt. Một nguyên nhân là các bức tường bao quanh ngôi trường chính là những bức tranh phơi bày sự thật, trên đó, tên của những kẻ gây ra thảm hoạ này được nêu rõ ràng.
"Tất cả những gì cần phải làm bây giờ là kéo đổ những bức tường và mọi người sẽ quên tất cả", Madina, mẹ của hai bé gái bị thương trong vụ bắt cóc nói. "Nhưng giờ đây, chúng tôi đang bị buộc phải câm như hến". Đáp lại, một quan chức nói: "Đừng kêu ca nữa. Các người đã nhận quá nhiều, tới mức bù đắp được những gì mà các người đã trải qua".
Làm sao có thể thẩm định được điều này, song một điều chắc chắn là: người dân Beslan trở nên vô cùng nhạy cảm và họ có thể bị tổn thương bởi bất kì lời bình luận nào. Những lời đồn đại phẫn nộ bắt đầu lan đi, thậm chí từ trước khi xuất hiện lời bất kì nhận xét nào. Sự hoài nghi lan từ nhà này sang nhà khác một cách nhanh chóng. Đôi khi, chỉ cần một tia lửa cũng đủ khiến cho cả thị trấn này tự vệ, nhất là khi đụng chạm tới vấn đề bồi thường hay cứu trợ nhân đạo cho những người còn sống sót.
"Chúng tôi sẽ kêu gọi cộng đồng quốc tế ngừng cứu trợ", Mairbek Tuaev, Chủ tịch uỷ ban địa phương phát biểu. "Chúng tôi có thể khốn đốn hơn, song như vậy sẽ không có tham nhũng". Cộng đồng thế giới, đại diện bởi một số phóng viên thường trú nước ngoài đã bất bình trước những lời tuyên bố mạnh mẽ trên, coi đó là điều không đáng nghe, không phù hợp với hoàn cảnh.
Tiền là vấn đề nan giải
"Tiền là một vấn đề lớn", Thị trưởng Beslan Vladimir Khodov nói. "Sẽ tốt hơn nếu không có tiền". Song trên thực tế, họ đã có tiền và rất nhiều tiền. Hàng trăm triệu rúp và hàng trăm nghìn đô la Mỹ, EUR đã đổ vào chiến dịch cứu trợ những người còn sống sót sau vụ thảm hoạ. Viện trợ tài chính đổ về đây từ nhiều nơi trên thế giới, nhưng số tiền sống còn ấy vẫn chưa tới tay người dân Beslan.
Cho tới nay, thiết bị cứu trợ nhân đạo mới chỉ tới các bệnh viện. Thiết bị y tế và máu nhân đạo đã cứu sống vài trăm mạng người. Các bác sĩ cho biết số hàng viện trợ mà họ nhận được có thể sử dụng trong vài năm và bệnh viện vốn dĩ nghèo nàn tại Beslan bỗng chốc trở nên đầy đủ. Song chỉ duy y tế là lĩnh vực được quan tâm, còn lại các mặt khác như giáo dục, đời sống, người dân Beslan vẫn còn nhiều khó khăn.
Chính phủ Nga đã cam kết xây dựng hai ngôi trường mới. Moscow cũng cam kết xây dựng nhà cho những con tin còn sống sót cùng 1 nhà trẻ và trung tâm y tế. Một quỹ phát triển Beslan đã được thành lập tại Bắc Ossetia song vẫn trống rỗng. Không ai dám rút tiền từ quỹ cứu trợ Beslan để làm các việc khác phục vụ thị trấn mặc dù nhiều người đã nói không có gì là sai trái khi chia sẻ tiền vì rốt cục số tiền cũng phục vụ mục đích cộng đồng.
Tuy nhiên, thực tế là các con tin còn sốgn sót vẫn chưa tận mắt thấy số tiền mà họ được thông báo là sẽ nhận. Toàn bộ các cơ quan chính phủ giam sát việc phân bổ quỹ cứu trợ đều giải thích lý do chính của việc trì hoãn là chưa có danh sách rõ ràng. Vì nguyên nhân nào đó mà tên của một số người không hề liên quan tới các nạn nhân lại xuất hiện trong danh sách hay ngược lại tên của những người lẽ ra phải nhận tiền cứu trợ thì không có trong danh sách. Các cơ quan này đều bị giải tán và cuối cùng một hội đồng được thành lập trong đó thành viên chính là những bậc phụ huynh bị mất con.
Hội đồng này rà soát danh sách tỉ mỉ, làm rõ những khuất tất và phản đối mọi nỗ lực muốn sửa đổi danh sách này. Ngoại lệ duy nhất mà hội đồng cho phép là điền thêm 4 nạn nhân chưa rõ danh tính vào danh sách người thiệt mạng. Hai gia đình đã từ chối điều này, phớt lờ mọi yêu cầu của các chuyên gia giám định pháp y. Song mọi người không thể chờ lâu hơn được nữa. Họ cần tiền.
Và bắt đầu từ tuần tới, tiền sẽ được phát theo nguyên tắc: 1 người bị thiệt mạng sẽ nhận 1 triệu rúp; 1 người bị thương nặng nhận 750.000 rúp.
-
Tân Huyền - (Tổng hợp)