221
478
Hồ sơ
hoso
/thegioi/hoso/
680426
Quan hệ song phương quan trọng nhất trong thế kỷ XXI
1
Article
445
Quốc tế
thegioi
/thegioi/
Quan hệ Trung - Mỹ
Quan hệ song phương quan trọng nhất trong thế kỷ XXI
,

Thứ trưởng Ngoại giao Kelly nhấn mạnh về quan hệ hợp tác Hoa Kỳ -Trung Quốc trong cuộc hội thảo về quan hệ đối ngoại của Thượng viện.

Soạn: AM 486743 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Thứ trưởng phụ trách các sự vụ Đông Nam Á và Thái Bình Dương, James A. Kelly.

Thứ trưởng phụ trách các sự vụ Đông Nam Á và Thái Bình Dương, James A. Kelly điều trần trước Uỷ ban Quan hệ Đối ngoại Thượng nghị viện ngày 11 tháng 9 năm 2003.

'' Xin chào quí vị. Cảm ơn Ngài Chủ tịch đã cho tôi cơ hội được trình bày trước Uỷ ban Đối ngoại của Thượng viện về một trong những vấn đề quan hệ song phương quan trọng nhất trong thế kỷ XXI – quan hệ Hoa Kỳ-Trung Quốc.

Là nước có dân số đông nhất thế giới, với một nền kinh tế to lớn và phát triển nhanh chóng và là một ủy viên thường trực trong Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, Trung Quốc đang vững bước trên con đường trở thành một lực lượng chủ yếu trên trường quốc tế. Ở một số mặt, thì Trung Quốc đã thực sự hiện diện, còn ở một số mặt khác, Trung Quốc đang có nguyện vọng có vai trò lãnh đạo, vai trò đó có thể đóng góp thêm hoặc là xung đột một cách tiềm ẩn với các mục tiêu của đất nước chúng ta. Xây dựng mối quan hệ giữa chúng ta với đất nước năng động và đang tiến triển này và đảm bảo cho quan hệ Hoa Kỳ-Trung Quốc thành một lực lượng của hòa bình, an ninh và thịnh vượng chính là một nhiệm vụ quan trọng nhưng phức tạp.

Nhiều người đã thử tóm lược quan hệ Hoa Kỳ với Trung Quốc trong một cụm từ khá phổ biến - bạn hay kẻ thù, xấu hay tốt, đối thủ cạnh tranh chiến lược hay đối tác chiến lược. Một cách mô tả như vậy vừa vô nghĩa lại vừa không chính xác. Quan hệ giữa chúng ta với nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa quá phức hợp, đa dạng và thay đổi nhanh chóng tới mức không thể rút gọn bằng một vài tiếng. Và hôm nay, để tránh sự khái quát quá rộng và nhận xét quá đơn giản, tôi muốn trình bày trước quí vị những nét cụ thể trong lập trường của chúng ta về hàng loạt vấn đề trong quan hệ với nước Cộng Hòa Nhân dân Trung Hoa sau hai năm đầu tiên kể từ ngày Tổng thống Bush lên nhậm chức.

Tổng thống Bush, Ngoại trưởng Powell và tất cả chúng ta trong chính phủ đã làm việc một cách tích cực trong hai năm rưỡi vừa qua để tạo dựng nên mối quan hệ thẳng thắn, xây dựng và hợp tác với Trung Quốc. Với tinh thần thẳng thắn nhằm vào những bất đồng giữa đôi bên và xây dựng trên cơ sở những mối quan tâm chung, từ khi nhậm chức, Tổng thống đã gặp gỡ các nhà lãnh đạo Trung Quốc trong bốn lần mà trước đây chưa hề có. Trong 13 tháng đầu tiên sau khi nhậm chức, ông đã thăm Trung Quốc hai lần và tháng 10 năm ngoái đã đón tiếp Chủ tịch Giang Trạch Dân tại Crawford, rồi tháng 6 năm nay đã gặp Chủ tịch mới là Hồ Cẩm Đào tại Evian, nước Pháp.

