221
5362
Nhân vật và đối thoại
nhanvat
/thegioi/nhanvat/
980584
Những khuôn mặt lịch sử 11/9: Ngày ấy và bây giờ
1
Article
445
Quốc tế
thegioi
/thegioi/
Những khuôn mặt lịch sử 11/9: Ngày ấy và bây giờ
,

"Người bụi" tại Trung tâm Thương mại Thế giới (WTC); Bộ ba lính cứu hỏa cắm quốc kỳ Mỹ tại Vùng Bình Địa; Người đã thì thầm tin tức các cuộc tấn công khủng bố 11/9 vào tai Tổng thống Bush... Sáu năm trước, hình ảnh của họ xuất hiện khắp nơi. Giờ đây, họ ra sao?

>>Vụ khủng bố 11/9 - sáu năm nhìn lại

B
Ảnh AFP

Bob Beckwith: Người lính cứu hỏa được TT Bush quàng vai

Khi người lính cứu hỏa về hưu Bob Beckwith đứng cạnh Tổng thống Bush tại Vùng Bình Địa (Ground Zero) vài ngày sau vụ 11/9, ông nhanh chóng trở thành biểu tượng mẫu mực về sức mạnh và sự phục hồi của nước Mỹ sau những cuộc tấn công kinh hoàng.

Beckwith đã lập tức tham gia công tác cứu hộ ở Vùng Bình Địa ngay sau khi ông biết con trai của người đồng nghiệp cũ nằm trong số hàng trăm lính cứu hỏa mất tích. Ông đội mũ sắt tới hiện trường và thuyết phục các nhà chức trách cho mình tham gia cứu hộ.

Vài ngày sau đó, Beckwith nghe tin Tổng thống Bush sẽ tới hiện trường để trực tiếp đánh giá mức độ bị tàn phá, ông đã bò lên trên nóc chiếc xe tải cháy dở để nhìn Tổng thống rõ hơn.

Rồi Beckwith giúp Tổng thống Bush lên xe tải khi đám đông hô vang "U.S.A., U.S.A". Ông Bush đã kéo Beckwith lại gần và bắt đầu phát biểu.

Ai đó trong đám đông hô lớn rằng họ không thể nghe rõ. Ông Bush, với cánh tay quàng qua vai Beckwith, đáp lời: "Tôi có thể nghe thấy các bạn, cả thế giới nghe thấy các bạn, và những kẻ hạ gục những tòa nhà này sẽ sớm nghe thấy tất cả chúng ta".

Những lời của Tổng thống đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ đám đông. Những tiếng reo hò nổi lên - và cái nhìn của người lính cứu hỏa già khi ấy tựa như lời đảm bảo với dân chúng trên khắp cả nước rằng tinh thần dân tộc không thể bị đè bẹp.

Bây giờ: Beckwith đã ở tuổi 74 và ông trở lại cuộc đời hưu trí sau 29 năm làm nghề. Ông dành thời gian đi khắp nơi trên thế giới để phát biểu và quyên tiền cho Quỹ New York Firefighters Burn Center Foundation.

Lisa
Ảnh AP

Lisa Beamer: Vợ nạn nhân chuyến bay 93

Sau vụ 11/9, dường như cô ở khắp mọi nơi. Người phụ nữ tóc vàng 32 tuổi tin chắc một sự thật rằng mình đã mất chồng trên chuyến bay 93. Chiếc máy bay này là duy nhất trong số 4 máy bay bị không tặc không tới được mục tiêu nhờ những hành động anh hùng của các hành khách, trong đó có Todd Morgan Beamer, chồng của Lisa.

"Let’s roll", câu nói sau cùng của Todd với người phụ trách tổng đài ngay trước khi máy bay lao xuống Shanksville, Pa., đã tổng kết sự dũng cảm hết mình của những người dân bình thường, cả nam lẫn nữ, những người đã chiến đấu chống lại bọn khủng bố

Tinh thần ấy - và sức mạnh của rất nhiều góa phụ 11/9 - đã hiện thân nơi Lisa Beamer, người mang trong mình bào thai 5 tháng tuổi vào thời điểm xảy ra vụ việc. Tổng thống Bush đã nhắc đến cô trong bài phát biểu trước Quốc hội ngày 20/9 và cô xuất hiện ở mọi ngõ ngách truyền thông, từ chương trình "Today" tới "Larry King Live" và tạp chí Nhân dân".

