Liên hợp quốc đã đưa ra cảnh báo, việc Trung Quốc xây dựng một loạt đập thủy điện trên sông Mekong sẽ là mối đe dọa lớn cho tương lai của Đông Nam Á. Xin giới thiệu những đánh giá của Tiến sĩ Tyson R. Roberts đăng trên Internationalrivers:
Trung Quốc có ý định phát triển thuỷ điện trên sông Mekong (nước này gọi là sông Lan Thương) tại Vân Nam cũng như làm một tuyến đường thuỷ chính nối Vân Nam tới Biển Đông (Trung Quốc gọi là biển Hoa Nam) với khoảng cánh khoảng 2.500km.
Hoàng hôn trên dòng Mekong. (Ảnh: Theminters)
Kế hoạch đó đặt ra những vấn đề chưa từng thấy về môi trường và xã hội với các nước thuộc hạ nguồn sông Mekong như Myanmar, Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam. Sự suy giảm sinh thái trầm trọng với sông Mekong từ dự án là điều được biết trước. Và dĩ nhiên, những ảnh hưởng ấy sẽ không chỉ giới hạn với dòng sông này. Các nước vùng hạ nguồn sẽ buộc phải thực hiện những nỗ lực to lớn và kiệt sức nhưng không có hiệu quả để tự bảo vệ họ và tránh tác động với ngành nông nghiệp, nghề cá cũng như sinh kế.
Campuchia và Việt Nam, hai nước xa nhất ở hạ nguồn sẽ không còn hưởng lợi ích từ Mekong, đồng thời phải trải qua ảnh hưởng tiêu cực tồi tệ nhất từ dự án trên, đặc biệt là Biển Hồ của Campuchia cũng như vùng đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam.
Bản thân Trung Quốc cũng sẽ không tránh khỏi tác động bất lợi từ dự án trên. Quan ngại đặc biệt là vấn đề trầm tích của các hồ chứa thuộc đập thuỷ điện Lan Thương; lở đất xảy ra sẽ thường xuyên hơn, lớn hơn cũng như nhiều hậu quả khác mà các đập và hồ chứa gây ra.
Tuổi thọ thực tế của các đập thuỷ điện trên dòng Lan Thương dường như sẽ chỉ là vài chục năm thay vì một trăm năm như các nhà đề xuất dự án dự báo và mong muốn.
Nguy cơ thấy rõ
Theo các nhóm môi trường và chuyên gia, do các đập nước xây dựng ở những hẻm núi dốc đứng tại Vân Nam, Trung Quốc nhằm sản xuất điện cho nước này, mực nước ở sông Mekong đang tăng và giảm tới 1m/giờ, xáo trộn môi trường sống của cá, xói mòn bờ sông, cuốn trôi trầm tích và dinh dưỡng khi nó chảy về phía Nam.
Ian Campbell, quan chức môi trường cấp cao tại Văn phòng Ủy ban sông Mekong (MRC) tại Vientiane (Lào) nói: ’’Các đập nước của Trung Quốc là thủ phạm gây ra hầu hết mọi thứ. Tuy nhiên, không có nghiên cứu khoa học, mức độ tác động vẫn hoàn toàn có tính chất suy đoán".
Dự án cung cấp điện “các đập thủy điện Lan Thương” do Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa đưa ra sẽ cho phép điều chỉnh lưu lượng nước vùng hạ du và cuối cùng là phát triển toàn bộ sông Mekong cho vận chuyển đường thuỷ.
Lợi ích của dự án thuỷ điện - đường thuỷ với các nước vùng hạ nguồn đòi hỏi việc khảo sát, xem xét thận trọng.
Người dân địa phương và các nước vùng hạ du phản đối dự án đập thuỷ điện - tuyến đường thuỷ ngày một gia tăng khi những thị trấn ven sông ở Myanmar, Lào, Thái Lan đã là nơi sớm nhất đã nếm trải những tác động tiêu cực rõ ràng từ việc xây hệ thống đập vùng thượng nguồn Mekong.