Trong khi không hề đánh giá thấp sự bất đồng vẫn còn tồn tại về nhân quyền, không phổ biến vũ khí hạt nhân và Đài Loan, tôi có thể báo cáo với quí vị rằng cách tiếp cận của Chính quyền Bush với Trung Quốc đã dẫn tới kết quả là quan hệ Hoa Kỳ-Trung Quốc về một số phương diện đã đạt tới mức tốt nhất so với nhiều năm trước. Điều này được đánh dấu bởi các chính sách bổ sung cho nhau - và có khi là chính sách chung - về hàng loạt vấn đề rất quan trọng đối với lợi ích quốc gia của Hoa Kỳ: cuộc chiến chống khủng bố và những vấn đề an ninh quan trọng ở khu vực là hai thí dụ tiêu biểu.

Cả Trung Quốc và Mỹ đều hiểu rõ rằng điều chúng ta cần - điều có lợi cho cả hai bên – là một quan hệ thực dụng, dựa trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau và tập trung vào công cuộc thúc đẩy hòa bình và ổn định trên thế giới.

Nói đến chữ thực dụng, ý tôi muốn nói rằng chúng ta duy trì và củng cố những lợi ích và các giá trị của chúng ta. Đúng là chúng ta có những bất đồng quan trọng với Trung Quốc và chúng ta phải tiếp tục khuyến khích sự tiến triển của Trung Quốc với tư cách một cường quốc có trách nhiệm trước toàn cầu, góp phần vào giải quyết những vấn đề toàn cầu và tôn trọng những nghĩa vụ quốc tế của họ trong những lĩnh vực như không phổ biến vũ khí hạt nhân, thương mại và các quyền con người. Mục tiêu của chúng ta là phát triển quan hệ với nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa nhằm thúc đẩy hơn nữa hợp tác song phương trong hàng loạt những vấn đề quan trọng, đồng thời vẫn trung thành với các lý tưởng và nguyên tắc của Hoa Kỳ.

Vừa rồi tôi đã tham gia cuộc hội đàm sáu bên tại Bắc Kinh nhằm chấm dứt hoàn toàn các chương trình hạt nhân của Bắc Triều Tiên một cách triệt để, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược được. Trung Quốc giữ một vai trò quan trọng trong việc đưa nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên tới bàn hội nghị và bố trí cuộc hội đàm và giúp cho Bình Nhưỡng hiểu rõ rằng việc Bắc Triều Tiên theo đuổi các vũ khí hạt nhân không chỉ là vấn đề song phương giữa Hoa Kỳ và Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên mà còn là vấn đề gây nhiều lo ngại cho các nước láng giềng của họ trong khu vực.

Cần nhớ lại 50 năm về trước, Hoa Kỳ và Trung Quốc đã chiến đấu ở hai phía đối lập trong cuộc xung đột trên bán đảo Triều Tiên. Ngược lại, ngày nay, chúng ta có chung một mục đích tránh cho Bắc Triều Tiên khỏi phát triển các vũ khí hủy diệt hàng loạt. Việc Trung Quốc coi trọng sự cần thiết để đưa bắc Triều Tiên trở lại tuân thủ những cam kết quốc tế của mình quả thật là rất có ý nghĩa. Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Vương Nghị với tư cách là chủ tọa cuộc hội đàm, trong khi tổng kết về cuộc hội đàm đã nói rằng Trung Quốc sẽ tiếp tục phần việc của mình nhằm tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho vấn đề hạt nhân và hòa bình lâu dài trên bán đảo Triều Tiên. Chúng ta sẽ tiếp tục làm việc với người Trung Quốc và các đối tác khác để tìm một giải pháp hòa bình và ngoại giao cho vấn đề phức tạp và khó khăn này.

