Cùng ngân hàng Grameen của mình, tiến sĩ Muhammad Yunus - người được mệnh danh là nhà ngân hàng vì người nghèo - đã nhận được giải Nobel hoà bình 2006.
>>Nobel hòa bình thuộc về một cá nhân và tổ chức Bangladesh
Tiến sĩ Muhammad Yunus. |
Ông Muhammad Yunus, chủ ngân hàng, nhà kinh tế và người đưa ra khái niệm về tín dụng nhỏ (mở rộng các khoản cho vay nhỏ tới các doanh nghiệp nghèo đủ tiêu chuẩn vay ngân hàng). Yunus còn là người sáng lập ngân hàng Grameen.
Sinh năm 1940 tại Chittagong, ông Yunus theo học tai trường Chittagong Collegiate và Chittagong College. Ông lấy bằng Cử nhân và Thạc sĩ về kinh tế tại trường đại học Dhaka, bằng tiến sĩ về kinh tế tại trường đại học Vanderbilt năm 1969 sau khi nhận được học bổng Fullbright. Sau đó một thời gian, ông Yunus về trường đại học Chittagong làm giáo sư kinh tế.
Năm 1974, khi nạn đói đang hoành hành ở Bangladesh, ông Yunus bắt đầu bước vào cuộc chiến chống đói nghèo. Nhà kinh tế học này thấy rằng các khoản vay cực nhỏ có thể làm nên sự khác biệt quan trọng đối với khả năng sống còn của một người nghèo.
Các giải thưởng mà ông Yunus đã nhận được |
1978 — Giải thưởng của Tổng thống Bangladesh 1984 — Giải thưởng Ramon Magsaysay, Philippines 1985 — Giải thưởng Ngân hàng Bangladesh 1987 — Giải thưởng Ngày độc lập (Shwadhinota Dibosh Puroshkar), Bangladesh 1989 — Giải thưởng Aga Khan, Thụy sĩ 1993 — Giải thưởng Nhân đạo CARE 1994 — Người chiến thắng trong giải Lương thực thế giới 1996 — Người chiến thắng trong giải Simón Bolívar của UNESCO 1998 — Nhận giải Hoàng tử Asturias 1998 — Giành giải Hòa bình Sydney 2004 — Giành giải của báo The Economist về nỗ lực cải tổ xã hội và kinh tế. 2006 — Nhận Học vị tiến sĩ danh dự tại trường đại học Mỹ ở Beirut 2006 — Giải Mẹ Teresa, Kolkata, Ấn Độ 2006 — Giải Hòa bình Seoul lần thứ 8, Giải Nobel hòa bình 2006 Cùng 46 giải thưởng khác, tổng cộng 61 giải thưởng. |
Khoản đầu tiên mà ông cho vay chỉ là 27 USD tiền túi. Người vay là các phụ nữ ở làng Jobra, gần trường đại học Chittagong - đây là những người chuyên làm nội thất bằng tre. Những phụ nữ này bán lại các sản phảm làm ra cho các chủ nợ để tái thanh toán những khoản vay lãi cắt cổ mà họ dùng để mua tre. Với số tiền lãi nhỏ nhoi, những người phụ nữ này không thể tự nuôi sống bản thân hay gia đình. Tuy vậy, các ngân hàng truyền thống vẫn không muốn cho người nghèo vay những khoản tiền nhỏ vì cho rằng đó là nợ khó đòi.
Bước ngoặt - Thành lập Ngân hàng Grameen
Năm 1976, ông Yunus thành lập Ngân hàng Grameen chuyên cho người nghèo Bangladesh vay tiền. Kể từ đó tới nay, ngân hàng Grameen đã cho 5,3 triệu người vay 5,1 tỷ USD. Để đảm bảo người vay sẽ thanh toán, ngân hàng đã sử dụng một hệ thống ''các nhóm phụ thuộc lẫn nhau''. Các nhóm nhỏ không chính thức đó cùng nộp đơn xin vay tiền và các thành viên trong nhóm là đồng bảo lãnh thanh toán.
Cùng với sự phát triển, ngân hàng Grameen đã đưa ra một số loại hình tín dụng phục vụ cho người nghèo. Ngoài các khoản tín dụng nhỏ, ngân hàng còn cho vay mua nhà, cấp tiền vay cho các dự án đánh bắt và tưới tiêu, dệt may và nhiều hoạt động khác bên cạnh các dịch vụ ngân hàng như tiết kiệm.
Sự thành công của mô hình ngân hàng Grameen đã khuyến khích cho các mô hình tương tự tại các nước đang phát triển và các quốc gia công nghiệp gồm cả Mỹ. Mô hình tín dụng nhỏ của Grameen đã phát triển ra 23 quốc gia. Hơn 96% các khoản vay của Grameen thuộc về phụ nữ, những người đang chịu cảnh bất công do đói nghèo, những người cống hiến hầu hết số tiền kiếm được cho gia đình.
