Cuối cùng thì cuộc đàm phán 6 bên cũng diễn ra, với kết quả mà các bên đều cho là một khởi đầu tốt đẹp trong tiến trình giải quyết các vấn đề quan trọng.
(Ảnh uruknet.info) |
Mặc dù Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad ngay từ trước đó đã có những nỗ lực nhằm loại bỏ vấn đề hạt nhân ra khỏi bàn đàm phán, thì thực tế nó lại trở thành vấn đề được nêu ra đầu tiên và chắc chắn sẽ là vấn đề chủ đạo của cuộc đàm phán. Như Henry Kissinger đã chỉ ra, những cuộc đàm phán như thế này mới chỉ bắt đầu, nhưng sẽ không có bất cứ đột phá nào nếu xét xa hơn nữa trong tương lai. Ngoại giao là một cuộc đua marathon về lâu dài, chứ không phải chỉ là một cuộc nước rút.
Người Mỹ vẫn luôn tin là thế, và vẫn luôn coi những “mối đe dọa” sẽ vẫn mãi mãi xấu xa. Vì thế, có nhiều thông tin về Iran mà người dân Mỹ vẫn tưởng lầm và rêu rao với cả thế giới như thế. Dù biết rằng, sự cẩn trọng sẽ không bao giờ là thừa thãi, nhưng liệu như thế có quá đáng?
Người Mỹ tin rằng: Iran là một quốc gia hiếu chiến và vẫn luôn đe dọa tấn công các quốc gia láng giềng và cả Mỹ nữa.
Thực tế: Iran cho tới thời điểm hiện tại vẫn chưa hề gây chiến với nước nào trong lịch sử hiện đại (không giống như Mỹ hay Israel), và các nhà lãnh đạo nước này vẫn luôn áp dụng học thuyết “không tấn công trước”. Điều này vẫn được lãnh đạo tối cao Ali Khamenei cũng như các tư lệnh quân đội tôn trọng.
Người Mỹ tin rằng: Iran là một xã hội quân sự với đầy những thứ vũ khí nguy hiểm và là mối đe dọa ngày càng gia tăng đối với hòa bình thế giới.
Thực tế: Ngân sách quốc phòng của Iran hàng năm chỉ có hơn 6 tỷ USD. Thụy Điển, Singapore và Hy Lạp đều có mức ngân sách quốc phòng lớn hơn thế. Hơn thế nữa, Iran có dân số hơn 70 triệu người, vì thế nếu tính tổng chi tiêu cho quân sự trên đầu người, thì con số này còn nhỏ hơn rất nhiều so với những nước đó, trong khi họ còn là những nước có dân số nhỏ hơn nhiều. Chi tiêu cho quân sự trên đầu người của Iran thấp hơn tất cả các nước vùng Vịnh khác, trừ Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất.
Người Mỹ tin rằng: Iran đe dọa tấn công Israel bằng quân sự và “xóa sổ nước này khỏi bản đồ thế giới".
Thực tế: Không một lãnh đạo Iran nào trên thực tế đã đe dọa tiến hành cuộc tấn công gây chiến với Israel, bởi điều này trái với học thuyết “không tấn công trước” mà nước này vẫn tuân theo. Tổng thống Iran vẫn luôn thẳng thắn nói rằng Iran không phải là mối đe dọa đối với bất cứ quốc gia nào, kể cả Israel.
Người Mỹ tin rằng: Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad đã từng đe dọa xóa tên Israel khỏi bản đồ thế giới?
Thực tế: Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad chỉ trích lời của Ayatollah Khomeini rằng sự xâm lược của Israel ở Jerusalem phải chấm dứt. Tuy nhiên đây không phải là lời cam kết sẽ dùng xe tăng và tấn công, hay phóng tên lửa.
Người Mỹ tin rằng: Người Iran luôn phủ nhận người Do Thái.
Thực tế: Điều này là không thực tế. Chỉ một số người như thế, số còn lại thì không. Nhiều người được giáo dục tại Iran vẫn ý thức được sự tôn trọng đối với người Do Thái.
Người Mỹ tin rằng: Iran, giống như Triều Tiên đang có chương trình sản xuất vũ khí nguyên tử, và cả hai đều là mối đe dọa với thế giới.
Thực tế: Iran có địa điểm làm giàu uranium tại Natanz, gần Isfahan cho các lò phản ứng hạt nhân dân sự để sản xuất điện. Tất cả những lãnh đạo Iran phủ nhận rằng địa điểm này dùng để sản xuất vũ khí, trong khi Cơ quan Năng lượng Quốc tế IAEA vẫn liên tục kiểm tra và không thấy có chương trình sản xuất vũ khí nào.
Người Mỹ tin rằng: Phương Tây vừa phát hiện một cơ sở sản xuất vũ khí hạt nhân bí mật của Iran tại vùng núi gần Qom.
Thực tế: Iran đã thông báo trước đó với IAEA về việc nước này bắt đầu xây dựng cơ sở làm giàu uranium thứ hai gần Qom và đã đồng ý cho cơ quan này đến giám sát. Ngay cả Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ cũng thừa nhận rằng Iran không thể sản xuất vũ khí hạt nhân tại Natanz vì nó đang được giám sát chặt chẽ. Nhưng cánh diều hâu tại Mỹ vẫn liên tục đòi tấn công vào địa điểm này.
Người Mỹ tin rằng: Nếu Iran không phải mối họa hạt nhân thì cộng đồng quốc tế đã không phải áp đặt lệnh trừng phạt hay quan ngại về nước này.
Thực tế: Có thể đưa ra những kết luận ngay từ chính công nghệ ly tâm mà Iran đang sử dụng để làm giàu uranium. Trước đây, bạn có thể biết được quốc gia nào muốn có bom hạt nhân bằng việc xem xét nước đó đang xây dựng các lò phản ứng nước nhẹ (không dùng để sản xuất bom) hay lò phản ứng nước nặng (có thể dùng để sản xuất bom hạt nhân). Nhưng với những máy ly tâm, một khi bạn có thể làm giàu tới 5% để làm nguyên liệu cho các lò phản ứng dân sự, về lý thuyết bạn có thể làm giàu lên đến 90% qua nhiều lần liên tiếp để chế tạo bom.
Tuy nhiên, khi mà các nhà máy ly tâm đang được giám sát chặt chẽ thì họ không thể làm được chuyện đó để sử dụng chế tạo bom. Việc lắp đặt những thiết bị, đặc biệt là máy ly tâm, cũng không phải đơn giản, tốn rất nhiều nước, nguyên liệu xây dựng, và nhiều thứ khác, vì thế việc bí mật xây dựng một cơ sở chế tạo vũ khí hạt nhân cũng hết sức khó khăn. Thêm vào đó, Israel, Pakistan và Ấn Độ cũng là những nước có hạt nhân, nhưng lại từ chối ký vào Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân NPT, mà không vấp phải sự phản đối từ Hội đồng Bảo an.
-
Đình Ngân (Theo Salon.com)