Ngày hôm nay đánh dấu một dấu mốc hai năm sau những cuộc tấn công tàn ác của ngày 11 tháng 9. Việc Trung Quốc nhanh chóng lên án những cuộc tấn công đó và sau đó tăng cường hợp tác song phương trong công cuộc chống chủ nghĩa khủng bố đã chứng tỏ rằng đôi bên đã đoàn kết trong cuộc chiến chống lại những kẻ muốn làm suy yếu Hoa Kỳ cũng như an ninh và ổn định của thế giới. CHND Trung Hoa bỏ phiếu ủng hộ cả hai nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc sau các cuộc tấn công ngày 11 tháng 9. Hai tuần lễ sau ngày 11 tháng 9, chúng ta đã khởi đầu cuộc đối thoại về chống chủ nghĩa khủng bố giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc nhằm tăng cường hợp tác trên thực tế và kết quả là đã tổ chức hai vòng hội đàm và đang tiến đến vòng thứ ba. Trung Quốc ủng hộ các chiến dịch tấn công của Liên quân tại Afghanistan và cam kết viện trợ 150 triệu đô-la - một khoản tiền đáng kể so với những cam kết của Trung Quốc cho viện trợ nước ngoài trong lịch sử - nhằm giúp tái thiết Afghanistan tiếp sau sự thất bại của Taliban và những thắng lợi của chúng ta trong việc ngăn chặn và đẩy lùi bọn al Qaeda. Tháng 7 này, Trung Quốc đã tham gia vào Ban Sáng kiến Đảm bảo An toàn cho Công-te-nơ để cho lực lượng liên kết giữa hai bên có thể theo dõi và kiểm tra các chuyến hàng óa từ các cảng của Trung Quốc chở đến Hoa Kỳ. Điều này có nghĩa là các quan chức Hải quan của Trung Quốc và Hoa Kỳ sẽ cùng làm việc với nhau trên đất Trung Quốc nhằm đảm bảo an toàn cho những người Mỹ tại nước họ.

Đôi bên cũng đã có một cuộc đối thoại bổ ích về Iraq. Trung Quốc bỏ phiếu thông qua nghị quyết số 1441 của Liên Hợp Quốc trao quyền cho cuộc thanh sát mới về vũ khí tại Iraq và công khai chỉ trích ý đồ của Baghdad muốn lừa dối Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Chúng ta đang tìm các phương cách nhằm thu hút Trung Quốc tham gia nhiều hơn nữa vào những nỗ lực trong tái thiết và thiết lập sự ổn định tại Iraq.

Rõ ràng là Trung Quốc và Hoa Kỳ không có các quan điểm hoàn toàn giống nhau đối với các sự vụ trên thế giới. Đài Loan là một ví dụ. Chúng ta có mối quan tâm thường xuyên đối với một nghị quyết hòa bình về sự khác biệt giữa hai bên eo biển Đài Loan và chúng ta tiếp tục nói rõ với Trung Quốc rằng việc Trung Quốc triển khai tên lửa xuyên qua eo biển và không chịu từ bỏ việc sử dụng vũ lực về căn bản là không phù hợp với giải pháp hòa bình.

Tôi xin đảm bảo với quí vị rằng Chính quyền Bush coi trọng các nghĩa vụ của mình đối với ba bản Tuyên bố chung giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc và Đạo luật về các quan hệ với Đài Loan. Chúng ta vẫn tuân thủ chính sách của chúng ta về "một nước Trung Quốc". Chúng ta cũng xem xét việc bán và trợ giúp thiết bị phòng thủ ở một mức thích hợp để Đài Loan duy trì khả năng tự phòng thủ.

Tuy nhiên chúng ta có thể nói rằng về một số vấn đề quốc tế quan trọng nhất hiện nay, những mối quan tâm của Trung Quốc và Hoa Kỳ nếu không đồng nhất, thì cũng đã khớp với nhau và những lĩnh vực của mối quan tâm chung và hợp tác đã gia tăng cả về phạm vi và mức độ.

Hôm nay tôi muốn nhấn mạnh tầm quan trọng sâu xa của những biến chuyển về kinh tế đang diễn ra liên tục một cách phi thường tại Trung Quốc. Rời bỏ dứt khoát khỏi hệ thống kinh tế Cộng sản suy tàn, trong hai thập kỷ vừa qua, Trung Quốc đã thực hiện những cải cách theo hướng thị trường và đã tạo cơ hội cho sáng kiến cá nhân và óc làm giàu được tự do phát triển. Tuy vẫn còn nhiều thách thức lớn đối với sự phát triển, nhưng Trung Quốc đã đạt những thành tựu chưa từng có trong việc giảm bớt đáng kể sự nghèo khổ và tăng thu nhập. Theo báo cáo, sự tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc từ năm 1979 trung bình là 9% và có triển vọng vẫn rất mạnh trong năm 2003, mặc dù có giảm sút do sự bùng phát của bệnh SARS và sự suy giảm của kinh tế toàn cầu.

