Osama bin Laden dường như đang cố gắng biến đổi mình từ một trùm khủng bố sang một lãnh đạo chính trị, một số nhà phân tích Trung Đông vừa kết luận như vậy sau khi xem xét các thông điệp gần đây của thủ lĩnh mạng lưới Al-Qaeda.
Một trong số các chuyên gia đưa ra câu hỏi rằng liệu Bin Laden có gì để cung cấp cho những kẻ trung thành với ông ta ngoại trừ lời kêu gọi hãy chiến đấu. Nhà phân tích này cho rằng, trùm khủng bố thế giới chẳng có giải pháp nào cho các vấn đề kinh tế và xã hội mà giới trẻ Hồi giáo đang phải đối mặt.
Abdel Rahim Ali, người chuyên nghiên cứu các phong trào Hồi giáo, khẳng định, nhiều nhóm Hồi giáo cấp tiến hoặc chính thống đã thay đổi thành phong trào chính trị sau khi chiến dịch bạo lực của họ thất bại. Điển hình là Phòng trào Hồi giáo của Ai Cập. Nhóm cũng lên án chủ nghĩa khủng bố và xem xét lại chiến lược thánh chiến của mình sau khi nỗ lực lật đổ chế độ bằng vũ trang bị phá tan.
"Đó là điều đương nhiên đối với bất cứ một phong trào cấp tiến nào. Họ bắt đầu bằng các vụ tấn công và hoạt động trong bí mật, sau đó họ cố gắng tạo dựng lòng tin nơi công chúng trước khi trở thành một phong trào chính trị", trích lời nhà phân tích Ali, tác giả của "Liên minh Khủng bố: Tổ chức al-Qaida".
Ali cho biết, lệnh ngừng bắn mà Bin Laden "đề nghị" với người châu Âu hồi tháng 4 để đối lấy việc họ phải rút quân khỏi Iraq là một thông điệp chính trị không hề giống với các động thái quyết không nhân nhượng thường thấy ở trùm khủng bố. Ngoài ra, trong một cuốn video được phát trên kênh truyền hình Al-Jazeera vài ngày trước cuộc bầu cử Tổng thống ở Mỹ hồi tháng 11, Bin Laden cũng có một "lời đề nghị bất thường" gửi tới dân chúng Mỹ, trong đó nhấn mạnh rằng họ có thể tránh được một cuộc tấn công 11/9 khác nếu bầu chọn những lãnh đạo không đe dọa đến người Hồi giáo.
"Đến cả Spartacus cũng chuyển cuộc nổi dậy của mình thành một phong trào chính trị", Ali nói. "Vậy thì tại sao Bin Laden lại không làm thế?'. Theo ông Ali, Bin Laden có thể muốn biến đổi mạng lưới Al-Qaeda thành một tổ chức có cả lực lượng quân sự lẫn chính trị.
Bin Laden lộ diện hồi cuối tháng 10 dọa tấn công nước Mỹ. |
Trong thông điệp mới đây nhất của Bin Laden hôm 16/12, sau nhiều năm, lần đầu tiên trùm khủng bố này đề cập trực tiếp và cụ thể tới Ảrập Xêút. Ông ta khuyên những người trung thành hãy tấn công vào các kho chứa dầu của vương quốc này để làm suy yếu cả phương Tây lẫn gia đình Hoàng gia Ảrập. Điều đó khiến người ta liên tưởng đến khả năng Al-Qaeda có ý định sử dụng chiến thuật của những kẻ chống đối chứ không phải là của quân khủng bố.
Trong khi một số nhà phân tích nhận định mạng lưới al-Qaida buộc phải thay đổi đường lối của mình do trong thời gian qua, Mỹ thực hiện quyết liệt và gắt gao chiến dịch chống khủng bố thì không ít các chuyên gia khác lại cho rằng bất cứ sự thay đổi nào của Bin Laden đều chỉ mang tính chiến thuật và tạm thời.
"Mục đích chính của ông ta là xây dựng một quốc gia Hồi giáo và cách thức thực hiện của ông ta vẫn bằng con đường thánh chiến", trích lời Mshari al-Thaydi, chuyên gia nghiên cứu các phong trào Hồi giáo cấp tiến trong nhiều năm. "Ông ta không cần biết đến cách thức nào khác để đạt được mục tiêu của mình".
Al-Thaydi cho rằng cả Bin Laden và viên trợ tá cao cấp của ông ta là Ayman al-Zawahri, người chuyên phát đi các thông điệp về một số vấn đề như nhân quyền và tham nhũng trong thời gian gần đây, không ưa gì các biện pháp chính trị và chỉ tin vào sức mạnh. Trong cuốn "The Bitter Harvest", ông này dẫn chứng, al-Zawahri chỉ trích gay gắt phong trào Tình anh em Hồi giáo vì đã phải viện đến nhiều chương trình mang tính chính trị và xã hội để đẩy mạnh các yêu cầu đòi quyền lực.
Theo Al-Thaydi, tâm điểm nhằm vào Ảrập Xêút trong thông điệp gần đây của Bin Laden chứng tỏ trùm khủng bố này có ý định xúc tiến các hoạt động khủng bố của nhóm Al-Qaeda tại quê nhà với mục tiêu chính là lật đổ nền quân chủ và thâu tóm quyền lực. "Osama nghĩ rằng nếu ông ta chiếm được Ảrập Xêút, ông ta có thể lật đổ tất cả các thể chế Hồi giáo khác".
Tuy nhiên, al Sayed cho rằng, al-Qaida thiếu những thứ họ cần để lãnh đạo một đất nước cũng như nhận được sự ủng hộ của đông đảo nguời Hồi giáo. "Chúng có thể kích động những người chống đối nhưng không thể chỉ đạo hoặc lên nắm quyền", al Sayed nói. Ông này còn cho biết thêm, nếu Bin Laden đang cố gắng tạo dựng một hình ảnh mới thì ông ta đang thừa nhận bị sụp đổ.
"Nói đúng ra, sự nghiệp của ông ta đã đổ bể. Ông ta chẳng có gì để giúp người Hồi giáo mà chỉ làm cho họ ngày càng thêm thất vọng. Những người Hồi giáo trẻ muốn những điều có ý nghĩa. Họ đang phải đối mặt với đói nghèo, thất nghiệp. Phụ nữ thì cần nhiều quyền lợi hơn. Không có cuộc thánh chiến nào là vô tận. Thánh chiến phải có mục đích. Vậy mục đích của cuộc chiến đó hiện nay là gì?", chuyên gia al Sayed nói.
(Thanh Hảo - Theo AP)