Beamer đã tốt nghiệp chuyên ngành kinh tế trường Cao đẳng Wheaton, ngôi trường mà cô gặp Todd và họ cưới nhau năm 1994.

Bây giờ: Sau khi sinh con gái, Beamer bắt đầu viết cuốn sách tựa đề "Let’s roll: Những con người bình thường, Lòng can đảm khác thường" về chồng mình và cuộc đấu tranh với nỗi đau mất chồng. Thêm vào đó, Beamer giúp tạo ra Quỹ Todd M. Beamer, một tổ chức từ thiện có trụ sở tại New Jersey hoạt động với mục đích giúp đỡ những trẻ em bị chấn thương. Quỹ này giờ đổi tên thành Heroic Choices.

Andrew Card
Ảnh Reuters

Andrew Card: Người báo tin vụ tấn công cho TT Bush

Chánh văn phòng Nhà Trắng Andrew Card là người đã ghé vào tai Tổng thống Bush thông báo tin tức về những cuộc tấn công kinh hoàng. Một bức ảnh được nhiều báo đăng tải cho thấy Tổng thống phản ứng một cách rất ngạc nhiên.

Trong chuyến thăm của ông Bush tới Trường Cấp 2 Emma E. Booker ở Sarasota, Fla., ông được thông báo rằng một máy bay đã đâm vào Trung tâm Thương mại Thế giới trong cái dường như là một vụ tai nạn.

Khi tòa tháp thứ 2 sập xuống, Card tới bên Tổng thống và thầm thì: "Máy bay thứ 2 đã đâm vào tòa tháp thứ hai. Nước Mỹ đang bị tấn công".

Bây giờ: Khi chính quyền Bush bị tụt giảm uy tín vì cuộc chiến ở Iraq leo thang, Card thông báo sẽ từ chức vào tháng 3 năm 2006. Ông đã phục vụ trong chính quyền Bush đầu tiên với vai trò là phó Chánh văn phòng Nhà Trắng và sau đó là thứ ký về vận tải. Quyết định từ chức của ông có hiệu lực ngày 14/4/2006.

Trong cuốn "State of Denial: Bush at War, Part III", tác giả Bob Woodward viết rằng Card từ chức bởi vì ông lo ngại cuộc chiến Iraq sẽ lại là một cuộc chiến Việt Nam, sau khi hai lần không thuyết phục được Tổng thống sa thải Bộ trưởng Quốc phòng Donald Rumsfeld.

Là một cựu thành viên của Tập đoàn General Motors, Card đã quay trở lại tham gia lĩnh vực tư nhân ngày 27/7/2006 khi công ty đường sắt Union Pacific bầu ông vào Ban Giám đốc của hãng.

Năm 2007, Card nhận được bằng danh dự tại Đại học Massachusetts Amherst. Tuy nhiên, quyết định này gặp phải sự la ó phản đối tại buổi lễ phát bằng của trường.

Ed Fine
Ảnh AFP

Ed Fine: "Người bụi" WTC

Là một doanh nhân làm việc tại Tập đoàn  Intercapital Planning Corp., có trụ sở tại New York, Ed Fine trở nên nổi tiếng sau vụ 11/9 nhờ một bức ảnh chụp ông trong trang phục đầy bụi với một tay dùng khăn ăn bịt miệng và mũi còn tay kia vẫn cầm túi xách. Cúi đầu, Fine nhọc nhằn lê bước qua những mảnh vụn đổ nát dưới chân tòa tháp sập. Chiếc đồng hồ phía sau ông chỉ 10h14’ sáng.

Fine đang đợi thang máy lên tầng 78 của Tháp bắc WTC thì chiếc máy bay của hãng American Airlines chuyến 11 đâm vào toà nhà. Nghĩ rằng một quả bom phát nổ, Fine và nhiều người khác vội thoát thân bằng cầu thang khẩn cấp. Fine xuống đường và bắt đầu chạy xa khỏi WTC khi Tháp nam ập xuống lúc 10h05’ sáng, nhận chìm mọi thứ trong khu vực bằng một làn mây đặc khói bụi và vụn vỡ. 