Những quan hệ kinh tế giữa Trung Quốc với Hoa Kỳ và thế giới cũng có thay đổi. Nói chung quan hệ thương mại ở Đông Á đang trải qua một sự tái cơ cấu rất đáng kể; thí dụ vào tháng 7, xuất khẩu của Hàn Quốc sang Trung Quốc đã vượt mức xuất khẩu sang Hoa Kỳ. Chiều hướng này có khả năng tăng nhanh do thương mại trong nội bộ khu vực Đông Á đang mở rộng.

Cho đến năm 1980, Trung Quốc phần lớn vẫn còn đóng cửa đối với các công ty nước ngoài, nhưng bây giờ đã là quốc gia thương mại đứng thứ tư trên thế giới với tổng kim ngạch thương mại là 600 tỷ đô-la. Thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc đã dẫn đầu trong năm 2002 đạt 148 tỷ đô-la. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn đứng hàng thứ tư của Mỹ, là thị trường xuất khẩu lớn vào hàng thứ sáu và là nguồn nhập khẩu thứ tư của Mỹ. Nếu chiều hướng này tiếp tục, thì vào cuối năm 2003, Trung Quốc có thể sẽ vượt qua Nhật Bản vốn là đối tác thương mại lớn vào hàng thứ ba của chúng ta. Trong tiến trình này, Trung Quốc cũng đã trở thành nước tiếp nhận đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất trên thế giới. Các công ty Hoa Kỳ đã đầu tư trên 25 tỷ đô-la tại Trung Quổc trong những lĩnh vực then chốt, từ phát triển năng lượng đến công nghệ xe hơi và viễn thông. Hợp tác kinh tế giữa Hoa Kỳ với Trung Quốc có thể và sẽ thúc đẩy sự thịnh vượng của hai nước và của toàn thế giới.

Hiện nay Hoa Kỳ đang bị thâm hụt lớn trong cán cân thương mại song phương với Trung Quốc. Chúng ta muốn xóa bỏ bất cứ và tất cả mọi biện pháp thương mại không công bằng nhằm vào sự thâm hụt này và đang làm việc với Trung Quốc để mở cửa hơn nữa các thị trường của họ, kiên trì đòi thực hiện quan hệ thương mại giữa đôi bên dựa trên cơ sở cam kết chung nhằm mở cửa các thị trường và hoạt động theo các luật lệ. Duy trì việc trợ giúp trong quốc nội nhằm mở cửa các thị trường cho Trung Quốc sẽ ngày càng khó khăn hơn nếu không có sự trợ giúp rõ ràng tại Trung Quốc nhằm mở cửa các thị trường cho hàng hóa và dịch vụ của Hoa Kỳ. Tôi cần phải ghi nhận một số dấu hiệu đáng khích lệ về mặt này: năm nay xuất khẩu của chúng ta sang Trung Quốc tăng lên với một nhịp độ gần 25%. Tuy vậy vẫn còn có cơ hội để tăng lên nhiều nữa.

Việc Trung Quốc thực hiện đầy đủ và đúng thời hạn những cam kết của họ đối với Tổ chức Thương mại Thế giới là yếu tố then chốt để mở rộng các cơ hội thị trường cho các công ty Hoa Kỳ tại Trung Quốc, rồi từ đó tạo nhiều việc làm hơn nữa cho công nhân và nông dân Mỹ. Chúng ta đang làm việc với các đối tác Trung Quốc của chúng ta để đẩy nhanh quá trình đó và tin rằng việc Trung Quốc thực hiện nghĩa vụ đối với Tổ chức Thương mại Thế giới sẽ đẩy nhanh cải cách kinh tế của Trung Quốc qua sự tạo dựng nền kinh tế dựa trên cơ sở luật lệ vững chắc hơn nữa và nền kinh tế do thị trường thúc đẩy. Mặc dù Trung Quốc đang có những cố gắng lớn trong cải cách nền kinh tế và tiến đến nền kinh tế dựa trên thị trường, trong quá trình đó nước này phải cắt giảm thuế quan, chúng ta tin rằng vẫn còn nhiều việc cần phải làm.

