Bản dự thảo hiến pháp của Palestine có chứa đựng các điều khoản quy định việc chuyển giao bớt quyền lực từ tay Tổng thống sang cho Thủ tướng. Tuy nhiên, phía Israel đã bác bỏ bản dự thảo hiến pháp trên và coi đó là cơ sở duy trì vị trí Tổng thống của ông Yasser Arafat.
Israel liên tục đánh phá khu vực do người Palestine kiểm soát. |
Trong khi đó, cuộc bầu cử tại Israel sẽ diễn ra trong vòng một tuần nữa. Các cuộc thăm dò cho thấy, Đảng Likud của đương kim Thủ tướng Ariel Sharon hiện đang chiếm thế thượng phong so với Công đảng.
Giới quan sát nhận xét, nếu chính trị gia gạo cội Shimon Peres lãnh đạo Công đảng, cuộc cạnh tranh với ông Sharon sẽ trở nên cực kỳ nóng bỏng.
Chủ tịch Công đảng Amram Mitzna - người ủng hộ đề xuất vãn hồi đàm phán hoà bình với Palestine và từng bị ông Sharon tẩy chay - tuyên bố sẽ không từ chức và sẵn sàng đối mặt với những áp lực trong vài ngày tới.
Hiến pháp mới của Palestine được coi là một bộ phận quan trọng trong kế hoạch hoà bình do Mỹ ủng hộ, đồng thời được đánh giá là ''lộ trình'' hướng tới một nhà nước Palestine độc lập tới năm 2005. Việc hoàn thành hiến pháp dự kiến sẽ trùng hợp với thời điểm ra đời Nhà nước Palestine lâm thời.
Tuy nhiên, bản đề xuất hiến pháp các quan chức Palestine cung cấp cho Hãng thông tấn AP không đề cập tới một số vấn đề chính như biên giới với Israel và giải pháp cho người tị nạn Palestine.
Theo dự thảo hiến pháp, nhân vật có quyền lực nhất Chính phủ là Tổng thống, người có quyền chỉ định Thủ tướng và đồng thời là nhà hoạch định chính sách chính. Thủ tướng sẽ chịu trách nhiệm điều hành Chính phủ hàng ngày. Ông Arafat giữ vai trò Chủ tịch kể từ khi Chính quyền Palestine được thành lập từ năm 1994.
Mới đây, trả lời phỏng vấn phóng viên Hãng thông tấn CNN, Chủ tịch Palestine Yasser Arafat khẳng định mong muốn tổ chức bầu cử càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, ông lên tiếng yêu cầu Quân đội nhà nước Do Thái phải rút khỏi các vùng lãnh thổ của người Palestine.
(Trần Kiên - Theo AP)