Với sự giúp đỡ của Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA), các thanh tra Đức đã lật tẩy một âm mưu khủng bố được cho là khủng khiếp nhất trong lịch sử nước này. Những kế hoạch khủng bố của một nhóm Hồi giáo cực đoan cho thấy mối hiểm nguy thực sự mà cả châu Âu hiện đang phải đối mặt.
Daniel S. |
Vào đầu tháng 6, tại Hội nghị Thượng đỉnh G8 được tổ chức tại khu nghỉ mát nổi tiếng Heiligendamm của Đức, vấn đề khí hậu và tài chính là ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự của hội nghị. Tin về một âm mưu khủng bố đến tai Thủ tướng Angela Merkel. Tuy nhiên, không một từ nào liên quan đến nó xuất hiện trong bản tuyên bố chung chính thức của hội nghị.
Bà Merkel và Tổng thống Mỹ George W. Bush đã có cuộc gặp riêng để bàn về cái mà ông Bush gọi là “Vấn đề Pakistan”. Nước Mỹ đã cảm thấy mình bị đe dọa, và mối đe dọa đó được các nhân viên tình báo báo lên vị tổng thống của mình. Lúc đó, ông Bush đang chuẩn bị tới Đức – và một lần nữa nó giống như hôm 11/9/2001.
Ông Bush, người đã được thông báo vắn tắt về âm mưu khủng bố đó, và thậm chí ông còn biết rõ tên của từng nghi phạm. Ông đã nói rõ với bà Merkel rằng, ông coi vấn đề này rất nghiêm trọng.
Các quan chức trong văn phòng Thủ tướng Đức tất cả cũng đã quá quen với những gì ông Bush đang đề cập đến. "Chiến dịch Alberich," được coi là ưu tiên hàng đầu của giới tình báo Đức.
Đã nhiều tháng qua, chiến dịch trên đã được mang ra thảo luận vào mỗi thứ Ba hàng tuần, do Tham mưu trưởng của bà Merkel, ông Thomas de Maizière trực tiếp làm chủ tọa. Cuối cùng, cái điều vốn bắt đầu từ những thông tin mơ hồ đã nhanh chóng chuyển thành một chiến dịch lớn nhất của cảnh sát kể từ “Chiến dịch Mùa thu nước Đức” năm 1977.
Chiến dịch Alberich được khởi động từ tháng 10 năm ngoái, khi Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) chặn được những email tình nghi gửi qua lại giữa Đức và Pakistan. Và, chiến dịch này đã kết thúc tuần trước tại Sauerland, miền Trung nước Đức, khi cảnh sát tóm cổ được 2 công dân nước này đã cải đạo sang Hồi giáo là Fritz Gelowicz, 28 tuổi, con trai của một bác sĩ, và Daniel S., 22 tuổi, người biết sử dụng vũ khí nhờ thời gian phục vụ trong quân ngũ tại thành phố Saarlouis, miền Tây nước Đức.
Ngày 6/9, lực lượng đặc nhiệm Đức đã bắt 3 nghi phạm khủng bố âm mưu tấn công sân bay Frankfurt và một căn cứ quân sự Mỹ ở Ramstein.
Nhà chức trách Đức đã để mắt Fritz Martin G (28 tuổi), Adem Y (28 tuổi) và Daniel Martin S (21 tuổi) từ cuối năm 2006, khi phát hiện một trong số chúng theo dõi cơ sở quân sự Mỹ ở thành phố Hanau, gần Frankfurt. Trong quá trình theo dõi, cảnh sát đã phát hiện 3 đối tượng trên thu gom hàng chục bình chứa hydrogen peroxide 35%, loại có thể dễ dàng kết hợp với những nguyên liệu khác để làm chất nổ. Cả 3 nghi phạm trên từng được huấn luyện tại các căn cứ của Tổ chức Hồi giáo Islamic Jihad Union ở Pakistan. Sau khi "tốt nghiệp", chúng cùng nhau lập ra một nhóm khủng bố chịu ảnh hưởng của Al-Qaeda trên đất Đức |
Khi lục soát nhà nghỉ trên, các nhân viên điều tra Đức đã phát hiện được nhiều ngòi nổ quân sự có nguồn gốc từ Syria tuồn vào Đức và 60 lít chất hydrogen peroxide. Những thứ trên rõ ràng để sử dụng trong 3 vụ đánh bom xe hơi mà nhóm này lên kế hoạch tấn công vào một căn cứ quân sự của Mỹ tại Đức, một hộp đêm và có khả năng cả một sân bay lớn.