Ở đó, nhiếp ảnh gia Stan Honda của hãng AFP đã chụp hình Fine, bức ảnh mà nhiều trang web, nhiều tờ báo cùng với tạp chí trên toàn thế giới đã đăng tải. Vài ngày sau, một người bạn nói với Fine rằng anh xuất hiện trên trang bìa tạp chí Fortune. 

"Tôi chỉ chăm chăm một điều: Tôi phải tới khu phố trên, tôi phải tiếp tục sống sót, tôi phải bước đi" - Fine kể lại trên chương trình Today. "Và tôi không nhìn cũng chẳng nghĩ về điều gì ngoài sự sống sót". 

Bây giờ: Fine - đã có hai con lớn - đang sống ở ngoại ô New Jersey. Ông điều hành hai doanh nghiệp nhỏ với con trai Stuart, EIF Capital Services và công ty tư vấn thị trường trực tiếp Carpe DM. 

"Tôi tin rằng tôi đã được cứu sống vì một lý do nào đó, nhưng tôi không biết là gì", Fine kể trên báo Globe and Mail có trụ sở tại Toronto năm 2002. "Tôi tin rằng mọi thứ đều có liên hệ với nhau theo một cách thức nào đó. Bạn sẽ không biết là thế nào nhưng đúng là như vậy".

Fine cho biết ông không phải dạng anh hùng. "Bức ảnh tôi được chụp", ông tâm sự với tờ USA Today năm 2006. "Đó là một bức ảnh hoàn hảo, nhưng tất cả tôi đang cố gắng thực hiện khi ấy chỉ là tới được khu phố trên".

Fine nói rằng trước ngày 11/9, ông là một người tham công tiếc việc. Vào những ngày nghỉ, ông thường dùng "nửa ngày để nói điện thoại và nửa ngày còn lại trên máy tính". Nhưng giờ thì "nếu mỗi ngày tôi gọi một cuộc điện thoại cho công việc thì đó là nhiều lắm rồi".

Chiếc cặp dẹt màu đen méo mó mà Fine cầm trong cái ngày 11/9/2001 giờ được giữ trong phòng riêng của ông. Ông sử dụng nó thêm vài năm sau nữa cho đến khi vợ ông khăng khăng ông cần thay cái mới. Ông nhất trí nhưng "tôi cảm thấy mình có chút không trung nghĩa", tờ USA Today dẫn lời Fine. 

Còn bộ quần áo năm xưa, màu xám, hiệu Joseph A. Banks, ông mua cuối những năm 1990 với giá khoảng 300 USD, ông đã đưa tới hiệu giặt khô và với 10 USD là nó trông gần như mới, theo Globe and Mail. 

Lutnick
Ảnh AP

Howard Lutnick: Tổng giám đốc Cantor Fitzgerald

Quyết định đưa con trai mình đi nhà trẻ ngày đầu tiên của Tổng giám đốc Cantor Fitzgerald Howard Lutnick đã cứu mạng ông. Không ai có mặt trong các văn phòng của công ty trên các tầng từ 101 tới 105 của Tháp bắc WTC trước 9h sáng ngày 11/9 sống sót.

Công ty buôn bán trái phiếu mất 658 người trong tổng số 1.025 nhân viên, nhóm đơn lẻ lớn nhất trong cuộc tấn công. Trong số họ có em trai của Lutnick và gần như toàn bộ nhân viên giao dịch, kế toán, luật sư và nhân sự của Cantor.

Ngay sau các cuộc tấn công, ông chủ của Cantor đã xuất hiện trên TV với cam kết sẽ bắt đầu một nhiệm vụ mới trong đời: chăm sóc gia đình những nhân viên thiệt mạng. Mặc dầu vậy, lòng trắc ẩn của ông dường như "chết yểu" khi ngày 15/9, ông ngừng các hoá đơn chi trả cho tất cả những nhân viên đã chết. Gia đình các nạn nhân cảm thấy bị xúc phạm nặng nề. 

Lutnick giữ nguyên quyết định, viện dẫn cần phải chứng tỏ sức cạnh tranh của công ty và các ngân hàng mà họ có ý định làm ăn. Nhưng đó là một thảm hoạ về quan hệ công chúng và ngày 19/9, Lutnick tuyên bố một kế hoạch giúp các gia đình nạn nhân - cam kết chia sẻ 25% lợi nhuận cho họ trong vòng 5 năm tới cộng với 10 năm bảo hiểm y tế. 