Chúng ta đặc biệt quan tâm đến việc Trung Quốc tuân thủ những cam kết đối với Tổ chức Thương mại Thế giới trong một số lĩnh vực nhất định - đặc biệt là trong nông nghiệp, quyền sở hữu trí tuệ, khu vực dịch vụ và vần đề minh bạch, một vấn đề mang tính đa ngành - và đòi hỏi phía Trung Quốc phải quan tâm giải quyết những vấn đề này. Tôi muốn nhấn mạnh rằng vệc giám sát và buộc Trung Quốc phải thực hiện những cam kết của họ đối với WTO là ưu tiên hàng đầu của Chính phủ Hoa Kỳ. Chúng ta cũng đang chuẩn bị làm việc với CHND Trung Hoa về những vấn đề kinh tế then chốt của vòng đàm phán Doha , kể cả tiến tới việc giảm bớt trợ cấp đối với nông nghiệp vốn hạn chế việc buôn bán các hàng hóa mà Hoa Kỳ và Trung Quốc đang cạnh tranh nhau.

Tôi cũng cần nêu ra rằng cùng với việc chấm dứt hệ thống hạn ngạch dệt may vào năm 2004, sự tăng trưởng bung ra của ngành dệt may Trung Quốc sẽ gây nên những thách thức ngày càng tăng, không những đối với những nhà sản xuất trong nước ta, mà còn đối với vô số nền kinh tế đang phát triển vốn nương tựa vào việc xuất khẩu hàng dệt may. Việc đối mặt với quá trình này đòi hỏi sự nhạy cảm của Trung Quốc cũng như sự điều chỉnh của các nước khác.

Tôi biết rằng nhiều thành viên của Quốc hội quan tâm tới việc Trung Quốc cố ý duy trì đồng tiền thấp hơn giá trị thực tế nhằm giành được lợi thế không công bằng trong thương mại. Bộ trưởng Tài chính Snow trong chuyến đi thăm Bắc Kinh gần đây, đã nhắc lại với các quan chức Trung Quốc về niềm tin của chúng ta rằng hệ thống kinh tế quốc tế tốt nhất là hệ thống dựa trên thương mại tự do, lưu chuyển vốn tự do và tỷ giá hối đoái do thị trường quyết định. Chúng ta khuyến khích Trung Quốc đẩy nhanh tự do hóa thương mại, cho phép lưu chuyển vốn tự do và tiến hành những bước đi nhằm tạo dựng một tỷ giá hối đoái thả nổi. Tôi hiểu rằng quí vị sẽ có nhiều câu hỏi về vấn đề tiền tệ và tôi nhường lời cho các đồng nghiệp của tôi trong Bộ Tài chính sẽ trình bày vấn đề này một cách chi tiết hơn.

Hiện nay một số những bất đồng nghiêm trọng nhất giữa chúng ta và Trung Quốc liên quan tới bản chất của chế độ chính trị của Trung Quốc và các chính sách đối nội của họ. Tuy nhiên việc mọi người tiếp nhận thông tin ở ngoài nước và những đòi hỏi của cải cách kinh tế khiến cho Đảng Cộng sản ngày càng khó kiểm soát được tư tưởng và các hoạt động xã hội và chính trị. Trung Quốc vẫn còn là chế độ một đảng mà trong đó những người lãnh đạo và làm ra luật lệ lại phần lớn không chịu trách nhiệm trước dân chúng nói chung. Những sự lạm dụng này do chế độ gây nên đang dẫn tới sự thiếu tôn trọng các quyền công dân ở Trung Quốc. Bất cứ cá nhân hoặc một nhóm nào đều có thể bị chế độ coi là mối đe dọa - dù họ là những nhà hoạt động dân chủ, những người hành đạo Pháp Luân Công, những người theo đạo Cơ Đốc tại gia hoặc những nhà thờ chưa đăng ký, những tín đồ Tây Tạng, những tín đồ đạo Hồi Uighurs, những nhà báo điều tra các vụ tham nhũng, những công nhân ngừng sản xuất để bày tỏ sự kháng nghị hoặc ngay cả các sinh viên đại học truy cập Internet. Nếu những người này bị ghi vào sổ đen, thì họ có nguy cơ bị giam giữ hoặc tồi tệ hơn nữa.