Khả năng những nước vùng hạ du sẽ buộc phải dành phần lớn trong các quỹ phát triển cũng như nhiều nguồn lực khác để giảm thiểu tác động bất lợi từ dự án.
Ảnh hưởng tiêu cực về môi trường và xã hội là quan ngại lớn nhất. Sáu hoặc bảy đập thuỷ điện, với độ cao từ 110-300 mét xây dựng trên dòng chính của sông Mekong (sông Lan Thương) ở tỉnh Vân Nam sẽ sản xuất điện vào năm 2020. Những đập này sẽ là mối đe doạ với sinh kế, tài sản, cuộc sống của mọi người dân các nước vùng hạ du. Với diện tích và sức chứa khổng lồ của các hồ chứa, hai đập cao nhất (254 và 300 mét) đặc biệt mang lại nguy cơ lớn nhất.
Hiệu ứng “domino” (tác động lôi kéo) của chúng gây nguy hiểm cho toàn bộ hệ thống. Chưa kể việc chặt cây, đốt rừng làm nông nghiệp, xây dựng đường sá sẽ làm gia tăng tỉ lệ xói mòn của các hẻm núi dốc đứng mà sông chảy qua phía trên các đập. Động đất thường xuyên và ngày một lớn, lở đất, cùng hàng loạt nguy cơ nghiêm trọng với đập Lan Thương, có lẽ cũng gia tăng.
Lở đất
Nguy cơ này được công nhận là phổ biến nhất.
Đập Tiểu Loan cao 300 mét với hồ chứa dài 169km dự kiến hoàn thành và bắt đầu chứa nước vào năm 2010. Đập Nuozhadu cao 254 mét (hồ chứa nước dài 226km) dự kiến hoàn thành sớm nhất vào năm 2017. Ước tính mỗi hồ tại đập cần ít nhất 10 năm để chứa đủ lượng nước cao 248m và 205m tương ứng.
Hiện tại, hệ sinh thái Mekong trong điều kiện tương đối “lành mạnh”. Xây dựng hệ thống đập ở dòng chảy chính vùng thượng nguồn Lan Thương cũng như mạng lưới đường thuỷ sẽ làm tổn thất về mặt môi trường, làm giảm giá trị nghiêm trọng của sinh thái học.
Việc tách trầm tích thượng nguồn và các chất dinh dưỡng trong các hồ chứa cũng như “điều khiển” dòng chảy trên cơ sở kiểm soát lượng nước thoát ra từ các đập thuỷ điện sẽ gây ra những tác động tiêu cực chính. Thuỷ năng tự nhiên của dòng sông bị giảm đi, xả nước không đúng quy luật liên quan tới phát điện cũng như những thay đổi tổng thể khác sẽ có hại tới quá trình đơn giản hoá sinh thái học, sụt giảm giá trị sinh thái sông Mekong.
Tác động môi trường sẽ không riêng lẻ mà là tổng thể, tích luỹ. Tổn thất to lớn về mặt sinh học chỉ là một trong những hậu quả nghiêm trọng được dự báo. Sẽ không chỉ là việc mất đi một số loài sinh vật đặc biệt, mà còn là những hậu quả bất lợi với con người cũng như thực trạng sụt giảm về số lượng rất nhiều loài cá di trú vốn đóng vai trò quan trọng trong công nghiệp đánh bắt cá ở sông Mekong.
Thuỷ năng tự nhiên là thuộc tính cốt lõi của sông. Hiệu suất, sức khoẻ và sự duy trì của một con sông cũng như các thuộc tính đặc biệt của môi trường sống ven sông như vùng thác ghềnh, cửa sông, châu thổ đều liên quan trực tiếp tới thuỷ năng tự nhiên. Nó vận chuyển trầm tích và chất dinh dưỡng hạ nguồn, cung cấp nước và phù sa cho những đồng bằng châu thổ lớn, bổ sung nước ngầm và nâng cao năng suất, sự màu mỡ của đất.