Bây giờ: Theo những thông tin thu thập được, Lutnick đã thực hiện rất tốt lời hứa. 

Nhanh chóng tạo dựng lại ở Midtown Manhattan, Cantor Fitzgerald sớm làm ăn có lãi và công ty tiếp tục mở rộng sang lĩnh vực giao dịch trực tuyến. Và thông qua quỹ cứu trợ, công ty đóng góp 25% lợi nhuận mỗi quý sau vụ 11/9 cho tới cuối năm 2006 - hơn 180 triệu USD cho gia đình và những người yêu quý của 658 nhân viên Cantor Fitzgerald thiệt mạng. 

Chính sách chia sẻ lợi nhuận 25% dừng vào cuối năm 2006 nhưng quỹ cứu trợ sẽ tiếp tục cung cấp bảo hiểm cho tới năm 2011 như một sự hỗ trợ về luật pháp, kinh tế và tình cảm cho gia đình các nạn nhân. 

Trong những năm gần đây, quỹ cứu trợ còn mở rộng tâm điểm của mình để giúp nạn nhân của Bão Katrina. 

Cantor Fitzgerald và các chi nhánh của công ty này hiện có khoảng 1.100 nhân viên ở New York City, và khoảng 2.200 lao động trên thế giới.

Ba lính cứu hoả
Ảnh The Bergen Record

Ba người với lá quốc kỳ tại Vùng Bình địa
Đó là một trong những hình ảnh có sức sống lâu nhất từ vụ 11/9: Ba lính cứu hoả New York - Daniel McWilliams, George Johnson và William "Billy" Eisengrein đang kéo lá cờ Mỹ giữa những đống đổ nát và hỗn loạn tại "bãi chiến trường" WTC vào buổi chiều ngày 11/9. 

Bức ảnh được chụp bởi Thomas E. Franklin, một thợ chụp ảnh cho tờ The Record ở Hạt Bergen, N.J., đã nhanh chóng xuất hiện trên các tờ báo, tạp chí và các kênh truyền hình khắp thế giới. Gợi lại hình ảnh mẫu mực mà Joe Rosenthal chụp được khi các binh sĩ Mỹ cắm quốc kỳ lên đảo Iwo Jima trong Thế chiến II, bức ảnh đã đánh đúng tình cảm của những biên tập viên và độc giả trên toàn thế giới. 

Bức ảnh - được đề cử cho Giải Pulitzer và giành được nhiều giải thưởng báo chí quốc gia - đã được in trên con tem bưu chính đặc biệt của Mỹ ra hồi tháng 3/2002 để gây quỹ cho gia đình những nhân viên khẩn cấp thiệt mạng hoặc bị tàn tật vĩnh viễn sau vụ 11/9. 

Bây giờ: Ba người lính cứu hoả trong bức ảnh nổi tiếng hiện vẫn đang làm việc cho Sở Cứu hoả New York, theo phát ngôn viên của Sở này. 

McWilliams, 41, tuổi, một người mặc áo quân nhân 15 năm giờ là trung uý thuộc Tiểu đoàn 37 ở Brooklyn. Anh sống ở Massapequa Park, Long Island.

Johnson, 42 tuổi, đang giữ cấp bậc đại uý tại Sở Cứu hoả New York và làm việc tại Sư đoàn 13 ở Queens, nơi anh sinh sống. 

Eisengrein, 43 tuổi, là lính cứu hoả tại đơn vị Cứu hộ 2 ở Brooklyn. Anh làm việc tại Sở Cứu hoả New York đã được hơn 20 năm. 

Kerik
Ảnh AP

Bernard Kerik: Cảnh sát trưởng New York
Bernard Kerik là trung tâm phối hợp phản ứng của thành phố về các cuộc tấn công 11/9 tại Trung tâm Thương mại Thế giới.

Kerik là một sĩ quan thi hành luật có nhiều kinh nghiệm và đạt thành tích cao trước khi lên đứng đầu lực lượng cảnh sát lớn nhất ở Mỹ. Ông được ca ngợi rộng khắp vì cách giải quyết khủng hoảng cũng như những thành công trong cắt giảm tội phạm ở New York, cải thiện quan hệ giữa cảnh sát với các cộng đồng thiểu số. 