Ngân hàng Grameen - khắc tinh của đói nghèo
Nhận thấy những phụ nữ có thể thoát cảnh đói nghèo khi được vay vốn để khởi nghiệp hoặc mở rộng kinh doanh nhỏ, Tiến sĩ Muhammad Yunus đã quyết định thành lập ngân hàng Grameen năm 1976.
Sau khi lấy được bằng tiến sĩ kinh tế tại Đại học Vanderbilt, Yunus trở về Bangladesh dạy học. Ông nhận thấy rằng, rất nhiều người nghèo mà ông gặp đều có chung một vấn đề khiến họ vẫn mãi trong cảnh đói nghèo - đó là không được tiếp cận các khoản tín dụng.
Những người cho vay tiền thường lấy lãi cắt cổ, và đó là nguyên nhân khiến người nghèo vẫn mãi trong vòng luẩn quẩn đói nghèo bởi lẽ những người vay tiền phải trả nợ hầu hết những gì họ kiếm được.
Để hiểu thêm về vòng luẩn quẩn này, Yunus cùng sinh viên tới một làng để tìm hiểu có bao nhiêu người làng có thể sử dụng khoản tín dụng nhỏ để tự giải thoát cho mình khỏi cảnh lao động bị xiết nợ. Họ trở lại trường với bản danh sách 42 người cần 856 "Takas," tương đương 26 USD. Và, đó là cơ sở hình thành lên dịch vụ ngân hàng dành cho người nghèo nông thôn.
Nghiên cứu của Yunus và các sinh viên của mình tập trung vào 2 cách mở rộng các cơ sở ngân hàng cho người nghèo, thủ tiêu sự bóc lột của những kẻ cho vay nặng lãi thông qua việc tạo cơ hội tự tạo việc làm cho những nguồn nhân lực không có việc làm hoặc thiếu việc làm.
Sau khi xác định phương thức hoạt động, nhóm của Yunus lại tiếp tục tập trung vào các biện pháp để đưa những người thiệt thòi vào một mô hình tổ chức mà ở đó họ có thể hiểu, hoạt động và tìm thấy sức mạnh kinh tế xã hội thông qua hình thức hỗ trợ lẫn nhau.
Cuối cùng, nhóm của Yunus đã đi đến kết luận chuyển chu kỳ ''thu nhập thấp, tiết kiệm thấp, đầu tư thấp'' trở thành "thu nhập thấp, tín dụng, đầu tư, thu nhập cao hơn, tín dụng nhiều hơn, đầu tư nhiều hơn, thu nhập nhiều hơn''.
30 năm đã trôi qua, giờ đây Grameen Bank tiếp tục theo đuổi thông lệ truyền thống của ngân hàng, từ bỏ các thủ tục phức tạp, thành công trong việc tạo ra một hệ thống ngân hàng dựa trên sự tin tưởng lẫn nhau, tinh thần trách nhiệm, khuyến khích sự tham gia của mọi thành phần và sáng tạo. Ngân hàng đã trở thành điểm sáng trên thế giới trong lĩnh vực phát triển doanh nghiệp nhỏ, cung cấp tín dụng cho người nghèo và đặc biệt Grameen Bank được coi là cỗ máy thúc đẩy tiến trình phát triển kinh tế xã hội.
Vào ngày 31/7/2006, Grameen Bank đã giải ngân 5,6 tỷ USD cho khoảng 6,5 triệu người nghèo, trong đó 96% là phụ nữ nông thôn. Ngân hàng cũng đã thu được khoảng 5 tỷ USD tiền thanh toán, tỷ lệ thu hồi nợ đạt 98%.
Grameen Bank đã dành 891.000 khoản vay cho các doanh nghiệp nhỏ, trị giá khoảng 310 triệu USD, trong đó 204 triệu USD - chiếm 66% - đã được thanh toán. Ngoài ra, ngân hàng còn cấp vốn cho dự án xây 637.000 ngôi nhà và phát triển giáo dục. Grameen Bank có tổng cộng 2.211 chi nhánh, đặc biệt trong đó hơn 1.065 chi nhánh có lượng tiền gửi nhiều hơn tiền cho vay.
Hiện tại, trên thế giới có khoảng 168 bản sao của Grameen Bank tại 44 quốc gia. Mỗi tuần, một bản sao mới của Grameen Bank lại được ra đời ở một nơi nào đó. Tham vọng của Grameen là cho vay tín dụng cho khoảng 1,3 tỷ người nghèo nhất thế giới cho đến năm 2025.
Lấy ví dụ ở Jamaica, chỉ 5% dân số kiểm soát đến 80% của cải đất nước, và thật đáng buồn 95% số người còn lại chỉ được hưởng vẻn vẹn 20%. Và như vậy, một mô hình như Grameen Bank mà Tiến sĩ Yunus thành lập ở Bangladesh năm 1976 cần được nhân rộng khẩn trương tại Jamaica và khắp thế giới.
-
Trần Kiên - Hoài Linh (tổng hợp)