Trong khi các tác động tiêu cực sẽ xảy ra với tất cả các nước có sông Mekong bao gồm cả Trung Quốc, thì hậu quả tồi tệ nhất sẽ là những quốc gia vùng hạ nguồn cách xa nhất với khu vực thượng nguồn: Campuchia và Việt Nam - nước hưởng lợi ít nhất và chịu tổn thất nhiều nhất.
Tác động tiêu cực từ sự thay đổi sông Mekong của Trung Quốc bao gồm ảnh hưởng với nghề cá, nông nghiệp, chất lượng nước, sức khoẻ và lâm nghiệp. Những thành phố, trung tâm cư dân lớn ở bên bờ Mekong tại Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam sẽ là “tâm điểm” của nhiều tác động về mặt vật lý học như xói mòn, lũ lụt bởi hệ thống đập thuỷ điện Lan Thương.
Tạo ra một tuyến đường thuỷ thích hợp ở sông Mekong sẽ liên quan tới việc di dời đá ngầm, các bãi cát cửa sông, đảo và nhiều thay đổi to lớn khác của lòng sông cũng như dòng chảy. Việc bảo trì tuyến đường yêu cầu liên tục nạo vét sông trên diện rộng.
Ảnh hưởng riêng từ tuyến đường thuỷ với khu vực hạ nguồn là suy giảm trầm trọng môi trường sống của các loài cá cũng như chất lượng nước. Giao thông đường thuỷ tấp nập chắc chắn để lại hậu quả ô nhiễm với cộng đồng ven sông cũng như năng suất mùa màng gieo trồng, cá và các sinh vật khác sinh sống tại sông Mekong.
Khơi dòng Mekong nhằm tối đa hoá khả năng vận chuyển đường thuỷ - mục đích rõ ràng của người Trung Quốc - sẽ làm giảm khả năng cản dòng của toàn bộ dòng chảy chính sông Mekong khu vực dưới Vân Nam. Nước sẽ chảy nhanh hơn ra biển, gây mất khả năng trữ nước. Hậu quả là khiến lượng nước thoát đi trong dòng chính của Mekong lớn hơn bao giờ hết, trong cả mùa khô lẫn mùa mưa.
Nguy cơ lụt lội gia tăng (kể cả lũ quét), hạn hán thêm trầm trọng. Khả năng trữ nước giảm cũng là nguyên nhân gây ra những thay đổi lớn với hệ sinh thái của sông và giảm năng suất nông nghiệp.
Tỉnh Vân Nam – khu vực xây dựng hệ thống đập trên sông Lan Thương – đã phá rừng diện rộng từ năm 1950. Trung Quốc vẫn nỗ lực bảo vệ lưu vực sông của hệ thống đập Thuỷ điện Lan Thương bằng các đồn điền cây trồng nhưng tới nay, vẫn chưa nhìn thấy thành công. Biến Mekong thành một tuyến đường thuỷ là rất khó khăn vì lòng sông nhiều đá ngầm, kênh rạch nhỏ, vô số thác ghềnh và đảo.
Tạo tuyến đường thuỷ trên phân khúc này sẽ lập tức “phơi bày” rừng cho chặt cây đốn gỗ với quy mô lớn. Những người đốn gỗ không ngại ngần tạo ra thêm nhiều đường sá và tìm tới nhiều nơi khác dọc theo khu vực sông để khai khẩn. Phá rừng trên diện rộng sẽ làm gia tăng tính bất thường của lượng mưa, làm trầm trọng hoá nạn lũ lụt, hạn hán vùng hạ du.
* Tyson R. Roberts (Tiến sĩ, Đại học Stanford 1968) nghiên cứu ngư học tại lưu vực sông Mekong từ năm 1970 và chuyên làm việc trong lĩnh vực đánh giá tác động với môi trường của những dự án thuỷ điện ở Mekong. Ông đã giành nhiều giải thưởng trong lĩnh vực nghiên cứu ngư học tại vùng nhiệt đới châu Á.
(Còn tiếp)
- Kỳ Thư (gt)