221
478
Hồ sơ
hoso
/thegioi/hoso/
754884
Lần theo đường dây buôn lậu nội tạng xuyên quốc gia
1
Article
445
Quốc tế
thegioi
/thegioi/
Lần theo đường dây buôn lậu nội tạng xuyên quốc gia
,

Bạn đã bao giờ nghĩ đến chuyện lấy một lá gan hay thận của mình đem bán chưa? Bạn nghĩ sao khi hàng năm có hàng nghìn người bị ép phải làm việc đó? Báo Christian Science Monitor uy tín có trụ sở ở Mỹ đã thực hiện một phóng sự cực kỳ công phu về nạn buôn lậu nội tạng xuyên quốc gia gây tranh cãi từ lâu. Bạn sẽ tìm thấy những câu chuyện giàu ý nghĩa trong phóng sự thuộc loại hiếm hoi này.

Anh Hernani cùng vợ và hai con nhỏ (ảnh: CS Monitor)

 

Kỳ 1: 3 nhân vật

 

Hàng ngày, 17 người Mỹ chết vì các bệnh liên quan đến lục phủ ngũ tạng. Tại Israel, thời gian trung bình mà một người muốn ghép thận phải chờ là 4 năm. Đáp ứng nhu cầu đó, một thị trường chợ đen toàn cầu đã bùng nổ.

 

Chẳng hạn những người nghèo ở Ấn Độ có thể khá lên nhờ bán nội tạng cho một anh nhà giàu chờ chết ở Đài Loan hay Nhật Bản. Người gọi đó là "du lịch cấy ghép”, chống lại Chúa. Kẻ nói thị trường giúp đáp ứng nhu cầu thiết thực, là "nhân đạo".

 

Ba phóng viên kỳ cựu của báo CS Monitor đã theo chân 3 nhân vật: một người Brazil thất nghiệp, một người Israel bị suy thận  và một thanh tra người Nam Phi đang tham gia điều tra một đường dây buôn lậu nội tạng

 

‘Chuyên án’ đặt ra nhiều câu hỏi về tính pháp lý và đạo đức, như: Thân thể chúng ta thuộc về ai? Việc bán một cơ quan nội tạng để cứu sống ai đó có phải phi pháp? Chính phủ đóng vai trò gì trong việc bảo vệ hai nhóm người dễ bị tổn thương: người nghèo - những người cắn răng bị bóc lột để mưu sinh, và người bệnh -  những người khát khao sự sống?

 

Trong một buổi chiều ấm áp ở Recife, một thành phố bờ biển đông bắc Brazil, Hernani Gomes da Silva, một người Brazil thất nghiệp đang ngồi đơn độc trong quầy bar Egipcio, lặng lẽ gọi một cốc bia, trầm ngâm nghĩ về cuộc sống khó khăn.

 

Anh 32 tuổi và vẫn sống trong ngôi nhà hai phòng với mẹ. Mái nhà che mãi vẫn còn dột nước. Gián và chuột chạy khắp nhà. Vợ chồng anh có 3 con nhỏ. Hernani không nghề ngỗng gì. Không tiền. Không học hành. Anh lại có một tiền án. Một tương lai mịt mù trước mắt anh.

 

Rồi đột nhiên anh như bừng tỉnh khi nghe tiếng xì xào từ bàn kế bên.

 

“Xin lỗi. Tôi không có ý nghe trộm", anh nói, quay sang người đàn ông hói đầu bên cạnh. "Nhưng có phải ông đang nói chuyện về cấy ghép nội tạng không?" Hôm trước anh mới nghe nói đó có một người ở Recife bán nội tạng và được một món tiền rất lớn.

 

"Vâng", người đàn ông nói.

 

"Nội tạng nào thế ạ?", Hernani hỏi.

 

"Thận. Nhưng sao, anh quan tâm à?”

 

"Tất nhiên là tôi quan tâm rồi”.

 

"Anh nhóm máu gì?”, người đàn ông hói đầu hỏi.

 

"O-dương", Hernani đáp.

 

Người đàn ông lạ mặt gật đầu – đó là loại máu ‘chuyên cho’, dễ tương thích với các nhóm máu khác nhất. Đó là năm 2002 và Hernani đã vượt qua thủ tục đầu tiên trong việc bán thận cho một tổ chức có phạm vi hoạt động trên 3 lục địa; tổ chức đang thu lại hàng nghìn dollar cho những người đứng đằng sau nó; tổ chức làm điên đầu cảnh sát, chính trị gia, nhà đạo đức, triết gia và các bác sĩ trên khắp toàn cầu.

 

Hernani phấn khởi về nhà, đầu nghĩ đến một chiếc xe máy và một cái mái nhà không giột nước.