Mặc dù đã cải cách, nhưng hệ thống pháp luật của Trung Quốc còn rất yếu kém và thường ít hoặc không tiến hành một qui trình tố tụng chuẩn xác đối với những người bị khởi tố là có tội, đặc biệt là tội về chính trị. Chỉ có thể nói là do họ tiếp tục vi phạm hàng loạt quyền con người, nên đã gây trở ngại cho việc tăng cường hơn nữa những quan hệ tốt đẹp và đã làm tàn lụi đi ý nguyện tốt đẹp trong việc phóng thích những cá nhân bị giam giữ hoặc những việc làm khác.

Chúng ta hết sức thất vọng trước việc năm nay họ tái phạm về các quyền con người sau cả một năm 2002 có những tiến bộ vượt hẳn lên các thời kỳ trước. Điều quan trọng là Trung quốc sẽ có những bước đi cụ thể nhằm hiện đại hóa hệ thống luật hình sự và luật học dân sự và chúng ta dự định sẽ thôi thúc họ về những vấn đề này trong các cuộc họp song phương với Trung Quốc.

Cũng còn những bước đi khác cần phải được tiến hành liên quan tới vấn đề không phổ biến vũ khí hạt nhân. Phía Trung Quốc đã bày tỏ nguyện vọng ngăn chặn việc phổ biến tên lửa và các vũ khí hủy diệt hàng loạt và những bước đi gần đây theo hướng đúng đắn của họ khiến chúng ta cảm thấy phấn khởi. John Bolton, Thứ trưởng Ngoại giao về Kiểm soát Vũ khí và An ninh Quốc tế gần đây đã tới Bắc Kinh tham dự vòng thứ hai cuộc đối thoại định kỳ nửa năm về vấn đề an ninh. Bên cạnh những vấn đề then chốt khác, cuộc đối thoại còn nhằm mục đích ngừng phổ biến các vũ khí và công nghệ hủy diệt. Tuy gần đây Trung Quốc đã công bố các qui định được bổ sung về xuất khẩu các chất hóa học và sinh học cũng như những kiểm soát xuất khẩu liên quan tới tên lửa, nhưng vẫn còn thiếu việc thực hiện đầy đủ và sự thực thi một cách có hiệu quả. Chúng ta vẫn thấy những trường hợp đáng lo ngại do một số công ty Trung Quốc có những hoạt động phổ biến vũ khí. Như quí vị đã biết, Chính quyền Bush đã không ngăn chặn các hoạt động này bằng cách trừng phạt, giống như những đòi hỏi của luật lệ Hoa Kỳ. Trung Quốc cần phải nhận rõ rằng việc phổ biến vũ khí như vậy không chỉ gây tổn thương cho mối quan hệ với Hoa Kỳ, mà cuối cùng còn nguy hại cho lợi ích và an ninh của chính họ.

Tôi xin trở lại vấn đề đầu tiên. Chỉ trong mấy năm gần đây, quan hệ Hoa Kỳ-Trung Quốc đã tiến được một chặng đường dài và đã vượt qua những thời kỳ khó khăn - nổi bật là vụ ném bom lạc vào Đại sứ quán Trung Quốc tại Belgrad và vụ khủng hoảng do va chạm máy bay EP-3 - để tiến tới xây dựng mối quan hệ gắn bó hơn, mối quan hệ được xác định bởi những nỗ lực giữa đôi bên trong việc củng cố những lợi ích chung cũng như những bất đồng giữa hai nước.

So sánh những thời gian khó khăn với những gì đạt được hiện nay - bốn cuộc gặp gỡ cấp tổng thống-chủ tịch trong hai năm, một lập trường thống nhất về một số vấn đề bức thiết nhất hiện nay và mối quan hệ vượt qua một số chiều hướng bất đồng, thì bước tiến này quả là to lớn.

Tôi không đánh giá thấp những thách thức trong các quan hệ giữa chúng ta với Trung Quốc và chúng ta phải tiếp tục nói một cách thẳng thắn và cương quyết về những vấn đề mà chúng ta quan tâm. Hiện nay mối quan hệ Hoa Kỳ-Trung Quốc thẳng thắn, hợp tác và có tính xây dựng là điều cần thiết và có thể thực hiện được. Điều này cũng đem lại những lợi ích cho sự thịnh vượng và hòa bình chung giữa đôi bên cũng như cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương và thế giới.

Xin cám ơn. Tôi chờ đón các câu hỏi của quí vị''.

(Nguồn: ĐSQ Mỹ tại Hà Nội)

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,