Khi đơn vị biệt động thiện chiến GSG 9 tấn công vào ngôi nhà nghỉ hồi thứ Ba tuần trước, mùi hóa chất vẫn còn nồng nặc. Theo các nhân viên điều tra, những đối tượng trên đang lên kế hoạch cho những vụ khủng bố được đánh giá là đẫm máu nhất trong lịch sử hậu chiến châu Âu – còn tồi tệ hơn cả vụ đánh bom London hay Madrid.
Ngoài 3 đối tượng tình nghi nói trên, các nhà chức trách Đức hiện đang điều tra hơn 45 đối tượng khác.
Kể từ cuộc tọa đàm riêng với ông Bush tại Hội nghị Thượng đỉnh G8, bà Merkel biết rằng, âm mưu ma quỷ đó không chỉ đe dọa tính mạng người dân, mà còn nếu lính Mỹ bị giết trên đất Đức, điều đó sẽ gây tổn hại nghiêm trọng tới mối quan hệ liên Đại Tây dương, một mối quan hệ rất quan trọng đối với bà.
Nước Mỹ sợ một cuộc khủng bố kinh hoàng của al-Qaeda – có thể là một vụ 11/9 thứ hai. Và, một âm mưu khủng bố nhằm vào Mỹ trên lãnh thổ Đức đã bị ngăn chặn.
Những kinh nghiệm và nỗi sợ kể trên đã giải thích tại sao Chiến dịch Alberich được cả Berlin và Washington, với sự tham gia của CIA và lực lượng đặc nhiệm Berlin, cùng tiến hành.
Fritz Gelowicz chính là kẻ cầm đầu nhóm khủng bố. |
Như vậy, không có gì ngạc nhiên khi Bộ trưởng An ninh Nội địa Mỹ Michael Chertoff đánh giá, sự hợp tác giữa Đức và Mỹ “chặt chẽ hơn bao giờ hết”.
Tuy nhiên, đối với Chính quyền Bush, chiến dịch điều tra nói trên của Đức còn mang ý nghĩa kiểu như “Lửa thử vàng”. Các nhà chức trách Mỹ liên tiếp gây sức ép với người Đức. Cả Giám đốc CIA Michael V. Hayden và Đại sứ Mỹ tại Đức William R. Timken đều có nhiều cuộc “nói chuyện” với các nhà chức trách Đức tại Berlin. Đầu tháng 6 vừa rồi, Chertoff đã đích thân tới tận quê của Bộ trưởng Nội vụ Đức Wolfgang Schäuble tại Gengenbach và trong bữa tối, ông Chertoff đã hối thúc ông Wolfgang Schäuble phải làm mọi thứ có thể ngăn chặn vụ tấn công khủng bố. Đáp lại, ông Schäuble đảm bảo: “Chúng tôi sẽ quan tâm”.
Ông Schäuble chắc chắn rất nghiêm túc trong chuyện này. Bằng chứng là, Văn phòng Thủ tướng Đức đã ngay lập tức triệu tập một cuộc họp theo kiểu “an ninh khẩn cấp” để thảo luận cái mà ông Schäuble gọi là “cấp độ đe dọa cao độ mới”.
Bộ trưởng Nội vụ Đức quyết định hành động. Vào tháng 6 năm ngoái, August Hanning, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, đã tuyên bố công khai rằng, ông sợ Đức sẽ lâm vào tình trạng giống như “thời kỳ tiền 11/9” và những hoạt động liên lạc giữa những kẻ cực đoan Đức và Pakistan cho thấy, mối đe dọa về một cuộc tấn công khủng bố tại Đức lớn hơn bất kỳ lúc nào.
- Trần Kiên (theo Spiegel)
Kỳ II: Những tên khủng bố mang hộ chiếu châu Âu