 

Những điểm nóng trong đường dây buôn bán nội tạng quốc tế

 

* * *

 

Nằm cách đó hơn 7.000 km bên kia đại dương, Arie Pach, một luật sư người Israel to béo, đang sống với một cơ thể sập xệ và chờ đón tương lai u ám chực sụp đổ trước mắt. Mỗi khi nghĩ đến nó, ông không khỏi rùng mình ớn lạnh.

 

Ông hiện đang điều trị tại bệnh viện Hadassah Ein Kerem ở Jerusalem. Trên đường đi lên tầng 6 gặp bác sĩ, ông đi qua khu chạy thận nhân tạo. Dưới ánh sáng đèn huỳnh quang, các bệnh nhân gây gò ốm yếu ngồi trên những những chiếc ghế đặc biệt gắn với thiết bị có kích thước bằng lò vi sóng, kêu vo vo, đang làm thay chức năng của bộ thận: lọc máu. Đó là một quá trình mang tính sống còn đối với những người bị suy thận, nhưng họ phải chạy thận đều đặn 3 lần 1 tuần, 3 tiếng 1 lần.

 

Tháng 2/2002, bác sĩ của Arie nói thận của ông bắt đầu suy. Đầu 2003, ông đã phải trải qua một lần tiểu phẫu để chuẩn bị chạy thận nhân tạo, nhưng ông đã tìm được một lối thoát. "Tôi không muốn bị cắm ống truyền dịch vào tay, bị lấy máu rồi lại bơm máu như một cái xe đang được thay dầu vậy”, ông thổ lộ.

 

Chưa hết. Sau đó là chi phí chạy thận: khoảng $45.000 đến $50.000 mỗi năm. Và chỉ 10 phần trăm bệnh nhân chạy thận sống quá 10 năm. Số liệu này do Trung tâm Thống kế Y tế Quốc gia Hoa Kỳ cung cấp. Arie có quá nhiều thứ để mất. Ông yêu thích du lịch nước ngoài với vợ. Con trai ông sẽ cưới vợ mùa xuân này. Để nhìn mặt cháu, ông đã phải săn lùng khắp nơi. Nhưng bác sĩ cảnh báo rằng máu ông sẽ sớm biến thành một thứ “chất độc”. Họ cho ông hai sự lựa chọn: chạy thận hoặc ghép thận.

 

* * *

 

Trong khu nghỉ mát bên bờ biển ở Durban, Nam Phi, thanh tra độc lập Johan Wessels đang làm việc trong văn phòng riêng, gõ liên hồi trên bàn phím. Điện thoại đổ chuông. Người gọi là một phụ nữ từ Bộ y tế. Bà muốn mời ông tham gia vào một vụ án cho một tổ chức gọi là Đạo luật Mô người (Human Tissue Act).

 

24 năm làm nghề thám tử và thanh tra tư, Johan đã nhận đủ các loại ‘án’ – buôn lậu,  tham nhũng, đút lót. Ông đã thành công 98 phần trăm số vụ. Nhưng ông chưa bao giờ nghe nói về tổ chức này và không biết nhận lời hay không.

 

Gác máy, ông đi xuống bếp gặp vợ, Carol. "Đó là bộ y tế. Họ muốn anh điều tra một vụ liên quan đến nội tạng người”.

 

Vợ ông, người sống với ông 29 năm nay, tỏ ra rất vui. "Em cầu nguyện hàng sáng để sao cho anh có nhiều việc hơn", bà nói. Cả hai đều là người Công giáo. Họ đọc Kinh Thánh hàng ngày và đến nhà thờ đều đặn vào Chủ Nhật.

 

Nổi hứng tò mò, Johan đánh fax gửi Human Tissue Act Nam Phi và tìm kiếm nó trên mạng.

 

Phần 1: "Mô có nghĩa là thịt, xương, nội tạng, tuyến nội tiết, hay dịch lỏng..." Phần 28: "Không ai được phép trả tiền để mua mô" Phần 33: Người vi phạm "có thể sẽ chịu mức phạt cao nhất là 2.000 Ran (tiền Nam Phi – ND) hoặc tối đa là 1 năm tù..."

 

Một năm trong tù hay bị phạt khoảng $300. Đúng là quá nhẹ, Johan nghĩ thế. Đó có thể là lý do người ta mua bán nội tạng ở Nam Phi.

 

Tháng 6/2003, Johan đã quyết định ‘nhúng tay’ vào ‘phi vụ’ khó nhất mà ông từng biết – không chỉ để kiểm nghiệm nghiệp vụ trinh thám của mình, mà còn là để bảo vệ những giá trị đạo đức và tôn giáo mà ông theo đuổi bấy lâu.

 

Kỳ 2: Hernani đến Nam Phi

 

·        Nam Sơn (gt)

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,