Tuy nhiên, Keric - người đã chứng thực trước một tiểu ban Thượng viện và nỗ lực thúc đẩy việc xây dựng pháp chế giúp FBI chia sẻ thông tin với các quan chức địa phương - thông báo một tháng sau đó rằng ông sẽ không ở nguyên vị trí khi Thị trưởng Giuliani rời nhiệm vào tháng 1/2002. 

"Tôi phải đánh giá lại những gì tôi đã làm trong cuộc đời mình", Kerik nói tại một cuộc họp báo hồi tháng 11 năm 2002. "và những gì tôi trải qua trong 8 năm qua, quan trọng nhất là năm qua, và tiếp đó là 8 tuần qua. Tôi nghĩ bạn phải đặt ra các ưu tiên trong cuộc sống của mình, và các ưu tiên hiện nay của tôi là tập trung cho gia đình và tương lai". 

Bây giờ: Đó là một tương lai dường như rất sáng sủa. Ngay sau khi rời nhiệm, Kerik trở thành phó Chủ tịch cấp cao tại Giuliani Partners và được chọn làm người giám sát các nỗ lực tái thiết ở Iraq sau cuộc chiến 2003.

Và sau đó năm 2004, Tổng thống Bush chỉ định Kerik làm Giám đốc Uỷ ban An ninh Nội địa, ca ngợi ông là "một người cải cách có nhiều cống hiến, người quyết tâm đạt kết quả".

Đó cũng chính là lúc mọi thứ bắt đầu "sổ tung". Sau đó không lâu, một vài vấn đề được đưa ra ánh sáng, trong đó có quy định về thuế và nhập cư liên quan đến một người từng là vú em, thời điểm nghi vấn trong giao dịch cổ phiếu, những lời đồn đại về chuyện ngoại tình, những cáo buộc về việc lạm dụng tài sản của cảnh sát cho mục đích cá nhân và báo cáo sai về quà biếu. 

Kết quả của tất cả những sự việc này là Kerik đã rút lui và từ chức khỏi Giuliani Partners.

Giờ ông đứng đầu Tập đoàn The Kerik, một công ty tư vấn có trụ sở ở New York chuyên về quản lý khủng hoảng, quản lý rủi ro và an ninh. 

Osama bin Laden
Ảnh AP

Osama bin Laden: Trùm khủng bố

Đứng đầu mạng lưới khủng bố al-Qaeda, Osama bin Laden được coi là nghi phạm số 1 của loạt vụ tấn công 11/9 và Tổng thống Bush ngay lập tức tuyên bố sẽ bắt được bin Laden dù "còn sống hay đã chết".

Vốn đã bị truy nã vì tham gia vào các cuộc đánh bom phối hợp năm 1998 nhằm vào Đại sứ quán Mỹ ở Kenya và Tanzania cùng vụ tấn công tự sát năm 2000 trên tàu USS Cole giết chết 17 thuỷ thủ Mỹ ở Yemen, bin Laden là mục tiêu mà Mỹ treo giải thưởng 50 triệu USD. 

Bây giờ: Mặc dầu những lời đồn đoán rằng bin Laden có thể đã chết trong khi chạy trốn khỏi các cuộc truy lùng của Mỹ và liên quân, thủ lĩnh al-Qaeda tiếp tục tung ra nhiều cuốn băng nhắm tới những sự kiện hiện tại. CIA tiến hành phân tích độ tin cậy của cuộn băng và có giả thuyết rằng y có thể ẩn náu tại nhiều địa điểm khác nhau, trong đó có Pakistan, Afghanistan, Sudan và Ảrập Xêút.

Tháng 7/2006, Đài Phát thanh NPR và Thời báo New York đưa tin đơn vị CIA có tên Alec Station có nhiệm vụ săn lùng bin Laden và tay chân của y - đã giải thể cuối năm 2005. Trong khi một cựu quan chức phụ trách đơn vị này, Michael Scheurer, gọi đó là một sai lầm, một phát ngôn viên CIA khẳng định "các nỗ lực tìm kiếm Osama bin Laden vẫn mạnh mẽ hơn bao giờ hết".

  • Thanh Hảo (Theo MSNBC)
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,